Trần Quang Diệu vốn là người làng An Hải (Quảng Nam), do loạn lạc niên cha mẹ dắt 5 anh em Diệu vào làng Ân Tín, Hoài Ân (Bình Định) sinh sống. Trần Quang Diệu là anh cả trong gia đình nên sớm ý thức được sự vất vả của cha mẹ, Diệu từ nhỏ đã sớm học võ nên thân hình rất cường tráng.
Những ngày việc đồng án ít thì Diệu sẽ lên núi săn bắn, hôm nào được nhiều thì mang ra chợ bán. Các em trong nhà đều còn nhỏ tuổi nên việc săn bắn cũng chỉ có mình Diệu đi. Lúc này Quang Diệu chỉ mới 12 tuổi nhưng sức lực lớn vô cùng, có thể nhấc vật nặng cả trăm cân.
Sáng hôm ấy, Diệu thức dậy sớm, mang theo cơm nắm, cung tên, một cây giáo để lên núi Kim Sơn để đi săn. Đến trưa Diệu ngồi dưới gốc cây nghỉ ngơi, hôm nay thu hoạch không tệ, được 2 con thỏ, 1 con nhím, 2 con gà và một con heo rừng nhỏ, con heo rừng này dường như bị lạc, Diệu dự định sẽ mang về nuôi. Ăn cơm mang theo, nghỉ ngơi một lúc, Diệu lần đường trở ra để về, đi một lúc thì Diệu nhận ra mình đã đi sai hướng, đang chuẩn bị quay trở lại thì Diệu thấy một căn nhà nhỏ.
Phần vì tò mò nên Diệu tiến đến xem nơi này sao lại có người ở. Phía ngoài căn nhà sàn là hàng rào đề phòng thú dữ. Diệu đứng bên ngoài nhìn một lúc thì có một ông lão đi ra, ông ta nhìn thấy Diệu thì hỏi:
- Chàng trai trẻ đi săn à.
Diệu đáp:
- Vâng thưa lão bá. Vãn bối đi săn nhưng về nhầm đường, đi ngang đây thấy căn nhà của lão bá nên dừng lại xem.
Ông lão nói:
- Ta họ Phạm, cứ gọi ta là Phạm lão là được, tiểu tử nhà ngươi đi đường chắc cũng mệt, theo ta vào nhà dùng chút trà rồi hẵn đi.
Quang Diệu thấy vậy bèn đáp:
- Đa tạ Phạm lão.
Gian nhà ông lão rất đơn sơ được dựng bằng tre và lợp mái bằng cỏ, phía ngoài phòng khách có một cái giường làm bằng tre, 3 cái ghế được làm đơn giản nhưng đã quá cũ kỹ, dường như đã lâu chưa dùng tới. Sàn nhà thì dùng những loại cây rừng to hơn nắm tay để lót, ông lão chắc cũng là người khéo tay nên lót sàn kẽ hở rất nhỏ.
Phòng ngủ được ngăn cách bởi một tấm màn đã cũ kỹ. Ngoài sân có một cái ao nhỏ nuôi cá, cạnh ao thì trồng các loại rau tạp. Phạm lão đi đun ít nước sôi rồi pha một bình trà nhỏ. Rất nhanh trà đã được đưa lên, Phạm lão nói:
- Nói là trà nhưng thực ra chỉ là một số hoa cỏ ta phơi khô thôi. Ta sống ở đây chỉ một mình, vùng rừng núi heo hút này cũng ít người đi qua đây nên khách tới nhà ta rất ít.
Quang Diệu hỏi:
- Vậy người thân của Phạm lão đâu rồi. Sao người chỉ ở một mình nơi rừng thiêng nước độc này.
Phạm lão thoáng chút buồn rồi nói:
- Ngày trước ta sống cùng vợ và con trai ta, nhưng không chịu nổi cái lam sơn chướng khí của cái đất này nên lần lượt qua đời, bỏ lại ta một lão già sống trong cô độc.
Dừng lại một chút rồi ông nói tiếp:
- Tháng trước ta có nuôi một con heo rừng nhỏ bầu bạn, lúc ta không để ý nó chạy đi chơi bị thú rừng bắt mất. Ta thấy ngươi cũng bắt được một con, có muốn trao đổi với ta không, ta sẽ cho ngươi một mảnh da báo.
Quang Diệu đáp:
- Vãn bối cũng dự định mang về nuôi nhưng nếu Phạm lão thích thì ta tặng lại cho lão không cần phải trao đổi gì cả.
Phạm lão nói:
- Những lúc ngươi đi săn về, nếu có thời gian thì ghé qua nhà ta làm khách, ta ở một mình nên cũng buồn chán.
Nói chuyện một lúc thì Hoàng Diệu cáo từ để ra về. Tiễn chân chàng trai trẻ đi rồi, ông lão đứng trầm tư một lúc khẽ thở dài:
- Tên nhóc này có quý tướng nhưng về sau chết thảm, ta có nên truyền dạy lại cho nó một thân công phu này hay không. Vận hạn ta cũng sắp đến chắc cũng không còn sống được bao lâu, có lẽ nên truyền lại thôi.
Mấy hôm sau khi đi săn về Quang Diệu lại ghé ngang qua nhà Phạm lão. Lần này Quang Diệu có mang theo lá trà cùng với một bình rượu nhỏ.
Phạm lão nói:
- Ta thấy dáng vẻ đi đứng của ngươi hẳn là một người luyện võ. Phạm lão ta đây cũng có chút công phu, ngươi có muốn học.
Quang Diệu nói:
- Vãn bối rất yêu thích võ học, gia phụ từ bé có cho đi học võ ở làng nhưng vẫn còn kém cỏi, nếu Phạm lão có lòng truyền dạy, vãn bối xin được tận lực để học.
Nói rồi Quang Diệu quỳ xuống lạy Phạm lão:
- Đồ nhi Trần Quang Diệu, xin sư phụ nhận 3 lạy này của đồ nhi.
Lạy xong Quang Diệu cung kính dâng trà lên.
Phạm lão nhận lấy trà nhấp một ngụm rồi nói:
- Tốt ! Tốt lắm.
Quang Diệu nói:
- Hôm nay sẵn con có mang theo rượu cho sư phụ, thú săn có 2 con thỏ mập, để đồ nhi trổ tài nướng thịt cho sư phụ nhấm rượu.
Lão Phạm chưa kịp nói gì thì Quang Diệu đã chạy đi làm thịt 2 con thỏ.
Lão Phạm cũng phụ đồ đệ đốt lửa lấy than. Sau khi thịt thỏ chín thầy trò cùng nhau ngồi ăn, Quang Diệu muốn thử uống chút rượu nhưng vừa uống vào đã vội phun ra vì vị nó vừa nồng lại vừa đắng, không thể nào uống được. Lão Phạm thấy thế thì bật cười ha hả.
Lão nói:
- Đã lâu rồi ta chưa có ngày vui như hôm nay. Con học võ đã học qua những gì.
Quang Diệu đáp:
- Con cũng chỉ mới học có 1 bộ quyền pháp, thầy chỉ dạy nhưng không nói tên nên con cũng không biết là quyền pháp gì. Còn binh khí thì học đại đao pháp quyết, những đòn đơn giản như gạc, chém, bổ.
Lão Phạm gật gù nói:
- Uhm cũng xem như có biết sơ qua về võ học, ta thấy ngươi khí lực rất tốt, tuy chỉ học những môn võ bình thường nhưng nếu kết hợp với khí lực lớn thì khi ra đòn hiệu quả cũng không tệ. Binh khí ta có biết về đao, kiếm, kích, thương và cung. Nhưng tinh thông nhất vẫn là đao, con cũng đã có học về đao, âu cũng là cơ duyên. Vậy ta sẽ truyền dạy lại cho con một bộ đao pháp.
Dừng một chút lão nói tiếp:
- Con tuy là khí lực lớn nhưng so với người bình thường thì chỉ có hơn chút ít, người luyện võ không chỉ dựa vào sự khéo léo ảo diệu của chiêu thức mà nó còn dựa vào nội lực của bản thân. Nội lực ở đây là khí lực và sức bền. Có khí lực mà không có sức bền thì khi đối thủ tinh ranh biết tiêu hao sức lực đối phương thì con sẽ thảm bại.
Nay ta sẽ dạy con một bộ tâm pháp nội công, rồi ông chậm rãi đọc :
Khởi phát tâm lĩnh khí
Vận hành nghịch khí sinh tử kỳ
Vô sắc vô niệm được như ý
Tử sinh, sinh tử vô cực đạo
Càn vi thiên, khí dương thịnh
Tứ tượng bát quái sinh lưỡng nghi
Thái cực bộ vị giáng lai lâm
Bất đoạn tương liên bất khả xâm.
Rồi lão Phạm từ từ giảng giải:
- Khi con ngồi thiền để luyện khí thì cái trước tiên để nhập môn là phải cảm nhận được khí trong cơ thể. Dùng ý để vận khí, tức là khi cảm nhận được luồng khí ấm nóng trong cơ thể, dùng ý của mình để vận khí đưa đi đến các huyệt đạo trong cơ thể. Để bạo phát khí này thì phải vượt qua được giới hạn của bản thân, ví như lúc sinh tử, một người lúc bình thường chỉ có thể nhấc được vật vài chục cân, nhưng lúc sinh tử thì tiềm lực cơ thể bạo phát có thể nhấc vật nặng cả trăm cân.
Để đạt được trạng thái khí vận theo ý thì khi ngồi thiền con phải bỏ đi các tạp niệm, những thất tình lục dục của thế gian này, đưa mình vào trạng thái tĩnh tâm, thiền định. Khi ấy trí não con sẽ được khơi sáng, tiềm lực cơ thể có thể phát huy mạnh mẽ.
Khi đã cảm nhận được khí tạo ra một vòng tròn như thái cực, vận hành trong cơ thể, diệt rồi sinh, sinh rồi diệt, cùng cực của lực lượng này sẽ là khởi đầu của lực lượng khác. Càn vi thiên là quẻ trời trong bát quái, càn là trời nên cần khí dương thịnh. Tứ tượng gồm có lão dương, thiếu dương, lão âm, thiếu âm, vận dụng theo bát quái mà sinh ra lưỡng nghi. Lưỡng nghi là lằn ranh của ngày và đêm, dương và âm, thế nên khí âm dương phải điều hòa, tương hỗ lẫn nhau, nếu không làm được rất dễ lâm vào nhập ma.
Luân chuyển khí âm dương trôi chảy, khí xoay tròn tuần hoàn như thái cực thì mỗi sát na sẽ sinh ra nội công. Khi nội công tăng tiến thì thể lực, tinh thần sức bền cũng theo đó mà biến hóa.
Giảng giải xong lão Phạm nhìn Quang Diệu rồi hỏi:
- Con đã hiểu chưa
Quang Diệu đáp:
- Con chỉ hiểu có 4,5 phần
Lão Phạm nói:
- Như vậy đã là không tệ, giờ thì ta sẽ chỉ dạy con cách ngồi thiền tĩnh tâm và hít thở.
Phải qua 2 tuần thì Quang Diệu mới cảm nhận được luồng chân khí bắt đầu hình thành trong cơ thể. Để học đao pháp lão Phạm bắt Quang Diệu phải đi gánh nước từ khe suối về nhà đổ đầy 3 cái lu đất. Luyện như thế hơn 2 năm mới cho học đao pháp.
Trong quãng thời gian này, thỉnh thoảng thầy trò cùng nhau đi săn, lão Phạm tuy thân thể gầy khô, nhưng lại rất nhanh nhẹn, và kình lực thì vô cùng lớn. Có lần, một con báo nhảy vồ ra, ông ấy chỉ đánh một quyền vào đầu nó mà con báo hộc máu chết tươi ngay. Ở cùng lâu ngày nên ông rất quý mến Quang Diệu, coi Quang Diệu như con của mình. Đôi mắt u buồn ngày trước dần cũng trở nên tươi vui hơn.
Trước khi vào học đao pháp lão Phạm cho Quang Diệu luyện tập các tư thế rất cổ quái. Như phải gập người mông chạm đầu, chân trái co lên trụ chân phải nhưng phải nghiêng người sang trái hoặc nhảy về bên phải rồi giật lùi nhanh về sau, người ngã sang trái… Ban đầu Quang Diệu tập có chút khó khăn, nhưng dần cũng quen và thành thục.
Lúc này lão Phạm mới truyền dạy đao pháp cho đồ đệ, ông nói:
- Bộ đao pháp này có tên là : Bá dị đao quyết. Bộ đao quyết này chú trọng sự biến hóa muôn hình vạn trạng, không theo khuôn phép, ra chiêu bất ngờ không theo phương vị nên địch nhân rất khó lường, ví như tưởng ra đòn chém lên trên thì lại chém ra đằng sau, tưởng là bổ từ trên xuống thì lại thành ra quét bên hông. Đao quyết gồm 37 chiêu thức liền mạch, lấy cước pháp làm căn cơ, đó cũng là lý do ta cho con gánh nước lâu đến vậy, vừa rèn luyện thể lực vừa luyện cước pháp vững.
Ta sẽ truyền lại cho con thanh thần đao. Ta hy vọng con sẽ dùng nó để cứu lê dân, bá tánh trong thiên hạ chứ không phải mang nó đi làm điều ác để ô danh thần đao.
Nói rồi ông lấy ra một cái hộp gỗ dài. Bên trong là một thanh đại đao, vỏ ngoài có trạm khắc rất tỉ mỉ, dọc theo võ đao có ghi 3 chữ lớn : Huỳnh Long Đao. Khi đao rút ra khỏi vỏ thì cả gian nhà sáng bừng lên, toàn thân thanh đại đao phát ra một cổ hàn khí, lưỡi đao sắc bén vô cùng. Phạm lão bứt 1 sợi tóc thổi nhẹ qua thanh đao liền bị đứt ngọt.
Phạm lão nói:
- Thanh Huỳnh Long đao này đã theo ta mấy mươi năm, đến nay thì cần phải đổi chủ rồi. Thanh đao này chém sắt như chém bùn, chém đầu người không dính máu. Ngoài Huỳnh Long đao này ra thì còn có 2 thanh đao nữa, được xưng là tam đại thần đao.
Quang Diệu quỳ 1 chân xuống giơ 2 tay quá đầu nhận lấy thanh đao và dập đầu bái tạ sư phụ.
Khi bắt đầu học, Quang Diệu mới thấy được lợi ích từ những tư thế quái dị kia. Quả thực nếu không thuần thục những tư thế đó thì không thể nào học được bá dị đao quyết này.
Luyện tập hơn nửa năm, đao pháp của Quang Diệu ngày càng tinh thuần, nội công cũng tăng tiến vượt bật. Lúc này lão Phạm mới kêu Quang Diệu chém một cái cây rộng chừng 1 thước xem thành quả ra sao. Quang Diệu cầm đao, vận khí chém một nhát, cái cây bị chém đứt ngọt đổ ầm xuống. Quang Diệu nhìn mà cả kinh, không ngờ rằng kình lực của mình lại mạnh đến như vậy.
Lão Phạm nói:
- Võ học của ta coi như cũng đã truyền dạy xong cho con, con bây giờ cũng được xem là một cao thủ rồi. Võ học là để giúp yếu chống mạnh, hành hiệp trượng nghĩa chứ không phải lấy nó để hoành hành bá đạo. Ta mong con ghi nhớ lời giáo huấn này.
Quang Diệu đáp:
- Đệ tử kính cẩn ghi nhớ lời dạy của sư phụ.
Lão Phạm trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Ta thực ra không phải họ Phạm mà là họ Diệp, tên của ta là Diệp Đình Tòng, ngày ấy làng của ta rất ngheo khó, còn tên tri huyện thì tham ô đến cùng cực, người dân phải sống trong cảnh lầm than. Ta không chịu được cảnh ấy nữa nên đêm xuống ta lẻn vào phủ tên tri huyện đó ra tay gϊếŧ hắn trừ họa cho dân.
- Nhà ta còn có vợ và con trai nên ta phải dọn nhà đi đến vùng đất này, triều đình phát lệnh truy nã ráo riết buộc lòng ta phải dắt vợ con mình vào cái nơi thâm sơn cùng cốc này ẩn cư, cả vợ và con ta đều không chịu được lam sơn chướng khí của cái thâm sơn này nên lần lượt qua đời, mới đó mà đã mấy mươi năm trôi qua, bộ xương già này chắc cũng không còn trụ được bao lâu nữa. May mắn là cuối đời ta còn gặp được con để truyền lại một thân tuyệt kỹ, như vậy ta cũng đã mãn nguyện rồi.
Nhắc lại chuyện cũ, khóe mắt ông chảy xuống một giọt nước mắt, ông vội vàng lau đi.
Quang Diệu nghe chuyện của thầy mà bùi ngùi thương cảm. Không ngờ thầy phải trải qua những chuyện đau buồn như vậy.
Rồi ông đọc một bài thơ của nhà phật:
Có được chưa chắc là phúc
Mất đi chưa chắc là họa
Có duyên tránh không được
Vô duyên với không xong
Duyên khởi thì tụ
Duyên tận thì tan
Sống thuận theo tự nhiên
Phiền não tự tan biến
Ông nói:
- Ta với con vì duyên khởi mà tụ, mai nay dù có duyên tận mà tan thì con cũng đừng vậy mà quá đau buồn. Có hợp thì có tan, có sinh thì có tử, nay tâm nguyện ta đã thành cũng không còn gì để lưu luyến. Trong thời buổi loạn lạc này, nếu như có anh hùng nghĩa sĩ dám đứng lên tụ nghĩa chống lại triều đình hủ bại thì con nên góp sức mình để cứu dân ra khỏi cảnh lầm than này.
Quang Diệu đáp:
- Đệ tử xin nghe theo lời sư phụ
Qua năm sau, vào một ngày nọ khi Quang Diệu ghé nhà thầy thì thấy thầy vẫn nằm trên giường, linh tính mách bảo điều chẳng lành, Quang Diệu vội đến kiểm tra thì thầy đã ngừng thở, người đã lạnh. Thầy ra đi trong thanh thản, không bệnh tật, gương mặt an nhiên không còn vẻ khắc khổ của những ngày đầu mới gặp. Quang Diệu an táng cho thầy gần mộ phần của vợ và con thầy.
Lúc này Quang Diệu nghe nói ở Kiên Mỹ có Hồ Nhạc là người trượng nghĩa, đang chiêu mộ anh hùng hào kiệt để làm chuyện lớn. Nhớ lời thầy dặn, Quang Diệu khăn gói lên đường tìm gặp Hồ Nhạc.