Căng tin bệnh viện huyện tuy không lớn và đầy đủ, nhưng khẩu phần ăn cũng miễn cưỡng được bốn năm món, vì vậy tôi với A Lâm cũng không quá khó khăn trong việc chọn đồ. Mỗi người một xuất nhỏ, trong lúc chờ đợi, tôi bỗng dưng nghe thấy anh nói với mình.
– Vết thương của cô bác sĩ dặn không được đυ.ng vào nước. Mỗi ngày phải thay rửa một lần, nếu không sẽ rất lâu khỏi.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe được những lời quan tâm từ người khác, nên bản thân đối với điều này chẳng ngạc nhiên nhiều lắm, thành ra từ đầu đến cuối thái độ vẫn giữ nguyên nét bình thản như cũ, khẽ gật đầu.
– Tôi biết. Anh cũng thế, vừa nãy tôi có nhìn thấy vết thương của anh rồi.
A Lâm hơi sửng sốt nhìn tôi, đáy mắt đen láy của anh hiện rõ lên tia sững sờ xen lẫn một chút không thể tin nổi. Tôi biết, là anh không tin rằng tôi lại để ý đến anh, trong khi chúng tôi thật sự chỉ là những người xa lạ không hơn không kém.
– Chỉ là mấy vết thương nhỏ. Bôi thuốc vài ngày là khỏi, không có nghiêm trọng như cô.
Tôi ngước mắt nhìn A Lâm, cảm giác trong lòng có một chút khó hiểu mỗi khi suy nghĩ về người đàn ông này. Anh khá đẹp trai, nhưng tâm tư lại sâu kín khó đoán, tính cách cũng không hề thuộc vào kiểu sởi lởi nói nhiều, thành ra nhiều lúc cùng anh nói về một vấn đề gì đó, bao nhiêu quyết tâm của tôi đều bị đạp đổ hết cả, mặc dù trước đấy bản thân đã khá là kiên nhẫn.
Khẽ nhìn anh một cái, tôi cũng chẳng muốn cuộc nói chuyện này kéo dài thêm nên chỉ có thể gật đầu.
– Được.
Sau khi tôi vừa dứt lời, A Lâm cũng không nói gì thêm nữa, anh cúi đầu tiếp tục ăn mì trong bát, tốc độ rất nhanh, chỉ vài phút đã đặt đũa xuống.
Căng tin khá nhỏ, lại nhiều mùi dầu mỡ, tuy thời tiết bên ngoài se lạnh nhưng thức ăn đều nóng hổi nên trên trán chẳng tránh được những giọt mồ hôi lấm tấm. Tôi thấy A Lâm khẽ nhăn mày, sau đó lôi từ trong túi ra một bao thuốc lá đã bóc dở lấy một điếu đưa lên miệng. Có điều anh chưa có kịp châm ngay mà liếc mắt hỏi tôi.
– Có phiền không?
Tôi khẽ gật đầu :” Có một chút. “
– Vậy cô cứ từ từ ăn đi. Tôi đi ra ngoài, lát nữa ăn xong chúng ta cùng về.
Đối diện với căng tin bệnh viện là khoảng sân rộng lớn, mấy chiếc xe chạy thuê xếp thành hàng, lác đác thêm vài người đi lại vào các khoa khám bệnh.
Chỗ ngồi của tôi đối diện với cửa sổ, vừa vặn có thể nhìn thấy A Lâm đứng ở dưới gốc cây lộc vừng. Tay anh đút vào túi quần màu xanh sậm, bóng lưng yên tĩnh, thế nào cũng có nhìn thấy ra được sự cô đơn kìm nén.
Lúc ấy, tôi bỗng dưng nhận ra suy nghĩ của mình không còn đặt ở những món ăn trên bàn nữa, mà lại dừng lại trên người A Lâm. Tôi tự hỏi, rốt cuộc anh là người như thế nào, anh ở trên thành phố làm gì. Và liệu chúng tôi đã từng lướt qua nhau hay chưa? Nhưng rồi nghĩ mãi, nghĩ mãi, tôi không tìm được điều gì quen thuộc, đã vậy còn càng để bản thân trầm luân sâu hơn, sâu đến mức khi tỉnh lại, tôi nhận ra chính mình thần người quan sát anh đến tận nửa tiếng.
Lúc này, A Lâm đã đứng ở trước mặt tôi từ bao giờ. Điếu thuốc lá không còn, tuy vậy mùi vẫn thoang thoảng theo từng hơi thở của anh.
– Cô ăn xong chưa?
Tôi giật mình, mất vài giây mới lấy lại được tinh thần, khẽ gật đầu.
– Ăn xong rồi.
– Vậy chúng ta về thôi. Trời bên ngoài cũng sắp tối rồi, nếu không nhanh thì sẽ không kịp mất.
– Được.
Thật ra tôi hiểu ý của A Lâm. Đường về ủy ban thôn mới trải qua trận lũ với sạt lở, cây cối cùng đất đá ngổn ngang, điện thì lại không có. Nếu chúng tôi đi về tối quá thì sẽ rất khó khăn trong việc di chuyển, nên nhân lúc trời vẫn còn hửng, nhanh được tí nào thì hay tí đó.
Thế nhưng, người tính vẫn không bằng trời tính, lúc chúng tôi mới đi được một nửa con đường, mọi cảnh vật xung quanh đã chìm trong bóng tối im lìm. Màn đêm đen đặc như mực chỉ còn lại tiếng động cơ của xe máy cùng với những tiếng côn trùng rít xa xa, toát lên vẻ hoang vu xơ xác của bản nghèo, càng nghe càng cảm thấy thê lương đến não lòng.
Lúc này, ánh trăng bàng bạc trên cao thoắt ẩn thoát hiện trong những đám mây, chẳng đủ ánh sáng chiếu xuống soi rọi những hậu quả nặng nề mà thiên nhiên tàn phá, tuy nhiên nhìn kĩ thì vẫn có thể phát hiện ra được, mọi thứ đều đã tan hoang đến đau lòng.
Nói thật, từ lúc đến đây, tôi đối với Mường Nhé vô cùng thương cảm, từ sâu trong lòng muốn giúp họ một chút gì đó, nhưng mà lại không biết phải giúp như thế nào. Người dân ở đây quá nghèo, kinh tế không có, đã nhiều lần xin trợ cấp nhưng chẳng được ban lãnh đạo duyệt. Mà tôi, có muốn giúp cũng không thể tự ý quyết định, bởi vì tôi cũng chỉ là một người đi làm thuê, làm công ăn lương. Dũng khí, tình thương, sự liều lĩnh, tôi đều có, nhưng bảo tôi một mình đứng lên đòi công bằng, tôi không đủ khả năng. Bởi vì tôi vẫn còn cần công việc này, tôi còn em trai, tôi phải chăm lo cuộc sống cho hai chị em, và hơn hết, tôi muốn mình có thể trụ lại được ở cái nơi phồn hoa đô thị đã níu chân mình tận 10 năm.
Thế rồi, cứ mải ngẩn ngơ suy nghĩ như vậy, tôi không hề biết A Lâm đã về đến cổng từ lúc nào, cho đến khi anh lên tiếng, mới giật mình ngẩng đầu lên.
– Về đến nơi rồi. Cô nhanh vào trong đi.
– Nhanh đến vậy cơ à.
Tôi ngập ngừng xuống xe, tuy nhiên chưa có vào trong ủy ban thôn ngay mà đứng lại bên cạnh A Lâm, hỏi tiếp anh.
– Anh có vào luôn không?
A Lâm lắc đầu, anh không đáp lại tôi, điếu thuốc lá ngậm trên miệng vẫn thoát ra những làn khói trắng xóa, thoang thoảng mùi hơi nồng.
– Không, cô đi vào đi. Thuốc bác sĩ đã viết rõ đơn rồi, nhớ đừng có quên. Nếu không sẽ rất lâu khỏi đấy.
– Tôi thấy anh có vẻ rất hay quan tâm đến người khác. Lại còn hăng hái nữa. Không biết tôi có thể phỏng vấn anh được không?
Thật ra tôi không có ý định đó đâu, nhưng đối với A Lâm, bản thân bỗng dưng thấy có một chút hứng thú nên mới lợi dụng việc công vào việc tư.
– Có được không?
Thấy A Lâm vẫn im lặng, tôi khẽ cười rồi được đà hỏi tiếp. Lần này người đàn ông đó hình như cũng đã thoát được khỏi những suy nghĩ miên man của bản thân, dứt khoát lắc đầu từ chối tôi.
– Không được. Tôi chẳng có gì để phỏng vấn cả.
– Tôi thấy anh có rất nhiều. Có thể viết thành một bài báo thật dài đấy.
A Lâm quay người nhìn tôi, ánh mắt anh lãnh đạm, không mang theo trào phúng hay một chút lúng túng nào hết, thậm chí đến một tia dịu dàng cũng không có.
– Chẳng giải quyết được gì cả. Cô đi vào trong đi.
Bản thân đã xuống hết nước rồi nhưng người đối diện vẫn không chịu thỏa thuận, tôi cuối cùng cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc cười bất lực đáp lại. Thôi thì phỏng vấn người khác vậy, dù sao thì đài truyền hình cũng không quá khắt khe với từng khâu chi tiết như thế này.
– Được rồi. Anh cũng đi về cẩn thận. Có chuyện gì thì nhất định phải gọi điện báo cho mọi người.
A Lâm không đáp lời tôi, anh kẹp điếu thuốc đã cháy một nửa ở giữ ngón trỏ và ngón giữa, làn khói trắng thấp thoáng thoát ra theo từng lời mấp máy.
– Tôi nhìn một chút, cô đi vào trong đi.
Tôi khẽ gật đầu, xoay người đẩy cổng đi vào bên trong sân nhà ủy ban thôn. Lúc gần vào đến nơi mọi người đang tập trung đông đúc, bản thân cũng nghe thấy từ xa truyền đến tiếng động cơ xe máy kêu ầm ầm, vang lên chói tai trong màn đêm tĩnh lặng, sau đó xa dần xa dần rồi tắt hẳn.
*** *** ***
Ở khu nhà chính, Tình với Loan đang ngồi cùng với mọi người trò chuyện, tranh thủ hỏi han về tình hình kinh tế cũng như thời tiết mấy năm qua ở Mường Nhé. Thái độ của họ vô cùng nghiêm túc, thế nào cũng không tìm ra được nửa điểm lười nhác hay cáu kỉnh của ngày thường.
Nhìn thấy tôi, Tình hơi sững người lại một chút, khẽ nói mấy câu với Loan và mọi người rồi mới đứng dậy. Cậu ra tiến về phía tôi, mắt hơi nhìn xuống bàn tay đã được băng bó của tôi, không lên tiếng ngay mà đi thẳng ra bên ngoài. Tôi biết ý đi theo, đến khi cả hai cùng bước ra đến đầu hành lang vắng tanh ở phía tay phải, mới nghe thấy cậu ta nói.
– Còn đau không?
– Không đâu. Vết thương nhỏ thôi, một tháng là móng sẽ mọc lại.
Tình thở dài, sắc mặt cậu ta dưới ánh điện trần có một chút ẩn nhẫn tức giận. Tôi đoán người này lại muốn mắng tôi lần nữa lắm, nhưng mà có lẽ thấy tôi bị thê thảm quá rồi nên cũng cố kìm nén xuống, rít giọng.
– Lần sau cô đừng tùy hứng như thế này nữa. Mọi người trong đoàn rất lo lắng cho cô.
– Tôi biết rồi. Lần này là tôi sai, tôi sẽ gọi điện về cho Tổng biên tập để nhận lỗi với hình phạt kỉ luật. Cậu với Loan không cần phải nói giúp đỡ tôi đâu.
Tôi biết chuyện mình tự ý như vậy khiến cho đoàn với tổng biên tập Hồ ở thành phố A vô cùng lo lắng, nên mặc dù bản thân bị thương, tôi vẫn không muốn nhờ tới sự giúp đỡ của người khác. Làm sai thì phải chịu hình phạt, điều này tôi đã quá quen thuộc trong suốt gần mười năm lăn lộn rồi.
– Cùng lắm là tiền thưởng cuối năm không có. Cậu nói có đúng không?
Sau khi tôi nói xong, Tình khẽ thở dài, cậu ta đưa tay lên xoa ấn đường của mình, đứng ở trước mặt tôi, hạ giọng.
– Ăn cơm chưa? Hồi tối tôi có dặn mọi người phần cơm cô, để tôi đưa cô ăn nhé.
Tôi nhìn chiếc bóng đổ dài của mình dưới sân gạch ẩm ướt, đầu óc bỗng dưng lại nhớ đến A Lâm vừa rời đi. Người đàn ông đó hơn tuổi tôi, là một người lao động bình thường, nhưng sức hút cùng với tính cách lại khiến cho người khác cảm thấy vừa áp lực vừa khó gần. Không giống với Tình, là một người có học, nhưng bản thân lại dễ dàng bị kích động bởi rất nhiều điều.
– Tôi không ăn đâu. Vừa nãy tôi đã ăn ở dưới viện rồi, bây giờ vẫn còn thấy no.
– Vậy cô về phòng nghỉ ngơi đi. Đêm cô đói thì gọi tôi, tôi hâm nóng giúp cô. Còn nữa, việc ở bên này đã xong rồi, nếu không còn gì phát sinh thì ngày kia chúng ta có thể trở về thành phố A.
Nhắc đến chuyện về thành phố, tôi có một chút giật mình, bản thân lúc này cũng mới nhớ đến việc mấy ngày nay chưa có gọi về cho bác Sầm hỏi về tình hình của Khánh. Cũng không biết thằng bé bây giờ như thế nào nữa, nửa đêm có phát bệnh hay không?
Nói chuyện với Tình đôi ba câu nữa, sau khi trở về phòng, tôi nhìn đồng hồ thấy vẫn còn sớm nên quyết định gọi về nhà một chuyến. Cũng may bác Sầm chưa có ngủ, cả Khánh cũng thế, nghe thấy giọng của tôi, thằng bé líu nhíu hỏi liên hồi.
– Chị… bao giờ chị về thế?
Tôi đáp :” Ngày kia. Em ở nhà có ngoan không, không quấy bác Sầm đấy chứ.”
Khánh nhí nha nhí nhô, thằng bé có lẽ rất nhớ tôi nên nói chuyện không ngừng, tuy nhiên đều là những câu chuyện không đầu không cuối, câu từ cũng lộn xộn không rõ ràng. Tôi ở bên này nghe được những điều ấy cũng chỉ biết cố gắng cười, nhưng càng cười, sự yếu đuối của bản thân càng không thể nào giấu đi được.
Suốt mấy năm qua, tôi đã dạy em trai rất nhiều, đã đưa cả thằng bé đi trung tâm hỗ trợ, nhưng mà 1% hi vọng thay đổi cũng mong manh. Khánh không tiếp thu được, cũng không nhớ được quá năm phút. Cho đến bây giờ, mặt chữ cái cũng chẳng phân biệt được, con số cũng không, chỉ biết nói vẹt.
Một giọt nước mắt bất giác tí tách chảy xuống gò má mang theo chút nóng hổi, tôi khịt mũi, nói với em trai.
– Em đưa điện thoại cho bác Sầm đi. Chị nói chuyện với bác ấy một lúc.
Khánh dạ với tôi, tuy không nhìn thấy nhưng tôi cũng biết được bác Sầm đang đẩy thằng bé về ghế sofa để thằng bé xem phim Doremon qua tiếng động sột soạt vang lên khá lớn. Khoảng chừng 3-4 phút gì đó, bên tai tôi nghe thấy tiếng bác ấy nói.
– Tối hôm đầu tiên Khánh nó cứ nhéo nhéo đòi chị, tôi dỗ mãi mà nó không chịu, sau đó thì nó phát bệnh. Cũng may lúc ấy hàng xóm chú Vương có nhà, nên bố con nhà chú ấy giúp tôi giữ lại, nếu không thì…
Bác Sầm nói đến đây thì thở dài, mà tôi ở bên này thì nước mắt không có, nhưng trong tim đau đến mức nghẹn thở, môi run rẩy, khuôn mặt trở nên tái xanh. Những lần Khánh phát bệnh, tôi đã quá quen thuộc, nhưng cho dù như vậy bản thân vẫn không thể nào tránh được sợ hãi. Thằng bé không đánh người, cũng không nổi điên chửi bới, mà nó tự mình làm tổn thương mình, đập đầu vào tường, đập phá bát đũa, rồi cứ thế cứa lên da thịt cho đến chảy máu.
Cổ họng trở nên nghẹn ứ, tôi chẳng biết nói gì lúc này với bác Sầm, ánh mắt nhìn chăm chăm về phía màn đêm đen đặc qua khung cửa sổ. Mọi cảnh vật yên tĩnh và trống trải y như tôi lúc này, cô độc, lẻ loi, và có cả sự yếu đuối.
Hai mươi tám tuổi, bạn bè và đồng nghiệp đã có một sự ổn định trong tất cả các mối quan hệ. Duy nhất chỉ có tôi, người yêu không có, sự nghiệp dậm chân, gánh nặng chưa bao giờ có thể dùng hai từ nhẹ nhàng để hạ xuống được.
– Cô Quỳnh, cô còn ở đó không?
Bác Sầm thấy tôi im lặng không trả lời thì lần nữa cất giọng ngờ vực, giọng nói khá lớn kéo tôi trở về hiện thực. Tôi cúi đầu, khẽ lau nước mắt rồi nói với bác ấy.
– Cháu đây. Công việc ở bên này cơ bản đã ổn rồi, có điều vì gặp phải sạt lở cho nên ngày kia cháu mới có thể về thành phố A được. Bác giúp cháu để ý Khánh, đợi cháu trở về rồi sẽ đưa thằng bé đi khám lại rồi lấy thuốc.
Bác Sầm thở dài, có lẽ ông muốn nói với tôi điều gì đó nên ngập ngừng rất lâu. Thế nhưng sau một hồi, tôi cũng chỉ nghe thấy bác ấy nói đơn giản vài lời.
– Cô yên tâm công tác đi. Tôi cúp máy rồi cho Khánh nó ngủ đây. Thằng bé trưa nay không có ngủ trưa.
– Được, bác ngủ ngon. Còn nữa, cháu cảm ơn bác rất nhiều.
Sau khi bác Sầm tắt máy, tôi vẫn cứ giữ nguyên tư thế đứng im như vậy mất một lúc, đầu óc căng thẳng với rất nhiều suy nghĩ chạy dài. Tôi nghĩ về em trai, nghĩ về cuộc sống sau này của hai chị em, nghĩ về việc bản thân có nên tìm một người bạn trai hay không. Chẳng cần người ấy người thành đạt, cũng chẳng cần người ấy yêu mình, chỉ cần cả hai cảm thấy hợp tính cách, có thể ở chung, độ tuổi không quá lớn, như vậy là được rồi.
Nhớ lại trước đó bác Sầm có giới thiệu cho mình một người đàn ông ba mươi năm tuổi làm nghề bán bảo hiểm, thần trí tôi bỗng dưng trở nên loạn hơn. Ngày ấy tôi khẽ từ chối, ánh mắt bác trở nên ảm đạm đi hẳn, có lẽ bác thương tiếc vì tôi bỏ lỡ đi một người đàn ông tốt. Bởi vì tôi vẫn còn nhớ, bác ấy đã từng nói người kia cũng không còn bố mẹ, cũng không còn người thân, nếu chúng tôi lấy nhau thì sẽ có rất nhiều chuyện không cần phải lo nghĩ đến. Đặc biệt hơn, tôi có thể mang theo Khánh đi bên mình.
Nghĩ đến điều ấy, tôi mím đôi môi mỏng của mình thật chặt, chặt đến mức gần như muốn bật máu, năm đầu ngón tay cầm điện thoại siết lại đến trắng bệch. Tôi cúi đầu để mái tóc dài rủ xuống, định bụng bấm máy gọi lại cho bác Sầm, thì đột nhiên từ phía sau Loan cất giọng nói.
– Chị có chuyện gì à? Nãy giờ cứ đứng ở đây làm gì cho lạnh.
Tôi khẽ lắc đầu, xoay người nhìn Loan, mặc dù cảm xúc đã giấu đi thật kĩ, nhưng vẫn chẳng thể tránh được đôi mắt sưng đỏ cùng với chóp mũi đỏ ửng.
– Không sao đâu.
Loan thở dài, cô ấy trở về giường ngồi xuống, mắt lần nữa lại ngước lên nhìn tôi.
– Em trai chị ở nhà có chuyện à.
– Một chút thôi, Không có gì nghiêm trọng lắm đâu.
Thật ra tôi không muốn ai biết đến chuyện của mình, cũng chẳng muốn ai nhìn thấy sự yếu đuối mà tôi đang cố gắng che giấu. Bao nhiêu năm qua, trước mắt đồng nghiệp tôi đều là người mạnh mẽ, kiên cường, làm cái gì cũng nhanh gọn, không bao giờ chịu ức hϊếp hay khóc lóc, cho dù mọi chuyện có tệ đi đến đâu. Duy chỉ có Tình và Loan, hai người này, một người quay phim, một người cộng sự, không phải là bạn thân thiết, nhưng lại là người thấu hiểu, liếc mắt một cái là có thể nhìn ra tôi mang tâm sự như thế nào.
– Vũ Quỳnh, mấy năm nay chị chỉ có công việc và em trai, chị không định nghĩ đến tương lai hay sao?
– Nghĩ gì, cô bảo tôi còn tâm trí nghĩ sao?
Tôi ngồi xuống mép giường, lấy cho mình một cốc nước rồi uống thuốc, không nhìn Loan thêm nữa. Cô ấy kém tôi một tuổi, là người thành phố A, gia đình không giàu nhưng cũng thuộc vào dạng có điều kiện, nên làm cái gì cũng được cấp trên ưu ái. Còn tôi, chỉ là một người tỉnh lẻ lăn lội trong phù phiếm xa hoa của nơi này, chưa từng có một ngày nào cuộc sống được gọi là thỏa mãn cả.
– Chị chẳng nhẽ không định tìm bạn trai sao? Không định lấy chồng sao? Chị định như vậy cả đời à.
Thấy tôi trả lời kiểu nước đôi đầy chán nản, Loan hơi tức giận, chẳng kìm nén được bản thân mà lớn tiếng lạnh lùng với tôi.
– Năm nay chị 28 rồi. Chị đừng hành hạ bản thân mình như thế nữa.
Tôi cười nhạt :” Vậy cô bảo tôi phải làm sao? Cô không phải không biết cuộc sống của tôi, gánh nặng của tôi. “
– Nhưng chị có thể tìm lấy một người đàn ông để san sẻ. Phạm Vũ Quỳnh, sao chị cứ tự ti như vậy làm gì. Chẳng qua chỉ là mang theo một người em trai đầu óc không bình thường, coi như là nuôi thêm một đứa trẻ, chuyện đó có gì đáng nghiêm trọng đâu mà chị cứ lấy nó ra làm lý do để chậm trễ chính mình.
Loan tức tối nói một tràng, từng lời đều chẳng khác gì gai nhọn đâm vào tim tôi đến chảy máu.
– Chị không phải không biết ngay bên cạnh chị cũng có người muốn san sẻ với chị. Chị đây là kén cá chọn canh, hay là muốn lạt mềm buộc chặt.
Câu từ có ý tứ rõ ràng….
Tôi thầm thở dài, bề ngoài bản thân cố tỏ ra bình thản nhưng thật chất trong lòng đã trở nên dậy sóng. Tôi biết Loan nhắc đến Tình, tôi biết cô ấy bất bình thay cậu ta, muốn biết được lý do tại sao tôi lại lạnh nhạt tỏ ra không biết tình cảm của người đàn ông đó.
– Thay vì hỏi tôi những điều này, sao cô không mạnh dạn đứng trước mặt quay phim Tình, nói với cậu ta là cô có tình ý với cậu ta đi. Như vậy có phải hay không còn tốt hơn việc cô ngồi ở đây, chất vấn tôi sao không chấp nhận tình cảm đấy.
Nghe tôi nói vậy, khuôn mặt của Loan khẽ tái nhợt, ánh mắt mang theo đầy sự ngờ vực như không thể tin được rằng tôi lại có thể biết được chuyện này.
– Chị… sao chị biết.
Tôi đáp :” Làm sao tôi biết không quan trọng. Quan trọng nhất bây giờ, tôi nghĩ cô thay vì ở đây khuyên nhủ tôi, thì tự mình nắm lấy cơ hội, rồi tận hưởng hạnh phúc của mình đi. Cuộc sống của tôi, tình cảm của tôi, tôi không cần ai giúp tôi quyết định, cũng không phiền mọi người quan tâm. Tôi biết mình đứng ở đâu, biết mình nên làm gì, không phải là kén cá chọn canh gì cả.”
Đây là lần đầu tiên tôi nói nhiều đến mức như này, lại không hề mang theo tức giận nào cả, nên Loan cứ nhìn tôi không chớp mắt. Cô ấy ngập ngừng nói với tôi.
– Chị… Nhưng mà anh Tình yêu chị. Chị không phải không biết điều ấy.
Tôi cười nhạt, khẽ vuốt mái tóc rối xù của mình, tâm tình có một chút phức tạp.
– Vậy thì sao? Cậu ta yêu tôi là việc của cậu ta, tôi chấp nhận hay không là việc của tôi, trong câu chuyện này tôi cảm thấy mình chẳng có gì để nói hết cả.
– Nhưng… Anh ấy đã âm thầm suốt một năm qua.
– Đến cậu ta thích tôi bao lâu cô còn biết, đoán chừng tình cảm của cô chắc phải lớn lắm. Có điều Loan này, tôi biết cô quan tâm tôi nên mới an ủi tôi, nhưng nói thật, lời an ủi của cô khiến cho tôi thật sự khó chịu.
Nói đến đây tôi liền dừng lại, mắt ngước lên nhìn Loan run rẩy với đôi mắt ngấn nước, bản thân không nén được tiếng thở dài.
– Nếu tôi là cô, tôi sẽ không cao thượng đến mức đẩy người mình yêu cho người khác đâu?