Chương 9: Lý Văn Tú
Bệnh viện trung tâm huyện Đông Hà không lớn, khoa nội trú cũng chỉ có ba tầng.
Khoa sản nằm ở tầng hai, có tổng cộng ba phòng, trong đó có hai phòng sáu giường và một phòng hai giường.
Nghe có vẻ không nhiều phòng, nhưng thời điểm này, trừ khi phụ nữ khó sinh, còn lại đa phần đều ở nhà nhờ bà đỡ đẻ, nên bốn phòng không những đủ mà còn thường không đầy.
Hôm nay, khoa sản cũng vắng vẻ hơn một nửa.
Đặc biệt là phòng 216, từ khi sản phụ ở giường số 1 xuất viện vào hôm qua, trong phòng chỉ còn lại hai sản phụ. Phòng sáu giường mà chỉ có hai người, không gian rộng rãi, không ảnh hưởng đến việc trò chuyện riêng tư.
Tuy vậy, trước khi cất lời, Lý Văn Tú ở giường số 3 cạnh cửa sổ vẫn liếc nhìn sang giường số 4 trước.
Giường số 4 là một nữ công nhân nhà máy ốc vít huyện Đông Hà, giống như Lý Văn Tú, cũng là do bị ngã trong thai kỳ mà được đưa đến bệnh viện.
Tuy nhiên, hoàn cảnh của hai người phụ nữ không hoàn toàn giống nhau. Khi Lý Văn Tú ngã, cô ta đã mang thai hơn chín tháng. Sau khi được đưa vào bệnh viện, mặc dù việc sinh nở gặp nhiều khó khăn, nhưng hai mẹ con đều khỏe mạnh.
Còn người phụ nữ này khi ngã mới mang thai hơn bốn tháng, thai nhi chưa phát triển hoàn chỉnh. Hơn nữa, do ngã quá nặng, ngay sau khi được đưa vào bệnh viện, cô ấy đã được thông báo là không thể giữ được thai nhi. Gia đình đành ký tên đồng ý tiến hành thủ thuật nạo phá.
Ngày đầu tiên cô ấy vào viện, ngoài đồng nghiệp đưa đi, nhà chồng còn ùa đến một đám đông. Tuy nhiên, sau khi xác định bị sảy thai, họ không đợi cô ấy ra khỏi phòng phẫu thuật mà ùa nhau bỏ đi, chỉ để lại người chồng.
Người chồng cũng không ở lại lâu, vào ngày hôm đó chỉ đến an ủi cô ấy một chút, rồi sang ngày hôm sau đã không thấy bóng dáng đâu.
Hai ngày trôi qua, nhà chồng chỉ sắp xếp người đưa cơm tới bệnh viện ba bữa mỗi ngày. Cũng bởi vì ở nhà có nhiều chuyện, nên đưa cơm còn không đúng giờ, trông hết sức thê thảm.
Có lẽ bản thân cô ấy cũng cảm thấy buồn lòng, trong hai ngày nằm viện, cô ấy đã khóc rất nhiều, tâm trạng ngày càng trở nên tồi tệ.
So với cô ấy, Lý Văn Tú được chồng chăm sóc chu đáo sau khi sinh nở có vẻ hạnh phúc hơn nhiều.
Nhưng đây là nhận định chung của một số y tá khoa sản, chứ bản thân Lý Văn Tú không nghĩ vậy. Cô ta cho rằng mình chỉ trông có vẻ hạnh phúc, còn thực tế là do cô ta ngã khi đi làm nên mới dẫn đến việc sinh khó.
Nếu không phải vì sinh khó, có thể cô ta còn chẳng được vào viện, chỉ có thể sinh con ở nhà. Nếu không phải vì ngã khi đi làm, trưởng xưởng của nông trường cũng sẽ không dễ dàng đồng ý cho chồng cô ta nghỉ phép, người không có ai chăm sóc sau khi sinh con sẽ là cô ta.
Hơn nữa, có người chăm sóc thì có ích gì?
Người phụ nữ ở giường số 4 dù chồng có vô lương tâm đến đâu, bản thân cô ấy cũng là công nhân chính thức của nhà máy quốc doanh/ Cho dù đứa bé không giữ được, nhà chồng cũng không dám để cô ấy đói, một ngày ba bữa đều có người mang đồ ăn đến.
Còn cô ta tuy đã bình an sinh con, nhưng sau khi xuất viện chưa chắc đã được ở cữ đầy đủ.
Nếu cô ta sinh ra đã hèn mọn thì cũng đành, nhưng khi sinh ra cô ta được sống trong biệt thự, năm tuổi đã đi học trường nữ sinh, sau khi quốc gia thành lập tuy thành phần không tốt, nhưng cũng bình an học hết cấp 3, tìm được một công việc đàng hoàng.
Ai ngờ rằng chỉ trong một sớm một chiều, mọi thứ có thể thay đổi. Hạnh phúc trước đây tan biến như mây khói, gia sản bị tịch thu, vợ chồng cô ta bị lôi ra diễu phố, rồi cuối cùng bị đày đến một nông trường dưới huyện Đông Hà. Cuộc sống của họ giờ đây chỉ quanh quẩn với việc cuốc đất, làm rẫy, đối mặt với sự vất vả và gian khổ.
Khi mang thai đứa bé này, cô ta không hề cảm thấy vui mừng.
Nuôi nấng một đứa trẻ trong hoàn cảnh hiện tại chẳng khác gì có thêm một gánh nặng. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng thêm bấp bênh.
Đối với đứa trẻ, ngay từ khi sinh ra đã phải chịu kiếp sống cơ cực. Nhìn vào tương lai mịt mờ, không có chút hy vọng nào.
Do thiếu hụt dinh dưỡng và lao động nặng nhọc sau khi bị đày ải, chu kỳ kinh nguyệt của cô ta trở nên không đều đặn. Cũng vì vậy, trong giai đoạn đầu thai kỳ, cô ta không có bất kỳ biểu hiện gì rõ ràng. Mãi đến khi phát hiện mình mang thai, thai nhi đã được hơn bốn tháng. Lúc này, việc phá thai bằng thuốc đã không còn an toàn, buộc cô ta phải giữ lại đứa bé.
Vì vậy, mặc dù đứa bé chào đời bình an, nhưng từ khi ra khỏi phòng sinh đến nay, trên khuôn mặt của Lý Văn Tú vẫn hiếm khi xuất hiện nụ cười.
[ĐỀ CỬ TRUYỆN ĐỂ MÌNH CÓ ĐỘNG LỰC DỊCH TIẾP NHÉ]