Làng Vụ Lý là một xóm núi nhỏ bé ở vùng Thiểm Tây xa xôi, quanh năm chẳng giao thiệp với bên ngoài, người đời không biết đến nó, nó cũng không biết người đời.
Ở cổng làng có gốc hòe già nghìn năm tuổi, dưới gốc cây thường có một bà lão hay ngồi, hai mắt bà mù lòa, người trong làng bèn gọi bà ấy là Thím Mù, nghe nói năm xưa bà ấy không mù, đến năm 62 tuổi lại đột nhiên bị mù.
Thím Mù có nuôi một con mèo, là mèo đen. Nghe người trong làng nói, con mèo kia đã sống hơn hai mươi năm. Người ta vẫn có câu: "mèo không quá tám, chó chẳng quá mười", thế mà con mèo hơn hai mươi tuổi kia của bà ấy vẫn sống, lại còn là màu đen.
Về sau, người trong làng thường đồn rằng mắt của Thím Mù chính là bị con mèo này làm hại. Chẳng qua, hình như Thím Mù chẳng thèm để ý, vẫn thích ôm mèo ngồi dưới gốc hòe già vào mỗi chạng vạng tối những ngày trời quang mây tạnh.
Mặc dù mắt Thím Mù bị mù thật, nhưng lòng bà rất sáng, ai bước qua trước mặt bà đều biết cả. Nhưng con người bà trước giờ không giữ mồm giữ miệng, lúc nào cũng nguyền rủa người ta, hơn nữa miệng còn vô cùng linh nghiệm. Nếu hôm nay Thím Mù bảo anh bị họa sát thân, thì anh chắc chắn sẽ bị ngã vỡ đầu. Sáng mai Thím Mù bảo anh sẽ gặp xui xẻo, vậy thì chắc chắn anh sẽ mất tiền. Dần dà lâu ngày, người trong làng đều sợ bà ấy, mỗi lần trông thấy bà ấy đều đi đường vòng tránh né.
Chỉ có duy nhất một người dám đi qua trước mặt Thím Mù, đó chính là Vương Nhị. Cậu là cháu trai của thợ mộc Vương ở đầu làng, tên thật là Vương Thiên, trên cậu còn một người chị gái, cậu xếp thứ hai trong nhà, cho nên tên cúng cơm là Vương Nhị. Sở dĩ cậu không sợ Thím Mù, thứ nhất là vì Thím Mù từ trước tới giờ chưa từng nguyền rủa cậu, còn giúp cậu tránh mấy tai kiếp, thứ hai là bởi vì ông nội cậu là thợ mộc Vương.
Trong làng truyền tai nhau rằng, trước lúc lâm chung, thợ mộc Vương đã gọi con trai ông, cũng chính là cha của Vương Nhị vào gặp mình, dặn dò rằng sau khi ông chết rồi, tuyệt đối không được dùng cỗ quan tài thượng hạng để ở sau nhà kia, đó là quan tài để dành cho Thím Mù, nhất định phải giữ lại cho bà ấy. Thế thì bà ấy có thể đảm bảo cho đời thứ ba nhà họ Vương của ông được bình an. Dặn dò xong là người cũng nhắm mắt xuôi tay.
Cha của Vương Nhị là một người con có hiếu, đương nhiên không dám làm trái ý cha, về sau, cỗ quan tài vẫn để trong nhà họ Vương. Theo lời của cha Vương Nhị thì một ngày kia, Thím Mù mà mất, phải dùng cỗ quan tài đó hạ táng bà ấy.
Chính là vì lí do này, Thím Mù chưa bao giờ nguyền rủa Vương Nhị. Hôm nay, Vương Nhị tan học trở về nhà, lại đi qua gốc hòe già.
"Thằng chó chết nhà Vương Tề Thuận tới rồi đấy à?"
Vương Tề Thuận là tên cha Vương Nhị, ông kế tục tay nghề của cha mình - cũng tức là ông nội của Vương Nhị, tiếp tục làm nghề thợ mộc. Chẳng qua tay nghề kém hơn ông nội Vương Nhị khá nhiều, chuyện làm ăn quả thực cũng ế ẩm hơn đôi chút.
"Vâng, là cháu, bà ạ!"
Vương Nhị từ nhỏ đã gọi Thím Mù là Bà Mù.
"Trở về nói với cha mày, bảo nó dùng máu chó đen pha với máu trên mào gà trống, cộng thêm tro bụi trên hoành phi treo ở cửa chính từ đường làng ta rồi thỉnh một lá bùa trừ tà dán ở đầu giường mày, không thì đêm nay mày không yên ổn đâu, đã nghe rõ chửa?"
Thím Mù vừa hỏi cậu "đã nghe rõ chưa", thì con mèo trong lòng bà ấy cũng thò đầu ra, hướng về phía Vương Nhị kêu một tiếng "meow~" nghe vô cùng trong trẻo và êm tai.
"Cháu nghe rõ rồi ạ!"
Vương Nhị khẽ gật đầu, tranh thủ thời gian chạy về nhà. Hôm nay là sinh nhật tám tuổi của cậu, từ lúc cậu có kí ức tới giờ, mỗi năm đến sinh nhật cậu, Thím Mù sẽ nhắn cậu mấy lời cho cha, cha cậu cũng đều vô cùng nghe lời, bảo ông ấy làm gì thì làm cái đó.
Cha Vương Nhị nghe xong, lập tức bắt đầu hành động, bắt đầu đi khắp thôn tìm chó đen. Mà gà trống nhà mình cũng bắt lấy dùng kim chọc vào mào, nhưng làm thế nào cũng không bóp ra máu, cha cậu sốt ruột đến mức muốn vác dao chặt con gà trống này. Đúng lúc ấy, nghe được con mèo nhà Thím Mù ở bên ngoài kêu một tiếng, thế mà chỗ kim đâm lập tức chảy ra máu, hứng được gần nửa bát.
Cha Vương Nhị thấy hơi kinh ngạc, nhưng cũng không nghĩ nhiều, lại đi kiếm máu chó đen, cuối cùng phải đi lấy một ít tro bụi bám trên hoành phi treo ở cửa chính của từ đường làng.
Ngay khi cha Vương Nhị muốn lên cạo tro bụi thì trưởng làng xuất hiện, còn dẫn theo một đám dân làng tới ngăn cản ông:
"Tề Thuận này, trong từ đường làng ta đều đang thờ phụng tổ tông của chúng ta, anh muốn động vào hoành phi này chính là bất kính với tổ tông đấy. Nhỡ năm sau mưa không thuận, gió không hòa thì anh không gánh vác nổi hậu quả đâu."
Từ đường này không phải từ đường nhà ai cả, mà dùng để thờ phụng bài vị của tất cả những dân làng đã qua đời. Mỗi lần đến ngày tế tổ, cả làng sẽ tập trung hết lại, lần này cha Vương Nhị muốn động đến bức hoành phi kia, già trẻ lớn bé trong làng đều tới ngăn cản ông.
"Đúng, anh không thể đυ.ng vào được, mai mốt mà xảy ra chuyện, anh có gánh vác nổi không?"
"Đúng đấy!"
"Không sai được!"