Dưới Tán Ô Ngâm Khúc Ly Biệt

Chương 3

Ngày 8 tháng 8 năm 1897

Sáng hôm sau, tri huyện cùng phu nhân và hai con lịch sự mời ba chúng ta dùng bữa. Ta không hiểu vì sao, tri huyện rất đỗi quan tâm ta và Hạnh Trân, còn gắp không biết bao nhiêu thức ngon vào bát riêng của chúng ta. Phu nhân không được vui khi thấy điều này.

Ông ta nói:

– Tô Ngạn Khanh vừa thoát khỏi ranh giới đã oanh tạc không biết bao nhiêu nơi. Cũng may có các đệ tử của Lĩnh Hỏa cốc giúp đỡ, không thì có lẽ ta và phu nhân đã bỏ mạng.

Chỉ ông bỏ mạng thôi, ta thầm nghĩ. Ngạn Khanh trong mắt ta sẽ không làm hại người vô tội.

– Nhưng sao gia chủ Dạ Phong lại trực tiếp ra tay như vậy, ta thắc mắc? – Thái hạ đũa, chăm chú nhìn tri huyện.

Ông ta có vẻ lúng túng:

– Ta không rõ. Nhưng đây là lần đầu tiên hắn xuất hiện.

Tri huyện lấp lửng, nhưng ta có thể hiểu những lần trước đều là do đệ tử của Ngạn Khanh trực tiếp làm nhiệm vụ.

– Ta chắc chắn hắn sẽ còn quay lại. – Ông ta nói. Chưa gì, Hạnh Trân đã tiếp lời:

– Vậy chúng ta phải ở đây canh chừng. Nếu không…

Điều đó không nằm trong dự định của ta. Và ta đoán Thái cũng vậy. Song, tri huyện đã vô cùng hào hứng:

– Vậy thì tốt quá.

Chúng ta đã không nỡ từ chối.

Hôm qua mất ngủ, cả người ta uể oải không ngớt. Thấy vậy, Hạnh Trân liền rủ ta xuống phố thăm thú. Cô dự định, sau khi chuyện ở tri huyện kết thúc sẽ về thăm cha mẹ. Khi ấy, ta cũng sẽ có thêm thời gian điều tra về thân thế của mình. Cuối cùng, cả ba chúng ta sẽ lại cùng nhau trở về cốc. Kế hoạch là thế.

Dưới phố bây giờ đang rất náo nhiệt. Ta đi đâu cũng thấy họ xì xào về Ngạn Khanh. Nào là gia chủ Dạ Phong, nào là sát thủ khát máu. Có những nơi còn làm cả búp bê đồ chơi dựa trên phong cách ăn mặc của chàng ta. Song gương mặt của những con búp bê ấy đều vô cùng quái dị. Có lẽ vì họ luôn coi chàng ta là xúi quẩy.

Chiều hôm ấy, ta cùng Hạnh Trân và hai đứa trẻ nhà tri huyện nô đùa rất vui. Hạnh Trân nhỏ tuổi hơn ta, rất biết cách chơi với trẻ con. Ngược lại, ta chỉ biết hùa theo cô để không đánh mất đi tiếng cười sảng khoái của lũ trẻ. Trong lúc đó, tri huyện ráo riết bày binh bố trận, cố để vây bắt Ngạn Khanh vào lần tiếp theo chàng ta xuất hiện. Nhưng xem ra, chàng ta đã không còn hứng tấn công trực diện như đêm qua nữa.

Ta gặp chàng ta giữa hoa viên, khi Hạnh Trân đã dẫn hai đứa trẻ đi mua kẹo, còn tri huyện cùng phu nhân ở đâu không rõ. Chỉ biết, khi chàng ta đến, không ai ngoài ta bắt gặp được.

Chàng ta nhàn nhã ngồi xuống vị trí từng là của phu nhân, chiếc ô đỏ nhanh chóng được hạ xuống.

– Ngồi đi. – Ngạn Khanh lịch sự mời.

Ta miễn cưỡng nghe lời.

– Tri huyện rất muốn bắt sống ngươi đấy. Triều đình còn đang treo thưởng kia kìa. – Ta buông lời đe dọa, song giọng nói vẫn luôn là điều khiến ta tự ti. Chàng ta chẳng hề để tâm đến lời của ta, chỉ đáp:

– Ta chờ cho đến khi bị bắt.

– Vì sao lần này ngươi lại ra mặt? – Ta đột ngột lên tiếng, cảm thấy đó mới là điều ta thắc mắc nhất trong những ngày trở lại đây chứ không phải lí do vì sao chàng ta biết đến sư phụ ta.

Ngạn Khanh nhìn ta:

– Người ta nói đừng bao giờ hỏi sát thủ một lí do, vì họ sẽ chẳng cho cô biết đâu.

Hai cọng tóc mai chàng phảng phất bay trong gió. Ta để ý chàng kẹp tóc bằng chiếc kẹp vô cùng bắt mắt. Nó mang hình một chú bướm nhỏ. Ta vốn không thích ong bướm, nhưng nhìn sao cũng không thể rời mắt được.

Thoáng thấy nét mặt hiếu kỳ của ta, chàng ta lập tức hiểu ra, liền quay nghiêng đầu để ta nhìn rõ hơn.

Ta thẹn thùng bặm môi, nhưng cũng không bỏ qua cơ hội được nhìn thấy tận mắt. Một chiếc kẹp thật tinh xảo. Vừa làm bằng vàng ròng, nét chạm khắc còn mềm mại không nghệ nhân nào sánh nổi.

– Đẹp quá.

Ngạn Khanh trở về tư thế cũ, thản nhiên như thể chưa từng có chuyện gì.

– Ta không nghĩ nam nhân các ngươi cũng biết lựa trang sức đấy. – Ta ngồi thẳng lưng, chép miệng.

Chàng ta nhún vai:

– Nam nhân cũng biết điệu mà.

– Tối nay ngươi có đến không? – Ta hỏi, không để ý giọng điệu mình đã trở nên nũng nịu từ bao giờ. Đôi lúc nghĩ lại, ta còn không biết đối với ta chàng ta là sát thủ hay bằng hữu nữa.

– Không. Cô đã thành công phá hỏng kế hoạch của ta rồi.

Thế rồi, ngay khi Hạnh Trân cùng lũ trẻ trở về từ các sạp đồ ăn, Ngạn Khanh đã dựng ô rồi bay đi mất hút. Thấy ta, cô tung tăng chạy tới, còn khoe với ta ăn được rất nhiều kẹo ở dưới phố.

Ta cười xòa, chỉ muốn đáp rằng ở nhà ta còn chứng kiến được nhiều điều thú vị hơn, nhưng rồi cũng lẳng lặng cho qua.

Tối ấy, Ngạn Khanh không đến. Ta thừa biết nên đã kéo Hạnh Trân đi ngủ từ sớm. Và đêm nay, giấc mộng kì quái kia một lần nữa lặp lại. Vết máu sau lưng vẫn tiếp tục đeo bám ta dai dẳng.Ngày 9 tháng 8 năm 1897

Trời vừa hửng sáng, ta đã lập tức đi tìm Thái. Vừa nghe ta kể chuyện, hai mắt hắn vừa to, cứ ngỡ ta và hắn nằm chung phòng. Bởi lẽ chính hắn cũng phải trải qua tất thảy những điều đó.

– Em nghĩ chúng ta không nên ở đây lâu. – Hắn nói khẽ. Chúng ta đang đứng gần phòng của tri huyện.

Sau khi kéo hắn về trước cửa phòng ta, ta mới nói:

– Có khi nào chỗ này có ma?

Lúc nói ra những lời ấy ta chỉ nghĩ tất cả chúng ta đều đang bị ảo giác chứ chẳng có gì gọi là ma ở chốn đông người thế này. Không ngờ, Thái liền bịt miệng ta, trừng mắt như đe dọa:

– Chị có biết hôm qua em nghe được gì không?

Phòng Thái kề sát phòng riêng của tri huyện. Nhờ đó mà hắn nghe được cuộc nói chuyện giữa ông ta và người vợ.

– Phải đuổi bọn họ đi thôi.

Người nói là phu nhân. Tri huyện vừa xuýt xoa vì vết thương vừa đáp:

– Không thể thế được. Đừng tỏ ra bất lịch sự. Hãy cư xử bình thường như cách bà vẫn luôn làm đi.

Thái nhắc lại toàn bộ câu chuyện, còn không quên nhấn mạnh:

– Bọn chúng là ba chúng ta đó.

Hạnh Trân vẫn chưa dậy. Ta chưa đáp lời Thái, chầm chậm lại gần giường cô. Bất giác, bàn tay ta đặt lên trán Hạnh Trân. Cái trán nóng phừng phực khiến ta phải vội rụt tay về.

– Em ấy sốt rồi.

Chúng ta buộc phải gác lại chuyện ma quỷ ở tri huyện để hạ sốt cho Hạnh Trân. Trong khi Thái ra ngoài mua thang thuốc thì ta chạy đi tìm phu nhân hỏi nơi lấy nước ấm lau mặt cho cô. Cũng may phu nhân đang chơi đùa cùng các con trong khuôn viên, ta chỉ đi vài bước là tới chỗ bà.

Tuyệt nhiên, bà không đả động gì đến chuyện mà Thái kể sáng nay. Nhưng ta có cảm giác bà vẫn luôn muốn đuổi chúng ta đi. Sau khi tìm được chỗ lấy nước, ta trở về phòng. Nhưng dường như Hạnh Trân đã biến mất.

Ban đầu ta chỉ nghĩ, cô đã tỉnh dậy và chạy đi tìm ta. Song ta sực nhớ, trước khi ta đi Hạnh Trân còn sốt li bì. Nếu chỉ là ngủ thôi thì còn có lý. Nhưng ta thừa biết, mỗi khi cô ốm cả người đều mềm như sợi bún. Không thể nào có chuyện rời đi trong thời gian ngắn như thế được. Vậy thì cô đã đi đâu?

Đặt thau nước xuống, ta khom mình tìm hết tất cả các ngõ ngách trong phòng. Trên giường, dưới phản, dưới bàn nước. Ta còn kiểm tra tủ quần áo cũ trong phòng nhưng chẳng thấy cô đâu.

Một lát sau, Thái trở về. Biết tin, hắn cũng cùng ta soát phòng. Nhưng Hạnh Trân cứ tựa như không khí, biệt tăm không một dấu vết.

Chuyện Hạnh Trân mất tích nhanh chóng truyền đến tai tri huyện. Ông ta gọi ta và Thái đến phòng riêng, hỏi cặn kẽ. Ta trả lời thành thật, nhưng Thái thì không nói lời nào.

Tri huyện giúp chúng ta tìm Hạnh Trân. Thị vệ trong phủ được bố trí khắp hoa viên, rất gần với nơi Hạnh Trân mất tích.

Lòng ta từ lúc không thấy Hạnh Trân đều như lửa đốt. Ta đứng ngồi không yên, chốc chốc lại đập bàn.

– Chị ngồi xuống đi đã. – Thái kéo tay ta ngồi xuống. Chúng ta vẫn đang ở phòng riêng của ta.

Thái gõ ngón xuống mặt bàn, đôi lông mày chau lại như thể sắp chạm vào nhau. Khoảng lặng giữa chúng ta mỗi lúc một lớn khi Thái thu tay về, đặt lên đầu gối. Nhưng chỉ một lát sau đó, ta đã lên tiếng, phá vỡ sự im lặng đã liên tục chèn ép chúng ta:

– Chị nghĩ…

Ta chỉ vừa mở miệng, Thái đã đặt tay lên môi ra hiệu. Hắn ta ra vẻ thần bí, nhưng kể cả khi ta có nhỏ giọng hỏi dò thì cũng không biết thêm được gì.

– Trước mắt, ta phải tìm Hạnh Trân trước đã.

Ta biết hắn đã phát hiện được ra điều gì. Nhưng vì hắn không nói, ta cũng chỉ đành im lặng. Một lát sau, ta nảy ra ý quan sát toàn bộ tri huyện từ trên cao để theo dõi động tĩnh, liền rời phòng. Ta phi lên mái nhà cách đó không xa, cẩn thận ngồi xuống mép. Nhìn từ đây, ai trong phủ làm gì ta cũng đều nằm rõ.

Kết cấu của phủ tri huyện khá rõ ràng. Từ cổng chính đi vào sẽ là công đường xử án. Sau đó, khi ra khỏi khuôn viên sẽ bắt gặp dãy nhà hình chữ U, nhìn thì rất nhỏ nhưng thực chất phải có đến mười lăm gian phòng riêng biệt. Các dãy nhà nhỏ khác nằm sát hai bên tường là của các gia đinh và tỳ nữ.

Phòng của ta và Hạnh Trân nằm ở đầu trái dãy chữ U. Phòng của tri huyện nằm ở đầu còn lại. Thái ở kế phòng ông ta. Còn phu nhân, bà sống ở phòng giữa dãy.

Ta tính đến việc Hạnh Trân bị người ngoài bắt rồi mang đi. Nhưng đường từ phòng ra đến hai cổng trước sau đều rất xa. Trong khi đó, thời gian ta đi lấy nước là không nhiều. Vậy không lí nào Hạnh Trân đã rời phủ. Nhưng nếu là vậy thì cô đang ở đâu?

Ta không thể không nghĩ đến việc tri huyện đã bắt cóc Hạnh Trân. Nhưng ngay sau khi Hạnh Trân mất tích, ta đã thấy tri huyện từ công đường trở về. Buổi sáng hôm nay, ông ta phải xử án. Vậy thì chỉ còn phu nhân. Song chính bà là người chỉ cho ta chỗ lấy nước khi ta tìm đến khuôn viên. Trong thời gian đó, không thể nào bà mang Hạnh Trân đi được.

Đầu ta bộn bề suy nghĩ. Đột nhiên, ta nghe tiếng bước chân đằng sau mình. Ngoảnh lại, ta thấy Ngạn Khanh đang từ từ bước tới. Chàng ta cầm ô, thản nhiên ngồi xuống cạnh ta.

Bây giờ, ta cũng chẳng còn hơi sức đâu đấu khẩu với Ngạn Khanh, đành để im cho chàng ta thích làm gì thì làm.

– Ta nghe nói sư muội cô mất tích.

Quả là Đệ nhất sát thủ, thông tin gì cũng nắm rõ. Ta chép miệng:

– Không phải vì ngươi xuất hiện ở đây thì chúng ta cũng không cần ngủ lại phủ tri huyện, và em ta cũng sẽ không biệt tích.

Chàng ta cười mũi:

– Nói như vậy hóa ra ta là nguồn cơn của mọi chuyện.

– Còn không phải sao?

Chàng ta ngả ô sang một bên. Cái ô nặng vừa chạm vào mặt ngói đã vang lên tiếng “cóc” chói tai.

– Tri huyện này rất thích giấu người trong phủ đấy, cô biết không?

Chàng ta nói vu vơ. Ta lấy làm ngạc nhiên, liền vặc lại:

– Giấu người nghĩa là sao?

Ngạn Khanh nhìn sang, vẻ mặt tựa như đang châm biếm ta:

– Cô ngủ qua đêm mà không tìm hiểu xem nơi mình dừng chân có tin đồn gì sao?

Ngẫm thấy chàng ta nói cũng có lý, ta chỉ bĩu môi chữa ngượng:

– Ai kịp tìm hiểu kia chứ.

Ngỡ tưởng chàng ta sẽ nói sạch cho ta nghe, nào ngờ, Ngạn Khanh chỉ buông một câu vô tình rồi dùng khinh công bay đi thẳng:

– Vậy thì giờ tìm hiểu cũng chưa muộn đâu.

Ta đảo mắt, nán lại thêm chút nữa rồi mới trở về phòng.

Thái đã rời đi. Hắn để lại cho ta một mảnh giấy, nói rằng hãy thử ngủ trong căn phòng này thêm một đêm nữa. Ta không định làm theo, nhưng ngoài phòng này ra thì ta còn ngủ được ở đâu nữa?

Ta quyết định sẽ không nằm phản. Giấc mộng đêm qua quả là rợn tóc gáy. Dù rằng ta vẫn mong Hạnh Trân có thể trở về trong đêm nay, nhưng ta không thể thức trắng chờ cô được. Vừa qua đã là một ngày dài.

Ta tắt đèn, nhẹ nhàng đặt lưng xuống giường. Cơ thể đã thấm mệt thôi thúc ta chìm vào giấc ngủ. Nhưng chỉ vừa chợp mắt, ta đã có cảm giác ươn ướt đằng sau tấm lưng.

Ta bật dậy, với tay mở cửa. Có lẽ đó là do mồ hôi. Nhưng ta không để ý đêm qua, ta cũng có suy nghĩ hệt như vậy. Cho đến khi ta thử nhắm mắt thêm một lần nữa, lưng ta lại tiếp tục thấm nước. Lần này, ta không bình tĩnh được nữa.

Ta không vùng dậy mà đổi tư thế, xoay lưng về hướng ngược lại. Vừa mở mắt, một gương mặt nhợt như quỷ đã lọt vào tầm mắt ta. Không phải, đúng hơn là cả thây quỷ lạnh như băng đã nằm ngay trước mắt.

Nó cười, môi nó đỏ màu máu. Hốc mắt nó trống rỗng, sâu không thấy đáy. Mũi nó thụt vào trong, chỉ để lộ hai cái lỗ vừa đủ bằng hai ngón tay. Ta càng trợn mắt hốt hoảng, nó càng cố nở nụ cười rộng đến mang tai.

Ta giật nảy người ra sau như con tôm bị tóm càng. Tay ta vô tình chạm phải l*иg ngực nhầy nhụa đầy những chất lỏng đặc sệt của nó. Ta không biết phải gọi nó là gì, nhưng tên gọi bây giờ thì còn quan trọng gì nữa. Ta lấy hết sức bình sinh lăn khỏi mép giường, mặt ta úp xuống nền đất. Ta vừa ngẩng lên, nó đã chúc đầu xuống.

Chúng ta lại một lần nữa đối mặt. Tóc nó rũ xuống, phủ cả lên bàn tay ta. Cho đến bây giờ ta mới để ý, tóc nó đang ngày một dài thêm. Những lọn tóc nhỏ quăn queo trườn trên mặt đất, từng bước quấn chặt lấy thân ta.

Ta nhanh chóng trở thành một con nhộng đen ngòm.

Ta gào lên, giằng co trong tuyệt vọng. Hẳn chẳng ai nghe được tiếng ta, vì đến ta còn chẳng biết mình đang kêu. Những lọn tóc đã siết lấy cổ ta lúc nào chẳng hay.

Ta không biết mình đã thϊếp đi từ lúc nào, nhưng cơn hoảng loạn vẫn đang còn nằm trong l*иg ngực ta. Bất chợt, ta tỉnh dậy. Cửa sổ vẫn mở toang, còn vị nam nhân ngồi trên mép cửa đang còn nhìn ta chăm chú.

Ta đột ngột nhìn xuống. Cả người ta co quắp lại, nhưng chẳng có lọn tóc nào quấn quanh như ta còn nhớ. Hóa ra chỉ là một giấc mơ. Mà không đúng, đây hẳn là một cơn ác mộng.

Ngạn Khanh trông ta hoảng hốt liền cười cợt không ngớt. Ta chỉ cảm thấy ngại một phần, phần lớn là sợ hãi vì đương đêm lại có người khác bất chợt ghé đến phòng mình. Không biết chàng ta đã thấy gì ở ta rồi.

– Cái đồ đáng chết! – Ta quăng chiếc gối vào mặt chàng ta.

Chàng ta né được, vẫn chưa thôi đùa cợt:

– Cảm ơn vì đã khen.

– Canh mấy rồi? – Ta hỏi.

– Canh hai.

Mãi một lúc sau, chàng ta mới nói vì ta la lớn nên mới đến xem.

– Chỉ là xem thôi sao? Không lẽ ta có chuyện ngươi cũng chỉ đến nhìn?

Chàng ta nhún vai.

Nhớ lại cơn ác mộng vừa qua, ta chỉ còn biết thở dài. Trước đây, ta chưa từng gặp giấc mơ nào dữ như thế. Sư phụ nói do cốc chúng ta là miền đất lành, cả thầy cả trò đều được bảo vệ bởi linh hồn các vị tổ tiên. Ta chỉ mới ở đây hai đêm đã mơ thấy điềm dữ, chứng tỏ đất ở đây không lành.

– Ngày đầu tiên bước vào đây, ta ngửi thấy mùi rất tanh. Bây giờ vẫn còn thoang thoảng. – Ta nói vu vơ, không nghĩ Ngạn Khanh sẽ đáp lại:

– Đất ở đây dữ.

Ta tròn mắt ngạc nhiên. Chẳng ngờ chàng ta nghĩ hệt như ta.

– Có phải liên quan đến những tin đồn ngươi nhắc không?

Ngạn Khanh nghiêng đầu:

– Cô đoán thử?

Ta lắc đầu, chợt nảy ra một suy đoán:

– Có khi nào Hạnh Trân bị vong bắt đi rồi không?

Chàng ta lại bật cười:

– Ta nói đất dữ hay lành đều do người mà ra. Kể cả khi có vong theo, cô có bao giờ nghĩ đó là hậu quả của việc sống ác hay chưa?

Ta đã suy nghĩ rất nhiều về lời của Ngạn Khanh. Đương nhiên, khi gặp Thái vào sáng hôm sau, ta đã không đả động gì với hắn. Thái mà biết ta còn qua lại với Ngạn Khanh chắc sẽ lại về mách với sư phụ mà xem. Ngày 10 tháng 8 năm 1897

– Đêm qua của chị thế nào?

Lúc hắn hỏi vậy, ta đoán ngay hắn cũng gặp ác mộng. Mà cơn mộng mị ấy, từng chi tiết đều giống trong trí nhớ của ta như đúc.

– Chúng ta phải rời khỏi đây. – Hắn nói khẽ.

Ta chau mày:

– Hạnh Trân còn chưa tìm thấy, chúng ta đi kiểu gì?

– Vấn đề ở đó đấy. – Hắn lấp lửng.

Ta chắc chắn hắn đã phát hiện ra điều gì. Nhưng ta thừa biết, nếu hắn muốn nói thì đã nói thẳng ra rồi, chứ không đợi ta phải dò hỏi. Thế nên ta chẳng tốn công sức với hắn làm gì.

Sáng đó, Thái ở lại, cùng với các thị vệ điều tra.