Thập Niên 60: Sao Chổi Mang Theo Thần Kỹ Xuyên Không

Chương 1: Bà cụ Vệ

Năm 1959, ngày hai mươi chín tháng Chạp, dưới chân núi Lục Vương, bên sông Tứ, thôn Đầu Đạo Câu.

Trong một ngôi nhà tường đất, dựa lưng vào lâm trường, mái ngói, tường trát bùn, bà cụ trụ cột gia đình đang ngồi trên giường cùng ba người con trai và hai cô con gái chưa chồng. Dưới giường còn có mấy đứa trẻ con tầm bốn, năm tuổi đang ngồi bệt dưới đất, tất cả đang bàn bạc chuyện gia đình.

Bà cụ có khuôn mặt tròn, nhìn thì hiền từ, phúc hậu, nhưng chỉ cần ngậm ống điếu trong miệng, nheo nheo đôi mắt nhỏ lại, bà ấy lập tức trở thành người phụ nữ dữ dằn nhất trong vùng mười dặm tám làng.

Ông cụ đã bị bọn Nhật bắn chết từ lâu. Nếu không phải nhờ tính cách bạo dạn, không sợ việc của bà cụ, ba thằng con trai còn mải chơi bùn và hai đứa con gái chưa cai sữa làm sao sống sót được?

Bà cụ hít một hơi thuốc lào, qua ô cửa sổ duy nhất được che bằng mảnh kính nhỏ bằng bàn tay, nhìn ra ngoài.

Bà nheo mắt hỏi đứa con trai út, “Tứ Trụ, vợ mày la hét cả ngày rồi, mà sao đứa nhỏ trong bụng vẫn chưa có động tĩnh? Mày ra ngoài mượn cái xe cải tiến đi, nếu vẫn không có động tĩnh thì chúng ta đưa nó đến trạm y tế, không thể kéo dài nữa.”

Vệ Tứ Trụ mồ hôi túa ra không ngừng, nghe lời bà cụ, anh ta vội vàng gật đầu, “Mẹ, con đưa Thúy Phân đến trạm y tế ngay bây giờ. Con lo quá…”

Bà cụ Vệ dường như không nghe thấy, vẫn ngồi trên giường phì phèo thuốc. Một lúc sau, bà cụ mới lên tiếng hỏi ba người con trai, “Nhị Trụ, Tam Trụ, Tứ Trụ, mấy năm nay chúng mày đều thấy cả rồi. Dù người dân có cố gắng thế nào, đất đai cũng không sinh ra được hạt thóc nào. May mà đất bên này còn tốt, lại có đất hoang ở núi Lục Vương chúng ta khai phá, không thì gia đình mình cũng không sống nổi. Hôm qua mẹ còn nghe chị dâu của Thiết Đản ở bên đông nói, làng bên lại có người chết đói nữa rồi…”

Bà cụ nói đến đây thì ngừng lại. Bà chép miệng, gõ gõ ống điếu xuống thành giường rồi hỏi thẳng, “Mẹ không vòng vo nữa, các con dâu đều ở bên nhà Tứ Trụ lo cho con dâu tư, mẹ muốn nghe ý kiến thật lòng của mấy anh em. Có đứa nào nghĩ đến chuyện chia nhà không?”

Vừa nghe đến chuyện chia nhà, cả gian phòng bỗng nhiên nổ tung. Ba đứa con trai, hai đứa con gái đều đồng lòng không muốn chia nhà, ngay cả mấy đứa trẻ con ngồi dưới đất chơi cũng sợ hãi nhìn bà nội nghiêm khắc mà cả nhà kính yêu.

“Mấy đứa nhìn gì bà thế? Trên mặt bà có hoa đâu mà nhìn? Cả mặt toàn nếp nhăn thì có gì mà ngắm?”

Bà cụ rít một hơi thuốc, nhưng hít mạnh quá nên ho sặc sụa một hồi lâu. Sau khi bình tĩnh lại, bà gác ống điếu vào góc tường, bắt đầu giải thích tình hình gia đình một cách rõ ràng cho năm người con.

“Nói thật nhé, mẹ không muốn chia nhà. Chia ra rồi, nhà này chẳng còn là nhà nữa. Nhưng vợ Tứ Trụ sắp sinh, thằng Tứ cũng phải lo cho gia đình. Mẹ sợ vợ chồng Nhị Trụ, Tam Trụ sinh ra lắm chuyện. Trẻ con quý giá, không thể để chúng ăn cám, ăn rau mãi được. Nhưng tình hình nhà mình thế này, nuôi một đứa trẻ còn tạm, chứ nhiều cháu quá, đứa nào cũng cần ăn, chẳng thể bỏ đứa nào. Nếu chỉ chăm lo cho đứa bé mà không lo cho đứa lớn, dẫu chúng mày không nói, mẹ chắc chắn các con dâu cũng sẽ lắm chuyện.”

“Tất nhiên, Nhị Trụ, Tam Trụ, đừng nghĩ rằng chia nhà rồi sẽ khá hơn. Tứ Trụ làm ở xưởng gỗ, một mình nó kiếm được còn hơn hai đứa các con. Trông thì như các con giúp nó trồng trọt, thu hoạch, nhưng nếu không có Tứ Trụ, chỉ dựa vào hạt thóc các con cày cấy, nhà các con cũng không đủ ăn.”

“Con trai lớn ăn không biết bao nhiêu, mấy đứa ranh nhà chúng mày càng ngày càng cao lớn, mà miệng ăn thì ngày một nhiều. Năm mà mùa màng tốt còn tạm xoay sở được, chứ mùa màng xấu thì ngay cả con trai chúng mày cũng không no bụng.”

“Nhị Trụ, Tam Trụ, Tứ Trụ, mấy đứa nghĩ sao?” Bà cụ cúi đầu chỉnh lại hàng cúc trước ngực, không ai nhận ra mắt bà cụ đã đỏ hoe.