Dạo gần đây ở thành Phụ xuất hiện một chuyện cười.
Người ta kể rằng có một tu sĩ trẻ tuổi mang theo một thanh kiếm cũ nát ghé qua tiệm cầm đồ, y khăng khăng nói rằng đó là bảo vật trấn sơn của Thái Ất Tông. Y muốn bán bảo vật này với giá bảy mươi bảy nghìn lượng vàng. Chưởng quầy thấy y tuổi còn nhỏ, ngoại hình lại thanh tú, môi hồng răng trắng, đẹp như tranh vẽ nên không nỡ quát mắng, chỉ khách sáo mời y rời đi. Mãi đến khi tán chuyện sau buổi uống trà, chưởng quầy mới biết y đã ghé hết cả ba tiệm cầm đồ trong thành.
Ở mỗi nơi y đều nói giống hệt nhau rằng muốn bán thanh kiếm gỉ sét với cái giá trên trời.
Mọi người đều thấy buồn cười.
Chưa nói đến việc Thái Ất Tông là môn phái đứng đầu tiên giới, bảo vật trấn sơn sao có thể rơi vào tay một người trẻ tuổi được? Mặc khác, cứ nhìn thanh kiếm được gọi là “bảo vật trấn sơn” kia mà xem, vỏ kiếm thì mục nát, chuôi kiếm thì gỉ sét, thân kiếm thì lồi lõm như bị chó gặm. Đừng nói bảy mươi bảy nghìn lượng vàng, cho dù là một đồng cũng chẳng ai muốn bỏ ra mua cả.
Sau khi xì xào bàn tán, mọi người đều đồng tình cho rằng đó chỉ là một công tử nhà giàu rảnh rỗi, chắc là đang tìm trò vui chơi.
…
"Keng."
Lúc này, nhân vật chính của trò cười này đang ném mạnh thanh kiếm ra xa.
Thanh kiếm rơi xuống đất, lăn vài vòng rồi "vèo" một tiếng, tự động bay trở lại, lơ lửng trước mặt Cừu Bạc Đăng. Nó còn run rẩy dùng vỏ kiếm chọc vào cánh tay y.
Trông cứ như đang tủi thân lắm vậy.
"Ngươi còn thấy tủi thân à?" Cừu Bạc Đăng nổi giận. "Nếu ngươi thực sự nghĩ ta là yêu tà đoạt xá, thì ngươi đâm ta một kiếm đi! Ta không chỉ không trách ngươi, mà ngược lại ta còn phải cảm ơn ngươi nữa đấy."
"Nào nào nào, ngay bây giờ, lập tức, mau lên!"
Thanh kiếm rơi "bịch" một tiếng xuống đất, lặng lẽ dùng chuôi kiếm cọ cọ lên giày y.
Cừu Bạc Đăng ngồi xổm xuống, nhặt một cành cây chọc nó: "Ngươi còn giở trò hả? Nếu không phải tại ngươi kéo ta đến cái nơi quỷ quái này, ta có rơi vào hoàn cảnh này không hả?"
Y nhếch môi cười nhạt.
Trò xuyên sách y cũng chẳng thấy hiếm có gì.
Ở đời trước của y, nhà họ Cừu là danh gia vọng tộc, có quyền thế, có tiền tài. Cừu Bạc Đăng sinh ra đã ngậm thìa vàng, từ nhỏ y đã được sống trong nhung lụa, muốn gì có nấy, tự do tự tại. Kết quả là vào đúng ngày sinh nhật mười tám tuổi của y, y xuyên vào nhân vật cùng tên trong quyển truyện Chư Thần Ký, người này là một kẻ ăn chơi trác táng khét tiếng.
Không có máy tính! Không có điện thoại! Không có internet!
Suýt chút nữa Cừu Bạc Đăng đã biểu diễn màn chết đột ngột tại chỗ.
Sau đó, y phát hiện nhân vật này có vai vế cực cao, cả Thái Ất Tông không ai không phải cúi đầu hành lễ với y. Không giống như đời trước, chỉ cần y làm gì hơi sai trái, ngay lập tức sẽ có một đám lão già chạy đến kêu lên "ôi chao ôi chao", sau đó khuyên can y. Nghĩ kỹ lại, dù nguyên chủ có làm trời làm đất thế nào, nguyên chủ cũng vẫn sống được ung dung tám trăm năm, vậy thì cớ gì y phải đi "Bắc Thần Sơn một bước giải sầu"?
(*Bắc Thần Sơn một bước giải sầu: ý là tới Bắc Thần Sơn nhảy xuống á, hàm ý là tự vẫn.)
Nguyên chủ không phải người tốt gì, mà Cừu Bạc Đăng thì chỉ có hơn chứ không có kém.
Không cần phải diễn, y vẫn là kẻ ăn chơi trác táng số một số hai.
Thế nên, cả Thái Ất Tông không ai nhận ra rằng "Tiểu sư tổ" của họ đã bị đánh tráo.
Do không có mạng để lướt, Cừu Bạc Đăng bắt đầu náo loạn cả tông môn, khiến cho gà bay chó sủa.
Hôm ấy, y mò vào Tàng Thư Các tìm sách đọc để gϊếŧ thời gian, tình cờ y nhìn thấy ghi chép về thanh Thái Nhất Kiếm của Thái Ất Tông. Thanh kiếm này có thể chiếu rõ mọi yêu tà quỷ mị. Vì vậy, suốt hơn vạn năm qua, nhờ có thanh cổ kiếm này trấn giữ mà Thái Ất Tông chưa từng có kẻ đoạt xá trà trộn vào môn phái.
Cừu Bạc Đăng nhìn mà khinh bỉ đến cực độ.
Thử nghĩ mà xem, y xuyên vào thân thể nguyên chủ, chẳng phải cũng được tính là một kiểu "đoạt xá" hay sao? Nếu thanh Thái Nhất Kiếm này thực sự thần kỳ như vậy, thế thì lẽ ra nó đã phải xuất hiện từ sớm và bổ y thành hai nửa rồi chứ. Đằng này, đến giờ nó vẫn chẳng có động tĩnh gì. Điều này đủ cho thấy cổ nhân thích khoe mẽ đến mức nào. Chẳng khác gì đám lão già ở nhà y kiếp trước, lúc nào cũng khoe khoang rằng nhà họ Cừu từng được "Trời cao ban phúc".
Kết quả là...
Ban ngày y vừa cười nhạo Thái Nhất Kiếm, thì đến ban đêm, chỉ nghe "vυ't" một tiếng, một ánh kiếm trắng đỏ xé gió lao thẳng qua cửa sổ, nhắm thẳng vào giữa mặt y mà bổ xuống!
Đó là một thanh cổ kiếm lạnh lẽo, ánh sáng lấp lánh đầy sát khí.
Kiếm quang bùng lên rực rỡ.
Trước khi bị ánh kiếm nuốt chửng, ý nghĩ đầu tiên trong đầu Cừu Bạc Đăng là...
Chẳng lẽ thanh Thái Nhất Kiếm này nhận diện yêu tà mà còn có độ trễ nữa sao?
Suy nghĩ thứ hai chính là, hy vọng mình có thể xuyên trở về.
Y tỉnh lại lần nữa.
Lúc này, y đang nằm trong một con hẻm vắng người, bên cạnh là thanh Thái Nhất Kiếm đã trở nên rách nát, trên đầu là những tán cây cổ thụ đan xen rậm rạp, bầu trời và ánh sáng chỉ có thể len qua những kẽ hở giữa cành cây và lá cây như lông chim. Trong tầm mắt y, tất cả các ngôi nhà đều chìm dưới bóng cây...
Lúc ấy, so với khi vừa mới xuyên vào sách, Cừu Bạc Đăng còn cảm thấy hoang mang hơn mấy lần.
Sau khi tìm được một người để hỏi thăm, y mới biết mình đang ở Thành Phụ thuộc Thanh Châu.
Thanh Châu cách nơi tọa lạc của Thái Ất Tông là Đông Châu vô cùng xa. Thành Phụ lại là một thành nhỏ, tìm đâu ra người nhận ra khuôn mặt vị tiểu sư tổ Thái Ất này? Hiện tại thì y vẫn chưa gặp được ai cả. Mà Cừu Bạc Đăng lại quen sống trong cảnh được người hầu kẻ hạ vây quanh, chưa từng phải tự tay chi trả hay mua bán bất cứ thứ gì.
Vậy vấn đề là tiền đâu?
Đương nhiên là chẳng có lấy một xu.
Từ kiếp trước đến kiếp này, đây là lần đầu tiên Cừu Bạc Đăng rơi vào cảnh nghèo túng và nhếch nhác đến mức này.
Y không nói hai lời, nhanh chóng đem Thái Nhất Kiếm đi cầm đồ.
Nhưng một ngày trôi qua, kiếm thì vẫn không bán được, mà y thì đã suýt chết đói.
Theo lẽ thường, tu sĩ không thể nào đói đến mức này. Nhưng đáng tiếc, nguyên chủ của thân thể này chẳng chịu tu luyện, tu vi hiện tại vẫn dừng ở tầng thấp nhất là Minh Tâm, còn lâu mới đạt đến cảnh giới Tích Cốc để có thể không cần ăn uống.
“Hóa ra, cảm giác đói là như thế này sao?”
Cừu Bạc Đăng bần thần ôm bụng. Vậy là y lại học thêm được một kiến thức vô dụng nữa.
Trước khi xuyên vào sách, ba bữa ăn trong một ngày của y đều do hàng trăm đầu bếp trong gia tộc phục vụ, từng món ăn được chăm chút đến mức hoàn hảo từ hương vị đến dinh dưỡng. Nếu y ăn ít đi một chút, đầu bếp phụ trách bữa đó có khi còn đau khổ khóc lóc đến mức suýt tự sát để tạ lỗi. Vì thế, hồi còn nhỏ, Cừu Bạc Đăng luôn tin rằng công việc chính của gia tộc mình là...nuôi heo.
Sau khi xuyên vào sách, thực đơn của y đã mở rộng đến mức bao gồm cả rồng bay trên trời, Côn Bằng bơi dưới nước... Mà kỹ năng nuôi heo của đám người Thái Ất Tông thậm chí còn giỏi hơn cả Cừu gia của y ngày trước.