Tô Văn Khanh không ngẩng đầu lên cũng biết mọi người đang nhìn chằm chằm vào mình, nhất là Từ Tử Việt còn đang nhìn nàng, miễn cưỡng nhận lấy bát sứ men xanh Xuân Tàm đưa tới, bên trong là cháo tổ yến sáng bóng trong suốt, Tô Văn Khanh hồn nhiên nói với Từ lão thái thái: "Bà ngoại, không biết bác với biểu ca đã ăn sáng chưa, Lý ma ma làm nhiều thế, mọi người cùng ăn đi."
Lưu thị, Từ Tâm Duyệt vui vẻ, Từ lão thái thái lại cưng chiều nói với Tô Văn Khanh: "Những thứ này đều là Lý ma ma làm cho cháu…"
Tô Văn Khanh vội liếc sang Từ Tử Việt, không nhìn thấy vẻ gì trong đôi mắt trong trẻo của hắn, không có thất vọng cũng không bất ngờ, lại nhìn thẳng vào nàng.
Tô Văn Khanh khẩn trương lập tức quay đầu, mím môi, xoay người kéo tay Từ lão thái thái làm nũng: "Biểu ca vội về từ sáng sớm chắc chắn chưa ăn gì, Lý ma ma làm nhiều như thế, dù thêm vài người nữa cũng đủ ăn, mà một mình cháu có thể ăn được bao nhiêu chứ."
Tô Văn Khanh hiếm khi đòi hỏi cái gì với Từ lão thái thái, lúc này nói nhiều như thế chỉ vì giữ Từ Tử Việt ăn một bữa cơm, Từ lão thái thái không phản đối nữa, tự tay gắp điểm tâm đặt vào đĩa của Tô Văn Khanh, chiều chuộng nói: "Nghe cháu hết, đến đây ngồi cả đi, Tử Việt cũng ngồi đi, có chuyện gì ăn sáng xong lại nói."
Các nha hoàn vội thêm bát đũa, Từ Tử Việt cúi đầu đồng ý rồi lặng lẽ ngồi xuống, Từ gia rất quy củ, ngoài tiếng bát đũa va chạm thì không còn âm thanh nào khác.
Sau khi ăn xong, Từ lão thái thái giữ Từ Tử Việt lại nói chuyện, Tô Văn Khanh nhận thấy Từ lão thái thái không muốn để cho nàng nghe thấy nên thức thời cáo từ, lúc gần đi lại liếc Từ Tử Việt, không ngờ hắn cũng đang nhìn nàng.
Tô Văn Khanh giả vờ bình tĩnh nhoẻn miệng cười với Từ Tử Việt, không ngờ hắn cũng hơi nhếch môi, gương mặt như băng tan, ánh mắt như lưu ly càng đẹp hơn, Tô Văn Khanh ngạc nhiên phát hiện đuôi mắt phải của Từ Tử Việt có một nốt ruồi son rất nhỏ.
Khi Lục Tụ ở bên cạnh gọi tiểu thư, Tô Văn Khanh mới vội vàng quay đầu, vén rèm lên đi ra ngoài: "Về thôi."
Từ lão thái thái cho Tô Văn Khanh với Lưu thị đi về, chỉ để lại một mình Từ Tử Việt, đúng là bà có chuyện muốn nói với Từ Tử Việt.
Ở kinh thành có quá nhiều vương công đại thần, nếu không phải là hoàng thân quốc thích thì cũng là công thần lập được chiến công trên chiến trường, chẳng hạn như nhà mẹ đẻ của Từ lão thái thái vì lập được chiến công mà được phong Hầu.
Nhưng Từ gia là ngoại lệ.
Từ gia không phải hoàng thân quốc thích cũng không lập được chiến công, người thường xuyên được người đời nhắc đến nhất chính là vị Thừa Văn Hầu đầu tiên - Từ Tông Lẫm, Từ gia từ già tới trẻ đều tự hào khi nhắc về vị tổ tông này.
Từ Tông Lẫm thực sự được coi là nhân vật xuất sắc nhất Từ gia, thời niên thiếu ông đã đỗ Thám Hoa, sau đó trời xui đất khiến lại cứu giá, Thái Tông hoàng đế vốn đã có ấn tượng tốt với chàng Thám hoa trẻ tuổi, từ đó lại càng hài lòng hơn. Cúc cung tận tụy đến chết mới thôi, mặc dù còn trẻ nhưng ông đã có khí phách và sự can đảm này, đến khi Thái Tông hoàng đế hồi cung, ông ấy lập tức phong Từ Tông Lẫm thành Thừa Văn Hầu.
Từ Tông Lẫm xúc động rơi lệ, biết rõ vinh quang này đến từ đâu nên cả đời ông chưa bao giờ khiến Thái Tông hoàng đế thất vọng, trọn đời tận tụy, cẩn trọng làm việc nên có được ân sủng của hoàng đế. Những năm đó được coi là thời kỳ vàng son của Từ gia, nhưng sau đó Từ gia không còn người tài giỏi như vậy nữa, thế hệ sau không bằng thế hệ trước, cứ thế tên tuổi của Thừa Văn Hầu phủ ở kinh thành cũng dần dần suy tàn.
Kể từ đó Thừa Văn Hầu phủ sống lặng lẽ ở kinh thành gần một trăm năm, mãi đến khi Từ gia cưới con cái của Nghị Dũng Hầu phủ, các quý tộc ở kinh thành mới thỉnh thoảng nhớ đến thời huy hoàng ngày trước của Thừa Văn Hầu phủ, nhưng cũng thở dài vì Từ gia không có người kế tục. Mãi về sau, khi Từ Hiền đỗ tiến sĩ và cưới muội muội Vương thị của Vương Sùng, các quý tộc ở kinh thành mới nhận ra Thừa Văn Hầu phủ đã dần trở lại giới quý tộc ở kinh thành.
Mấy năm sau, Vương Sùng vào Nội các nắm giữ thực quyền trong tay, trưởng nữ của Từ gia may mắn được chọn vào cung làm Quý phi, đồng thời sinh ra hoàng tử, Từ gia lại quay về thời kỳ huy hoàng trước kia, thậm chí còn hưng thịnh hơn.
Hiện giờ, ngay cả những kẻ trước kia đã từng chế nhạo Thừa Văn Hầu phủ cũng phải nịnh nọt gọi Từ Hiền một tiếng Quốc cữu gia, không dám nói một câu không tốt về Từ gia, Vương gia và Từ gia, Từ quý phi và Lục hoàng tử trong cung đắc sủng, làm gì có ai dễ chọc.
Nhưng chỉ có Từ gia mới hiểu được tình cảnh khó xử hiện tại của họ, Từ gia? Vương gia? Vương gia kia là Các lão của Nội các, thậm chí Vương gia còn có thể xem qua tấu chương của bệ hạ. Còn Từ gia thì sao, Quốc cữu á? Mỗi khi Từ Hiền nghe được hai chữ này đều cảm thấy sợ hãi, trong cung vẫn còn Hoàng hậu, Quốc cữu ở đâu ra!