Dư Âm

Chương 3

Từng khung cảnh lập tức hiện lên trong đầu tôi, cuối cùng dừng lại ở năm tôi mười sáu tuổi.

Ở quán mì nọ, tôi gặp được một thiếu niên tuy ngoài mặt lạnh lùng nhưng bên trong ấm áp.

Đó chính là Lục Lương Đình.

Hôm đó tôi gọi điện cho mẹ: “Tuần này mẹ và bố có tới thăm con không?”

Thực ra điều tôi muốn hỏi hơn là: Bà nội có tới được không?

Đã hai tháng nay tôi chưa gặp bà, đương nhiên cũng chưa gặp bọn họ – người thân của tôi.

“Con đã lên cấp ba rồi mà vẫn không thể tự chăm sóc mình à? Mẹ đang bận, tuần sau rảnh sẽ tới thăm con.” Mẹ tôi một bên thờ ơ nghe điện thoại, một bên như đang thu dọn đồ đạc.

“Mẹ, hôm nay là…” sinh nhật con.

Tôi còn chưa nói xong, ở đầu kia đã truyền tới tiếng thúc giục của hai đứa em song sinh trai gái: “Mẹ, nhanh lên! Con muốn đi cắm trại ngay bây giờ…”

Tôi lập tức hiểu ra tuần này sẽ chẳng có ai tới đâu. Tất cả đều đi cắm trại, nào có rảnh lái xe bốn trăm ki-lô-met tới thăm tôi chứ.

Sau khi tắt máy, bụng tôi cứ lâm râm đau. Lại đến tháng rồi.

Tôi nhớ bà nội nói rằng ăn đồ nóng có thể giảm đau.

Trong phòng vắng vẻ quá, muốn gặp ai đó.

Tôi tùy ý mặc một cái quần đùi trắng ra ngoài.

Đang là đầu giờ chiều mùa hè, không phải giờ ăn cơm. Nếu muốn ăn nóng thì hình như hơi khó tìm, đặc biệt là ở khu chung cư cao cấp này.

Ma sai quỷ khiến, tôi đi đến một ngôi làng trong thành phố.

Ở góc phố, có một quán mì trứng Phúc Kiến đang mở cửa.

Rất nhỏ, rất cũ kỹ, nhưng vẫn khá sạch sẽ.

Một thiếu niên cao ráo mảnh khảnh đang ngồi đọc sách bên cái quạt cũ. Tư thế của cậu ấy như đang ngồi trong thư viện.

Tôi đến gần một chút, thấy cậu ấy đang xem nhạc phổ. Mới mẻ đó.

Cậu thiếu niên nhìn chằm chằm tôi vài giây với vẻ kinh ngạc, rồi nhanh chóng gập cuốn nhạc phổ lại và đứng lên.

Tôi trợn mắt nhìn cậu ấy: “Nhìn cái gì? Chưa thấy gái đẹp bao giờ à?”

“Muốn ăn gì?” Giọng nói của con trai ở kỳ vỡ giọng nghe hơi khàn.

“Mì trứng Phúc Kiến, nấu nóng một chút. Nhanh nhé!”

Cậu thiếu niên nhẹ giọng đáp rồi đi nấu mì, động tác cũng coi như nhanh nhẹn.

Không lâu sau, một bát mì nóng hổi đã đến.

Điều không hay lắm là trên mì có rắc hành và rau cần.

“Tôi không ăn hành.”

Cậu thiếu niên ngẩn người một lúc, rồi lấy đôi đũa sạch cẩn thận gắp hành ra.

“Tôi cũng không ăn rau cần.”

Đôi mắt đan phượng dài và hẹp của cậu ấy nhìn tôi. Cậu ấy lặng lẽ gắp cần tây ra như trước.

“Nước dùng có mùi của hành với cần tây.” Tôi tiếp tục nói.

Tôi thừa nhận là tôi cố ý đấy. Vừa bước vào quán, tôi đã nhận ra cậu ấy rồi.

Thứ sáu tuần trước, lúc tan học ở cổng trường, có cô nàng tóc ngắn giẫm bẩn đôi GUCCI màu trắng tôi mới mua.