Dù huy hoàng tôn quý đến đâu đi chăng nữa, nếu không có căn cơ thì chỉ cần đẩy một cái sẽ đổ ngay.
Không có công lao.
Chỉ cần Hoàng đế không vui, cơ nghiệp mấy trăm năm của Từ gia đều sẽ tan thành mây khói.
Đó là lý do tại sao Từ Hiền cực kỳ nóng lòng hy vọng con trai mình sẽ thành tài nên ông ta mới đích thân chỉ dạy Từ Tử Ngọc đọc sách, chỉ mong Từ Tử Ngọc có thể tham gia khoa cử làm quan như ông ta, bởi vì từng trải thói đời nóng lạnh nên càng trân trọng hơn. Nhưng điều khiến Từ Hiền đau đầu là Từ Tử Ngọc không thích đọc sách chút nào, cũng không hề có hứng thú với việc đi thi làm quan.
Từ Hiền từng trách phạt Từ Tử Ngọc rất nhiều lần vì chuyện này, ông ta cũng càng nghiêm khắc với Từ Tử Ngọc hơn, đám thứ xuất như Từ Tử Kính cũng chăm chỉ đọc tứ thư ngũ kinh từ nhỏ, chỉ có Từ Tử Việt là ngoại lệ. Bảy tuổi đã bị đưa đến Nam Lĩnh, mà bây giờ đứa trẻ này lại bỗng nhiên nói muốn đi thi Hương.
Phản ứng đầu tiên của Từ lão thái thái khi nghe câu này là buồn cười, nhưng nghĩ lại thì trong lòng chua xót.
Mọi người đều nói Từ gia vẻ vang, nhưng đâu ai biết được nỗi khổ của Từ gia, Từ Hiền biết đọc sách, phấn đấu đi lên nhưng tính tình lại ngay thẳng, không biết lươn lẹo đi theo thời thế, Vương Sùng đã vào Nội các nhiều năm nhưng Từ Hiền vẫn là Trung chính Ngũ phẩm, có lẽ sau này cũng không đi lên được. Bọn trẻ lại không hăng hái, nhớ đến vẻ mặt cáu kỉnh của Từ Tử Ngọc khi nhắc đến việc đọc sách, Từ lão thái thái đột nhiên cảm thấy mệt mỏi.
Nếu như trong Từ gia có một người giống như Từ Tông Lẫm thì sao bà phải lo lắng đến bạc đầu sau một đêm, cớ sao bà lại cảm thấy nực cười khi Từ Tử Việt nói muốn đi thi Hương thử một lần chứ.
"Thôi Nguyên nói sao?"
Thôi Nguyên là một học sĩ rất nổi tiếng ở Nam Lĩnh, ông đã nhận Từ Tử Việt làm học sinh vài năm trước, mặc dù Từ lão thái thái không tin Từ Tử Việt nhưng bà sẵn sàng lắng nghe ý kiến của vị đại học sĩ này.
"Lão sư nói cháu có thể thử một lần."
Đồng tử của Từ lão thái thái hơi co lại, ngay cả Thôi Nguyên cũng nói vậy sao?
Nếu như thất bại, Từ Tử Việt vẫn còn trẻ, người ngoài cũng sẽ chỉ nói hắn mới lớn nên không biết trời cao đất dày, rồi lại đuổi hắn về Nam Lĩnh, không thèm để ý hay bận tâm thì Từ gia sẽ không bị tổn thất nhiều.
Nhưng nếu hắn đỗ…
Có thể thi đỗ cử nhân ở tuổi mười bốn, dù chưa phải thần đồng thì cũng đã là một thiên tài hiếm thấy, nếu như hắn thực sự có thể vượt qua, vậy có nghĩa là hắn thực sự có thiên phú, sau này chỉ dạy cẩn thận, ai có thể đảm bảo sẽ không có thêm một tiến sĩ nữa.
Chỉ cần thêm một tiến sĩ là có thể đảm bảo Từ gia bình yên trăm năm.
Từ lão thái thái nhìn thiếu niên trước mặt với ánh mắt phức tạp, rõ ràng hắn lớn hơn Từ Tử Ngọc nửa tuổi, nhưng nhìn vóc dáng lại trông có vẻ như nhỏ hơn nửa tuổi, hắn mặc một bộ xuân sam màu lam nhạt hơi mới, chất vải thô ráp đường may cẩu thả. Từ gia không quan tâm Từ Tử Việt, thậm chí còn cực kỳ thờ ơ với hắn, năm Từ Tử Việt lên bảy lại xảy ra chuyện kia, kể từ đó hắn rời khỏi nhà, càng không gần gũi với Từ gia…
Tính cách của hắn không giống Từ Hiền hay bất kỳ người nào trong Từ gia, có lẽ hắn giống người mẹ điên kia của mình, từ sâu trong xương tủy đã tàn nhẫn và lạnh lùng. Bây giờ chỉ mới mười bốn tuổi, đôi mắt đó đã lạnh lùng đến đáng sợ, ngay cả bà cũng không thể nhìn thấy bất kỳ dao động nào, có thể thấy tâm tư của hắn rất kín đáo.
Nếu như hắn không hề có chút tình cảm nào với người nhà, dù thi đỗ tiến sĩ nhưng không thân thiết với Từ gia thì việc đỗ hay trượt có khác gì nhau? Nếu hắn vì chuyện năm đó mà hận Từ gia thì phải làm sao?
Từ lão thái thái vốn có rất nhiều điều muốn nói nhưng đột nhiên không nói nên lời, bà chăm chú nhìn thiếu niên trước mặt, cố gắng tìm manh mối từ đôi mắt bình tĩnh đó, suốt nửa khắc vẫn không thấy bất cứ thứ gì.
Thảm trạng nữ nhân điên loạn nằm trên vũng máu vào nhiều năm trước vẫn in sâu trong tâm trí bà, lúc đó Từ Tử Việt vẫn còn là một đứa trẻ chưa trưởng thành, hắn lẳng lặng quỳ trong vũng máu, tất cả mọi người đều nghĩ chuyện này đã kết thúc, nhưng ai có thể ngờ được rằng vài ngày sau đứa trẻ bảy tuổi này lại đâm cái trâm vào cổ Trần bà tử.
Khi họ đến nơi thì Trần bà tử đã tắt thở, Từ Tử Việt cầm chặt chiếc trâm vàng trong tay với đôi mắt đỏ hoe, gò má hơi sưng, đôi tay trắng nõn dính đầy máu.
Từ lão thái thái chợt hoa mắt, các nha đầu vội đỡ bà ngồi xuống, bình tĩnh lại một lúc rồi mới yếu ớt xoa xoa ấn đường: "Để ta suy nghĩ, ngươi về trước đi."