Năm Tháng Biết Mùa Hạ Dài

Chương 2

Lâm An Văn bật cười: “Vậy chẳng bằng cho ba cái thẻ xe buýt cho gọn. Hơn nữa ba là người mù, mù rồi còn hóng gió cái gì?”

“Chính là để khoe mẽ đấy chứ còn gì!” Lâm Tri Hạ cười híp mắt, khoác tay ba, bước từng bước qua con hẻm nhỏ ngập đầy nước bẩn, hướng về ngôi nhà mới của hai ba con.



Khu dân cư Vĩnh An là khu “làng trong phố” lớn nhất và cũng cổ nhất tại thành phố Phong.

Trước thời kỳ cải cách, nơi đây từng là khu dân cư trung tâm, nơi hàng trăm nghìn cư dân cũ chen chúc sinh sống.

Làn gió đổi mới của thời đại không kịp thổi tới nơi này khiến nó như bị thời gian bỏ lại phía sau, trở thành một dấu vết nhòe nhoẹt trên gương mặt thành phố, tuy không đẹp đẽ nhưng lại chẳng thể xóa nhòa.

Vĩnh An nằm ở góc tây nam của khu phố cũ, đối diện với khu đô thị mới bên kia bờ sông. Một bên giàu sang phồn hoa, một bên nghèo khó cũ kỹ nhưng lại cùng uống một dòng nước.

Khi thành phố Phong tiến hành quy hoạch và phát triển, từng có doanh nghiệp bất động sản định dỡ bỏ Vĩnh An. Nhưng trước những yêu cầu trên trời của cư dân nơi đây, bọn họ đành chùn bước.

Tầm nhìn của dân thường vốn không xa, nhưng đám nhà đầu tư lại chẳng thể làm ngơ trước khoảng đất rộng mênh mông phía bên kia bờ.

Tòa nhà cao tầng mọc lên san sát như nấm sau mưa, những bức tường kính sáng bóng phản chiếu sóng nước lung linh. Trong khi đó, những căn hộ xập xệ của khu Vĩnh An chỉ biết gồng mình tồn tại giữa làn gió đổi thay của thời đại.

Những căn nhà tạm không phép bị dỡ rồi lại dựng, dựng rồi lại dỡ. Dân cư nơi đây mang tinh thần cách mạng du kích của cha ông ra chiến đấu bền bỉ với các phòng quy hoạch đô thị và cơ quan phòng cháy chữa cháy, không hề nao núng.

Khi giá nhà ở thành phố Phong không ngừng leo thang, khu dân cư Vĩnh An lại càng không dám nghĩ đến chuyện giải tỏa. Nó giống hệt một cô gái lớn tuổi chẳng ai mai mối, bị người ta gác sang một bên trong cảnh lỡ thời, lỡ duyên.

Địa thế phức tạp, hạ tầng cũ kỹ, an ninh cũng chẳng ra gì, thế nhưng lại nằm giữa khu vực trung tâm của phố cũ. Vĩnh An vì thế trở thành lựa chọn hàng đầu của tầng lớp lao động nhập cư khi muốn bám trụ lại thành thị.

Đầu hạ năm ấy, Lâm An Văn dắt theo cậu con trai mười hai tuổi, Lâm Tri Hạ, dọn về sinh sống trong một góc nhỏ của khu dân cư Vĩnh An.



Lâm An Văn là một người mù làm nghề xoa bóp bấm huyệt. Trước kia ông từng làm việc tại một tiệm massage trong khu phố, là một thầy thuốc có tiếng, ai nhắc đến cũng phải tấm tắc khen ngợi.

Mẹ ruột của Lâm Tri Hạ mất từ khi cậu còn chưa kịp nhớ mặt. Khi ấy, Lâm An Văn vẫn còn sáng mắt, đang làm công nhân kỹ thuật trong nhà máy.