Trần Vân chỉ thấy lạnh lòng, bà ấy hừ một tiếng, xoay người đi thẳng, giày cao gót gõ côm cốp trên nền nhà như dậm mạnh vào lòng mấy người em trai.
Trong lòng Trần Văn Cường và Trần Văn Hoa cũng thấy không thoải mái.
Nhà cũ đúng là nên để lại cho Trần Kim, không ai được chia, nhưng trong đám anh chị em chỉ có mỗi Trần Vân là không có phần, bọn họ cũng cảm thấy rất khó xử.
Lưu Quyên chen ngang dòng suy nghĩ của hai anh em, nói: “Cũng chỉ vì bây giờ gặp may mắn mới được giải tỏa, Trần Vân mới tính về đòi chia nhà cũ. Sao chị ấy không nói đến ba cái sạp quần áo lớn kia của chị ấy?”
Nghe nhắc đến ba cái sạp lớn, Trần Văn Cường và Trần Văn Hoa liền tỉnh người, Lưu Quyên nói tiếp: “Ba cái sạp lớn đó là mẹ bán đi chiếc vòng tay gia truyền để mua. Lúc ấy anh cả, Văn Hoa, và Trần Văn Phương chẳng ai dùng đến, Trần Vân thì muốn làm bán sỉ quần áo nên lấy cả ba cái sạp để kinh doanh. Sau này có tiền mới chuyển sạp sang tên chị ấy. Hồi đó một sạp chỉ có giá một ngàn đồng, giờ thì mười mấy vạn chưa chắc mua được. Sạp tăng giá nhiều thế, chúng ta cũng chẳng đi đòi tiền, giờ chị ấy lại dám đòi nhà cũ sao?”
Hai anh em lại chìm vào im lặng.
Khi Trần Vân muốn chuyển ba sạp ở chợ bán sỉ sang tên mình, đã là năm thứ tư mua sạp. Lúc đó giá trị sạp đã tăng gấp nhiều lần, nhưng Trần Vân chỉ trả theo giá mua ban đầu. Lúc đó bố mẹ không có ý kiến, bọn họ cũng không lên tiếng mà thôi.
“Thôi, đừng nói đến chị ấy nữa.” Trần Văn Cường xoa sống mũi, người chị cả này của anh vốn đã như thế, mạnh mẽ, lại luôn được người nhà cưng chiều. Nhưng dù có chiều thế nào cũng không thể để chị ấy chiếm hết lợi ích.
“Thôn Mộc Đường cũng đã dán thông báo rồi phải không? Nhà các em người đông, giải tỏa chắc khó hơn bên anh.”
Thôn Mộc Đường là thôn lớn, dân số gần hai nghìn, trong thôn lại chia thành mấy họ, không như thôn Kiều Đông, cả thôn chỉ có họ Trần. Mâu thuẫn trong thôn không ít, mười ba năm trước còn từng có vụ đánh nhau ầm ĩ, dao thật súng thật đều lôi ra, đợt trấn áp năm 1983, cảnh sát bắt đi cả loạt người, thôn mới bớt ồn ào.
Trần Quỳ cười khổ một tiếng: “Chiều qua bên giải tỏa mới dán thông báo, tối đã có mấy nhà đánh nhau vì chuyện chia tiền rồi.”
“Nhà em...”
“Kệ họ ầm ĩ thôi, chia được bao nhiêu thì tùy bố mẹ chồng.” Chồng bà ấy là con thứ, người hiền lành lại bị kẹp giữa, không tranh được với anh cả phải nuôi bố mẹ, cũng không giành lại được với đứa em út được bố mẹ yêu chiều.”
Sức khỏe của bà ấy không tốt, không sinh con được mới gả cho ông chồng góa vợ nuôi hai đứa con, quan hệ với hai đứa con riêng của chồng lạnh nhạt, giành được tiền thì cũng là của bọn nó, bà ấy không rỗi hơi đi tranh.
“Nghe nói ký xong thỏa thuận là chuyển vào nhà tái định cư luôn, hai thôn mình có khi sẽ phân vào cùng nhau.”
“Cũng chưa chắc, như bọn em đây, không cần nhà tái định cư, lấy tiền cũng được.”
“Đo đạc xong là nhà em được chọn nhà rồi. Bố chồng em và ông anh họ đều nói là chỉ muốn lấy tiền, cầm tiền trong tay rồi mấy người sẽ sang thôn Kiều Tây mua đất xây nhà.”
Trần Văn Cường cũng tính xem có nên mua đất ở thôn Kiều Tây xây nhà hay không, nhưng nghĩ kỹ lại, người nhà mình không ưa người thôn Kiều Tây, qua đó mua đất xây nhà cũng khó mà sống. Với lại, lần giải tỏa lớn thế này cũng không có thôn Kiều Tây, anh đoán thôn Kiều Tây còn lâu mới đến lượt giải tỏa.
…
Trần Kim bận rộn cả buổi sáng, vừa tổng hợp diện tích đất nhà cửa của từng nhà trong thôn để tiện cho bên giải tỏa đối chiếu, lại bị lôi đi giúp đếm số, cả buổi sáng bận đến hoa mắt chóng mặt. Về nhà ăn xong cơm trưa, cô vội vào phòng ngủ trưa. Chiều tỉnh dậy, nhà cậu ba chỉ còn tiếng chơi game của cậu em họ Trần Vĩnh An.
“Chị, chị!” Vừa thấy Trần Kim bước ra, Trần Vĩnh An lập tức quăng tay cầm game, cười nịnh bợ: “Chị, chị sắp thành đại phú bà rồi, còn em thì vẫn là thằng nghèo rớt mồng tơi…”
…
“Lại muốn xin gì đây?” Trần Kim liếc qua đã đoán được chiêu trò của Vĩnh An.
“Ha ha.” Trần Vĩnh An cười ngớ ngẩn: “Em muốn cái máy chơi game đời mới thôi mà. Không đắt lắm đâu... Ấy, ấy! Chị! Chị ba! Haizz, bảo sao người ta nói càng giàu càng keo kiệt, đến cái máy chơi game cũng không chịu mua cho em.”
Ngày nào cũng ở nhà chơi game, chọc giận mợ hai, còn lâu cô mới mua cho.
Trong tiệm tạp hóa nhà họ, người ra kẻ vào nườm nượp, các chị em họ đều có mặt.
Vừa thấy cô, Trần Đình hỏi ngay: “Trần Kim, em định nhận bồi thường cái gì?”
“Còn chưa biết được bao nhiêu, đợi người ta đến đo đạc rồi tính tiếp.” Thực ra cô cũng đã có ý tưởng, nếu có thể lấy nhà thì lấy hết nhà, giữ lại cho thuê cũng là một khoản thu nhập, còn lại tiền thì cũng đủ dùng.
Trần Đình mím môi, lại hỏi: “Vậy em có định mua ô tô không?”
“Ô tô? Em chưa có bằng lái, cũng không biết lái. Ai định mua? Anh cả hay anh hai?”
“Anh ba nói muốn mua.”
“Ồ.” Anh ba Trần Vĩnh Phi thích những thứ như xe cộ, pháo đài, máy bay lắm, nhưng mà, Trần Kim cười nói: “Em đoán cậu ba và mợ ba sẽ không cho anh ấy mua đâu.”
Rồi lại nhớ ra hôm nay là thứ Sáu, cô hỏi: “Chị Đình, chị xin nghỉ được mấy ngày?”
Trần Đình buồn bực, cô ấy học ngành y tá, sau khi tốt nghiệp đã được phân vào bệnh viện phụ sản khu Tây Thành làm việc, ngày nào cũng bận tối mắt tối mũi, xin nghỉ khó hơn lên trời. “Chỉ xin được hai ngày, mai phải quay lại làm rồi.”
Cô ấy còn muốn ở lại để xem tiến độ giải tỏa, chủ yếu là muốn biết nhà mình sẽ được chia bao nhiêu tiền.
Trần Gia cầm chai nước ngọt mát lạnh, tu một ngụm rồi than thở: “Cũng may em vẫn là sinh viên, hì hì.”
Điền Miêu cũng thở dài, nhưng là cái thở dài lo lắng, cô ấy vất vả lắm mới xin được công việc trông coi tiệm tạp hóa, làm chưa đến nửa năm mà giờ công việc sắp mất rồi.
Trần Kim nhìn Điền Miêu, thầm nghĩ đến lúc đó xem có đổi được cửa tiệm nào khác không. Cô vẫn muốn tiếp tục kinh doanh, nếu Điền Miêu khó tìm việc thì cho ở nhà mở tiệm luôn.
Bỗng nhiên, điện thoại đổ chuông.
Điền Miêu nghe máy: “Alo.”
Qua mười mấy giây, cô ấy quay qua nhìn Trần Kim, nhỏ giọng hỏi: “Bố chị gọi, chị có nghe không?”
“Cứ bảo chị không có ở đây.”
Điền Miêu liền nói vào điện thoại: “Trần Kim không có ở đây, lát nữa gọi lại nhé.” Sau đó tắt máy cái rụp.