Bụng đói cồn cào, Giang Tuyết không biết bây giờ đã là mấy giờ, cả bữa trưa lẫn bữa tối cô đều chưa ăn.
Cô mò vào bếp lục đυ.c tìm đồ ăn, định bụng lấy tạm vài cái bánh bao trong tủ, nhưng bánh bao đã cứng ngắc, phải hâm lại mới ăn được. Lúc mở nắp nồi, cô nhìn thấy bên trong có cả cơm lẫn thức ăn, được hâm nóng bằng một nồi nước sôi bên dưới, đến giờ chúng vẫn còn âm ấm.
Cô lặng người nhìn mâm cơm trước mặt, trong lòng dâng lên một cảm giác khó tả. Muốn kìm nén nhưng khóe mắt lại cay xè, chỉ trực trào nước mắt.
Cô cố nén lại, bưng chén cơm ngồi xuống ghế đẩu ở cạnh bếp lửa ăn từng miếng lớn.
Bố mẹ cô luôn như vậy, vào lúc cô cảm thấy mình không được yêu thương thì họ lại làm ra những điều khiến cô vô thức hy vọng.
Mà hầu hết những nỗi thất vọng trong đời đều bắt nguồn từ chính những hy vọng ấy.
Giang Tuyết sinh ra vào thời điểm làn sóng lao động bùng nổ ở thập niên chín mươi.
Khi bố mẹ cô vừa kết hôn, ông bà nội đã chia nhà cho các con trai. Nhà có năm người con, bác gái Giang Bình, bác cả Giang Thiên Thành, bố cô Giang Hải Dương xếp thứ ba, dưới bố còn một em trai là Giang Hà và em gái Giang Tiểu Điệp.
Lúc đó hai người em út vẫn chưa lập gia đình, bác gái Giang Bình thì đã lấy chồng từ lâu, vậy nên thực chất chỉ có hai người con trai được chia ra ở riêng. Nói một cách chính xác hơn là bố cô bị đẩy ra ngoài.
Bác cả Giang Thiên Thành kết hôn sớm, trong nhà lại không đủ chỗ ở nên đã tự xây nhà riêng ở một khu đất khác. Coi như đã tách hộ từ lâu, đến lượt bố cô lấy vợ, tuy nói là chia nhà, nhưng thực chất chỉ là cho bố mẹ cô hai gian nhà cấp bốn cũ kỹ, dựng thêm một căn bếp tạm trong sân để nấu ăn, thế là coi như xong chuyện.
Nhưng cả nhà vẫn sống chung trong cùng một khuôn viên.
Tiền bạc thì chẳng có đồng nào.
Bà nội nói thẳng: "Tiền trong nhà đã dốc hết để lo cưới vợ cho con rồi, thằng Giang Hà còn chưa lấy vợ, từ giờ đừng mong mẹ cho hai vợ chồng bây thêm một xu nào nữa. Tiền mượn lo đám cưới cho con, con tự trả đi."
"Mấy đứa cũng lớn rồi, có gia đình riêng rồi, tự lo mà sống."
Những lời này không chỉ là sự phân chia rạch ròi mà còn mang theo chút trách móc. Trách mẹ cô là Lưu Yến có gia đình quá tham lam, đòi sính lễ quá cao.
Mà thực tế mẹ cô đúng là một mỹ nhân, ở vùng này ai cũng công nhận bà là người đẹp nhất mười dặm quanh đây. Nhà bà có ba anh em, trên là anh trai, dưới là em trai, cả hai đều trông mong vào sính lễ của Lưu Yến để cưới vợ.
Vì xinh đẹp, mẹ cô có rất nhiều người theo đuổi. Khi còn trẻ, bà chẳng thèm để mắt đến người bạn cùng lớp Giang Hải Dương quê mùa, lầm lì. Bà lớn lên ở trấn trên, bố mẹ đều làm công chức nhà nước, điều kiện gia đình tốt nên từ nhỏ đã có không ít thanh niên khá giả theo đuổi.
Giang Hải Dương thích Lưu Yến từ thời đi học, nhưng cha mẹ Lưu Yến thì chỉ mong con gái mình lấy được tấm chồng giàu có.
Năm mười chín tuổi, Lưu Yến được anh trai mình là Lưu Quân giới thiệu cho một doanh nhân Hong Kong đến đầu tư ở đại lục.