Câu Chuyện Nho Nhỏ Trong Mùa Bão

Chương 4: Hạ quyết tâm

Một buổi tối nọ, cô bỗng nhận được điện thoại của Lâm Tuấn, cậu nói cậu đã xin nhà trường cho phép được tham gia vào đội cứu trợ đến giúp đỡ những người dân đang gặp khó khăn trong mùa mưa bão. Cậu kiên quyết nói: “Mình biết nếu lần này đi, mình có thể sẽ phải chết, nhưng có sao chứ? Mình là dân miền biển, từng nhiều lần vì biển động mà suýt chết, nhưng mình không sợ, chết mà để nhiều người được sống thì đó là vinh dự của mình.”

Trong suốt cuộc điện thoại, Tĩnh Hương chỉ yên lặng nghe cậu nói, cô biết cậu rất cứng đầu, giờ có khuyên thì cậu cũng sẽ không thay đổi quyết định.

Những ngày sau đó, cô thấy không ít bạn học xung phong hỗ trợ tiếp tế lương thực đến những vùng gặp lũ, đương nhiên cũng có những thành phần do dự, không muốn liều lĩnh.

Tĩnh Hương vẫn luôn nhốt mình trong phòng, các bạn cùng phòng của cô đều đã tham gia vào đội cứu hộ rồi. Liệu cô có làm được không? Cô không biết bơi, cũng không có kinh nghiệm sơ cứu, cô có trở thành gánh nặng cho người khác không?

Đêm đó Tĩnh Hương nghĩ rất nhiều, cô nghĩ đến lý do cô muốn học y, cô bắt đầu khao khát được cứu người, được xung phong chiến đấu với bão lũ cùng với người dân. Sau này cô sẽ trở thành bác sĩ, cô không thể mãi nhút nhát rụt rè như thế được! Cô không cho phép! Cuộc sống đại học mới chỉ bắt đầu thôi, cô muốn được sống hết mình từ bây giờ.

Ngay khi cô đang chuẩn bị đồ đạc xin đi hỗ trợ thì chợt nhận được điện thoại của Lâm Tuấn, đã rất lâu rồi cô chưa được nghe giọng cậu, cậu nói rất vội: “Tĩnh Hương à, nếu lần này mình an toàn trở về thì cậu đồng ý làm bạn gái mình nhé!”

Cô rơi nước mắt, còn chưa kịp nói “mình đồng ý” thì cậu đã tắt máy, cô cố gọi lại nhưng đều không thành công. Trước khi đi, cô gửi tin nhắn thoại cho mẹ: “Mẹ à, con thật sự rất yêu mẹ. Mẹ nhớ sống thật tốt, ăn thật ngon nhé, qua đợt bão con sẽ về mà.”

Trên đường đi đến vùng bị ngập, cô gặp được những người bạn, người anh, người chị còn rất trẻ, tuy khuôn mặt có phần mệt mỏi, hốc hác nhưng trong ánh mắt lại tràn đầy niềm tự hào, một chị gái nói với cô: “Những y sĩ như chúng takhông chỉ phải biết cầm dao mổ mà còn phải biết cầm tay nhau cùng góp một phần sức lực cho đất nước, phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, đó mới là người y sĩ thực thụ.”

Tĩnh Hương giờ mới thực sự hiểu, thì ra như thế này mới gọi là sống.

Mặc lên người áo phao, cô mạnh mẽ lội qua dòng nước lạnh lẽo để mang theo lương thực tới tiếp tế cho những gia đình đang bị mắc kẹt, cô cứu được rất nhiều người, nhận được lời cảm ơn chân thành từ họ, những hy sinh vất vả này thật xứng đáng.