Tây Sơn Hành Trình Vượt Thời Gian

Chương 21: Trần Thị Huệ Kết Giao Bùi Thị Xuân

Khi thấy chồng mình đang âm thầm chiêu mộ nghĩa sĩ, Huệ cũng muốn giúp chồng mình một tay. Huệ tiếp quản công việc làm ăn của gia đình, thu xếp ổn thỏa trong ngoài để cho chồng mình an tâm làm việc lớn. Nghe nói ở Xuân Hòa có nữ kiệt là Bùi Thị Xuân đang mở lớp dạy võ, đệ tử theo học có hơn 300 người, phần nhiều là các nữ đệ tử. Huệ thấy đây là người mình cần kết giao nên đã dắt theo em gái mình là Trần Thị Lan đến lớp võ của Bùi Thị Xuân.

Hôm ấy, Huệ cùng em gái mình đến bãi đất trống, nơi Xuân đang huấn luyện cho các đệ tử mình cưỡi ngựa bắn cung. Trên bãi đất trống độ chừng gần 1 dặm, có một toán nữ binh đang tập cưỡi ngựa bắn cung. Bia dựng cách xa ước chừng 30 thước, mỗi người đều cầm cung nhẹ, lưng đeo tên. Gần đó là một cái đài nhỏ cao độ 2 thước, có một nữ tử dáng người cao, gương mặt rất đẹp nhưng ánh mắt thì lại rất cương nghị đang giám sát chặt chẽ các nữ đồ đệ của mình.

Cuộc tập dợt đang sôi nổi thì bỗng nhiên một con ngựa dở chứng l*иg lên mang nữ kỵ sĩ chạy quanh võ trường. Dù tìm đủ mọi cách nhưng người cưỡi ngựa không thể nào kìm nổi con ngựa chứng. Con ngựa vừa chạy nhanh vừa đá chân sau, nhảy lên như muốn hất bay người cưỡi ra khỏi lưng mình, nữ kỵ sĩ cố gắng nắm chặt dây cương. Tình thế trở nên rất hung hiểm, nếu bị hất bay đi thì khả năng sẽ bị thương nặng.

Đột nhiên trong đám người đứng xem chạy vụt ra một bóng người áo trắng, thân pháp nhẹ nhàng như chim yến nhảy lên ngồi phía sau người kỵ mã, tay cướp lấy dây cương, chân kẹp chắc vào bụng ngựa. Ngựa bỗng chồm hai chân trước, đứng thẳng lưng hòng hất hai người xuống đất nhưng dây cương đã siết chặt hông ngựa như bị kiềm sắt khóa cứng. Cuối cùng, ngựa cuồng đành phải ngoan ngoãn đứng yên. Người áo trắng đó chính là Trần Thị Lan.

Khi con ngựa đã được khống chế, Lan tung người nhảy xuống đất. Mọi người vây xem cũng vỗ tay khen ngợi. Xuân bước tới hỏi:

- Cảm tạ muội tử đã ra tay tương trợ. Chẳng hay tôn tính của muội xưng hô thế nào

Lan đáp:

- Muội là Trần Thị Lan, nghe tin Bùi sư phụ là người giỏi võ, tính tình hào sảng, lại thu nhận nhiều đệ tử nên nay muội cùng tỷ tỷ đến đây.

Lúc này Huệ cũng từ đám đông bước ra chào Xuân.

Trần Thị Huệ nói:

- Ta là nhi tôn của võ sư Kim Hùng, trượng phu là Biện Nhạc (Nguyễn Nhạc có làm chức quan nhỏ đi thu thuế là Biện, nên còn gọi là Biện Nhạc). Hôm nay tới đây mong được kết giao cùng Bùi sư phụ.

Xuân nghe thấy đây là vợ của Nguyễn Nhạc thì cả kinh nói:

- Tỷ là phu nhân của Biện Nhạc ở Kiên Mỹ, muội cũng nghe qua đại danh của ngài ấy. Nay nếu như tỷ nguyện kết giao cùng muội thì quả thật đó là điều vinh hạnh. Muội cũng đang dự định sẽ đi một chuyến đến bái phỏng phu quân của tỷ.

Xuân mời Huệ và Lan đến căn nhà gỗ cách đó không xa. Vào nhà Xuân cho người pha trà và mang bánh ngọt lên mời hai tỷ muội Huệ.

Xuân nói:

- Vừa rồi nhìn qua thân pháp của Lan muội quả thật bất phàm, tài khinh công không thua kém gì ta.

Lan lên tiếng đáp lại:

- Võ công của muội là gia truyền, từ nhỏ đã được học võ, lại có khiếu về khinh công nên gia gia còn đặt tự hiệu cho muội là Ngọc Yến.

Lúc này Xuân báo với người làm gọi Bùi Thị Nhạn, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc đến.

Một lúc sau thì cả 3 người Nhạn, Dung, Cúc đến cúi đầu chào Xuân.

Xuân nói:

- Đây là 3 đệ tử mà ta tâm đắc nhất, cũng có thể nói là chân truyền, đang giúp ta huấn luyện các đồ đệ. Lan muội võ công không tệ, có muốn ở lại cùng chúng ta huấn luyện các nữ binh không.

Lan nhìn sang chị để hỏi ý, Huệ nhẹ gật đầu cho phép Lan ở lại.

Lan thấy vậy thì cả mừng nói:

- Muội đồng ý, đây cũng là điều muội mong mỏi.

Xuân nói:

- Muội đồng ý ở lại thì hãy cùng các chị em ra ngoài làm quen với nơi này.

Rồi Xuân quay sang nói với 3 đệ tử mình:

- Ba muội hãy dắt Lan đi làm quen với mọi người, sẵn tiện sắp xếp chỗ ở cho muội ấy.

Bốn nàng cùng nhau rời đi

Lúc này Huệ mới lên tiếng:

- Ta thấy Bùi sư phụ huấn luyện các đệ tử của mình như đang huấn luyện các binh sĩ, tuy ta là phận nữ nhi nhưng có thể nhìn ra được, muội không đơn thuần chỉ là dạy võ cho các đồ đệ mình.

Xuân đáp:

- Triều đình hủ bại, dân chúng lầm than vì sưu cao thuế nặng. Gian thần lộng quyền làm cho người người đều căm phẫn.

Huệ nói:

- Đã là như vậy, ta cũng không nói vòng vo. Muội cũng đã nghe việc trượng phu ta làm, còn có ý đến bái phỏng, nếu nay mai trượng phu ta dựng cờ Bùi sư phụ có nguyện ý tham gia.

Xuân đáp:

- Muội đang có ý đấy. Đợi khi ta sắp xếp mọi chuyện ổn thỏa sẽ đến bái phỏng phu quân của tỷ.

Sau đó cả hai tạm gác qua chính sự mà ngồi nói chuyện phím. Đến gần chiều thì Huệ cáo từ ra về.

(Bùi Thị Nhạn nhỏ tuổi hơn nhưng là cô ruột của Bùi Thị Xuân, Nhạn theo học võ của Bùi Thị Xuân là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư. Còn về Dung, Cúc thì đã từng muốn bái Trương công làm thầy, nhưng ông không nhận nữ đệ tử nên đã viết thư giới thiệu cho Bùi Thị Xuân thu nàng làm đệ tử)

Lan ở lại gia nhập đội ngũ huấn luyện các đồ đệ khác và được Bùi Thị Xuân chỉ dạy thêm võ học. Lan cùng với ba nàng Nhạn, Cúc, Dung tuổi gần bằng nhau nên rất nhanh các nàng trở nên thân thiết. Các nàng cùng với Bùi Thị Xuân kết bái làm tỷ muội, Xuân lớn tuổi hơn nên được tôn làm đại tỷ, cả 5 người xem nhau như ruột thịt.