Vạn vật đều có linh. So với những loài sinh ra đã có bản tính hung tợn như sói hay hổ, con người thường sinh lòng gần gũi với những sinh vật tinh túy như hoa cỏ, cây cối hấp thụ tinh hoa trời đất mà thành. Vì vậy nếu những tinh quái này có cơ duyên bái vào một môn phái chính đạo để tu tiên, họ sẽ được tôn là “tiểu tiên”. Ngược lại, nếu chỉ dựa vào bản năng mà học yêu pháp, họ sẽ bị gọi là “tiểu yêu”.
“Trà tiên” trong lời Tùng Hành, nói trắng ra chỉ là một tiểu yêu tu luyện pháp thuật, phạm tội rồi bị giam vào Nghiệp Đô.
Nghe nói ban đầu Tùng Hành đến Nghiệp Đô chỉ để tìm người này. Sau khi nghe lời của trà yêu ấy, y đột nhiên quyết định xuất binh đánh Nghiệp Đô.
Có thể dụ dỗ Tùng Hành tàn sát như vậy, Tiết Dư thực sự muốn gặp trà yêu này để xem bản lĩnh của ả ra sao.
Khinh La sững sờ trong giây lát rồi hồi thần, giọng run run đáp vâng.
Khi Tiết Dư đi khỏi, Lương Yến đặt tay lên lưng Khinh La, mỉm cười nhìn gương mặt ngây ra của nàng ấy, nói: “Còn đứng ngây ra đó làm gì, nữ lang đã giao việc, không mau đi làm đi?”
Khinh La lóng ngóng lấy tấm linh phù liên lạc từ thắt lưng ra, vừa định đốt thì ngón tay lại dừng lại, nàng ấy mở to đôi mắt tròn xoe, ngập ngừng hỏi Lương Yến: “Nhưng… vì sao nữ lang lại…”
Lương Yến cười nhẹ vỗ vai nàng ấy: “Ngươi không có cha mẹ, cũng không có người thân bạn bè nào để nhờ cậy, nếu để ngươi đi, ngươi có thể đi đâu?”
Ở thành Sơn Hải, một đại thành có cả tu sĩ và Nhân tộc, một tiểu yêu còn không kiểm soát nổi đôi tai của mình như nàng ấy, gần như chỉ có con đường chết.
Vì vậy, dù hiện tại nàng ấy là một gánh nặng, chẳng biết làm gì, nữ lang vẫn nguyện ý cho nàng ấy một cơ hội, giữ nàng ấy lại bên cạnh để làm việc.
Như đoán được suy nghĩ của nàng ấy, ánh mắt Lương Yến dịu lại, nói: “Khi ngươi ở bên nữ lang đủ lâu, ngươi sẽ hiểu rằng lòng nữ lang mềm hơn bất kỳ ai.”
Khinh La cầm chặt tấm linh phù đang cháy trong tay, gật đầu thật mạnh.
Sau khi phân phó xong, Tiết Dư không ở lại phòng mình lâu mà nhanh chóng rời Tây Lâu như một cơn gió.
Trời và đất giao hòa, vầng trăng bạc cong cong treo lơ lửng. Cả thành Sơn Hải như một con thú khổng lồ ẩn mình trong sương mù và bóng tối, yên tĩnh nằm đó. Cơn gió cuối tháng Hai liên tục thổi qua những cành ngân hạnh khô héo hai bên phố khiến chúng va chạm vào nhau tạo ra tiếng kêu lách cách.
Tiết Dư nhẹ nhàng đặt chân, nhảy lên mái Tây Lâu, nhìn ra phía sau. Trong tầm mắt nàng là một khoảng trống trải, không thấy ngọn đèn, cũng không thấy ánh lửa nào, như thể có thứ gì đó mạnh mẽ ngăn cách nơi này với Tây Lâu náo nhiệt.
Đó chính là thánh địa Hi Hòa.
Hi Hòa luôn là nơi bí ẩn, quy củ rườm rà, hành sự nghiêm cẩn, bởi nơi này có cây thiêng Phù Tang và thánh vật thư Thiên Cơ. Dù con cháu của dòng chính ngày càng thưa thớt, trong mắt thiên hạ, Hi Hòa vẫn là thánh địa đặc biệt nhất, vị trí đứng đầu chưa từng thay đổi.
Hiện tại thánh địa vẫn chưa mở cửa, Tiết Dư không thể vào, cũng không thể nhìn thấy Tùng Hành bị giam trong đại lao.