Xạ Tình Mafia: Sở Hữu Em, Trói Buộc Em

Chương 15: Ký ức về mẹ

Không điện thoại. Không ví.

Bỏ quên ở nhà rồi.

Người bán hàng đã quét gần xong đống đồ. Bạch Ly đứng ngây ra, lần đầu trong nhiều năm cảm thấy bản thân giống một con ngốc thật sự.

Cô không muốn nhờ Gia Hựu.

Thật sự không muốn.

Nhưng khi ánh mắt cậu đang đảo quanh, như thể đã hiểu chuyện, chuẩn bị mở miệng nói câu gì đó đầy nghĩa hiệp thì một giọng nói cắt ngang từ sau lưng: “Để tôi.”

Cả hai cùng quay đầu.

Trình Hàn Xuyên đứng ở đó. Tay đút túi quần, áo sơ mi xắn tay gọn gàng, mắt nhìn thẳng vào cô như thể sự có mặt của anh ở đây là điều dĩ nhiên.

Bạch Ly mở miệng, nhưng không kịp nói gì.

Người thu ngân đã lịch sự: “Tổng cộng 40 tệ ạ.”

Anh rút ví, thanh toán gọn gàng như việc giúp cô là một thói quen cũ.

Bạch Ly siết chặt quai túi mua hàng, giọng rít nhẹ: “Tôi có nhờ đâu.”

“Không sao.” Anh quay sang, mắt ánh lên một nét đùa cợt: “Cô cũng đâu từ chối.”

Gia Hựu đứng cạnh thì như nhai không mượt viên kẹo cao su trong miệng.

“Ơ, đội trưởng? Anh… anh đến siêu thị làm gì? Tôi tưởng anh về rồi chứ?”

“Chưa chọn được món gì hết sao?” Cậu hỏi tiếp.

Hàn Xuyên chỉ nhún vai: “Tôi đi tìm một món hiếm gặp. Vừa nãy thấy nó đứng trước quầy thanh toán, mặt thì tái, mà má thì đỏ. Lạ thật.”

Gia Hựu lặng người một giây rồi há miệng nhận ra: “Ý anh là...”

“Cà chua biết đỏ, chín mọng, không dễ mua đâu.” Hàn Xuyên thản nhiên nói, không nhìn ai ngoài Bạch Ly.

Cô nghiến răng: “Tôi không phải món hàng để anh trêu đâu.”

“Chắc rồi.” Anh cười nhẹ, ánh mắt lại rơi vào đôi tai đang đỏ bừng của cô: “Chỉ không ngờ một ‘cô thợ nail’ luôn tỉ mỉ trong nghề lại hay quên ví với điện thoại đến vậy.”

Bạch Ly quay mặt đi, không nói gì nữa. Lúc này cô ước gì có thể biến mất khỏi quán ngay lập tức, trước khi... bản thân lại đỏ mặt vì mấy lời vu vơ ấy.



Cả ba bước ra khỏi siêu thị, ánh nắng chiều đã dịu hơn, loang vàng mặt như được phủ một lớp bơ mềm. Gió thổi nhẹ qua tán cây ven phố, kéo theo cả mùi khói bếp đâu đó từ một quán ăn nhỏ.

Trình Hàn Xuyên đi phía bên phải, tay vẫn đút túi quần, dáng bước thong thả, ánh mắt thì không rời cô gái đang đi lặng lẽ phía trước.

“Thợ nail.” Anh mở lời, giọng mang theo cái vẻ nhàn nhạt mà không hiểu sao lại khiến người ta nghe rõ từng chữ: “Nghề đó yêu cầu kỹ năng tay khéo, mắt tinh, động tác chính xác, không vụng, không run tay để tránh cắt trúng khoé của khách.”

Bạch Ly không đáp.

“Vậy mà có người sáng nay buộc dây giày lệch nút, thiếu lực, mất cân bằng. Còn hôm nay thì... quên ví, quên điện thoại.”

Cô vẫn không quay đầu, bước đều như thể chẳng nghe thấy gì.

“Nói dối cũng nên chọn nghề dễ hơn một chút, cô gái à.” Anh buông câu cuối cùng, như thể nói chuyện với gió.

Bạch Ly thở nhẹ. Không dài, không gấp. Cô không buồn phản bác, vì... cũng chẳng có gì để bào chữa. Khi nói mình làm nghề nail, chỉ là nghĩ đến hình ảnh mẹ — người phụ nữ từng ngồi sau cửa kính tiệm làm móng nhỏ ở khu chợ xập xệ, tay luôn nhuộm mùi acetone và mắt thì không bao giờ để ý đến con gái mình.

Vậy mà giờ, một phần của người mẹ ấy — dù chỉ là một cái nghề lại vô thức trở thành tấm màn cô giăng ra để che thân phận.

Cô cầm chai nước ép lựu vừa mua, mở nắp, tu một ngụm cho dịu cổ họng đang khô rát vì mấy lời cà khịa của tên đàn ông phiền phức kia.

Vừa định nuốt, thì...