Phải lấy chồng (2)
Đây là lần đầu tiên Vu Mạn Nghi tỏ ra "biết điều", mẹ ba vô cùng hài lòng. Từ ngày đó trở đi, bà ta đối xử với cô ngày càng tốt, thậm chí còn dành dụm đồ cưới cho cô, thậm chí kéo cô vào phòng ngủ nói chuyện riêng. Vu Mạn Nghi cho rằng tất cả những điều này đều là do người anh họ mang đến cho cô. Cho nên cô ngày càng yêu anh ta, cũng ngày càng mong chờ anh ta trở về. Mặc dù sau khi ra nước ngoài, anh ta chưa từng gửi thư về nhà họ Vu, nhưng Vu Mạn Nghi vẫn tin chắc rằng, chỉ cần đợi anh ta trở về thì hai người có thể bắt đầu cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, giống như những gì chú hai vẫn thường kể cho cô nghe về cha mẹ cô, hai người đã mất sớm.
Mùa thu năm ấy, khi Vu Mạn Nghi đang chờ đợi người anh họ trở về cưới mình, Tống Kỳ xuất hiện tại sảnh chính nhà họ Vu.
Năm đó, bên ngoài hình như có biến cố lớn, ngày nào cũng có người đến nhà xin gặp ông nội Vu Mạn Nghi, người thì cầu xin ông quyên góp, người thì nhờ ông giải quyết công việc, người thì cầu xin ông phân xử công bằng. Mục đích đến đây của Tống Kỳ cũng không khác những người khác là bao, anh và một người bạn học đang theo học tại Thượng Hải, muốn xuất bản báo nên cần một khoản tiền. Người bạn học của anh ta là người Thiệu Hưng, nói rằng mình quen biết một vị hương thân đức cao vọng trọng ở địa phương, có lẽ có thể đến cầu xin được đôi chút.
Ông nội Vu Mạn Nghi đã lịch sự từ chối họ. Ông không cho rằng đám học sinh này có thể làm nên trò trống gì, cho dù trước đây đã từng có một số việc xảy ra, thì đó cũng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Trung Quốc rộng lớn như vậy, học sinh và công nhân chịu ảnh hưởng của tư tưởng hiện đại lại ít ỏi như vậy. Đây chẳng qua chỉ là một lũ trẻ con lấy trứng chọi đá mà thôi, giống như người con trai thứ tư xấu số đã chết trong tù của ông.
Lập trường của mỗi người đều rất rõ ràng, đến mức cuộc trò chuyện về sau bắt đầu có phần gay gắt. Lúc đó, Vu Mạn Nghi đang ở trong vườn dạy con út của chú hai búi tóc, nghe nói khách đến hôm nay cãi nhau với ông nội, thì hứng thú xách váy áo lên tầng hai, cùng em gái nhón chân áp sát vào khung cửa sổ nhìn xuống sảnh chính.
Lúc bấy giờ, mắt Vu Mạn Nghi rất tốt, dù đứng từ trên cửa sổ cao như vậy, cô vẫn nhìn rõ Tống Kỳ.
Anh mặc bộ đồ học sinh màu đen, cài cúc áo chỉnh tề đến tận cổ, cổ áo dựng thẳng. Trong ký ức của Vu Mạn Nghi, người anh họ cũng rất đẹp trai, nhưng cô lại không tài nào nhớ nổi dung mạo của anh ta. Còn Tống Kỳ lại sở hữu những đường nét khiến người ta chỉ cần nhìn một lần là khó quên. Cô đứng trên cao như vậy, lẽ ra rất khó nhìn thấy mặt anh, thế nhưng anh lại ngẩng đầu lên khi đang uống trà, đôi mắt nhìn thẳng lên tầng hai, khiến cô giật mình, suýt nữa thì tưởng rằng anh đang nhìn mình.
Xương mày và sống mũi của anh cao hơn so với những người đàn ông mà cô từng thấy, cộng thêm bộ đồ đen, lẽ ra là dung mạo rất nghiêm nghị, nhưng cứ khăng khăng lại có thêm đôi mắt phượng, đuôi mắt hơi xếch lên, toát lên vẻ bất cần. Vu Mạn Nghi mới chỉ nhìn thấy dáng vẻ như vậy ở những tên công tử bột trong những gia đình hương thân khác, cô không hiểu nổi tại sao đôi mắt ấy lại xuất hiện trên người một học sinh nghèo như vậy. Anh nhìn chằm chằm về phía cô, uống cạn chén trà, sau đó đặt chén trà xuống bàn, đứng dậy, lễ phép nói với ông nội Vu Mạn Nghi: "Vậy xin phép chúng tôi xin đi trước."
Vu Mạn Nghi không tận mắt chứng kiến cảnh anh cãi nhau với ông nội, vì vậy cô cho rằng anh là người biết phép tắc và không hay cãi lời người lớn, điều này đã gieo mầm cho quyết định thay đổi số phận của cô vài ngày sau đó.
Tóm lại, đó là lần đầu tiên Vu Mạn Nghi nhìn thấy Tống Kỳ. Cô ghé vào khung cửa sổ tầng hai mà từ tầng một không thể nhìn thấy, nhìn theo bóng dáng anh và bạn rời đi, lòng thầm nghĩ, không biết đến bao giờ anh họ mới trở về cưới cô đây.
…