Thập Niên 80: Tiếng Lòng Của Cô Vợ Nhỏ

Chương 25

Bà cụ Tống hai mắt sáng lên, nhiệt tình mời mọi người vào nhà ngồi, trước tiên bà cụ kể lại những gì mình biết, những gì mình đã nhìn thấy: “…Tôi có thể làm chứng, bọn họ đánh người ta đến là thảm, sau đó còn ném vào chuồng lợn nữa chứ. Mấy chị nói coi, con mụ Vương đó cũng là phụ nữ, tại sao lại có thể hành xử như súc vật thế cơ chứ? Không chỉ vậy đâu, tôi dẫn thêm sáu bà già xông vào nhà đó, khó khăn lắm mới đưa được hai đứa nhỏ bị trói trên cột ra ngoài. Tôi còn nghe nói, con mụ Vương đó đã liên hệ xong xuôi hết với mẹ mìn rồi, cũng không biết là mụ ta tính làm gì đây."

Chị Chung cau mày, tất cả đều ghi lại hết vào công văn.

Bà cụ Tống lau nước mắt một phen: “Không biết chân Lâm Giai thế nào rồi, cũng không biết có thể chữa khỏi được hay không nữa, than ôi…”

Tống Ngọc Noãn đang chơi bắt ‘cục xương’ với A Thịnh ở buồng trong thì chợt dừng lại.

Cô cúi đầu nắm xương lưng trong tay. Chúng là những mẩu xương của cừu đã mài nhẵn mà bà cụ Tống thu thập được, mỗi mẩu đều nhỏ nhắn và tinh xảo, bởi vì được xoa nắn nhiều nên bên ngoài đã trơn nhẵn như ngọc.

Đêm qua, bà cụ đã coi như là bảo bối tặng nó lại cho cô.

Tống Ngọc Noãn đặt đống xương nhỏ xuống, bảo em trai chuẩn bị đi ngủ. Còn cô thì đứng dậy, xuống khỏi giường để mặc quần áo vào.

Điều này hẳn là sẽ kích hoạt cốt truyện của cuốn sách nhỉ?

Chân của Lâm Giai không được chữa khỏi. Cô ấy vốn là một người hiền lành và tốt bụng, nhưng sau khi cắt cụt chi, cô ấy đã hoàn toàn thay đổi.

Không ai biết là có một lão trung y với y thuật có thể sánh ngang với thần y hiện lại đang sinh sống ở khu phía bắc của huyện thành Nam Sơn.

Sau này, ông cụ ấy trở về lại Bắc Đô, trở thành bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo, thì mọi người mới biết là lúc trước ông cụ từng sống ở huyện thành Nam Sơn.

Ông cụ ấy có thể cứu được Lâm Giai.

Có điều, ông cụ vốn mai danh ẩn tích, không ai biết rằng ông cụ là thần y cả.

Lý do ông cụ đến đây là vì cô con gái đã mất tích của mình, có người nói là bọn họ đã từng nhìn thấy con gái ông cụ ở đây.

Chỉ vì một câu nói này, ông cụ đã tìm kiếm ở huyện thành Nam Sơn suốt ba năm nay.

Trong sách, ông cụ sẽ rời đi vào mùa hè này.

Cũng thực sự đã tìm thấy con gái mình.

Con gái ông cụ hiện đã lấy chồng, rất may mắn là cuộc sống của dì đấy cũng trôi qua khá tốt.

Dì ấy bị mất trí nhớ, mười hai năm trước đã lưu lạc đến huyện Nam Sơn này.

Dì kết hôn với một người mồ côi cả cha lẫn mẹ ở đại đội Lê Thụ, là do đại đội mai mối.

Hiện giờ, bọn họ đã có một trai một gái. Con trai lớn đang học lớp mười tại trường Nhất Trung của huyện thành.

Dì ấy không biết tên thật của mình, thế nên đã lấy họ của chồng, tên hiện tại là Quý Xuân Tú.

Mà lúc này, bà cụ Tống đã dẫn chị Chung và vợ kế toán Lý ra ngoài, cùng đi tìm sáu bà cụ và cả những người có mặt ở nhà họ Vương và hôm đó.

Cán sự Tiểu Mai tức giận đến giậm chân.

Chỉ mới nói chuyện một chút vừa nãy thôi mà cô ấy đã ghi chép gần nửa quyển sổ tay của mình luôn rồi.

Cô ấy vừa đi vừa lẩm bẩm ở phía sau: “Vậy tại sao đại đội trưởng Tống lại mặc kệ như vậy?”

Bà cụ Tống lúc này cũng không lên tiếng bênh vực cho con trai mình, hay nói mấy câu như là - nếu Lâm Giai không cầu cứu thì ai mà biết được nội tình đây. Nói cho cùng cũng là chuyện giữa hai vợ chồng.

Nhưng lại không thể nói như vậy được.

Bà cụ cũng hùy theo mà mắng: “Thằng cả nhà thím đúng là chẳng ra làm sao cả, nếu thím mà làm đại đội trưởng ấy hả, thím sẽ nhốt cả nhà họ Vương lại rồi lấy roi quất cho chừa cái thói đó đi. Đánh một lần mà không phục thì đánh hai lần, hai lần mà không phục nữa thì ba lần, đánh mãi thì cũng phải phục thôi!”

Ánh mắt của cán sự cũng sáng lên: "Đúng, đánh cho chừa!"

Chị Chung trừng mắt nhìn cô cán sự trẻ tuổi một cái, vội vàng nói: “Bác gái à, bác không thể có tư tưởng này được, chúng ta không có cái quyền này, làm vậy là phạm pháp đấy. Tiểu Mai mới đến đây không lâu, không biết hiện trạng của phụ nữ nông thôn chúng ta, nói thì dễ hơn làm nhiều lắm.”