Sau Khi Trọng Sinh, Tôi Trở Thành Ông Trùm Giới Đồ Cổ

Chương 11

Khẽ thở dài, Vân Chu không còn bận tâm đến tung tích của con rồng kia nữa, chuyển tầm mắt trở lại hộp sắt.

Bên trong là một ít tiền xu, tem phiếu và những thứ lặt vặt khác mà bố cậu sưu tầm, cậu đổ hết những thứ này ra bàn, gạt riêng tiền xu sang một bên.

Gỡ lớp màng nhựa phủ bên trên ra, Vân Chu đếm thử, có tổng cộng hai mươi bốn đồng tiền cổ, đều là đời Thanh.

Mặt trước lần lượt ghi các chữ Thuận Trị Thông Bảo, Khang Hy Thông Bảo, Ung Chính Thông Bảo, Càn Long Thông Bảo và Gia Khánh Thông Bảo, đều là loại hàng truyền thế màu vàng sáng, chữ viết rõ ràng, không có nhiều dấu vết gỉ sét.

Cậu vừa nhìn đã hiểu, đây là bố cậu đang sưu tập Tiền Ngũ Đế.

Kiếp trước vì Phó Ngôn thích tiền cổ, cậu đã đặc biệt nghiên cứu rất lâu, rảnh rỗi là chạy đến chợ đồ cổ xem đồ thật, mua đủ loại sách về so sánh, nên cũng có hiểu biết nhất định về tiền cổ.

Vân Chu che giấu cảm giác buồn nôn dâng lên trong lòng, cúi mắt nhìn những đồng tiền này.

Tiền Ngũ Đế, là chỉ năm đồng tiền xu tròn lỗ vuông, tượng trưng cho trời tròn đất vuông, hội tụ khí của ngũ phương ngũ hành, trong văn hóa truyền thống có tác dụng trừ tà, chiêu phúc, đồng thời cũng là pháp khí phong thủy.

Ở Hoa Quốc, Tiền Ngũ Đế chia làm hai loại: Tiền Đại Ngũ Đế và Tiền Tiểu Ngũ Đế.

Tiền Đại Ngũ Đế là chỉ: tiền Bán Lạng đúc thời Tần, tiền Ngũ Thù thời Hán, Khai Nguyên Thông Bảo thời Đường, Tống Nguyên Thông Bảo thời Tống và Vĩnh Lạc Thông Bảo thời Minh.

Còn Tiền Tiểu Ngũ Đế là: Thuận Trị Thông Bảo, Khang Hy Thông Bảo, Ung Chính Thông Bảo, Càn Long Thông Bảo và Gia Khánh Thông Bảo.

Tiền Đại Ngũ Đế niên đại xa xưa, khó sưu tập, hơn nữa kiểu dáng, kích thước không đồng nhất, nên hiện nay mọi người đa phần sử dụng Tiền Tiểu Ngũ Đế, tức là tiền xu được đúc vào thời các vua Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh tại vị.

Tiền Ngũ Đế được đúc vào thời thịnh thế, thời gian năm vị hoàng đế Thanh triều này tại vị là giai đoạn hưng thịnh nhất của nhà Thanh, quốc vận cường thịnh, bá tánh an cư lạc nghiệp, xuất hiện thời kỳ “Khang Càn Thịnh Thế” nổi tiếng trong lịch sử.

Hơn nữa bản thân Tiền Ngũ Đế còn có thuộc tính Ngũ Hành, trong đó Thuận Trị thuộc phương Bắc hành Thủy, Khang Hy thuộc phương Đông hành Mộc, Ung Chính thuộc trung ương hành Thổ, Càn Long thuộc phương Tây hành Kim, Gia Khánh thuộc phương Nam hành Hỏa; thời gian tại vị của năm vị vua vừa tròn 180 năm, là một chu kỳ Tam Nguyên Cửu Vận hoàn chỉnh.

Điều này cũng khiến Tiền Ngũ Đế uy lực tràn đầy, là pháp khí mạnh mẽ hội tụ linh khí đất trời và đế vương chi khí, có thể trấn trạch (giữ yên nhà cửa), hóa sát (hóa giải tà khí), vượng tài (làm ăn phát đạt).

Thông thường, người ta đặt Tiền Ngũ Đế trong hộp đựng tiền để tăng tài lộc, đặt Tiền Ngũ Đế trong nhà có thể trừ tà đồng thời làm vượng gia vận, tài vận. Đặt Tiền Ngũ Đế trong xe có thể bảo đảm đi đường bình an, người gặp năm tuổi (phạm Thái Tuế) có thể dùng Tiền Ngũ Đế để trừ tà chống tai ương.

Trong năm vị hoàng đế này, vì Ung Chính Đế tại vị thời gian ngắn nhất, chỉ có mười ba năm, lại thêm việc đúc tiền nhiều lần bị ngừng rồi lại bắt đầu, dẫn đến số lượng Ung Chính Thông Bảo được đúc ra ít hơn nhiều so với các hoàng đế khác, giá cả cũng cao nhất.

Thông thường một đồng Ung Chính Thông Bảo phẩm tướng tốt, giá vào khoảng 200 - 400 tệ.

Giá của Thuận Trị Thông Bảo đứng thứ hai, còn giá của Khang Hy, Càn Long, Gia Khánh Thông Bảo thì rất thấp.

Khang Hy tại vị sáu mươi mốt năm, Càn Long tại vị sáu mươi năm, tiền do họ phát hành thông thường chỉ mười mấy hai mươi tệ là có thể mua được.

Đương nhiên, đây là nói về những phiên bản phổ biến nhất.

Vân Chu lật mặt sau của một đồng Khang Hy Thông Bảo, để lộ chữ viết phía sau, bên trái là chữ Mãn, bên phải có một chữ “Tô”, cho thấy đây là do Tô cục ở Giang Tô đúc.