Sau Khi Trọng Sinh, Tôi Trở Thành Ông Trùm Giới Đồ Cổ

Chương 8

Ông chủ Ngô đã gặp rất nhiều người bán bảo vật gia truyền, người thì ăn mặc rách rưới, thần thái tiều tụy, trông còn không bằng ăn mày ngoài đường, nhưng thứ họ mang ra bán lại đáng giá cả gia tài, còn có không ít đồ quý hiếm không thấy trên thị trường.

Giới đồ cổ là nơi điển hình cho câu không thể trông mặt mà bắt hình dong.

Thế là ông cười tủm tỉm nói: “Câuuj bạn nhỏ này có đồ vật cũ nào muốn bán sao? Nếu tiện thì có thể lấy ra để lão già này xem qua một chút không.”

Vân Chu gật đầu: “Cảm ơn ông chủ, tôi có một miếng ngọc bội gia truyền, không biết có phải là đồ vật có niên đại không, làm phiền ngài rồi.”

Ông chủ Ngô nghe vậy liền kinh ngạc liếc nhìn cậu một cái, trong lòng bất giác nảy sinh vài phần thiện cảm.

Thiếu niên này trông mặt còn non nớt, nhưng cử chỉ lại cực kỳ chín chắn ổn trọng, còn rất biết lễ nghĩa, so với nhiều người trẻ tuổi thậm chí người trung niên bây giờ còn tốt hơn một chút.

Ông mời đối phương đến một bàn trà ở gian trong, không vội giám định bảo vật ngay, mà dùng ấm tử sa pha một ấm trà Long Tĩnh Vũ Tiền, hai người nhấp vài ngụm trà rồi mới chính thức bắt đầu.

Đây là cách tiếp đãi khách hàng bao năm nay của Trân Bảo Các, vừa có thể giảm bớt tâm trạng căng thẳng của khách khi bán bảo vật gia truyền, vừa có thể tạo chút giao tình khi thương lượng giá cả, cho dù không đạt được thỏa thuận cũng không đến mức phải trở mặt.

Thưởng trà xong, Vân Chu lấy chiếc hộp gỗ đỏ cỡ lòng bàn tay từ trong ba lô ra, đẩy đến trước mặt ông chủ Ngô.

Ông chủ Ngô mở ra xem, vẻ mặt có chút kinh ngạc: “Ồ, là một món đồ ngọc? Trông có vẻ đã có tuổi rồi đây.”

Thông thường người đến chỗ ông bán đồ phần lớn là đồ sứ và thư họa, rất ít khi thấy đồ ngọc.

Sau đó cầm lên quan sát một lượt, tấm tắc khen: “Không tệ, là ngọc trắng Hòa Điền Tử Liệu điển hình, chất ngọc óng ánh ôn nhuận, màu sắc mềm mại. Miếng lớn thế này, chỉ có vương công quý tộc thời xưa mới dám dùng, bây giờ làm gì có loại tốt như vậy nữa.”

Tuy chỉ mới xem qua loa vài cái, nhưng ông chủ Ngô gần như có thể khẳng định, đây tuyệt đối là một món đồ cổ thật sự, hơn nữa còn là một món cực phẩm cực kỳ hiếm có.

Còn về niên đại, cần phải quan sát kỹ lưỡng mới có thể phán đoán.

Ông chủ Ngô lấy kính lúp chuyên dụng để giám định châu báu đặt trước mắt, đang định quan sát từng li từng tí, thì lại cảm nhận được một luồng âm khí cực kỳ lạnh lẽo tỏa ra từ miếng ngọc bội, suýt nữa làm đông cứng ngón tay ông, vội vàng đặt miếng ngọc trở lại hộp, trong lòng kinh hãi: Âm sát khí nặng quá!

Đồ cổ thông thường có hai loại: đào được từ đất lên và lưu truyền trong dân gian, ngọc cổ tự nhiên cũng bao gồm trong đó.

Những món đào từ đất lên phần lớn là đồ tùy táng của vương công quý tộc thời xưa, bị nhiễm âm khí bên dưới, trong thời gian ngắn sau khi được đào lên không thích hợp để đeo, người không cẩn thận thậm chí có thể gặp họa huyết quang.

Còn ngọc cổ truyền thế là chỉ những món đồ ngọc được coi là bảo vật gia truyền từ đời này sang đời khác từ thời Minh Thanh, hoặc những món luôn được lưu thông trên thị trường. Do thời gian được phát hiện đã lâu và được nuôi dưỡng bởi nhân khí, âm khí đã tan đi, đeo trên người có thể bảo bình an.

Miếng ngọc bội Bàn Long này có màu sắc tự nhiên, không có các loại thấm sắc không tốt lành như “huyết thấm” (màu thấm vào ngọc giống máu), lớp bao tương cũng rất dày, rõ ràng là được hình thành do người ta thường xuyên cầm nắm thưởng thức, lẽ ra phải là đồ truyền thế mới đúng, sao lại có âm khí mạnh mẽ như vậy?

Ông chủ Ngô không nhịn được hỏi: “Cậu bạn nhỏ nói thử xem, miếng ngọc này của cậu là có được như thế nào?”

Vân Chu: “Là đồ gia truyền ạ, nghe nói là cụ cố của cháu mua lại từ một người con cháu quan lại sa sút.”