Dưới Tán Ô Ngâm Khúc Ly Biệt

Chương 9

Bệnh tình ta ngày một trở nặng. Ta nôn ra rất nhiều máu, cảm tưởng số máu ấy đã bằng quá nửa số đang chảy trong huyết quản mình. Đình Quyết chưa tìm ra thuốc giải. Anh và sư phụ đã huy động không biết bao đại phu có mặt trong cốc để chữa trị cho ta. Nhưng ta biết mình không còn nhiều thời gian.

Thái vẫn luôn giúp ta điều tra tung tích gia đình nhà họ Đoàn. Trong khi nghiền ngẫm những manh mối vụn vặt tại căn nhà cũ, hắn xin phép sư phụ và Đình Quyết được đưa ta và Hạnh Trân về nhà thăm cha mẹ hắn. Trước đó, ta vẫn luôn nói với hắn ở trong cốc quá ngột ngạt, muốn đi đâu đó cho khuây khỏa.

Cha mẹ hắn rất tốt. Họ nấu cho ta sa số đồ ăn ngon. Từ khi đổ bệnh, sức ăn của ta đã giảm sút đáng kể nhưng khi được Thái mời đến, ta bất ngờ thèm ăn trở lại. Bữa cơm ngon miệng hơn bao giờ hết nhờ những món ăn thanh thơm và cả tình yêu thương vô bờ của cô chú dành cho chúng ta.

Không hiểu sao, cha mẹ Thái rất quan tâm đến ta.

– Ăn đi con. – Mẹ hắn nói – Ăn vậy sẽ đỡ mệt đấy.

– Phải. – Người cha cũng rất quan tâm.

Ta ngượng ngùng, hết nhìn hai người họ lại quay sang nhìn Thái và Hạnh Trân như cầu cứu. Nhưng Hạnh Trân chẳng mấy quan tâm, còn Thái lại gần như phớt lờ.

Trong nhà Thái còn người bà là mẹ ruột của mẹ, tức bà ngoại hắn. Hôm nay bà không khỏe, nếu không đã cùng ăn cơm với gia đình. Sau bữa ăn, mẹ Thái nói hắn nên hỏi thăm bà ở buồng trong. Thiết nghĩ là chị hắn, ta cũng nên theo vào.

– Thái về rồi đấy hả con?

Nghe tiếng hắn gọi, người bà nằm trong vội vàng đổi tư thế, hướng mắt ra ngoài cửa. Song, ta lại là người bước vào đầu tiên. Thấy ta, bà mỉm cười ý nhị.

– Con mới đi có một tháng, bà lại không chịu ăn rồi.

Thái chen lên trước, vội đan lấy bàn tay bà.

Đoạn, ta và Hạnh Trân lễ phép chào bà rồi cũng ngồi xuống hàng ghế kê sát tường. Chúng ta chăm chú ngồi nghe bà kể chuyện.

Bà lão tuy đã ngoài tám mươi nhưng hẵng còn minh mẫn. Bà kể không biết bao chuyện từ khi Thái ra đời cho đến khi hắn bái sư tại Lĩnh Hỏa cốc. Lúc bấy giờ, cả ta và Hạnh Trân mới tá hỏa khi biết Thái là con nuôi nhưng lí do vì sao thì người bà lại không nói nữa.

Đến tối, Thái xếp cho ta và Hạnh Trân ở hai phòng cạnh nhau. Đại phu dặn ta không được tắm khuya nhưng cả ngày lặn lội, ta không quen cứ thế đi ngủ. Nhân lúc không ai để ý, ta ôm y phục ra nhà tắm sau gian nhà chính tắm rửa.

Phòng tắm không rộng, ở giữa có một tấm bình phong ngăn cách. Một bên trang bị bồn tắm gỗ, một bên là cửa ra vào và giá treo đồ. Ở gian ta tắm có một ô cửa sổ khi nào cũng khóa trái nhưng ta đã he hé ra theo thói quen.

Ngay khi ta vừa thả mình vào bồn tắm, phía bên ngoài ô cửa đã truyền đến tiếng động lạ, theo sau là cái bóng vừa lạ vừa quen lướt vội qua. Ta vội đẩy thân mình xuống, hai vai ngang với mặt nước sóng sánh, chầm chậm quan sát. Đột nhiên, cánh cửa mở tung ra. Như thường lệ, Ngạn Khanh xuất hiện, một chân để ngang lên bệ cửa, chân kia vắt sang bên. Ta để ý chàng chưa từng đánh mắt nhìn ta.

– Ngài làm gì ở đây? – Hơi thở ta có phần rối loạn.

– Ta nghe nói cô không được tắm khuya mà, kỳ thủ.

– Nhưng ta không thích ở bẩn.

– Mai dậy sớm tắm cũng không được ư?

Thấy chàng quay đầu, ta liền chìm sâu hơn. Nhưng có vẻ chàng chỉ muốn ngó lên trời.

– Ngày mai, thị trấn sẽ tổ chức lễ hội. Ta có thể mời cô đi dạo được không, kỳ thủ?

Hai má ta đỏ bừng lên. Phải chăng chàng đến đây chỉ vì lời mời này?

– Ta sợ mình không khỏe. – Ta nhìn lại những nốt chấm đỏ chi chít sau lưng – bằng chứng rõ ràng nhất cho việc trúng độc – khẽ thở dài ngao ngán.

– Độc này của cô chỉ phát tác mạnh mẽ khi tích tụ trong một thời gian dài thôi. Những đệ tử của ta khi bị đầu độc trong vòng bảy ngày liên tục mới không thể kháng cự được.

– Nói như vậy nghĩa là ta sẽ không chết? – Niềm hi vọng mơ hồ bắt đầu trỗi dậy.

– Không. Chỉ là thời gian sẽ lâu hơn thôi.

Có lẽ chàng không để ý gương mặt ta đã chùng hẳn xuống.

– Nhưng mà, cô có thể cân nhắc về lời mời của ta. Nghe này,… – Chàng đột nhiên nhảy xuống khỏi bệ cửa, có lẽ là sắp sửa rời đi – Ta sẽ không để cô chết.

Nghe được điều này, ta bất giác ngoảnh mặt ra sau. Chàng đã biến mất từ khi nào.

Hôm sau, ta nhờ Hạnh Trân trang điểm giúp mình. Ai cũng nói nửa tháng trở lại đây ta trông giống như một xác chết biết đi, gương mặt nhợt nhạt phải biết. Nên ta mong Hạnh Trân có thể che đi khuyết điểm này, ít nhất là trong đêm nay.

Ngạn Khanh nói, chàng sẽ chờ ta ở phố vào giờ Dậu. Lúc tiễn ta ra cổng, Hạnh Trân mếu máo không ngớt. Cô biết ta đi với chàng, chỉ sợ lại gặp bất trắc gì. Song, Thái đã kịp đến bên trấn tĩnh cô. Chẳng mấy khi thấy hắn đồng tình với ta nhiều đến vậy.

Thế rồi, ta tạm biệt hai đứa em nhỏ và hòa mình vào dòng người đông đúc. Từng dòng, từng dòng uốn lượn như dải lụa, cong chỗ này, ngoằn chỗ kia, chẳng biết đã xô ta đến bước nào.

Ta nhanh chân trèo lên bệ cao, vừa thoát khỏi dòng người xô cuốn, vừa tiện đường tìm kiếm chàng. Nhưng chôn chân đã quá nửa canh giờ rồi mà ta vẫn chẳng thấy bóng chàng đâu. Ngỡ tưởng mình đã bị lừa một vố, ta lại leo xuống, thất thểu ra về.

Bấy giờ, người đã vãn hẳn. Ai cũng đã chọn cho mình bến đỗ riêng. Người thì tá túc ở tửu lầu, người thì dùng bữa ở tiệm cơm, có người còn thấy trời đã nhá nhem, dần thoát khỏi đám đông để trở về nhà. Tuy vậy, các hàng quán vẫn sáng đèn như chờ những vị khách tiềm năng khác.

Ta đang rảo bước thì bỗng có một bàn tay đặt nhẹ lên vai ta. Khi ta quay lại, Ngạn Khanh đã ở đó từ bao giờ. Lần đầu tiên trong suốt bao lần gặp mặt, chàng không mang theo ô. Nhưng dường như đã là một thói quen, khi đi trên phố, chàng lại mua tặng ta một chiếc ô đỏ và cầm che cho ta dọc đường.

Nhìn ngang sang chàng, ta mới phát hiện gương mặt rám nắng ấy lại có thêm một vết thương sâu, máu tươi vẫn rỉ ra từng chút. Ta đã không trách mà còn thương hơn cho chàng khi đến muộn. Chẳng biết chàng đã phải vượt bao khó khăn để đến cho kịp giờ hẹn ta.

Đến quầy búp bê, ta bẽn lẽn trỏ vào con búp bê có hình dạng giống chàng. Cặp mày chàng trợn lên như thể sắp nổi giận tới nơi, nhưng rồi lại từ từ hạ xuống. Chàng mua một con rồi tặng cho ta. Ta cười không đáp. Ở nhà ta cũng có một con tương tự rồi.

Ta đoán chàng biết ta thích ăn kẹo ngọt. Thế nên, chàng mua hẳn mười que kẹo đường có hình thù khác nhau cho ta tha hồ liếʍ. Trông ta bây giờ chẳng khác gì đứa trẻ con lần đầu chơi phố, cứ thế bòn sạch túi tiền của chàng vào những món kẹo vô vị.

– Ngài có biết ăn kẹo nhiều sẽ sâu răng không? – Ta lén nhìn chàng. Chúng ta đang trên đường đến bến sông, nơi chàng hứa sẽ dành cho ta thật nhiều bất ngờ.

– Biết. Ta có kế hoạch biến cô thành đứa trẻ sún răng mà, kỳ thủ. – Chàng nhún vai.

Mặt sông lặng sóng. Ta bước đến mép cầu, vốc một vốc nước. Nước trong phản chiếu gương mặt tươi tắn của ta và cả chiếc ô đỏ thắm đang bị bóng ta che khuất.

Đoạn, chàng dắt ta bước lên thuyền. Chuyến du ngoạn trên sông bắt đầu khi người cầm lái tháo dây neo. Chúng ta rời bến, trôi ra xa thật xa cho đến khi những dãy nhà trập trùng chỉ còn là hàng dây sáng lấp lánh lập lòe không rõ hình dạng. Và khi chỉ còn ta, chàng và chiếc thuyền lênh đênh giữa mặt sông phẳng lặng, chàng mới bày bàn cờ ra trước mặt ta. Chúng ta không bắt đầu một ván mới mà chơi với thế đã được bày biện từ sẵn.

– Đây là ván cờ mẹ đã từng dạy ta. Ta quân đỏ, mẹ quân đen. Mẹ nói ta hãy chơi thắng mẹ. Bao nhiêu năm nay, ta chưa từng hóa giải được thế cờ này. – Ngừng một lát, chàng tiếp – Hôm nay, cô hãy là quân đỏ, kỳ thủ. Hãy chơi thắng ta.

Ta chưa từng từ chối một ván cờ nào, nhưng đó là khi ta cầm chắc chiến thắng trong tay. Đối diện với thế cờ này, ta ngập ngừng không muốn ngồi vào. Quân đỏ của ta chỉ còn: Tướng, cặp Tượng, Xe và Tốt. Tất nhiên, bên chàng cũng không khá hơn: Tướng, cặp Pháo, một Tốt và một Mã. Xui rủi thay, Tướng của chàng được cặp Pháo kè kè bảo vệ, một đằng trên, một bên cạnh. Trong khi Tốt của chàng đang ở rất gần Tướng của ta, nằm ngang hàng cách hai ô. Mã chàng cũng đã sang sông, lăm le chiếu tướng.

Một khi Tướng đen sang bên, chuẩn bị vào thế Pháo l*иg Pháo, Xe đỏ buộc lòng đi thẳng, ăn trọn Pháo. Nhưng đó cũng là lúc Mã đen tiến tới, chiếu tướng. Khi Tướng đỏ ta thoái lui, Mã đen sẽ tiến thêm bước nữa, chiếu tướng hết cờ.

Các thế cờ khác nhau liên tiếp xuất hiện trong đầu ta. Bất cứ nước đi sai lầm nào cũng có thể khiến ta thua cuộc như thế cờ tiêu biểu nói trên. Thế nhưng, ta vẫn ngồi vào bàn cờ.

Ngạn Khanh nói với ta:

– Nếu cô thắng, ta sẽ nói cô nghe một bí mật.

– Còn nếu ta thua?

– Cô sẽ nói ta nghe một bí mật.

Quả là ván cờ vô thưởng vô phạt. Vốn dĩ, ta không cần biết bí mật của chàng. Ta cần bảo vệ danh xưng “kỳ thủ” của mình nhiều hơn.

Bước đầu tiên, ta chạy Tượng từ vị trí giữa bàn cờ sang bên cánh trái, tạo một đường chéo với Mã đen và Tốt đỏ. Dường như không bất ngờ, Ngạn Khanh thoái Mã về, ngay bên phải Tượng đỏ theo hướng nhìn của ta. Nhìn ra suy tính của chàng, ta rút Xe về kèm Mã, tạo một đường thẳng Tượng – Mã – Xe.

Tuy nhiên, Ngạn Khanh đã tìm thấy lỗi sai của quân đen. Ngay khi chàng thoái Mã về, ván cờ đã cầm chắc kết quả thua. Đương nhiên, ta không để chàng thua dễ dàng như vậy. Chúng ta lùi lại hai bước.

Mã đen lúc này tiến sâu vào lãnh địa của ta, ngang hàng với Tốt đen ở lầu hai. Ta lao Tốt đỏ xuống một bước. Tiếp đến, sau khi chàng lui Mã về, ta tiếp tục kéo Xe áp sát Mã. Ngạn Khanh sang Tốt, bắt đầu chiếu tướng ta. Một khi ta xuống Tướng, những nước cờ sau chỉ có thua. Thế nên, ta đẩy Tướng lên lầu ba.

Đến đây, thế cờ đã chẳng còn khó khăn với ta. Trong những nước đi tiếp theo, cả hai bên đều giữ nguyên quân số. Cho đến khi ván cờ kết thúc, thế trận chỉ thay đổi khi Tốt ta tiến sâu vào lãnh địa của Tướng đen, trong khi thế thủ của hai Pháo đã bị phá vỡ. Tại đây, hai chúng ta bắt tay làm hòa.

– Ván cờ này, có lẽ quân đỏ khó mà thắng được. – Ta tuyên bố – Nhưng ít ra, ta đã không thua.

Ngạn Khanh đứng lên, đôi mắt ánh lên vẻ thán phục:

– Đó đã là kết quả khả quan nhất đối với quân đỏ rồi, kỳ thủ à. Ta tâm phục khẩu phục.

Chàng kính cẩn khom mình. Cùng lúc đó, thuyền của chúng ta đi qua hàng đèn hoa đăng đang lênh đênh trôi ra ngoài sông lớn. Ở đây, vào mỗi dịp lễ, người ta thường viết những mong ước thầm kín của mình lên đèn giấy rồi thả trôi sông. Những chiếc đèn ánh xanh, ánh vàng nối đuôi nhau chạy ào qua mũi thuyền. Những cơn gió đầu mùa khe khẽ thổi khiến đường đèn nhịp nhàng cong lên rồi hạ xuống, trông thật giống như những dây đèn l*иg trang trí.

Tình cờ, Ngạn Khanh cũng đã cầm trên tay một chiếc đèn đã thắp dở. Chúng ta, mỗi người một bên, cầm bút ghi lên ước nguyện của đời mình. Thế rồi, cả hai cùng khom mình, thả chiếc đèn nhỏ bé hòa vào dòng ánh sáng lập lòe.

Ta thả tay, lơ đãng nhìn theo dòng nước mát lạnh dưới đáy thuyền. Chàng đến bên ta, ngón tay, không biết vì vô ý hay cố tình, chạm phải đầu ngón tay ta. Ta không rụt về, nhưng chàng cũng không tiến tới. Chúng ta âm thầm dõi theo những chiếc đèn hoa đăng cho đến khi chúng biến mất vào cõi xa xăm.

– Ước nguyện của chúng ta rồi sẽ trôi về đâu? – Ta hỏi vu vơ.

– Trôi đến bàn tay của Ngọc hoàng. Người sẽ đọc được và thực hiện ước nguyện của chúng ta.

Ta sẽ không nói cho chàng điều mình ước ban nãy là gì. Ta đã ước rất nhiều, được tìm thấy cha mẹ, được chữa khỏi độc, được tung tăng sánh bước cùng chàng mà không phải nghe lời dị nghị… Có phải ta đã quá tham lam rồi hay không?

Người cầm lái đưa chúng ta trở về phố. Trời trở lạnh, ta bỗng húc hắc ho. Đưa ta đến trước cổng nhà, chàng vội vàng choàng áo cho ta, đưa lại ta chiếc ô đỏ mỏng manh và con búp bê có hình chàng.

Ta ngắm chàng một lúc lâu trước khi nhón chân lên, hôn nhẹ vào má chàng.

– Cảm ơn chàng.

Sau đó, ta phải vụt đi thật nhanh, không để chàng nhìn thấy đôi má hây hây đỏ của mình. Về phần chàng, chàng ngây ra một lúc trước khi cất bước quay về Dạ Phong.

Hạnh Trân đã ngủ từ bao giờ. Ta không thể kể cho cô nghe rằng, hôm nay trái tim ta đã chệch nhịp biết bao nhiêu lần. Bỏ qua ván cờ vô thưởng vô phạt, ta nhớ đến lúc cùng viết lời ước nguyện của mình lên đèn hoa đăng, ánh mắt ta đã lơ đãng va phải ánh mắt đầy trìu mến của chàng. Hay khoảnh khắc chàng ngơ ngác trước nụ hôn bất ngờ của ta, không biết phải phản ứng làm sao. Những kí ức ấy mới thật đáng trân trọng biết bao.

Không biết chàng đã về đến Dạ Phong chưa? Ta nâng tay, chạm nhẹ vào mũi con búp bê. Mong chàng sẽ để ý đến vết thương trên mặt một chút. Ngoài việc có thể khiến chàng xấu đi, vết thương ấy có lẽ sẽ rất đau đớn khi trời trở lạnh.

Mà không biết ta đã bắt đầu tư tưởng đến chàng từ khi nào?

Ta vui mỗi khi chàng xuất hiện, an tâm và nhẹ nhõm khi được chàng cõng trên vai. Chàng bất chấp nguy hiểm để cứu ta khỏi đại lao, một mình đưa ta về Lĩnh Hỏa cốc. Rốt cuộc, chàng có thật sự đang đối đầu với ta và chính phái hay không?

Cảm giác của ta đối với chàng mãnh liệt gấp bội phần so với tình cảm ta dành cho Đình Quyết. Từ lâu, người xuất hiện trong giấc mơ của ta đã không phải là anh. Ta nhận ra mình không còn nhớ cái che chở vụng về của khi cả hai còn nhỏ, cũng không nhớ mình đã khát cầu được anh quan tâm đến nhường nào trong suốt thời gian qua. Bây giờ, ta chỉ nhớ đến ánh nhìn tình tứ và đầy ắp quan tâm của Ngạn Khanh dành cho ta, nhớ đến mong ước thầm kín được kề vai sát cánh cùng chàng cả đời về sau.

Ngạn Khanh à, có lẽ ta thích chàng thật rồi.