Mộng Phù Hoa

Chương 7


Sau khi cuộc điện thoại với bác Sầm vừa dứt, tâm trạng tôi phải nói là xấu đến mức khó tả, chân tay luống cuống, hướng tài xế ngồi phía trước nói với giọng gấp gáp, run rẩy.

– Bác cho tôi xuống sân bay được không. Càng nhanh càng tốt.

Bác tài xế nhìn tôi qua gương chiếu hậu, ánh mắt hiện lên một chút lo lắng. Tôi biết, bác ấy muốn an ủi tôi, nhưng vì chuyện tôi phải đối diện lúc này thật sự quá gấp, nên bác ấy chẳng dám dài dòng gì nhiều.

– Cô Quỳnh, tỉnh N không có sân bay. Bây giờ cô muốn đi máy bay chúng ta phải ra đến tận thủ đô, mà thủ đô thì cũng mất tận ba bốn tiếng mới đến nơi được.

Sau khi bác tài xế dứt lời, tôi lúc này mới ngớ người nhận ra rằng mình quả thật vẫn đang ở địa bàn tỉnh N. Nơi này không phải khu kinh tế trọng điểm, cũng chẳng phải nơi phát triển ngành du lịch, nên việc liên thông với các thành phố lớn đều thông qua đường quốc lộ. Bây giờ muốn trở về thành phố A nhanh nhất, cũng chỉ có thể trông chờ vào tay lái của bác tài mà thôi.

Không tìm được cách nào khác, toàn thân tôi trở nên suy sụp, tay run rẩy đưa lên quẹt hết những giọt nước mắt lăn dài trên má, cả người vô lực dựa vào khung cửa ô tô. Bầu trời bên ngoài thời tiết hôm nay vô cùng đẹp, đường xá khô ráo, người người đi làm trò chuyện tấp nập. Chỉ có lòng của tôi là lạnh ngắt, đau đến cùng cực khó thở.

Suốt quãng đường sau đó, Tình với Loan cũng sốt ruột hỏi tôi đã xảy ra chuyện gì, nhưng tôi tuyệt nhiên một lời không hé. Không phải là vì tôi không cần sự quan tâm của họ, chỉ là tâm trạng tôi vô cùng tệ, ngay lúc này chẳng muốn nói chuyện với một mình ai hết mà thôi.

Mấy tiếng dài đằng đẵng trôi đi, lúc xe của đoàn về đến trụ sở đài truyền hình thành phố A, trời cũng đã sẩm tối hẳn. Mưa trên cao đổ xuống như trút nước, sấm chớp ầm ầm, người đi bộ đều tìm một chỗ để tránh cho khỏi ướt, duy chỉ có tôi là vẫn chạy thục mạng với chiếc ô chẳng đủ che được cả người, trong nháy mắt thân ảnh nhỏ bé và đầu tóc đều đã đẫm nước, lạnh ngắt.

Tôi chạy thục mạng ra bến xe buýt, thế nhưng vì trời mưa quá lớn, dường như tất cả các chuyến đều bị hoãn lại cả. Đợi tận 10-15 phút vẫn chẳng thấy có ai, mà bản thân lại còn rất gấp nên không thể nào đứng đợi lâu hơn được, tôi lại lao xuống lòng đường chạy tiếp thêm một đoạn dài về phía đỗ của những chiếc taxi. Cũng may là, thời điểm hiện tại còn rất nhiều chiếc vẫn đứng ở đó đợi khách.

Đứng trên hành lang, tôi khẽ đưa tay lên vuốt nước trên mặt, bắt đầu ngó nghiêng tìm xe. Thật ra, lúc nhìn thấy tôi, đã có rất nhiều người nhiệt tình xúm lại hỏi rất nhiều điều, tuy nhiên chẳng hiểu sao đối với họ tôi lại cảm thấy có một chút sợ sệt. Dù sao thì thành phố A này cũng không phải là thành phố thơ mộng, những tệ nạn cùng với vụ án gϊếŧ người hϊếp da^ʍ hầu như ngày nào cũng có, thành ra bản thân tôi dù không mấy để tâm nhưng cũng không phải là không phòng tránh.

Tôi đứng đó do dự một hồi, mỗi lẫn gặp phải lời chào của những tài xế cũng chỉ biết lắc đầu, sau đó ánh mắt tiếp tục rời đi nơi khác. Những lúc ấy, kiểu gì tôi cũng sẽ nghe được những lời cay nghiệt, đại khái như là :” Làm gái mà còn đòi làm giá”, “ Dân chạy xô mà cứ làm như mình thanh cao lắm ấy.”

Qủa thực, những lời này đều khó nghe đến vô cùng, nhưng mà từ lâu đã quen rồi nên tôi chẳng còn cảm giác tức giận hay khó chịu nữa. Cuộc đời của tôi như thế nào, mối quan hệ của tôi ra sao, tôi chỉ cần tôi biết và đồng nghiệp biết là được. Còn đối với người ngoài, những người không có sức ảnh hưởng, thì kệ đi. Bởi vì họ trước sau cũng chỉ là người đi qua đường giáp, không có lợi cũng chẳng có hại với tôi một chút nào, nghĩ nhiều làm gì cho đau đầu với mệt mỏi.

Mất chừng vài phút cũng kiếm được một chiếc xe đỗ ở trong góc, tôi đưa mắt nhìn, nhận thấy taxi đó vẻ bề ngoài tuy không được mới, nhưng cũng chẳng đến mức tồi tàn không đi được. Ánh sáng hơi tối, người bên trong mang diện mạo như nào tôi nhìn cũng không rõ, chỉ biết hình đó là một người đàn ông với mái tóc ngắn được cắt gọn gàng.

Đưa tay lên gõ cửa, tôi mới phát hiện tài xế đang nhận điện thoại, môi mấp máy nói cái gì đó. Cho đến tận một phút sau, cánh cửa được hé xuống, nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc ở bên trong, khóe môi tôi không khỏi giật giật mấy cái, nhất thời im lặng không biết nói cái gì.

Từ lúc biết A Lâm cùng mình làm chung một thành phố, tôi cũng có đôi lần suy nghĩ khả năng chúng tôi gặp nhau lại nhau là xác xuất không hề lớn. Bởi vì giống như Loan nói, anh là công nhân làm thuê, còn tôi thì ngày nào cũng phải chạy nơi này nơi kia đi lấy bài phỏng vấn, thêm nữa tôi cũng chẳng thích đi đây đi đó, thì làm sao có thể gặp cái chuyện tương phùng như trong những bộ phim truyền hình vẫn chiếu. Thế nhưng giờ phút này đây, mới chỉ qua một ngày mà tôi và anh đã gặp lại ở cái nơi phồn hoa đông đúc này, liệu có thể coi đó là duyên phận được không nhỉ?

Xung quanh chỉ còn lại toàn những tiếng mưa mơi lộp bộp cùng với tiếng mời chào của những lái taxi đang í ới tranh khách của nhau, bản thân nhất thời còn chưa biết nên mở miệng như thế nào, thì bất chợt tôi đã nghe thấy giọng nói trầm thấp của A Lâm ngồi trong cất lên.

– Cô muốn đi đâu à. Lên xe ngồi đi.

Lúc này tôi mới giật mình thoát khỏi những suy nghĩ hỗn độn, khẽ gật đầu đáp lại, theo động tác cũng mở cửa xe ngồi vào ghế sau, ngăn cách chính mình với nước mưa xối xả bên ngoài.

– À, khu nhà trọ cũ phía Bắc nằm ở ngoại thành.

A Lâm nhìn đường phía trước, tôi thấy môi anh khẽ lẩm bẩm qua gương chiếu hậu trước mặt.

– Khu nhà trọ cũ sao? Thật ngại quá, tôi không biết chỗ ấy, cô có thể dẫn đường cho tôi được không?

Ngữ điệu của anh vẫn lạnh nhạt và khách sáo như vậy, cho dù chúng tôi đã từng nói chuyện vài lần trước đó, nhưng giờ phút này nếu tôi đoán không nhầm thì anh chẳng hề muốn tỏ ra mình quen biết tôi.

– Đó là một khu cũ sắp giải toả và xuống cấp. Anh cứ đi về trung tâm thành phố đi, lát nữa tôi sẽ chỉ đường cho anh. Có điều chỗ đó mùa mưa này có hơi lầy lội một chút.

– Được.

A Lâm nhẹ nhàng đáp lại, lúc này tôi cũng yên tâm dựa người vào sau ghế, mắt nhìn ra bên ngoài cửa sổ tối om. Cảnh đêm sâu lắng, đường xá, nhà lầu, cây cối,.. tất cả mọi cảnh vật đề bị ướt sũng bởi cơn mưa rào đổ xuống, theo tốc độ xe nhanh dần, cứ vậy mà lùi lại trong màn đen.

Suốt quãng đường dài, A Lâm không hề lên tiếng nói chuyện, ngoại trừ tiếng mưa rơi bên ngoài và tiếng cần gạt nước kêu két két, thì tôi không hề nghe thấy thêm một tiếng động nào nữa. Có điều vừa nãy dầm mưa nên bây giờ đầu óc có một chút khó chịu, vừa mệt mỏi vừa đau nhức, mắt nhìn cái gì cũng hoa lên, thành ra có những lúc anh mở miệng hỏi đường, tôi phải mất tận mấy giây mới nói được thành lời.

Bất chợt, trước mặt xuất hiện một chiếc khăn mặt màu trắng vẫn còn được bọc trong chiếc túi nilon dán tem, tôi dù mơ màng vẫn nghe thấy giọng A Lâm cất lên chậm rãi. Không lạnh không nóng, nhưng lại rất từ tính, dễ nghe, cuốn hút người khác.

– Tôi vừa mới mua hồi chiều. Cô dùng tạm đi. Để đầu ướt sẽ dễ bị cảm lắm đấy.

Theo lời nói của A Lâm, tôi đưa tay sờ lên đầu mình, cảm giác lành lạnh nơi lòng bàn tay khiến tôi nhất thời tỉnh táo hơn được một chút, cũng không hề từ chối liền nhận lấy.

– Cảm ơn anh. Lát nữa anh cứ tính tiền vào tiền đi taxi là được.

A Lâm không đáp lời, trong bóng tối anh lẳng lặng đưa mắt nhìn khuôn mặt tôi một hồi, bật máy điều hòa lên chế độ ấm hơn rồi đẩy về phía tôi, ngón tay vô thức mò lấy thuốc lá ở trên người. Tuy nhiên anh không hề có ý định hút, mà chỉ ngậm ở miệng để cho cảm giác thèm thuốc giảm đi vơi ít. Lúc ấy, không hiểu tại sao tôi lại cất giọng nói.

– Anh muốn hút thì cứ hút đi. Đừng ngại tôi.

A Lâm khẽ giọng từ chối, anh nâng mắt nhìn tôi ở trong gương trước mặt, từ tốn hỏi đường, vẻ mặt trước sau đều không hề biểu lộ cảm xúc gì cả.

– Không cần đâu. Bây giờ rẽ lối nào nữa.

– Rẽ phải, đi vào con đường nhỏ kia kìa.

Xe chạy về phía ngoại thành vắng vẻ, đi sâu vào con ngõ lầy lội đầy bùn đất, cuối cùng sau một hồi cũng dừng lại trước một con hẻm tối om. Hai chùm điện đường chẳng đủ soi sáng trong bán kính rộng, tối mờ mờ, lại còn bị mạng nhện phủ lên, nhìn cái bóng in dưới nền bê tông ẩm ướt còn thấy đàn muỗi di chuyển nhảy nhót.

– Được rồi, dừng ở chỗ này đi. Bên trong đường nhỏ, xe đi vào không được.

Mưa bên ngoài đã ngớt hẳn, tôi rút 200 nghìn đưa trả cho A Lâm, có điều người đàn ông đó lại không hề có ý định đưa tay ra cầm lấy. Anh quay người nhìn tôi, rồi lại nhìn ra những cửa tiệm nhỏ heo hắt và khu chợ nông sản được thắp điện bằng những bóng tiết kiệm, đẩy cửa đi xuống, vòng qua đầu xe đi tới con hẻm sâu và tối, lúc này mới hỏi.

– Bên trong không có điện đường sao?

– Có, nhưng chắc hôm nay mưa lớn nên bị hỏng rồi. Ngày mai có lẽ bảo vệ sẽ thay thôi.

A Lâm gật đầu, anh bây giờ mới lấy bật lửa châm điếu thuốc vẫn còn ngậm trên miệng, hờ hững nói.

– Có cần tôi đưa vào bên trong không?

Tôi lắc đầu, những sợi tóc ẩm ướt theo động tác khẽ quẹt lên trước má, đọng lại một chút ẩm ướt.

– Không cần đâu. Điện thoại của tôi đèn.

– Vậy cô vào trong đi, tôi đợi một lúc rồi rời đi.

– Được, anh đi về cẩn thận.

Thật ra tôi còn muốn đưa danh thϊếp của mình cho anh và nói với anh rằng, về đến nhà an toàn thì hãy gọi điện báo cho tôi. Nhưng mà bản thân là người phụ nữ có tôn nghiêm, thêm nữa mối quan hệ của chúng tôi cũng chỉ gọi là quen biết chứ không đến mức quá thân thiết, nên lời cũng theo đó tắc nghẹn ở cổ họng. Dù sao thì cũng nhớ rõ biển số xe của anh rồi, sau này muốn tìm, tôi nhờ người ở bên cảnh sát giao thông trợ giúp một tí cũng có thể tìm ra thôi.

Nói xong với A Lâm, tôi không chần chừ thêm giây phút nào nữa, nhanh chóng xoay người đi qua con hẻm nhỏ, tiếng chó sủa, tiếng giày cao gót, cứ thế hòa vào nhau, quyên với cả tiếng xe mô tô gầm gừ khởi động, vọng lên thật lớn.

Nơi khu nhà trọ tôi ở này là khu nhà lụp xụp cũ kĩ tồi tàn nổi tiếng trong thành phố, nhà nhà đều là nhà trệt, có người thì xây hai ba rầng nhỏ, cũng có người xây cao để cho những người thu nhập thấp như tôi đến thuê. Mấy năm trước, thành phố đã có dự định tháo dỡ nơi này để thi công dự án khu chung cư cao cấp, nhưng vì có lẽ vốn quá nhiều, lại thêm không đền bù thỏa đáng nên người dân dăm ba ngày lại kéo nhau đi kiện cáo, thành ra cho đến bây giờ mọi thứ vẫn chưa triển khai được cái gì.

Đi qua khỏi con hẻm quẹo trái chính là căn nhà cũ mà tôi thuê trọ của một gia đình. Trước cửa có một khoảng sân bê tông nhỏ miễn cưỡng để được xe, thêm một mảnh vườn bác Sầm với những hộ khác chia nhau dùng để trồng lấy rau sạch gϊếŧ thời gian, còn lại thì đều là những ngôi nhà nối liền san sát.

Bước lên bậc thang tối om và chật chội, tôi khẽ hít một hơi thật sâu, mày hơi nhíu lại vì ngửi thấy mùi khó chịu. Xung quanh chỗ này là những đồ đạc không được sử dụng chất đầy một góc, bề mặt phủ những lớp bụi thật dày, thi thoảng còn nghe thấy tiếng chuột kêu chít chít. Vách tường cũng rất bẩn, theo thời gian đã trở nên ố màu, loang lổ ẩm mốc, nhìn thế nào cũng không cảm thấy khó lấy được một chút cảm tình.

Tôi nhìn thẳng, chăm chú đi lên, hành lang trống trải vang lên những tiếng giày cao gót cộc cộc vọng lớn. Một lúc sau lên được đến tầng bốn, đứng ở đầu hành lang bên này, tôi liếc mắt nhìn nhà bác Sầm thắp đèn sáng rực với nhiều người tụ tập, mới chậm rãi tiến lại.

Chú Vương, hàng xóm bên cạnh bác Sầm là người phát hiện ra tôi đầu tiên. Lúc ánh mắt chú ấy chạm với ánh mắt của tôi, tôi đã nghe thấy chú ấy reo lên.

– Cô Quỳnh về rồi.

Tôi khẽ gật đầu, mọi người sau tiếng nói ấy cũng đồng loạt xoay người nhìn tôi. Có an ninh trật tự, có gia đình nhà có người bị em trai tôi đánh, có cả những người xung quanh đến hóng chuyện nữa.

Nói thật, chuyển đến đây đã nhiều năm rồi, nhưng tôi đối với những người này đều không nói chuyện quá nhiều, cũng có người tôi chẳng tiếp xúc, nên ngoại trừ bác Sầm ra thì không hề thân với một ai. Vì vậy ngay lúc này, nhìn thấy họ, không cần nói tôi cũng biết tất cả kéo đến đây chẳng phải vì quan tâm xem tôi và em trai xử lý chuyện này như thế nào, mà họ đến để xem kịch vui, coi những mẫu thuẫn này là thứ có thể khiến cho mình tiêu khiển.

– Cô cuối cùng cũng về rồi. Khánh nó đợi cô mãi đấy.

Bác Sầm là người thứ hai lên tiếng phá đi cái bầu không khí ngột ngạt lúc này, bác ấy tiến lại phía tôi, chừa ra một khoảng nhỏ cho tôi đi vào trong nhà với em trai của mình. Thế nhưng, tôi còn chưa bước, thì đã bị một bóng dáng sồ sề chặn lại.

Người đàn ông này là người mà bác Sầm nhắc đến trong điện thoại, tên là Khôi, nhà ở lầu trên nhà tôi. Tuổi tác tôi cũng không rõ là bao nhiêu, nhưng khuôn mặt đã hiện rõ dấu vết của thời gian, đen sạm, lại còn có một vết sẹo khá dài kéo dài từ thái dương cho xuống dưới cằm, nhìn thoáng qua trông rất sợ và dữ dằn.

Tôi nghe thấy ông ta hất cằm nói với mình.

– Cô chính là chị gái của cái thằng điên khùng trong nhà lão Sầm có đúng không?

Hai cái từ “ điên khùng” nói ra từ miệng ông ta khiến lòng tôi dậy sóng, nhưng vì thời điểm nhạy cảm, lại thêm việc tôi không muốn làm to mọi chuyện nên bản thân vẫn cố dằn xuống sự tức tối, lạnh nhạt gật đầu một cái rồi mới đáp.

– Đúng thế..

Dường như gã Khôi này đã đợi tôi quá lâu rồi, nên sau khi nghe tôi nói vậy, gã tức thì tuôn ra một tràng, cách nói chuyện đúng kiểu dân chợ búa không được dạy dỗ.

– Thằng đần em cô sáng này đánh con trai tôi, đánh hết sưng hết cả mặt mũi lên đây này. Tôi đưa nó đi khám hết năm triệu cả tiền thuốc, cô mau mau đưa tiền bồi thường đây cho tôi.

Năm triệu? Con số này đối với người khác thì không là gì, nhưng đối với tôi nó là một con số khá lớn, nếu không muốn nói là chiếm gần hết tháng lương của tôi. Có điều tôi cũng không phải là người dễ uy hϊếp và yếu đuối, nên trước tình hình căng thẳng như lúc này, tôi vẫn giữ lấy thái độ bình tĩnh nhất định.

– Bác trai, trước khi nói đến chuyện tiền nong, tôi nghĩ chúng ta nên nói về nguyên nhân vì sao vụ việc này xảy ra. Em trai tôi đúng là đầu óc có chút ngây ngô chậm hiểu, nhưng thằng bé rất ngoan, trước nay chưa từng đánh ai bao giờ. Bác là người mới chuyển mới, không hiểu rõ mọi chuyện thì cũng không nên quy chụp mọi tội lên như thế chứ.

– Ý cô là cô nói lỗi là do thằng con tôi. Này nhé, ông đây nói cho mà biết, con trai ông nổi tiếng ngoan ngoãn từ trước đến giờ, nó không rảnh háng mà đi trêu trọc cái thằng đần kia.

– Có hay không thì để tôi hỏi em trai tôi là biết ngay thôi, bác không cần phải lớn tiếng làm gì. Chuyện của hai đứa nhỏ, tìm được thống nhất thì sẽ giải quyết rất nhanh.

– Hỏi em cô? Nực cười? Lời cái thằng đần ấy thì ai mà tin cho được…( Nói đoạn đến đây lão ấy quay sang những người xung quanh, hỏi họ )… Mọi người nói xem, một thằng đần với một đứa trẻ thông minh, thì mọi người nghe ai. Nghe ai hả?

Những người xung quanh đều thì thầm to nhỏ, mà gã đàn ông trước mặt tôi thì hả hê vì đã tìm được đồng minh nên càng lúc càng được đà lấn tới. Mỗi một câu nói đều là một lần gọi em tôi là thằng đần này, thằng đần nọ, trong nháy mắt khiến cho tôi chẳng thể kiềm chế được nữa, lớn giọng nghiêm nghị.

– Đủ rồi đấy. Tôi nãy giờ vẫn nói chuyện lịch sự với bác, nhưng bác coi lại mình xem, lời bác nói có chút nào gọi là lịch sự không?

Gã đàn ông nhìn tôi trợn mắt cảnh cáo, đoán chừng lúc này gã đã mất hết kiểm soát rồi. Nếu không phải có mọi người đứng đông ở đây, chắc gã sớm muộn cũng cho tôi một cái bạt tai nổ đom đóm mắt.

– Ông đây đéo thèm lịch sự đấy. Nói chuyện dài dòng mắc mệt, khôn hồn thì đưa tiền bồi thường ra đây thì mọi chuyện sẽ được giải quyết. Còn không thì đừng có trách.

Tôi nhíu mày, chẳng để ý đến lời nói của gã, bước chân đi nhanh vào bên trong nhà của bác Sầm. Em trai tôi đang ngồi ở bàn ăn cơm, nhưng có lẽ vì sợ hãi nên trên khuôn mặt điển trai của nó vẫn còn đọng lại những giọt nước mắt, cơm thì vương vãi đầy dưới sàn và chiếc yếm lớn trên cổ.

Tiến lại gần một chút, phát hiện tay em được bác Sầm băng bó lại bởi một miếng vải đã cũ màu, bên dưới có bông ý tế, không cần đoán cũng biết là bị thương rồi. Khoảnh khắc ấy, tôi phải cố gắng lắm mới không để bản thân của mình bật khóc, ngồi xổm xuống trước mặt em, khẽ hỏi.

– Có đau không, Chị xin lỗi, chị về muộn.

Khánh lắc đầu nguầy nguậy, rõ ràng là tỏ ý không sao, nhưng tay của em lại bắt lấy tay tôi, khàn giọng ra sức khóc. Tiếng kêu khóc như liều mạng ấy khiến đáy lòng tôi càng thêm chua xót, hốc mắt cũng ẩm ướt theo.

– Đừng khóc. Chị về đây rồi…

---------