Tiệm Cơm Ngõ Nhỏ Thập Niên 80

Chương 18

Từ sáng sớm, hàng xóm ở ngõ Dệt Kim đã kéo đến xem náo nhiệt.

Thời buổi này mọi người cũng chẳng có chuyện gì mới mẻ, việc có một tiệm ăn nhỏ mở ngay đầu ngõ nhà mình đã được coi là "chuyện lớn" của cả con phố, huống hồ họ vẫn chưa hiểu rõ món cơm đĩa đó rốt cuộc là gì, đang rất tò mò.

Cửa tiệm mở ra, một dây pháo nhỏ treo sẵn trên cửa được Tống Minh Du dùng diêm châm lửa, nổ lách tách vang dội. Một tay Tống Minh Du kéo rèm cửa lên, hàng xóm vừa nhìn đã kinh ngạc.

Ồ, đây mà là tiệm cơm nhỏ ư?

Ánh đèn sáng trưng, bên trên có phủ một lớp giấy màu be, tạo ra tông màu ấm áp, không lạnh lẽo như đèn sợi đốt truyền thống. Trên tường treo một tờ giấy phép kinh doanh, còn kèm theo ảnh của Tống Minh Du, trong tấm ảnh màu, cô gái cười tươi tắn, phóng khoáng.

Cả tiệm nhỏ trông rộng rãi và sạch sẽ, nào giống một quán ăn nhỏ mở trong ngõ, mà lại giống nhà hàng quốc doanh lớn mà mọi người thường không nỡ tiêu tiền vào.

Không đúng, nhà hàng lớn tuy sang trọng thật đấy, nhưng lại khiến người ta cảm thấy gò bó, không biết phải làm gì. Còn tiệm cơm nhỏ này lại được trang trí rất gần gũi, nếu không phải vì nhà bếp đặt ngay bên cạnh, thật sự khiến người ta có cảm giác ấm cúng như đang ăn cơm ở nhà.

Tống Ngôn Xuyên lon ton ôm một tấm bảng đen chạy ra, đặt ở cửa lớn đủ rộng cho hai người đi song song.

Trên bảng đen viết rất chu đáo: "Cơm đĩa có thịt lẫn rau, tặng canh miễn phí, một tệ một phần".

Chữ được tô lại bằng phấn, đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy bốn chữ "có thịt lẫn rau" được tô đậm cẩn thận, hai chữ "miễn phí" còn được viền bằng phấn đỏ. Tấm bảng đen đã gói gọn hết những điểm đặc sắc của tiệm cơm nhỏ.

Đây là Tống Minh Du đã suy nghĩ rất lâu mới quyết định. Nếu là bốn mươi năm sau, mặt tiền giản dị thế này chưa chắc đã thu hút được bao nhiêu khách, nhưng vào những năm tám mươi thuần phác, người bình thường nghe đến "đi ăn tiệm" là đã thấy ngại ngần, một tấm biển hiệu đơn giản rõ ràng lại hiệu quả hơn bất cứ thứ gì.

Quan trọng nhất là, còn có canh miễn phí.

Hai chữ "miễn phí" có một sức hút tự nhiên. Dù mấy chục năm sau, cuộc sống vật chất đã rất đủ đầy, vẫn có người vì quà tặng miễn phí mà ngồi lì trong livestream mấy tiếng đồng hồ chỉ để chờ rút thăm trúng thưởng, cũng có người vì những bữa ăn chùa trên các nền tảng mà bắt xe đi ăn cách xa mấy chục cây số.

Mà vào thời buổi này, hai chữ "miễn phí" lại càng là "chiêu chí mạng".

Mua cái gì mà không cần phiếu, không cần tiền chứ? Ngay cả một tuýp kem đánh răng, một cái bàn chải, cũng đều phải dùng phiếu để mua, lại còn phải trả tiền mới được mang về nhà. Thứ gì cũng phải dùng tiết kiệm, nếu có chút lợi lộc nào có thể kiếm được, thì người ta sẽ ùn ùn kéo tới.

Vậy mà tiệm cơm nhỏ này lại nói tặng canh ư?

Có người nhìn thấy hai chữ này là chân như bị níu lại. Mọi người chen chúc nhìn nhau, ai cũng thấy lòng ngứa ngáy. Họ còn chưa kịp quyết định, thì một gia đình bước ra từ đám đông, hai vợ chồng dẫn theo con trai con gái, đi thẳng vào quán.

Người “thử nghiệm đầu tiên” này, đương nhiên chính là gia đình Lâm Hương.

Trước đó Lâm Hương đã nói với Tống Minh Du, ngày mở quán gia đình họ nhất định sẽ đến ủng hộ Tống Minh Du. Đúng là hôm đó họ không chỉ đến, mà còn thay một bộ quần áo đẹp.

Thoạt nhìn, thật sự giống như một gia đình đưa con cái đi ăn ở nhà hàng quốc doanh.

Lâm Hương không để ý đến những lời bàn tán sau lưng. Hai vợ chồng dẫn hai đứa con vào tiệm cơm, lại một lần nữa kinh ngạc bởi khung cảnh bên trong.

Nếu nói mặt tiền là "danh thϊếp" của một quán ăn, thì danh thϊếp của tiệm cơm Minh Du quả là danh xứng với thực.

Bước vào tiệm, ánh đèn ấm áp chiếu từ trên cao xuống, hai dãy bàn gỗ đặt song song. Bên tay phải, cách một khoảng là khu bếp, thiết kế nửa kín nửa hở cho phép khách hàng nhìn thấy ngay những nguyên liệu sạch sẽ xếp gọn gàng trong rổ, trong chậu và chiếc bếp lò được lau chùi sáng bóng.

Ai mà không thích khu vực làm việc sạch sẽ, ngăn nắp chứ, chỉ cần nhìn thôi cũng đã thấy có cảm tình. Chưa kể Tống Minh Du lại có thói quen cực kỳ ngăn nắp khi chuẩn bị nguyên liệu. Lâm Hương là người chăm lo sinh hoạt hàng ngày cho cả gia đình, thói quen ngăn nắp này hoàn toàn làm hài lòng người có chút ưa sạch sẽ như cô ấy.

“Chị Lâm!”

Tống Minh Du tiến lên đón họ vào chỗ ngồi. Mặt bàn lau sạch sẽ, bên trên còn bày biện khá nhiều thứ nhỏ xinh, những chai nhỏ đựng xì dầu và giấm, thậm chí còn có một bát nhỏ đựng sa tế, bên cạnh là ống đựng đũa.

Lâm Hương sờ mặt bàn, bề mặt gỗ nhẵn mịn, không có dằm xước. Tống Minh Du nháy mắt với cô ấy: “Chị Lâm, chú Trần, trước đây đã được hai người chiếu cố, hôm nay em làm chủ, xin giảm giá 50% cho gia đình mình.”

Tống Minh Du thực ra muốn miễn phí cho họ.

Hai chị em cô chuyển đến đây đã làm phiền gia đình Lâm Hương không ít. Từ ngày chuyển nhà được Lâm Hương giúp một tay, đến những lúc ở nhà có gì không hiểu cô đều hỏi Lâm Hương. Ngay cả lần trước phòng quản lý nhà đất không cho nới tường ra ngoài, cũng là Lâm Hương đứng ra hòa giải. Cô có thể tìm được nhiều đồ tốt ở chợ đồ cũ, tất cả là nhờ có Trần Kế Khai, tổ trưởng tổ tuyên truyền của nhà máy cơ khí.

Trước khi mở tiệm thì càng không cần phải nói. Cô bận rộn liên tục, kiếp trước lại quen thức khuya, hoàn toàn không có thói quen quản lý đồng hồ sinh học. Lâm Hương thỉnh thoảng tan ca giữa đêm về nhà thấy cô vẫn còn ở tiệm, liền dúi cho cô ít hoa quả, như chuối, táo, bảo cô ăn lót dạ, đừng để mệt quá mà chóng mặt.

Không ai có nghĩa vụ phải đối tốt với ai cả, Tống Minh Du một mình từ nhỏ nên hiểu rõ điều này hơn bất cứ ai. Vì vậy cô mới quyết tâm phải cảm ơn gia đình Lâm Hương thật tốt. Nhưng Tống Minh Du cũng biết, nếu cô đề nghị miễn phí, Lâm Hương chắc chắn sẽ không đồng ý, còn trách cô quá khách sáo.

Dù sao tiệm cơm nhỏ của cô cũng đã mở, sau này còn nhiều lúc giúp đỡ lẫn nhau. Tống Minh Du nghĩ, đành lùi một bước, giảm giá 50%, một phần cơm đĩa một tệ chỉ còn năm hào.

Quán ăn Công Nông mở nhiều năm ở phía trước kia, mì không cũng đã năm hào, nếu có thêm chút thức ăn như món gà xào gừng non, thì phải mất một tệ bảy hào năm xu.

So sánh ra, cơm đĩa năm hào một phần quả thực vừa rẻ vừa thiết thực, vừa thể hiện thành ý, lại không đến mức khiến Lâm Hương từ chối.