Yêu Em Cả Đời

Chương 8

Khi về đến nhà đã hơn tám giờ.

Văn Đình Lệ nhảy xuống khỏi xe điện, mang theo đôi mắt đỏ hoe vì khóc tiến vào con hẻm.

Căn nhà của nhà họ Văn là đi thuê, tầng một làm cửa hàng bán đồ Tây và phòng ngủ chính, gác xép tầng hai là nơi ở của Tiểu Đào Tử và thím Chu, Văn Đình Lệ ở một mình trong phòng ngủ trên tầng ba.

Lúc này cửa hàng đồ Tây đã đóng cửa từ lâu, cô đi thẳng ra sau để tìm cha, nhưng phòng lại không có ai. Cô đứng bần thần một lúc ở hành lang, lát sau cửa chính truyền đến tiếng vang, cô thấy cha dương dương đắc ý ngâm nga điệu hát bước vào.

Văn Đức Sinh bất ngờ thấy con gái bước ra từ đằng sau, không khỏi ngạc nhiên, ợ rượu một cái: "Sớm thế này đã về rồi à?"

Văn Đình Lệ không nói gì.

Văn Đức Sinh chỉ cho rằng con gái đang giận vì mình ra ngoài uống rượu, không xem là chuyện to tát.

Cách đây không lâu, vì cơ thể không thoải mái nên ông đã đến bệnh viện khám một lần, bác sĩ Tây đó nói gan của ông hơi viêm, yêu cầu ông kiêng rượu. Con người ông từ trước đến nay sợ chết, lập tức kiêng khem, suốt ba tháng nay ông hầu như không dám uống một giọt nào. Nhưng ai bảo tối nay Kiều Hạnh Sơ gióng trống khua chiêng đón con gái đến nhà họ Kiều chính thức ra mắt trưởng bối chứ? Đây không phải dấu hiệu chuyện tốt sắp tới sao?

Ông ngồi một mình trong nhà, càng nghĩ càng đắc ý, cũng bất chấp lời dặn dò của bác sĩ, thích thú đi tìm bạn bè uống rượu một chầu. Sợ con gái về sẽ nổi giận, ông còn cố ý tính toán thời gian để về trước.

Nhìn con gái bước nhanh tới chỗ mình, Văn Đức Sinh bỗng trợn tròn đôi mắt say lờ đờ: "Chao ôi, sao lại khóc thành thế này?"

Tóc con gái bù xù, đôi mắt sưng đỏ như quả đào.

"Rốt cuộc là chuyện gì? Có phải Kiều Hạnh Sơ bắt nạt con không?"

Nghe thấy cái tên đó, Văn Đình Lệ nghẹn ngào, nhưng cô nhanh chóng lau nước mắt, giả vờ bình tĩnh đặt câu hỏi: "Cha, có phải mẹ từng tên là “A Nhu” không?"

Văn Đức Sinh lập tức biến sắc, thở hổn hển nói: "A Nhu gì? Con nghe ai nói thế?"

"Chính cha đã nói! Mấy năm trước cha say rượu cãi nhau với mẹ, con ở ngoài cửa nghe thấy rõ ràng."

Văn Đức Sinh ấp úng vài câu, nhảy dựng lên, thần sắc nghiêm nghị nói: "Vậy thì sao? Đó chẳng phải chỉ là tên mụ thôi sao, có phải có người nói lung tung trước mặt con không?"

Văn Đình Lệ nhớ lại cảnh tối nay bị bà Kiều bóng gió sỉ nhục tại nhà họ Kiều, lòng đầy ấm ức không biết thổ lộ cùng ai, cô dứt khoát úp sấp trên mặt bàn bên cạnh khóc nức nở.

Văn Đức Sinh lo lắng đến mức giậm chân, không dễ gì mới hỏi được rõ ràng chuyện gì đã xảy ra từ miệng con gái, thân thể ông lảo đảo, mặt vàng vọt ngồi phịch xuống ghế: "Sao bà Kiều lại biết chuyện này?"

Văn Đình Lệ mang theo tiếng khóc nức nở tiếp tục truy hỏi: "Vết sẹo trên mặt mẹ là do đâu mà có?"

"Mẹ con..."

Văn Đức Sinh cắn răng, thẳng thắn thừa nhận: "Mẹ con vốn là tiểu thư nhà giàu, đáng tiếc số mệnh không tốt, mới mười mấy tuổi thì gặp cảnh gia đình lụn bại, người nhà liên tục sinh bệnh qua đời, mẹ con lẻ loi không nơi nương tựa, bị họ hàng bán vào lầu xanh... Sau này để thoát khỏi Hồng Phấn Hoa Lâu, bà ấy đã chịu không biết bao nhiêu khổ cực, hủy dung thì hủy dung rồi, nhưng cũng may còn toàn vẹn mà ra... Thôi, những chuyện này không nhắc lại nữa."

Văn Đình Lệ càng nghe càng đau lòng, suy nghĩ một hồi, lạnh lùng hỏi: "Khâu Đại Bằng trước đây có quen biết mẹ con ở Nam Kinh không?"

Theo cô nghĩ thì không còn ai khác cả. Tối nay ở nhà họ Kiều có bao nhiêu người quyền quý như vậy, nhưng Khâu Đại Bằng lại chỉ lướt qua một lát rồi rời đi. Với tính cách thích luồn lách của ông ta, nếu không phải chột dạ thì sao không lăn lộn cho quen mặt rồi hãy đi?

Văn Đức Sinh nhảy dựng lên như con ếch: "Là lão ta à?! Cha đã bảo mà, chuyện lâu như vậy rồi, bà Kiều làm sao lại biết được? Thì ra là họ Khâu ăn nói lung tung! Lão ta không muốn thấy chúng ta sống tốt đây mà!"

Nói đến năm đó khi ông và Khâu Đại Bằng quen biết nhau, ông chỉ là một thợ may nhỏ, còn Khâu Đại Bằng làm bảo vệ trong Hồng Phấn Hoa Lâu. Hai nhà đúng lúc ở đối diện nhau, thường xuyên chạm mặt, dần dần, hai người đồng lứa trở nên thân thiết.

Cửa hàng may Nghê Thường của Văn Đức Sinh nổi tiếng gần xa, ông là người có tay nghề giỏi nhất trong cả đám người học nghề, luôn được thầy coi trọng. Khâu Đại Bằng chắc hẳn đã nhận ra Văn Đức Sinh khá dư dả nên thường đến tìm ông mượn tiền.

Khâu Đại Bằng này có một điểm tốt, hẹn trả tiền trong ba ngày thì nhất định không kéo sang ngày thứ tư, hơn nữa làm người rất chú trọng nghĩa khí. Dù Văn Đức Sinh gặp rắc rối gì, ông ta luôn là người đầu tiên có mặt giúp đỡ, chẳng bao lâu sau, Văn Đức Sinh và Khâu Đại Bằng chính thức kết nghĩa anh em.

Chính vào lúc đó, A Nhu bị bán vào Hồng Phấn Hoa Lâu. Lần đầu tiên nhìn thấy A Nhu, Văn Đức Sinh và Khâu Đại Bằng đều trợn cả mắt lên. Có lẽ do từ nhỏ đã học cầm kỳ thi họa, khí chất của A Nhu không giống những người khác, đến chưa được bao lâu đã trở thành cái tên đứng đầu bảng của Hồng Phấn Hoa Lâu.

Có một lần, A Nhu và tú bà đến tiệm may để may đồ, đúng lúc Văn Đức Sinh là người tiếp đón A Nhu. Ông cực kỳ tôn trọng bà, nói chuyện cũng nhẹ nhàng từ tốn, hôm đó khi rời đi, A Nhu đã liếc nhìn ông vài lần.

Sau đó Văn Đức Sinh mới biết, lúc ấy A Nhu cảm thấy chàng thợ may nhỏ này rất tuấn tú, điều đáng quý hơn là không hề có thái độ cợt nhả trước mặt bà, cho nên bà rất có cảm tình với ông.

Sau này, A Nhu thường xuyên đến tìm ông may quần áo, dần dần, hai người đã vụиɠ ŧяộʍ hẹn hò.

Kết quả chưa được bao lâu, Khâu Đại Bằng vì đắc tội với một nhóm tay sai khác mà suýt bị đánh chết, A Nhu ra mặt cứu ông ta. Vì vậy, Khâu Đại Bằng nhận A Nhu làm em gái kết nghĩa, luôn miệng nói về sau chuyện của A Nhu cũng là chuyện của ông ta.

Sau đó Khâu Đại Bằng vô tình phát hiện A Nhu và Văn Đức Sinh đã ở bên nhau, cả người ông ta suy sụp đi không ít, có lần còn nửa đùa nửa thật hỏi A Nhu tại sao không để mắt đến ông ta.

Nhưng chẳng có cách nào khác, một bên là em gái kết nghĩa tự mình nhận, một bên là anh em kết nghĩa tự mình bái, Khâu Đại Bằng buồn bực một thời gian rồi đành buông tay.

Ít lâu sau, A Nhu bị một ông lớn quân phiệt để mắt đến, để thoát khỏi sự dây dưa của người đó, bà thà tự hủy dung nhan. Nhưng cũng vì thế mà bà không không có cách nào tiếp tục ở lại Nam Kinh nữa. Đúng lúc trong tay hai người tích góp được chút tiền, bèn mai danh ẩn tích chạy trốn đến Thượng Hải.

Khâu Đại Bằng vốn đã cảm thấy làm bảo vệ chẳng có ý nghĩa gì từ lâu nên cũng đi theo hai người.

Ba người từng trải qua hoạn nạn cùng nhau ở Nam Kinh, cộng thêm A Nhu còn từng cứu mạng Khâu Đại Bằng, hai vợ chồng không hề lo lắng Khâu Đại Bằng sẽ nói bậy ra ngoài. Trên thực tế, nhiều năm qua, gia đình bọn họ quả thật sống rất an ổn.

Ai mà biết được, con người sẽ thay đổi.

Hoặc là, ngay từ đầu họ đã nhìn lầm người.

Nghe xong đầu đuôi câu chuyện, Văn Đức Sinh giận tới mức toàn thân run rẩy: "Khi mẹ con còn sống đã nhìn ra Khâu Đại Bằng bụng dạ hẹp hòi, khuyên cha ít giao du với lão, nhưng cha lại không xem là chuyện gì to tát. Không nghĩ tới sau khi Khâu Đại Bằng lên Thượng Hải, việc trái lương tâm gì lão cũng chịu làm. Dù chưa bao lâu đã phát đạt, nhưng tình cảm của cha với lão cũng phai nhạt từ lâu. Cha biết lão vì điều gì mà hại con…"

Ông nghiến răng: "Chẳng qua là do con trai lão bị con từ chối, lão không nuốt trôi cơn tức nên muốn chia rẽ con và công tử nhà họ Kiều. Lão cho rằng lão làm hỏng chuyện của con và Kiều Hạnh Sơ thì có thể đến lượt thằng con bệnh chốc đầu đó của lão à? Lão nằm mơ đi!"

Vừa nói, ông vừa khí thế hùng hổ xắn tay áo: "Cha phải đi tìm cái đồ chó chết đó hỏi cho ra nhẽ!"

Văn Đình Lệ vội vàng muốn ngăn cha lại, nhưng Văn Đức Sinh đã nhanh chân đẩy cửa đi rồi. Cô chạy vài bước không đuổi kịp, nhìn vào con hẻm tối đen như mực, đành phải lo lắng quay vào nhà đợi.

Nhưng cho dù Khâu Đại Bằng thừa nhận thì có thể làm thế nào chứ? Đánh Khâu Đại Bằng một trận tơi bời để hả giận? Cha gầy yếu như vậy, đến lúc đó ai chịu thiệt hơn còn chưa biết được đâu.

Bỗng nhiên lại nghĩ đến Kiều Hạnh Sơ. Anh ta biết nhà cô vừa mới lắp điện thoại, cô rời khỏi nhà họ Kiều lâu như vậy, nếu là thường ngày thì anh ta đã gọi điện đến từ sớm rồi.

Anh ta thật sự không lo lắng gì cho cô sao?

Trong lòng Văn Đình Lệ giận đến phát sầu, lúc thì lo lắng không thôi, lúc thì khổ sở thương tâm, bất giác ngồi suốt một đêm.