Chồng Ma Vợ Ma

Chương 1.

“Có từng nghe về ‘mệnh thiên sát cô tinh’ bao giờ chưa?”

Bà lão cất giọng trầm trầm hỏi, nguyên một lượt hơn chục đứa trẻ sợ run nhong nhóc, ôm nhau run lẩy bẩy.

“Chưa… chưa… chúng con chưa nghe…”

Tôi ngồi bên cạnh bà lão, thở dài, bà lại thế nữa, hơi tí là lại dọa trẻ con.

[…]

Tôi tên là Âm Dạ Nguyệt, mười chín tuổi. Bà lão tôi đang nhắc đến là Phong Bà Bà, người thân duy nhất trên đời của tôi.

Không phải bà ấy là bà nội hay bà ngoại ruột của tôi đâu. Tôi vốn là một đứa trẻ mồ côi, nghe Phong Bà Bà kể, tôi bị vứt bỏ từ khi mới sinh ra, là bà ấy nhặt tôi về nuôi. Phong Bà Bà là thầy pháp, mọi người thường tìm đến bà để trấn vong, xem quẻ, tính ngày. Nhưng có một điều kỳ lạ mà mọi người không hiểu, thậm chí tôi ngày ngày quanh quẩn cạnh bà cũng không hiểu, đó là khi xem quẻ cho mọi người, bà luôn ngồi cách họ một khoảng đủ xa, quay lưng về phía họ. Mọi thứ cần trao đổi đều sai tôi truyền đạt qua lại.

Nhà của bà trông như một cái miếu, nhìn từ ngoài vào có vẻ bí ẩn rờn rợn. Bà rất hay kể chuyện, nên ngày nào lũ trẻ trong thôn cũng xúm xít đến nhà chơi, hóng bà kể chuyện.

Rất nhiều lần tôi hỏi bà, có phải bà họ Phong không, sao không đặt họ của tôi là Phong cho giống bà, mà lại đặt cho tôi cái tên là Âm Dạ Nguyệt, nghe cứ rợn rợn làm sao ấy.

Những lúc như thế, Phong Bà Bà chỉ đáp lại tôi một câu gọn lỏn:

“Vì đó là số mệnh của ngươi.”

Số mệnh của tôi ư, tôi còn chẳng biết mình từ đâu chui ra kìa. Phong Bà Bà nói bà nhặt được tôi vào một đêm nguyệt thực, đúng vào ngày 15 tháng Bảy Âm lịch. Tôi nghe nói những người sinh vào ngày này thì khó nuôi, nhưng sống trong sự bảo bọc của Phong Bà Bà, tôi chẳng thấy mình có vấn đề gì cả.

Tên của tôi đã kỳ lạ rồi, tên của bà cũng chẳng bình thường hơn được bao nhiêu. Đã là thời đại nào rồi, mà bà luôn bắt tôi gọi mình là Phong Bà Bà, cứ như đang sống ở thời cổ đại vậy. Phong Bà Bà cũng chẳng bao giờ nói với tôi năm nay bà bao nhiêu tuổi, lần duy nhất tôi hỏi tuổi bà là mười lăm năm trước, đó là câu chuyện năm tôi lên bốn…

“Phong Bà Bà, năm nay bà bao nhiêu tuổi rồi?”

“Phong Bà Bà, năm nay trong thôn có mấy cụ già mừng thọ tám mươi lận, còn bà thì sao?”

Mái tóc Phong Bà Bà đã bạc trắng, những nếp nhăn trên mặt chi chít, nhưng cơ thể vẫn rất khỏe mạnh dẻo dai. Bà khẽ nhếch miệng một cái tỏ vẻ khinh thường, đáp lại tôi bằng mấy tiếng gọn lỏn:

“Tám trăm tuổi.”

Tôi suýt chút nữa sặc nước, nghĩ mình nghe nhầm “tám mươi tuổi” thành “tám trăm tuổi”, vội đấm bóp lưng nịnh nọt Phong Bà Bà:

“Vậy là năm nay bà cũng được mừng thọ tám mươi tuổi rồi…”

Phong Bà Bà tức giận đập bàn, đẩy tôi ra, ánh mắt sắc lạnh, gằn từng chữ lặp lại lần nữa:

“Tám trăm tuổi.”

Lúc đó tôi đã sợ quá khóc um lên:

“Tám trăm tuổi… tám trăm tuổi… bà là yêu quái sao…”

Phong Bà Bà có vẻ tức giận, không thèm dỗ tôi nín khóc, tống cổ tôi ra khỏi nhà, bỏ mặc tôi tự khóc tự nín. Tôi khóc đến nỗi tịt cả mũi lại, nước mắt nước mũi lem nhem đầy mặt. Nhà Phong Bà Bà ở chỗ hoang vắng nhất trong thôn, đằng sau nhà còn thấp thoáng thấy cả nghĩa địa. Tôi sợ lắm, khóc mãi đến khi mệt quá thì dựa người vào cửa thϊếp đi lúc nào không biết.

Trong lúc mơ màng ngủ, tôi nghe thấy một giọng nói bên tai mình:

“Tân nương của ta, đừng gọi Phong Bà Bà là yêu quái, bà ấy sẽ tức giận đó…”

Tôi nằm đó suốt một đêm liền, khi tỉnh dậy trời đã tờ mờ sáng. Phong Bà Bà vẫn không chịu mở cửa cho tôi vào nhà, tôi thất vọng cúi đầu, chợt nhận ra trên người mình có cái gì đó…

Tôi lúc đó ngây ngô chẳng biết gì, thấy món đồ đẹp nên đập cửa ầm ầm:

“Phong Bà Bà! Xem con có cái gì này! Con tặng nó cho bà, bà đừng đuổi con đi có được không?”

Đó là một cái mũ đội đầu và hỷ phục của tân nương ngày xưa, bộ hỷ phục tôi đương nhiên mặc không vừa, cái mũ cũng rộng, tôi đội lên đầu, thích thú lắc qua lắc lại. Phong Bà Bà mở cửa, trông thấy tôi với hai món đồ mới nhặt được, khuôn mặt khẽ giãn ra một chút. Bà cho tôi cái mũ đội chơi, còn bộ hỷ phục thì đem cất đi.

Sau lần ngủ ngoài cửa đó, tôi bị ám ảnh cho đến tận bây giờ, không dám hỏi tuổi Phong Bà Bà thêm một lần nào nữa…

Thỉnh thoảng bà lại gọi tôi là “tiểu tân nương”, tôi nghe có vẻ hay hay.

“Phong Bà Bà, tiểu tân nương có phải rất xinh đẹp không?”

“Có chứ.”

Tôi vui lắm, ngày nào cũng mang cái mũ đội đầu ra ngắm nghía, rồi đội thử. Cứ như vậy, cuối cùng nó cũng bị lũ trẻ trong thôn phát hiện.

Chúng đòi tôi cho mượn chơi, tôi nhất định không chịu. Trong lũ trẻ gái có một đứa rất ghét tôi, tên là Tiểu Dao, kém tôi một tuổi. Nó lên tiếng:

“Dạ Nguyệt, sao chị ki bo vậy chứ? Cho mượn một lúc thôi cũng không được à?”