Cưới Người Đã Có Vợ (Nụ)

Ngoại truyện 3

NGOẠI TRUYỆN 3

Từ cái ngày mợ ba Nụ được làm giáo viên, nhà bà Quế rộn ràng hẳn lên. Cả xóm người ta biểu nhà bà Quế thật có phước, ba cô con dâu vừa đẹp, vừa giỏi còn có hiếu cả tiếng ở làng.

Bà Quế nghe được thì vui lắm, nghĩ ngày xưa bà cũng từ thân phận ở đợ mà gặp được ông Hiệp rồi sinh cho ông ba thằng con giai. Đời bà cũng trải qua không biết bao nhiêu cơ cực cay đắng rồi mới có trái ngọt hôm nay.

Ba cô con dâu nhà bà ai bà cũng yêu cũng quý sất. Nhưng có lẽ người bà thương nhất vẫn là mợ cả Quỳnh. Mợ Quỳnh năm nay ngót bốn mươi rồi, mợ tên thật là Hà Như Quỳnh, con gái duy nhất của ông thương gia Hà Nhuận. Mẹ mợ làm trên xã, cái thời ấy phụ nữ có chức có quyền như bà quả thực rất hiếm. Thầy mợ thì khỏi nói, từ nghề buôn bán đi lên sau đó thành thương gia nổi tiếng cả vùng. Từ hồi tấm bé, mợ Quỳnh đã nổi tiếng thông minh xinh đẹp, ấy thế mà đùng cái vừa kịp lớn mợ lấy chồng. Mợ lấy chồng ở cái tuổi mười tám trăng tròn. Ngày mợ lấy chồng đám trai làng tiếc ngẩn ngơ, đám bạn học thì buồn rười rượi. Thầy mẹ mợ hỏi mợ chỉ đáp lại một câu:

– Đằng nào con cũng phải lấy chồng, lấy sớm hay muộn cũng là lấy. Mà giờ con lại chỉ yêu anh Quyền, không lấy anh ấy cả đời này con chẳng lấy ai đâu, với lại con cũng có chửa rồi.

Thầy mẹ mợ nghe xong, cũng chẳng còn cách nào khác đành tổ chức cho mợ cái đám cưới rình rang nhất làng. Thế nhưng cưới rồi ông bà mới biết bị mợ lừa, mợ chẳng có chửa gì sất, mợ chỉ giả vờ như vậy để được lấy cậu Quyền. Ông bà chẳng trách móc mợ, chỉ thở dài chỉ lo rằng tấm thân con gái như hạt mưa sa. Mười tám tuổi ở quê lấy chồng không phải là sớm, nhưng trong mắt thầy mẹ mợ, mợ vẫn là đứa con gái trẻ thơ non dại. Cũng không biết vì sao mợ đòi cưới cậu Quyền gấp như vậy, mãi đến sau này ông bà mới biết, hồi còn học trên Hà Nội, cậu Quyền cũng học trung cấp trên đó. Mấy lần cậu giúp mợ thoát khỏi chiêu trò độc ác của cô bạn học cùng lớp tên Hà. Thế rồi cậu tán mợ, tỉ tê với mợ thế nào mà mợ đòi lấy cậu cho bằng được.

Hồi còn trẻ, mợ suy nghĩ nông nổi lắm, thế nhưng mợ đâu biết rằng chuỗi ngày sau này của mợ lại đau khổ cơ cực như vậy.

Vừa lấy cậu được một tháng thì cậu vào Nam đi buôn gỗ, cậu đi đằng đẵng bốn năm mới về. Ngày cậu về, mợ khóc hết nước mắt, bốn năm nay mợ chẳng khác gì đá trông chồng. Bốn năm nay để bớt nỗi nhớ nhung mợ đã lên phố đi học cho vơi bớt nỗi nhớ nhung ấy, trong căn buồng lạnh lẽo cô đơn mợ chỉ biết làm bạn với những bức thư cậu gởi. Mẹ cậu thương mợ, cứ cuối tuần lại đánh xe lên Thủ đô đón mợ về nhà.

Thế rồi, năm cậu về, mợ đi dạy học. Dạy được mấy tháng thì mợ chửa. Thế nhưng chửa chẳng được bao lâu thì mợ bị tai nạn xe khiến đứa bé trong bụng cũng không kịp chào đời. Mợ lại khóc, mợ khóc như mưa. Trên đời này còn nỗi đau nào hơn nỗi đau mất con? Mợ khóc, cậu khóc, ông bà khóc, đến trời cũng tuôn mưa xối xả khóc thương cho mợ. Mợ xưa nay có làm gì thất đức? Mợ xưa nay hiền lành thương người, đám người ở nhà mợ chưa một lần mợ coi khinh, mợ còn dành dụm tiền cho anh Tý mang về lúc mẹ anh ốm, mợ còn chạy mấy cây số cõng mẹ chị Dần ra trạm xá lúc bà bị ngất ở bụi rơm. Đám trẻ làng nghèo, mợ ngày nào cũng mua đồ ăn mang ra phân phát, học sinh không có tiền mợ tự lấy tiền mình đóng học cho nó. Vậy mà cao xanh ơi nhìn xuống mà coi sao lại nỡ cướp mất đứa con của mợ.

Từ ngày tai nạn, mợ như kẻ mất hồn ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Người đời chẳng biết mợ xảy ra chuyện gì, chỉ biết bàn tán xôn xao rồi chê bai mợ là thứ đàn bà vô dụng chẳng biết giữ con. Mợ suốt ngày ngồi trong buồng lặng lẽ khóc, người ta đến thăm mợ không mở cửa. Bởi mợ thừa biết đám người kia thông cảm thì ít mà soi mói thì nhiều. Suốt gần hai năm mợ cứ sống như một hồn ma cho dù cậu Quyền ngày nào cũng bên cạnh, cũng an ủi yêu thương mợ. Cuối cùng, phải mất rất rất lâu sau kể từ ngày mợ bị tai nạn mợ mới có thể nghĩ thông được mọi chuyện.

Thế mà, một lần nữa ông trời lại trêu ngươi mợ. Sau vụ tai nạn ấy, hai vợ chồng mợ thả mà vẫn chẳng dính bầu lấy một lần. Lấy chồng mười năm mợ vẫn chưa sinh cho cậu một mụn con nào. Người ta bảo mợ cắt thuốc gì uống mợ đều nghe theo, thậm chí có lần mợ còn theo bà thím làm thầy lang ở làng bên leo lên dãy núi để hái lá về uống cuối cùng thế nào mà ngã gãy cả chân. Không biết mợ uống bao nhiêu thang thuốc Nam, thuốc Bắc, không biết mợ đi bao nhiêu chùa cầu con, không biết mợ ăn bao nhiêu thứ kinh khủng vào người chỉ với một niềm tin duy nhất “Rồi con sẽ về với mợ”.

Chỉ tiếc rằng cao xanh vẫn chẳng thấu, mợ đau khổ bất lực nhìn cậu. Mợ thấy bản thân mình vô dụng, kém cỏi. Mợ thương cậu, thương thầy mẹ chồng của mợ. Đêm nào nước mắt cũng chảy dọc hai bên thái dương rồi ướt đẫm cả gối của mợ.

Mỗi lần ra đường, nghe người ta bàn tán chỉ trỏ mợ chỉ biết cụp mắt bước đi. Lâu dần, mợ sinh ra khó tính, cáu kỉnh, từ một con người hiền lành tốt bụng mợ biến mình thành người đàn bà nhỏ nhen ích kỷ. Mợ cáu với đám gia đinh, mợ cáu với con ở đợ, mợ cáu với cả cậu, với cả thầy mẹ hai bên Đυ.ng một chút chuyện nhỏ mợ cũng sửng cồ lên, nhiều khi mợ biết mình sai nhưng mợ lại không kiểm soát được bản thân. Miệng đời càng ngày càng ác với mợ, chẳng những chỉ trỏ chê bai sau lưng giờ họ còn nói thẳng ngay trước mặt. Mấy bà hàng xóm lắm chuyện lâu lâu lại qua nói với mẹ chồng mợ:

– Ây giời, tôi nói cho bà Quế nghe. Cái thứ không đẻ được ấy thì chỉ có lý do ngày xưa nạo phá thai nhiều lần thôi. Chứ bà xem xem, người ta tai nạn, người ta sẩy thai sao sau vẫn có con bình thường. Bà xem mà tìm mối khác cho thằng Quyền đi chứ, nòi giống nhà mình đừng để tuyệt tử tuyệt tôn.

Mợ nghe xong ức nghẹn cổ họng, mợ nhịn! Thế nhưng càng nhịn người ta càng lấn tới, người ta đồn rằng con dâu cả nhà bà Quế trước nạo phá thai nhiều nên giờ không đẻ được. Mợ uất! Mợ cầm luôn chậu nước hất thẳng vào đám người nói năng bậy bạ. Hôm sau, ngay giữa chợ mợ nghe cả chợ người ta nói “con dâu nhà bà Quế đúng là thứ vô phúc vô phận, đã không đẻ được còn bố láo mất dạy”.

Mợ hận! Thế nhưng mợ cũng nhận ra rằng, bản thân mình chẳng đối phó được với miệng đời. Nỗi cay đắng tủi nhục của mợ ngày càng thêm nhiều. Trước kia mợ sống vui vẻ, hạnh phúc bao nhiêu giờ trái ngược lại bấy nhiêu. Mợ xanh xao như tàu lá, thế rồi cuối cùng chuyện gì đến cũng đến. Dưới sự chỉ đạo của ông nội cậu Quyền, thầy mẹ chồng mợ bàn với mợ rước thêm cho cậu vợ lẽ. Mợ đâu phải kẻ ngu xuẩn, thời đại này rồi, chỉ ở quê này mới dám lấy vợ lẽ. Mợ sống Thủ đô bao nhiêu năm, phong tục cổ hủ đối với mợ, mợ chỉ thấy khinh. Nhưng biết làm sao khi mợ không đẻ được, chồng mợ khát con, thầy mẹ mợ khát cháu. Mợ đau nhưng mợ phải chấp nhận.

Ngày cậu lấy lẽ, mợ ngồi trong buồng thẫn thờ nhìn ra bên ngoài. Cưới nhau mười năm, mợ dành trọn vẹn tuổi thanh xuân cho cậu. Nhưng suy cho cùng, cậu có thương mợ cỡ nào cậu cũng cần một đứa con. Lẽ của cậu đẹp lắm, trẻ trung, ngây thơ như hồi mợ lấy cậu. Thế nhưng càng nhìn mợ càng căm ghét. Mợ hành hạ cô ta, mợ đánh chửi xúc phạm mà mợ vẫn chẳng hả hê. Mãi đến sau này mợ mới nhận ra rằng, cô ta cũng chỉ là nạn nhân của miệng đời xã hội. Thầy mẹ chồng mợ không ác, cậu Quyền không ác, mợ càng không ác chỉ có miệng đời xã hội ác. Bao nhiêu năm nay mợ về làm dâu nhà cậu, mợ quán xuyến mọi việc trong nhà người đời không để ý. Bao nhiêu năm nay mợ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn người đời không quan tâm. Bao nhiêu năm nay thầy mẹ chồng ốm đau, các em chồng thiếu thốn cũng một tay mợ xoay sở người đời không biết. Họ vẫn chỉ biết nhìn vào khiếm khuyết của mợ mà mỉa mai, mà khinh rẻ.

Đến sau này sau bao lần hành hạ lẽ của chồng, cuối cùng lại chính cô ta cho mợ biết, ngoài miệng đời xã hội thì người ác hơn cả chính là người bên cạnh mợ. Khi ấy, mợ đâu biết kẻ hại mợ sẩy thai lần hai chính là con bé ở đợ vẫn luôn ngọt nhạt xu nịnh mợ, mợ cũng đâu biết chính nó là kẻ ngủ với chồng mợ hằng đêm, cũng là nó cho thuốc tránh thai khiến bao nhiêu năm nay mợ không thể đẻ được. Vậy mà mợ lại nỡ ra tay tàn nhẫn với cô ta.

Giờ mợ đã ba chín, bốn mươi tuổi, mợ đã có ba đứa con, hai trai một gái lận. Lâu lâu nghĩ lại, mợ cũng thấy mình dại khi xưa kia bản thân mình cứ để ý người ta nói gì. Nói thực, hồi đó mà không có mợ ba Nụ chắc giờ mợ cũng vẫn chưa thể sinh cho cậu đứa con nào mất. Thế mà đã bao lần mợ đánh Nụ thừa sống thiếu chết, mợ dại quá đi mà. Cũng may trời còn thương mợ, còn cho mợ được sửa sai. Giờ mợ với mợ ba thân nhau chẳng để đâu cho hết.

Bên ngoài trời nắng nhẹ hiu hiu, đến nay cũng hơi hai chục năm mợ lấy cậu. Sau bao nhiêu chuyện cuối cùng cậu cũng toàn tâm toàn ý với mợ. Kể ra ngày đó mợ mà nằng nặc đòi ly hôn cậu thì giờ mợ đâu có được ba cục vàng này cơ chứ? Mợ hiểu mà, đàn ông đôi khi bồng bột, nông nổi lắm. Có người phụ nữ sẽ chọn cách dứt khoát, còn mợ, mợ chọn cho cậu một cơ hội sửa sai. Mợ truyền thống nhưng không có nghĩa mợ chịu đựng nhịn nhục, sai một lần mợ tha thứ, nhưng sai hai ba lần mợ sẽ dứt khoát ra đi. Có lẽ chính vì thế mà cậu nể mợ lắm, đến bây giờ cậu lúc nào cũng cảm thấy hối hận ăn năn day dứt vì những chuyện gây ra với mợ.

Ừ, mợ cũng chẳng cần gì nhiều đâu, mợ chỉ cần gia đình yên ấm. Trời thương mợ mà, trời thấu được từng việc mợ làm nên giờ đây mợ mới có được trái ngọt như vậy.

Mấy hôm nữa mợ ba Nụ đi dạy, tự dưng mợ nghĩ đến quán chè “ NỤ HOA QUỲNH”, mợ chả muốn đóng cửa chút nào cả. Mợ phải xuống bàn với mợ ba, giờ phân chia sao cho hợp lý còn thuê thêm người trông quán chứ còn lâu mợ mới chịu đóng quán.

Trong radio khẽ cất lên bài thơ

“ Ở hiền thì lại gặp lành.

Những người nhân đức trời dành phúc cho…”

Mợ nghe xong, tự dưng cứ tủm tỉm cười mãi không thôi!

———