Như điệu múa “Hồn thoát” sở trường của Công Tôn Đại Nương chính là bắt nguồn từ Công Tôn Vô Kỵ của Triệu quốc, lúc đó hắn thích đội một cái mũ có tên gọi là hồn thoát, có một dạo đã trở thành trào lưu ở Trường An, người đời sau đổi tên của loại mũ này thành "Triệu công hồn thoát". Ngay đến vũ điệu cần đội loại mũ này để nhảy cũng trở thành kiện khúc “Hồn thoát” nổi danh.
Hồi tưởng lại những năm Trinh Quán* ngày xưa, có lẽ Công Tôn Vô Kỵ đã đội mũ thoát hồn mà hắn yêu thích nhất hiến cho vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân vô vàn vũ khúc!
(*: Trinh Quán là niên hiệu Vua Đường Thái Tông - Lý Thế Dân, 627-649.)
Tam Nương nghe Chung Thiệu Kinh kể qua về cảnh tượng khi tướng quân Bùi Mân múa kiếm mà nàng chỉ hận không thể đích thân được chứng kiến cảnh đó. Nhưng sau khi nhiệt tình nghe xong, nàng lại không nhịn được nói giúp Công Tôn Đại Nương: "Ngài so sánh như vậy là không công bằng."
Sao lại đi so khí chất của vũ công với tướng quân xem ai hơn ai cơ chứ?
Một màn múa “Kiếm khí” ban nãy đã đủ tốt rồi, từ đầu đến cuối Tam Nương đều xem đến ngẩn ngơ, nàng thực sự không thể tưởng tượng nổi điệu múa tốt hơn, hay hơn vậy thì cần phải như thế nào nữa.
Vốn dĩ Chung Thiệu Kinh chỉ là mạnh miệng nói thêm mấy câu mà thôi, nghe Tam Nương vậy mà còn hết sức nghiêm túc tranh luận với mình thì cười nói: "Ngươi nói cũng có đạo lý."
Quan khách trên bàn tiệc còn đang bàn luận sôi nổi về màn múa vừa rồi của Công Tôn Đại Nương thì bỗng có một người đập vỡ chén rượu trên bàn ăn, đứng dậy căm phẫn kêu to giữa sảnh, trông dáng vẻ nhìn như một kẻ điên điên khùng khùng.
Người này cũng không phải người ngoài mà chính là Trương Húc xưa nay vốn có danh xưng là "Trương Điên".
Hạ Tri Chương thấy vậy lập tức dặn dò tùy tùng hai bên: "Mau, mau lui xuống chuẩn bị đầy đủ bút mực cho Bá Cao ngay, sau đó chuyển bức bình phong mà ta đã chuẩn bị trước ra đây!"
Vì vậy mấy người hầu đồng loạt hành động, người lấy bút thì lấy bút, người mài mực thì mài mực, người chuyển bình phong thì chuyển bình phong, Tam Nương thấy bóng dáng chúng người hầu cứ thế bận rộn vội vã không chút ngơi tay.
Nàng không nhịn được hỏi: "Đây là đang làm gì thế?"
Hạ Tri Chương cười đáp: "Trương Điên nhà chúng ta sắp viết chữ rồi."
Sở trường của Hạ Tri Chương là lối viết chữ thảo*, một trang giấy nhiều lắm cũng chỉ viết được chừng mười chữ. Nhưng Trương Húc lại lợi hại hơn hắn một bậc, thể loại mà hắn ta giỏi là thể chữ cuồng thảo, chữ viết ra nổi bật lên đúng cái nét "cuồng" như trong tên gọi.
(*: Thảo thư hay chữ thảo là một kiểu viết chữ Hán của thư pháp Trung Hoa. Thảo thư có bút pháp phóng khoáng và tốc độ viết chữ nhanh hơn cả. Mức độ đơn giản hóa của chữ thảo là lớn nhất trong số các kiểu chữ Hán vì vậy thảo thư thường được dùng trong các trường hợp như tốc ký, thực hành nghệ thuật thư pháp, viết thư hay viết nháp một bản thảo.)
Đặc biệt là chữ mà hắn ta viết ra sau khi say rượu thì nét bút càng bay bổng, một trang giấy căn bản là không chứa hết được nên phần lớn thời gian đều trực tiếp đề bút viết lên tường hoặc lên bình phong.
Nếu như ngươi mời hắn uống rượu ngon, vậy thì phải nhanh chóng chuẩn bị sẵn tường trắng hoặc bình phong trắng từ trước để tránh bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời xem Trương Húc viết chữ nhân lúc hắn cao hứng.