Tam Muội Nhĩ ngó nghiêng chắc rằng không có người nghe lén, rồi nói:
- Khi khâm sai của Phong Quốc lỏng lẻo việc kiểm soát, người Tây Nam vẫn diễn ra giao hảo. Lúc này, Đại Vương hãy ra lệnh cho các yêu ma giả mạo các cao niên lão thần sang đó, rồi nhân cơ hội lính Phong không canh phòng cẩn mật, các yêu ma sẽ liền chế ngự và phát động khai chiến.
Tam Muội Nhãn phản đối kịch liệt:
- Đám người các ông chỉ có khả năng nhìn gần mà không khi nào chịu nhìn xa trông rộng, chỉ nghĩ đến việc an hưởng cái lợi nhỏ nhất thời mà không nghĩ đến cái hiểm họa rộng lớn ở mai sau.
Diệm Thân hỏi:
- Họa gì ở mai sau?
Tam Muội Nhãn ngoái lại nói:
- Khi đất Tây Nam phát động can qua, thế chẳng khác nào là vô tình tạo ra cơ hội cho hai nhà còn lại là Đông Bắc và Tây Bắc hóa thành ngư ông đắc lợi!
Sao Điền Trạch soi vào một mệnh khác và li khai khỏi vầng lửa. Khí nhẹ phân ra hai miền cực và chiêu cảm một luồng khí hậu khô cằn giáng xuống nơi ruộng vườn của người dân. Hỏa Địa gần áp sát miền Hạ Phương không có ánh sáng.
Trên Phong Quốc, người người nhộn nhịp ngân nga khúc Khải Hoàn Ca. Vào lập Xuân, mọi hương sắc của cảnh vật luôn luôn khoe áo mới:
Như được phong thánh đất tiên,
Đêm ngày ra sức an hiền cần lao.
Vào Xuân muôn sắc chẳng hao,
Lá cây xanh tốt, hoa màu thắm tươi.
Phong Thần năm nay đã hai ngàn một trăm lẻ sáu lưu niên chí, người cao hơn một trượng, vai rộng lớn ngang với sào nguyệt kim quang.
Ông là người học trò xuất sắc của Cổ Sơn Tiên Lão, người đã dạy cho họ Phong phép Lôi Quy Tĩnh. Phép này có khả năng quét sạch mọi yêu ma chướng ngại trong gang tấc chỉ với sự tịch lặng của những đòn sấm chớp khổng lồ.
Lúc rời khỏi núi Tu-di, Phong Hưng Lôi có hỏi sư phụ:
- Thưa Tiên Lão Cổ Sơn! Nơi càn khôn hoán đạo, nay mùa màng kiến vào lập Xuân sang, cỏ cây vạn vật nhập linh nguyên tươi tốt, phát triển rầm rộ. Tiên Lão nghĩ xem, nếu Phong nhi không lưu truyền chữ đạo cho muôn loài, vậy chẳng phải con là hạt sen khô còn ẩn mãi giữa lớp đất lỏng vô danh hay sao?
Cổ Sơn Tiên Lão liền điểm ấn chỉ hóa phép, một hòn đá cứng rắn hiện ra ngay trước mặt của Hưng Lôi.
Tiên Lão xua phất trần, hóa phép Tiến Thoái Lưỡng Xuyên cho họ Phong nhìn rõ được quá khứ và vị lai của hòn đá nhỏ kia:
- Phong nhi! Xưa kia vầng võ vốn đã làm gì có đá, ngày sau đá lại hóa hư không. Thế hiện giờ, hòn đá này có thật sự là chính nó như cái rỗng vẫn đang hiện rõ sắc tướng của nó chăng?
Họ Phong đăm chiêu không lí giải nổi, hắn liền chấp hai tay, nguyện nhất niệm vi sư, xá Tiên Lão một xá, rồi mới hỏi:
- Phong đồ ngu muội! Đành rằng con đã rõ cái không thật của đá, nhưng sao con lại chẳng thể nào hiểu nổi: Vốn nghiệp duyên quy luật không hề có, vậy tại sao hòn đá kia lại còn muốn nguyên hình ra chính nó?
Cổ Sơn Tiên Lão gõ phất trần lên đầu của họ Phong hai gậy.
Tiên Lão đáp:
- Cầu vô sở đắc! Không phải mọi chuyện trên đời nhà ngươi cứ nhất nhất mong muốn là nhất nhất nhà ngươi sẽ được toại nguyện. Lí sự của nhà ngươi được hay không phải xuôi mặc cho nghiệp duyên. Vì là phó mệnh cho duyên thì dù cho có là hữu duyên hay nghịch duyên, hiện lượng kia vẫn phải trổ sinh sắc tướng!
Phong Hưng Lôi khổ sở vì khó hiểu:
- Vậy lời răn dạy và giáo huấn của sư phụ cũng có sắc tướng nữa hay sao?
Tiên Lão mắng:
- Vậy ngươi là ai?
Họ Phong liền ngộ lí, hắn chấp tay đảnh lễ quỳ xuống lạy.
Trước khi rời khỏi núi Tu-di, Phong Thần còn nâng lên kim gậy, đi năm vòng liễu, kiếu lễ quanh người của sư phụ. Ân sư Cổ Sơn Tiên Lão moi trong giỏ vải ra một kỉ vật. Lão giao cho Hưng Lôi một thanh đoản kiếm, người đời gọi là Lôi Nhiên Kiếm. Kiếm này do một ông Sơn Vương, người đất Trảng hóa luyện ra, có khả năng hô mưa gọi gió trong vô lượng thời gian hoặc không gian nào mà họ Phong mong muốn.
Phong Hưng Lôi hóa phép Phi Vân, phóng lên đạp mây rời khỏi núi Tu-di, lúc rời đi đầu còn ngoảnh lại như không nỡ rời xa Tiên Lão.
Đức Cổ Sơn gật đầu và ca ngợi công đức của Hưng Lôi sâu trong lòng. Tiên Lão sau khi xong nhiệm vụ liền hóa thành một linh cây cổ thọ và ghim chặt rễ vào sâu lòng vách núi, vĩnh viễn không hiện ra thân người nữa.
Thân cây sau lâu ngày làm cho mặt vách nứt ra hai tảng đá Linh Ương. Hai tảng đá này chồng chất lên nhau thành một mũi nhọn, chĩa thẳng lên cõi Trời Dạ-ma. Trông không khác gì một sơn động. Đời sau gọi nơi đó là Cổ Sơn Thánh Động. Còn ông Cổ Sơn Tiên Lão kia chính là vị Ngọc Vân Tích Khang mặc chân ngôn hóa hiện ra để cứu độ cho muôn loài giữa sáu cõi phiêu diêu nơi Hạ Giới.
Phong Hưng Lôi đi được nửa đoạn đường, khi đến một dòng sông cạn thì trên sóng nước hiện lên dòng chữ “Dưỡng Đại Mộc Hà”. Sông vị này là nơi cho Thiên Địa Mộc cao lớn kia đâm rễ ngậm nước, vươn lên tới Trời.
Họ Phong may sao hữu duyên gặp được một vị thần gió. Hắn xưng danh là Dương Xích Tử, người đất Yên, một học sĩ mưu mẹo của Tiết Công danh chấn thiên hạ.
Xích Tử người cao lêu nghêu như cây cột đồng mà Hưng Lôi luyện tập leo trèo ở Cổ Sơn Động, miệng hét ra sấm, một tiếng kinh trời:
- Phép Phi Vân chỉ có một người trong thiên hạ học được! Ngài chẳng phải vốn là Tiên Lão nổi danh ở tận núi Tu-di hay sao?