Tác giả có lời muốn nói:
Văn án không quá 200 từ, chỉ cần đọc thật cẩn thận, nhất định có thể tìm được câu trả lời mà bạn muốn.
—
Trên sông Tần Hoài, vẫn luôn có những cái tên được lấy làm cột mốc thời gian, sau Trần Viên Viên chính là Liễu Như Thị, sau Liễu Như Thị là Đổng Tiểu Uyển, những cái tên vừa nghiêng nước vừa nghiêng thành ấy vĩnh viễn đi cùng với chiến loạn và sự thay đổi của thời đại , nhưng lại như cắt đứt với cõi tục mà cách tuyệt với trần gian. Những người như họ là điệu múa dưới tán dương liễu, là ánh trăng rải giữa lầu cao, cũng là ngọn gió dưới chiếc quạt đào hoa khi khúc ca chấm dứt, họ ngưng kết thành dòng nước vừa uốn lượn vừa tĩnh lặng của Tần Hoài, tươi đẹp chảy qua những hưng vong sáng rõ, những suy thịnh tỏ tường, vì từng buổi phồn hoa sớm mai mà hàng đêm dâng tặng tài sênh ca.
(*) Tần Hoài bát diễm hay còn gọi là Kim Lăng bát diễm (金陵八艷) thời cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, gồm có: Mã Tương Lan, Biện Ngọc Kinh, Lý Hương Quân, Liễu Như Thị, Đổng Tiểu Uyển, Cố Hoành Ba, Khấu Bạch Môn và Trần Viên Viên.
Đến binh khí giáo mác còn có lúc tĩnh mịch, mà sông Tần Hoài nơi đây lại chưa lúc nào biết đến hai chữ ấy.
Tới những năm trong thời kỳ Dân quốc, trên sông Tần Hoài vang lên ba chữ “Bạch Lộ Sinh”, trong cái giới phong nhã ấy không một ai là không biết đến tiếng thơm của y. Danh linh và danh kỹ rốt cuộc vẫn có những điểm khác biệt, ngoài việc có nhan sắc, còn phải hát thật hay. Bạch Lộ Sinh đúng là sinh ra đã mang khuôn mặt đẹp đẽ, giọng hát cũng vô cùng tuyệt diệu. Bởi vậy, y tuy rằng không phải nữ tử, nhưng lại vượt qua tất thảy những oanh oanh yến yến nơi Điếu Ngư hạng (1), độc chiếm ngôi vị đầu giữa phong nguyệt, trở thành một cột mốc mới trên sông Tần Hoài.
(1) Điếu Ngư hạng nằm ở đoạn sườn Nam phía Đông đường Kiến Khang, thuộc Tần Hoài, tỉnh Nam Kinh, phía Đông là nơi con sông Tần Hoài bắt nguồn chảy, ở chí Tây chính là Điếu Ngư hạng. Tương truyền do hoàng đế thời Thanh, thời Minh đều ở đây câu cá, nên mới có cái tên này. Minh Vũ Tông Chu Hậu đứng nhìn thuyền hoa, trong lúc ngắm đèn, ngọc hồ rơi xuống nơi đây, nên được gọi là phường Ngọc Hồ, sau lại câu cá, vì thế liền đổi tên thành Điếu Ngư hạng.
Một đời của y là một đời truyền kỳ, điều đáng nói đến, cả trước lẫn sau này đều có nhiều lời đồn thổi, phảng phất như con nước mang hương phấn son trôi dạt trên sông Tần Hoài, là trước không tìm thấy đường đi, sau không nhìn thấy bờ bến. Chỉ thấy nói, năm ấy Diêu Ngọc Phù đến đất Nam Kinh, cũng đã từng thưởng thức vài khúc hí của y trên Đắc Nguyệt Đài. Mới đầu chỉ là đến nghe tìm vui, về sau càng nghe càng lấy làm kinh ngạc, chỉ nói: “Sao lại có một nhân tài như vậy, giấu mình nơi phương Nam, nhẽ ra phải sớm tới Bắc Bình chứ!”
Người này là danh túc của Lê Viên (2), con mắt tinh tường ấy cả một đời đã nhận biết vô số viên ngọc quý, lại nghe nói tuổi của ông chủ Bạch này rất nhỏ, không thể kìm nổi lòng mà sinh ra tâm tư lôi kéo. Vì thế, bèn tự mình tìm đến người nơi hậu đài, dứt khoát hỏi thẳng: “Hôm nay đã được thưởng thức thứ âm thanh văn nhã ấy, quả thực quá kinh diễm, ta muốn nhận cậu làm đồ đệ, mới đây đã thỏa thuận với ban đầu xong cả rồi, hiện giờ chỉ hỏi riêng ý của cậu, không biết cậu có đồng ý hay không?”
(2) Ban đầu ở đây ý chỉ người đứng đầu gánh hát. Lê Viên: tên gọi khác của giới Kinh kịch. Danh túc: dùng để chỉ những bậc tiền bối nổi danh
Trong Lê Viên hiện giờ, thói biệt đãi trong sư môn đang rất phổ biến, Diêu Ngọc Phù xuất thân từ danh môn vọng tộc, lại hơn Bạch Lộ Sinh những mười tuổi, hắn là thế hệ tiền bối, Lộ Sinh là vãn bối, tiền bối chủ động mở lời thu nhận đồ đệ, là dìu dẫn, cũng là thưởng thức. Mà Bạch Lộ Sinh không nói bằng lòng, cũng không từ chối, chỉ mím môi mà cười.
Diêu Ngọc Phù khoan dung, thầm nghĩ có lẽ y có mắt không tròng: “Cậu không nhận ra ta là ai sao?”
Bạch Lộ Sinh lui về hai bước, cung kính hành lễ kiểu phúc : “Ngài là cao đồ của Trần lão phu tử, sư đệ của Mai tiên sinh, nhân vật lỗi lạc nhất trong Lê Viên, chúng tôi tuy rằng là hạng người yến tước, cũng nhận ra được thiên nga danh tiếng là ngài.”
Lời này nói ra thật văn nhã, hẳn là dạng người đã từng đọc sách, Ngọc Phù thầm đánh giá cao y, mặt cũng lộ ra nét cười: “Nếu như cậu biết rõ ta, cớ gì còn không đồng ý? Làm học trò của ta cũng không có gì thiệt thòi cho cậu.”
Lộ Sinh thấy hắn nở nụ cười, cũng bèn cười một tiếng lanh lảnh: “Diêu tiên sinh hát hí khúc, nổi danh khắp thiên hạ, muốn thu tôi làm học trò, dĩ nhiên là phúc khí bằng trời của tôi. Mong ngài lượng thứ cho tôi dám hỏi vài câu càn rỡ, chẳng biết tiên sinh muốn mang tôi đến đất Bắc, hay là mãi ở đất Nam Kinh đây?”
Lời này hỏi đến là kỳ quái, Ngọc Phù không nhịn được mà cười phá lên: “Ta thấy các cậu đường đâu cũng hiểu, cảnh đời cũng đều minh tường, như thời buổi bây giờ, có danh linh nào không xuất thân từ Bắc Bình Thiên Tân? Lý nào lại có chuyện sư phụ nơi này, đồ đệ chốn khác, dĩ nhiên là dẫn cậu đi Bắc Bình rồi.”
Đặt vào vị trí người khác mà nghĩ, gặp chuyện tốt đến nhường này vội vàng xu nịnh còn không kịp, chỉ sợ đã sớm quỳ gối ngay tại chỗ mà dập đầu, ai ngờ được đối phương chỉ nhẹ nhàng nói: “Vậy thì thứ cho tôi không thể tòng mệnh, tôi chỉ ở nơi đây, không đặt chân tới đất khác.”
“Nói vậy là sao? Mấy lời ta nói cũng chẳng phải ngông cuồng, đi Bắc Bình, ta có thể cam đoan rằng tiếng tăm của cậu sẽ lừng lẫy, cậu ở đất Nam Kinh này đã có chỗ đứng, tới Bắc Bình tuyệt nhiên sẽ không thua thiệt chút nào, chỉ sợ cậu chưa từng thấy thôi.”
Gã ban đầu cạnh đó thấy cũng gấp theo: “Đứa nhỏ này sao lại không hiểu chuyện như vậy, Diêu đại gia là nhân vật như thế nào chứ, hạ cố tới gặp cậu, cậu bớt làm mình làm mẩy đi.”
Ngọc Phù thấy vẻ mặt của y không giống như đang làm bộ, ôn hòa ngăn lại gã ban đầu: “Đừng có mắng cậu ấy, để tự cậu ấy nói.”
Bạch Lộ Sinh nhìn gã ban đầu, lại hành lễ với Diêu Ngọc Phù— lần này không có phúc (3), mà dùng nam lễ — y đứng lên, vẫn nhẹ giọng nói như cũ: “Chuyện như hát hí khúc, có người cầu hiển hách Lê Viên, có người chỉ mong tìm được tri âm, chẳng qua là bốn chữ ‘người có chí riêng’ mà thôi. Danh tiếng, đương nhiên khiến người người ước ao, nhưng chí của tôi không phải là nó, nếu như tiên sinh chỉ ghé chân tới Nam Kinh, vậy thì một ngày tôi cũng hiếu kính như thầy cha, nhưng nếu nói muốn mang tôi tới Bắc Bình, thật tiếc là hữu duyên vô phận.”
(3) phúc là lễ mà phái nữ hay hành lễ, phụ nữ thời xưa cúi đầu vái chào, hai tay nắm lại để trước ngực, nam lễ là dành phái nam hành lễ.
“Xem cái chí khí của cậu, chẳng lẽ không phải vì hiển hách Lê Viên, mà chỉ vì ‘cao sơn lưu thủy hữu tri âm’?” Ngọc Phù nghe những lời ngây ngô của y, không những không tức giận, trái lại còn muốn cười: “Cậu cũng biết trong trời cao đất rộng này, chỉ cần rạng danh đứng trên đỉnh thì cả thiên hạ này đều là tri âm, đến lúc ấy, một hai tri âm đứng trước mắt cậu cũng chẳng là gì đâu.”
Mấy lời này cũng không có gì khó xử, nhưng không biết có phải Bạch Lộ Sinh bị chọc trúng nỗi băn khoăn nào hay không, lại chần chừ ngượng ngùng đôi chút. Cúi đầu trong chốc lát, y ngẩng đầu lên: “Tiên sinh nói rất đúng, nhưng tri âm khó có được, tôi không cần ngàn vạn người hiểu mình, một người hiểu được, như vậy là đủ rồi.”
Tiếng nói của y càng lúc càng nhẹ dần, chỉ là trong giọng nói dịu dàng lại mang theo vẻ kiên định: “Rạng danh đứng nơi cao, không phải là mong muốn của tôi, cảm ơn ngài đã có tấm lòng trân trọng người tài, mong Diêu tiên sinh đừng quở trách.”
— Lời nói này quả thực quá tùy hứng, nhưng phối với tướng mạo vô cùng đẹp đẽ của y, lại thêm giọng nói nhu hòa, Diêu Ngọc Phù làm thế nào cũng không giận nổi. Hắn nghiêng đầu nhìn qua người thiếu niên ấy, mới mười lăm tuổi, trang sức vẫn chưa gỡ xuống, lớp phấn son dày kia khó mà che đi được mặt mày thanh nhã, diễm lệ mà không nhuốm bụi trần. Khi diễn hí thì nét mày như xuân sơn, mắt đong đầy thu thủy, chính là tướng mạo như vậy. Lại thêm vẻ mặt si ngốc thiết tha của y, trong lòng đột nhiên khẽ động, đã tỏ tường ba phần.
Sau này khi trở lại Bắc Bình, hắn hãy còn nói với người khác nói về đứa bé ấy, người nọ sau khi nghe xong liền cười to: “Mấy năm nay cậu mãi ở đất phương Bắc này, không biết chuyện tình ở phía Nam, người khác thì tôi không mấy rõ, nhưng cậu Bạch Lộ Sinh này thì có biết, đã từng gặp bao nhiêu giác nhi (4) yêu sĩ diện, không ai ngông cuồng như cậu ta— sao cậu lại gặp được! Tri âm mà cậu ta nhắc đến, tôi cũng biết.”
(4) Giác nhi, là chỉ cách gọi kính trọng trong giới hí khúc với những diễn viên biểu diễn xướng, niệm, tố, đả (là bốn loại hình nghệ thuật biểu diễn trong hí khúc, cũng là bốn dạng kiến thức cơ bản trong biểu diễn hí khúc. Người ta hay xưng tứ công ngũ pháp, tứ công chính là chỉ xướng, niệm, tố, đả.) có những kỹ năng và tài nghệ đặc sắc.
Hiển nhiên Ngọc Phù truy hỏi đến cùng đó là ai, người kia cười nói: “Không phải ai khác, nhất định là đại phú thương Nam Kinh, cháu trai của Kim Trung Minh – Kim Thế An.”
Người này là một “kinh lệ” trong giới hí khúc, cũng chính là “người đại diện” mà người đời sau này thường nói. Loại người này hiểu nhất chính là những điển cố lớn nhỏ trong giới, ngoài ra còn tinh thông chuyện bát quái. Khi ấy đang rảnh rỗi không có chuyện gì, người kia giảng giải tường tận cho Diêu Ngọc Phù: “Người ấy là người đứng đầu gánh hát Xuân Hoa, họ Trương, cha của cô ấy vốn cũng là nhân vật có tiếng tăm trong giới chúng ta, đã từng tiến cung diện thánh, đã từng lĩnh ngân lượng bổng lộc khi hầu hạ, là Nam khúc (5) thế gia chân chính. Chẳng qua đến thế hệ nha đầu này cũng chẳng có gì to tát đáng để nhắc đến nữa, từ Bắc Bình dọn về đến Nam Kinh, Trương cô nương hát Côn khúc tại nhà hát ở Thái Thị Khẩu (6) trước đây, chính là cô ấy.”
(5) Nam khúc là một loại kịch hí khúc của dân tộc Hán, ra đời và phát triển mạnh nhất ở địa khu phía Nam Trung Quốc, thời gian vào khoảng từ cuối thời Bắc Tống đến cuối Nguyên đầu Minh, tức khoảng 200 năm từ thế kỉ thứ XII đến thế kỉ thứ XIV, là một trong những hình thức hí kịch trưởng thành sớm nhất Trung Quốc.
(6) Thái Thị Khẩu là tên pháp trường pháp định của hai đời Minh, Thanh. Thái Thị Khẩu có tiếng tăm ở kinh thành, vào thời Minh triều, đây chính là chợ lương thực lớn nhất kinh thành, dọc khắp con phố là những hàng quán đông đảo, cho nên thu hút rất nhiều người đến đây mua thức ăn; cũng gọi đầu phố nơi tập trung chợ lương thực nhiều nhất gọi là “Thái Thị Nhai”, đến đời Thanh thì đổi thành “Thái Thị Khẩu”, cái tên này vẫn tiếp tục được sử dụng đến tận ngày nay.
Ngọc Phù gật đầu nói: “Chẳng trách cậu ấy lại hát tốt đến như vậy, hóa ra là kế thừa danh sư, không giống dạng người đi ra từ chỗ vô danh.”
“Có ích lợi gì cơ chứ? Không còn giọng ca, lưu lạc tới trong Điếu Ngư hạng nuôi “thỏ”— cho nên cô ta mới mua cậu Bạch Lộ Sinh này, chuyên tâm dạy dỗ, hóng gió thưởng trăng trong tướng công (7) quán. Từ nhỏ đã được xem như là một đứa con gái mà nuôi dưỡng, lấy một cái tên cho nha đầu mà gọi cậu ấy, Bạch Ngọc Thư, cậu xem có đáng cười hay không?”
(7) Tướng công: dùng chỉ đào hát là nam.
Ngọc Phù che miệng mà cười.
Kinh lệ vỗ đùi nói: “Thật ra nhắc đến cũng thật đáng tiếc, đứa bé mới chỉ năm, sáu tuổi mà thân quyến người còn người mất, dạy người bán mấy ngón trò mất mặt này. Âu cũng là số cậu ta có chút vận quý nhân, đương lúc còn chưa đến tuổi bới tóc, trước đó hát một khúc hí trên Đắc Nguyệt Đài, không biết sao lại lọt vào mắt xanh của Kim thiếu gia, tên cậu ta được sửa thành Bạch Lộ Sinh, sau lại còn được chuộc ra ngoài, không làm thêm bất cứ gì khác, chỉ hát hí khúc rất trong sạch. Quan hệ của hai người như thế nào, còn phải để tôi nói rõ nữa sao? Cậu ta không chịu tới Bắc Bình, có lẽ cũng là do lưu luyến Kim thiếu gia nên mới không chịu đi.”
Việc này ở Nam Kinh ai ai cũng biết, ví như Đổng Tiểu Uyển gắn bó với Mạo Tích Cương, Lý Hương Quân cùng với Hầu Phương Vực, cái tên Bạch Lộ Sinh thì gắn liền với Kim Thế An.
Tài tử lấy lòng giai nhân, phú hào thì thu được danh linh, loại chuyện danh linh có lòng với ân khách như vậy, trong cái giới ấy đúng là thấy nhiều thành quen. Ngọc Phù vội đến, cũng vội đi, cho nên chưa từng nghe nói tới. Hắn thoáng sửng sốt, nhưng cũng không thấy xem thường, nhớ lại vẻ mặt si ngốc thiết tha của Bạch Lộ Sinh khi đó, “Ra là như thế, tôi thấy cậu ấy không giống người vì tiền vì quyền, dường như đúng là thật tình thật ý, có lẽ do tuổi tác còn nhỏ, chưa từng trải qua bao chuyện nên nhất thời mê mẩn thôi.”
Kinh lệ cười nói: “Đâu chỉ thật tình thật ý, còn đến nỗi hận không thể tam môi lục sính (8) kia! Cái tài hí của cậu ta, Kim thiếu gia tất sẽ tán tụng, Kim thiếu gia không đến, cậu ta cũng không chịu diễn bằng mười phần công phu.” Lại nói: “Ví như đến chỗ của chúng ta đây, đâu cần biết anh là giác nhi hay đại oản nhi danh tiếng nhường nào, dính dáng đến cái nghề này của chúng ta, há không phải bốn bề tươi cười chào đón khách tới sao? Cho nên mới nói người đất Nam đúng là thiển cận, cái dạng người kiểu cách như cậu ta, ấy vậy mà cậu vẫn cứ khăng khăng dính lấy! Nghe cậu ta hát hí khúc mà y như chờ Quan Âm ban phước phẩy cành dương liễu, còn phải xem tâm tình của vị Kim đại thiếu ấy như nào!” Vừa nói vừa chụp lấy vai của Ngọc Phù: “Cậu cũng không cần phải tiếc rẻ làm gì, tên tiểu tử họ Bạch này không ôm chí lớn, không chịu vươn lên, lại còn một lòng làm con hát, chân trời nào mà chẳng có hoa thơm, cậu ta cũng chẳng xứng làm học trò của cậu.”
(8) Tam môi lục sính: Theo nghi thức truyền thống Trung Quốc, những người đàn ông và phụ nữ kết hôn cần ba lễ giới thiệu và sáu lễ sính.
Diêu Ngọc Phù nghe hắn nói xong, ngẫm nghĩ trong chốc lát, khẽ lắc đầu: “Cậu nói sai rồi, tôi thấy rằng cậu ấy sau này nhất định sẽ trở thành kiều sở trong thanh y (9).”
(9) Thanh y kiều sở chính là để chỉ nhân tài kiệt xuất trong làng vai thanh y. Thanh y được nhắc đến ở đây là một vai trung đán, Kinh kịch phương Bắc thường gọi vai này là thanh y, phía Nam gọi là chính đán. Vì màu sắc quần áo được sử dụng cho vai diễn này thường là màu xanh điệp tử nên được đặt tên như vậy.
Kinh lệ kinh ngạc nói: “Cậu ta hát thì tốt đấy, tôi biết, nhưng để nói đến kiều sở, sợ có lẽ còn cách xa hai người cậu và Mai tiên sinh nhiều lắm! Huống chi con người này chỉ mãi lo đến tư tình, không thèm đếm xỉa đến chuyện lâu dài, ba ngày đánh cá thì đến hai ngày phơi lưới, làm sao thành tài đây?”
Ngọc Phù cười nói: “Cậu ấy mới bao nhiêu tuổi, chúng ta đây thì mấy mươi rồi? Cậu nói cậu ấy ngông cuồng, đây chính là cái điểm nổi bật của cậu ấy mà tôi muốn nói. Nghề này của chúng ta, hễ có thể hát nổi danh, một là cần “hí cốt” trong người, không thì ít cũng phải giống như sư ca của tôi, lên đến trên sân khấu, giả trang cái gì thì chính là cái đó, xuống khỏi sân khấu, những chuyện xưa việc cũ kia đều quên hết thảy. Đó là bản lĩnh mà chúng ta không học được. Lại có một loại người, trời sinh đã có tình, trong hí ngoài hí, anh ta coi tất cả là thật— người như vậy hát hí khúc, dốc hết tâm huyết, như si như cuồng, ấy là một điểm khiến lòng người rung động. Theo tôi thấy thì, trời Nam biển Bắc, khách đến thưởng thức hí, không ai là tai điếc mắt ngơ, ai tốt hay không, có là vàng thật hay không, hẳn đều nhận ra rõ ràng— đừng nói người Nam sẵn lòng nâng đỡ cậu ấy, cậu ấy tới Bắc Bình, không chừng còn có thể so tài với tôi và sư ca!”
Người đối diện nghe mà ngẩn cả người: “Cậu đã nói đến như vậy, hẳn là tôi đã xem thường cậu ta rồi.”
Ngọc Phù cảm thấy lời mình nói ra vô cùng có lý, lại nhớ đến hầu âm (giọng giả thanh khi hát hí khúc) réo rắt du dương của Bạch Lộ Sinh, dáng vẻ diễm lệ, vào vai Lệ Nương liền toát ra cái vẻ sinh sinh tử tử, đóng quý phi thì mang theo tướng mạo hoa nhường nguyệt thẹn, dung mạo tuyệt mỹ, diễn xuất trau chuốt đến mức ấy, cho nên dù y có sắm vai gì đi chăng nữa, đều là dốc hết tình hết cảm, hắn không kìm được mà gật đầu nói: “Một đứa nhỏ như cậu ấy, tự nhiên khi không lại theo tôi, tôi cũng chẳng còn đạo lý gì mà dạy dỗ. Cậu chỉ nói cậu ấy hát hí không chu toàn, lại chẳng hay bản lĩnh trên đài của cậu ấy có bao nhiêu tỉ mỉ chu đáo, vừa nhìn đã biết được khi dưới đài, cậu ấy không hề lơi lỏng lấy một ngày. Lời tôi nói có đúng hay không, chờ thêm mười năm nữa, sự sẽ hay.”
Hắn không hổ là danh túc của Lê Viên, con mắt nhìn người vô cùng chuẩn xác, không quá hai năm, danh tiếng của Bạch Lộ Sinh quả thực đã vang xa. Nổi tiếng đến độ nào sao? Một lúc khó mà nói hết, chỉ nói rằng người Nam Kinh muốn nghe y hát hí khúc, cũng phải cả nể cái tính tình quái đản của y — Mở màn khúc hí, phải đợi đến khi Kim thiếu gia ở trong thành Nam Kinh, nếu như Kim thiếu gia du lịch đến nơi khác, một tháng không trở lại, vậy thì không xong, ông chủ Bạch đây nhất định cam đoan đóng cửa không khai trương. Anh muốn tới nghe cũng dễ thôi, đến dưới chân tường tiểu viện Bạch phủ ở phố Dung Trang kia, nghe y luyện giọng, cũng đã thỏa được cơn nghiện hí trong chốc một lát.
Cái phần quái đản này quả thực trước đây chưa từng có, nói đến sau này thì lại càng không, thế nhưng con người chính là kỳ quái như vậy, y càng kiêu ngạo, người người càng bằng lòng cả nể. Nói vậy không phải là Nam Kinh không có người tài hát hí, chẳng qua không có lấy một ai giống như Bạch tiểu gia, hát đến trút cả nỗi lòng của khúc hí. Dưới đài, y như Đổng Tiểu Uyển và Lý Hương Quân sống lại, trên đài, y lại là một Đỗ Lệ Nương hay Trần Diệu Thường sinh động ngay trước mắt, chỉ cần y khéo léo mà tô bật lên tâm tư của nhân vật, bi thương động lòng người mà cất lên tiếng hát, quái đản cái gì chứ, đều là chuyện nhỏ, chỉ còn lại đó toàn sảnh đường say như điếu đổ.
Nếu như nghe xong quay về nghe người khác cất lên khúc hí, thật giống như vừa ăn xong chân gấu rồi quay lại nhìn canh rau, quả nhiên thật nhạt nhẽo.
Lại nói, tâm thái của đất Nam Kinh đúng là phức tạp mà tinh tế đến diệu kỳ, nó ỷ mình là cố đô suốt sáu triều đại, lòng thầm xem nhẹ Bắc Bình và Thiên Tân, thế nhưng qua từng triều đại chiến loạn, đã sớm bị khói lửa chiến tranh làm phai mờ đi chí khí.
Tạ Tuyên Thành nói: “Giang Nam đất giai lệ, Kim Lăng châu đế vương”, trước đất giai lệ đương nhiên là có “từ xưa”, thế nhưng trước châu đế vương lại phải thêm “đã từng”.
Giang Nam ấy từ xưa đã là đất tài tử giai nhân, Kim Lăng kia đã từng là châu quận của bậc đế vương— Nam Kinh tuy rằng là “Đô”, nhưng chung quy cũng là “Cố đô” bất hạnh. Khó khăn lắm mới đợi được đến lúc Dân quốc đóng đô nơi đây, trong lòng những người Nam Kinh đúng là cảm thấy mở mày mở mặt, cho nên muôn việc đều hàm chứa thói kiêu kỳ của tân đô, vạn sự đều cất giấu giận hờn của cố đô.
Khi đó thịnh hành giọng Kinh, khắp nam bắc Trường Giang, ai cũng nghe Kinh kịch. Người Nam Kinh lại không chịu vứt bỏ Côn khúc, thấy rằng nó có sáo, có đàn, nói cho cùng vẫn là cao nhã, nó đi ra từ “Tứ mộng Lâm Xuyên” của Thang Hiển Tổ (10), cũng đi ra từ “Nhất nhân vĩnh chiêm” của Lý Huyền Ngọc (11), đó là vô số mảnh tình như lụa ai oán xót thương bên bờ Tần Hoài, ấy là cái mà tiếng trống dội chiêng vang của Tây bì Nhị hoàng (12) không sao sánh được.
(10) Tứ mộng Lâm Xuyên, hay còn được gọi là tứ mộng Ngọc Mính Đường. Là tác phẩm nổi tiếng kinh điển của văn học Lâm Xuyên, dùng để chỉ tên gọi hợp lại của bốn vở kịch: Mẫu Đơn Đình; Tử Sai Ký; Hàm Đan Ký; Nam Kha Ký. Thang Hiển Tổ (24/9/1550 – 29/7/1616) là nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng của Trung Quốc vào cuối thời nhà Minh.
(11) Nhất nhân vĩnh chiêm: gồm có các vở Côn khúc khá nổi tiếng: Nhất Phủng Tuyết, Nhân Thú Quan, Vĩnh Đoàn Viên, Chiêm Hoa Khôi, Thanh Trung Phủ, Thiên Trung Lục. Lý Huyền Ngọc là tác gia hí khúc, sống vào khoảng cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh.
(12) Điệu Tây bì: làn điệu trong ca kịch dân gian Trung Quốc, đệm với đàn nhị.
Bạch Lộ Sinh chuyên về Côn khúc, lại bái được thầy là cố nhân của Nam khúc thế gia Tần Hoài, bởi vậy mà dường như đã trở thành biểu tượng nào đó cho cố đô Kim Lăng. Giọng hát ưu mỹ của y cùng với cái tính tình khác người, vừa đúng gõ trúng vào từng đốt xương trong lòng người dân nơi đây, không bàn mà hợp ý với nơi này, cuối cùng làm nên nỗi lòng khó mà giải nghĩa được của “Cố đô”.
Như cố đô trước sau luôn ưu tú tuyệt mỹ, cũng như cố đô ấy giờ vẫn luôn khoe khoang thân phận.
Do một vài duyên cớ kể trên, bất kể Bạch tiểu gia có làm bộ làm tịch thế nào đi nữa, các quý nhân ở đất Nam Kinh vẫn bằng lòng khâm phục cái tài của y. Hơn nữa, tuy rằng y vô cùng làm dáng trong chuyện hát hí này, thái độ đối nhân xử thế dưới sân khấu lại không tùy tiện, từ quý nhân quan lại đến dân thường, y đều đối xử như nhau. Dù cho hôm nay Kim thiếu gia có không ở trong thành, y không chịu hát, nhưng lúc nào cũng ôn tồn nhã nhặn: “Hôm nay họng tôi không khỏe, để ngài chờ không rồi, đợi đến khi họng tôi tốt lại, ngài muốn khúc nào, cũng đều theo ý ngài.”
Người ngoài còn có thể nói thêm gì đây, Bạch tiểu gia chính là một vầng trăng sáng trên sông Tần Hoài— mà trăng sáng thì ngày nào cũng phải tròn hay sao?
Muốn ngắm trăng phải chờ đến mười lăm, tới lúc ấy, muốn phong hoa tuyết nguyệt gì cũng có, đây được là gọi thú vui tao nhã.
Toàn bộ nhân vật trong hí kịch, đều là đến quá chóng vánh, đi bất thình lình. Diêu Ngọc Phù đã đoán trước được y sẽ nổi danh, lại không thể ngờ tới y cứ thế mà đứt gánh giữa đường. Giống như cánh mai mỏng manh đương lúc tháng hai, Bạch Lộ Sinh đúng là nở sớm, rụng cũng thật nhanh chóng, người trong Lê Viên, hai mươi mốt hai mươi hai tuổi chính là cái thời như mặt trời ban trưa, nhưng Bạch tiểu gia lại đột nhiên mai danh ẩn tích ở độ tuổi này.
Chẳng ai biết đã xảy ra chuyện gì, có người nói y đắc tội Kim lão thái gia, bị đánh gãy tay, lại có người nói hai năm qua, y hút nha phiến, tự hủy đi cổ họng của mình.
Lời đồn đãi cứ vậy mà truyền xa, truyền tới truyền lui, truyền cả nửa năm trời. Làn sóng này còn chưa lắng lại, một lời đồn càng rúng động hơn lại xuất hiện.
“Bạch tiểu gia đâm chết Kim thiếu gia rồi.”
Thoạt đầu ai cũng không tin, chỉ coi đây là một trò cười, thế nhưng dần dần hình như thật sự là có chuyện như vậy, bởi vì đã gần một tháng rồi không ai thấy bóng dáng của Kim thiếu gia. Những điển lễ của thương hội mà hắn đáng lẽ phải tham gia, cũng đều trốn tránh lẫn từ chối hết cả, đây là chuyện trước nay chưa từng có.
Vì vậy lời đồn bỗng xôn xao, càng truyền càng chân thật, mỗi một cái miệng nơi hành lang âm u hay ở khung cửa sổ nhỏ cũng đều tăng thêm những chi tiết mới hoang đường cho nó, mỗi một suy nghĩ như cá đắp thành đống, chim tụ thành bầy, chắp vá nên lời mở đầu, cũng là lời cuối sách mới cho nó.
Không thể không nói, khi mà toàn bộ lời đồn đãi đã truyền ba mươi vòng quanh thành Nam Kinh, nó tựa như sông Tần Hoài sau cơn mưa vậy, bùn cát vẩn đυ.c chìm sâu dưới đáy nước trong veo, sự thật chân thực dần nổi lên, cộng thêm mấy lời lỡ miệng của bọn đầy tớ trong Bạch phủ, cộng thêm hành tung thường xuyên lui tới bệnh viện của người quản gia trong phủ, cuối cùng trở thành một sự thực vô cùng rõ ràng— đó chính là Kim thiếu gia quả thực bị đâm rồi.
Hắn chắc chắn đã bị đâm rồi, tất cả mọi người đều tin là vậy, bằng không với tư cách Tổng hội trưởng thương hội Nam Kinh, hắn sẽ không thể nào vắng mặt trong nghi lễ cắt băng khánh thành hiệu buôn tây trên đường lớn, nhưng hẳn là hắn vẫn chưa chết, nếu không lễ tang đã được bắt đầu lo liệu từ lâu rồi.
Cũng chẳng biết Bạch Lộ Sinh đã đi đâu, lâu lắm rồi chưa có tin tức gì về Bạch Lộ Sinh, nếu như không phải có trận ám sát này, các thi sĩ trên sông Tần Hoài đều đã sớm quên mất con người ấy.
Vô số ánh mắt buồn tẻ đến cùng cực đang nhìn chòng chọc tấm cửa gỗ sơn đen bóng của tiểu viện Bạch phủ.
Cửa gỗ đóng kín mít.
Nếu như những ánh mắt này mọc được cánh chim thì đã có thể vỗ cánh vượt qua được cánh cửa gỗ sơn đen bóng này, lướt qua đầu hồi rợp những bóng kim ngân, qua cả hai bức tường phù điêu màu xám tro hiện lên trước cửa viện, thẳng đến khi rơi xuống trên cái tháp quý phi gỗ đàn chạm trổ hoa văn kia ở chái nhà phía Tây.
Nhân vật đương sự, Kim thiếu gia Kim Thế An, đang xiêu xiêu vẹo vẹo ngồi ở trên tháp, vội vàng ăn bát cháo hoa vừa mới được đưa tới.
Tướng mạo hắn dịu dàng, vóc người cao lớn, trên tay không có lấy một vết chai, đáy mắt vô cùng trong sạch, liếc một chút là biết ngay đây chính là một quý công tử sống sung sướиɠ từ nhỏ, chỉ có nuôi trong đống vàng đống bạc mới nuôi ra được kiểu người như vậy, nhưng vì bị thương, sắc mặt hơi suy yếu, đặc biệt là ánh mắt linh hoạt đến nỗi mất cả chừng mực, tùy tiện nhìn hết đông rồi tới tây.
Nói chung, ánh mắt và phong thái của hắn không hề hợp nhau một chút nào, dáng vẻ dùng bữa cũng một lời khó nói hết, nhận lấy bát cháo thì bèn vùi đầu ăn một cách khổ sở.
Quản gia Châu Dụ đứng ở trước cái tháp hắn đang ngồi, không nhịn được mà lau mồ hôi: “Thiếu gia, ngài nói xem, ngoài kia càng đồn càng loạn, sớm muộn lão thái gia bên kia cũng sẽ biết thôi, bây giờ phải làm sao đây?”
Kim Thế An thầm trợn trắng mắt khi nhìn vào chiếc bát, sao tôi biết được, để tôi ăn xong trước được không?
Châu Dụ thấy hắn lặng im, lau mồ hôi xong lại nói: “Bên ngoài đã có mấy tờ rơi truyền tin tức đi rồi, mấy tin nhảm cứ xuất hiện tới tấp, nếu ngài vẫn cứ không lộ diện, sợ rằng chức vị hội trưởng thương hội khó mà giữ lại được.”
Kim Thế An liếʍ liếʍ cái thìa, thế thì liên quan đếch gì đến tôi.
Chu Dụ nghĩ thầm, thiếu gia của tôi ơi, sao mà đến giờ cậu vẫn chỉ lo ăn thế, là ngu thật rồi hay sao? Tỉnh lại sáu bảy ngày, trừ ăn ra thì là ngủ, nghe tin tức cấp bách nào cũng đều giả ngu hết cả, hỏi đến chuyện gì cũng: “Để tôi nghĩ xem đã.”
Bất chấp chọc giận thiếu gia, ông thấp thỏm mà mở miệng: “Thiếu gia, tôi nói một câu mạo phạm, chẳng lẽ cậu không nhớ rõ bất kỳ cái gì sao?”
Kim Thế An chọp chẹp ăn sạch cháo, hài lòng gật đầu một cái.
“Đúng rồi đấy, tôi chẳng nhớ gì hết cả.”
Nét mặt già nua của Châu Dụ thoáng trắng bợt, đã hoảng lại càng thêm hoảng, gắng gượng không ngất đi.
“Sao lại như vậy được chứ?” Ông bắt đầu chảy nước mắt nước mũi, quỳ xuống: “Thiếu gia, không thể nói lung tung được, ngài muốn tất cả chúng tôi chết không có chỗ chôn sao!”
Tôi không nói lung tung, bởi vì tôi xuyên qua đây đó.
Kim Thế An dòm khuôn mặt già khóc không ra nước mắt của Châu Dụ, nghĩ thầm, ông đây đường đường là tổng tài của tập đoàn Hải Long, xuyên từ thế kỷ 21 đến cái thời Dân quốc chim không thèm đẻ trứng này, tôi còn chưa tủi thân, ông tủi cái hòn bi tôi à!