Kim Ngư Kỳ Truyện

Chương 5: Tiễn Chàng Hồi Kinh

Xong đâu đấy, tôi lần mò vào trong làng chài, đến tận nhà ông lão lái đò lúc này còn đang ngái ngủ, năn nỉ ông ấy sáng mai đưa giúp người qua sông.

Ban đầu, ông ta giương mắt lên nhìn tôi như thể người từ trên trời rớt xuống, sau đó lắc đầu lia lịa từ chối vì sông đang đóng băng. Cuối cùng, tôi đem viên ngọc quý ra dụ dỗ thì ông ta mới gật đầu đồng ý, với điều kiện là băng phải tan để đò qua được.

Trở lại hang núi, Lương Hữu Thuần vẫn đang ngủ, tôi nằm xuống cạnh bên nhưng không tài nào chợp mắt được. Mấy ngày nay bị chàng ta bám như sam, giờ nghĩ đến lúc sắp chia xa, đột nhiên thấy bùi ngùi. Tôi cứ thế ngắm nhìn gương mặt tuấn mỹ ấy mãi cho đến khi tiếng gáy của những con gà rừng vang lên, báo hiệu trời vừa hửng sáng.

Tôi đưa chàng ra bờ sông, trên đường đi chẳng ai nói với ai câu nào, đoạn đường hôm nay dường như ngắn lại, chẳng mấy chốc mà đã đến nơi.

Ông lão đang cố sức kéo con đò về phía mé sông, tôi vội buông tay chàng, chạy lại giúp ông ấy. Trên gương mặt hằn những vết nhăn của thời gian ánh lên vẻ ngạc nhiên, rạng rỡ: "Cô nương, sao cô biết hôm nay băng trên sông sẽ tan vậy? Không có mặt trời mà băng cũng tan được."

Tôi chỉ mỉm cười: "Thiên cơ bất khả lộ."

Nhìn về phía Lương Hữu Thuần, tôi dặn dò: "Lão bá, nhờ người sau khi đưa vị công tử này sang bên kia bờ thì chuyển lời cho huynh ấy giúp ta: Vật định tình chính là thuốc chữa mắt."

Ông ấy hơi ngẩn người một quãng, nhưng ngay sau đó liền gật đầu đáp một tiếng: "Được."

Quay lại chỗ Lương Hữu Thuần, tôi đặt vào tay chàng viên linh đơn mà Cửu Nhật tặng mình. Theo lời huynh ấy nói thì nó có khả năng chữa lành bách bệnh, cải tử hoàn sinh, mong là có thể giúp chàng nhìn thấy được, giảm bớt nguy hiểm phần nào trên đường hồi kinh.

"Ta không có gì quý giá cả, đây xem như vật đính ước ta tặng huynh."

Nói đến đây sống mũi lại cay xè.

Lương Hữu Thuần nhận lấy viên đơn, cười hiền: "Sao nàng khách khí vậy? Nàng đối với ta mà nói còn quý giá hơn cả châu ngọc ấy chứ."

Dứt lời, chàng rút thanh đoản kiếm trao cho tôi: "Vân nhi, đây là tín vật định tình của chúng ta, ta từ nhỏ đã luôn mang nó theo bên mình. Nàng hãy nhận lấy, thấy kiếm như thấy người."

Tôi ngập ngừng không nhận. Từ khi gặp mặt đến nay, những lúc rảnh rỗi thì thấy Lương Hữu Thuần cứ mân mê nó đủ biết chàng ta quý nó cỡ nào, tôi đâu đành lòng mà lấy chứ.

"Ta thấy thanh đoản kiếm này rất quan trọng với huynh, hay là huynh cứ giữ đi."

Tôi vừa nói xong thì đôi mày chàng đột nhiên chau lại, đoán chừng là sắp nổi giận rồi đây. Tôi liền nhanh chóng chộp lấy thanh kiếm: "Được, được, ta nhận, ta nhận là được chứ gì?"

Chàng ta gật đầu, bật cười ôm tôi vào lòng, con người này lật mặt còn nhanh hơn lật sách, giận đó, vui đó, tính khí trẻ con như vậy không biết sau này đăng cơ thì có quản nổi cả một nước không chứ.

Chẳng biết phụ hoàng của Lương Hữu Thuần nhìn thấy ở chàng ta có điểm nào có thể kế vị, trị vì đất nước mà phong lên làm thái tử vậy kìa.

"Nàng đợi ta, ta sẽ nhanh chóng thu xếp việc của Hạ quốc rồi quay lại đón nàng."

Chàng ta khẳng định chắc chắn khiến cho tôi vừa lo vừa sợ. Lo vì không biết lúc chàng ta quay lại không tìm thấy tôi sẽ như thế nào, sợ vì với tính cách con người này nếu như không tìm thấy, khéo sẽ lật tung cả cái làng chài lên mất thôi.

Dây dưa một hồi, chợt nhớ tới chuyện phải nhanh quay về giữ chân Cửu Nhật, tôi đẩy vội chàng ra, hối thúc: "Huynh mau đi đi, trễ lắm rồi."

Chiếc đò cũ từ từ tách bờ, khi bóng dáng nam nhân áo trắng và ông lão dần nhỏ lại và mờ đi thì tôi cũng buông mình xuống lòng sông.

Len lỏi một lúc giữa những rặng san hô đỏ chói, cuối cùng, tôi cũng nhìn thấy bóng lưng của Cửu Nhật. Nhớ lúc bé cùng nhau chơi trò trốn tìm, mỗi lần huynh ấy tìm tôi đều tìm không ra, toàn bị tôi dọa ngược làm cho giật mình.

Tôi rón rén định đến dọa huynh ấy, nhưng còn chưa kịp chạm vào thì Cửu Nhật đột nhiên quay đầu, tôi hoảng quá liền bỏ chạy. Khổ nỗi mới bước có ba bước thì bị tóm lại, sau lưng vang lên giọng trầm ấm: "Muội còn muốn chạy?"

Tôi nhăn nhó quay đầu, rồi thình lình lao đến ôm chân Cửu Nhật: "Cửu ca, Cửu ca, Tiểu Ngư sai rồi, muội không nên nhốt huynh trong động mãng xà, huynh có bị con rắn thối ấy làm gì không?"

Thực ra, tôi thừa biết mãng xà chẳng phải đối thủ của Cửu Nhật, huynh ấy chỉ cần búng một ngón tay là con rắn ấy tan thành bọt nước. Thế nên, tôi mới dám nhốt huynh ấy vào đấy chứ.

Khóc lóc, kêu ca cả đỗi chẳng thấy Cửu Nhật có chút động tĩnh gì, tôi ngước lên, giương mắt nhìn huynh ấy ngạc nhiên: "Cửu ca, sao huynh không nói gì vậy? Có phải huynh bị con rắn ấy làm gì rồi không?"

Huynh ấy khẽ thở dài: "Mãng xà không có trong động, nó trốn mất rồi."

Tôi bật đứng dậy, hoảng hốt: "Mãng xà trốn mất, không phải nghĩa phụ đã phong ấn cửa động rồi sao? Nếu không có chìa khóa mở cửa thì làm sao trốn được?"

Cửu Nhật nghe tôi nói xong, khẽ gật đầu, đôi mắt nhíu lại đầy hàm ý.

"A, Cửu ca, nhưng muội cứ nghĩ huynh pháp lực cao siêu, vài ba cái song sắt không thể làm khó huynh. Vốn chỉ định náo loạn Thủy cung một phen để tiện trốn lên bờ thôi, muội cứ tưởng huynh sẽ tự ra được."

"Vẫn không lớn nổi."

Cửu Nhật gấp chiếc quạt, gõ cốc vào đầu tôi rồi xoay người toan rời đi. Tôi hốt hoảng lao tới ôm tay huynh ấy lại, đoán chừng còn một lát nữa là đò cập bờ, huynh ấy mà rời khỏi tảng đá Hỏa Gương này thì e rằng không kịp thời gian cho ông lão lái đò quay về mất.

Vì biết Cửu Nhật là chủ Nhật cung, chỉ cần huynh ấy đứng cạnh đá Hỏa Gương, ánh sáng và sức nóng liền phản chiếu lên phía trên mặt sông, băng sẽ tan ra thành nước đủ để cho đò sang sông được nên tôi mới phải bày trò thế chứ.

"Muội làm sao?"

Cửu Nhật ngạc nhiên nhìn tôi, đôi mắt ánh lên vệt sáng như sao trời giữa đêm tối. Tôi nhăn nhó: "Muội sợ quá, nghĩa phụ chắc hẳn rất tức giận, huynh xem có phải do muội mở cửa động thì mãng xà mới trốn đi được không? Lần này thôi rồi, muội sẽ bị phạt nặng."

Trái lại với sự lo lắng của tôi, huynh ấy lại tươi cười: "Muội xem, nếu muội gả cho ta thì sẽ không ai dám động vào muội nữa."

"Không được, không được, muội không muốn lợi dụng huynh để cầu an cho mình, hôn sự này muội nhất định sẽ tìm cách ngăn cản. Cửu ca đừng lo lắng, chúng ta mãi mãi sẽ là một đôi huynh muội tốt."

Vừa nghe tôi nói xong, nụ cười trên môi Cửu Nhật thoáng vụt tắt, đôi mắt như có một tầng sương mù vây lấy. Chắc hẳn huynh ấy lo lắng cho tôi rồi, hôn sự này dẫu sao cũng là do Thiên đế ban, cãi lại ý trời không phải việc nên làm. Nhưng biết vậy thì tôi cũng chẳng thể nghe theo được, đối với cả hai đều không công bằng.

Cửu Nhật trước giờ đối với tôi như với muội muội ruột thịt, huynh ấy hẳn là sợ kẻ khác bàn tán làm tôi tổn thương nên mới không dám kháng lệnh. Vậy nên tôi nhất định phải chống đối hôn sự này tới cùng, thế thì huynh ấy mới có thể ở bên cạnh nữ nhân mà huynh ấy yêu thương thật sự.

Huynh ấy nhìn tôi, cất giọng trầm trầm: "Tiểu Ngư, muội không đồng ý hôn sự này?"

"Đúng vậy, Cửu ca, muội không muốn gả cho huynh đâu, muội chỉ muốn làm muội muội của huynh."

Tôi cười tươi đáp, bụng nghĩ chỉ có nói như thế thì mới khiến huynh ấy thôi không còn áy náy nữa. Cửu Nhật nghe xong, chẳng nói thêm câu nào. Tôi tiến đến nắm vạt áo huynh ấy lay lay: "Cửu ca, Cửu ca, huynh dắt muội về gặp nghĩa phụ đi, nói tốt vài câu giúp muội."

Cửu Nhật khẽ gật đầu: "Đi thôi."

Tôi thấy nhẹ bẫng cả người, tung tăng bám vào tay huynh ấy cùng đến chỗ Long vương. Thầm nghĩ có lẽ lúc này ông lão kia cũng đã cập bờ rồi.