Thập Niên 70: Thiên Kim Giả Làm Giàu

Chương 28

Cho tới khi con trai thứ hai Tô Vĩnh Thạch sinh cho ông ấy một đứa cháu trai, lúc này ông ấy mới lấy lại tự tin, cho nên ông ấy và bà cụ Tô mới thiên vị Tô Vĩnh Thạch.

Kết quả chưa được hai năm con trai thứ ba Tô Vĩnh Chấn đi ở rể, lại khiến ông ấy mất hết mặt mũi.

Khó khăn lắm hai vợ chồng Tô Vĩnh Thạch mới tới xưởng dệt làm công nhân tạm thời, để ông ấy nở mày nở mặt một phen, bây giờ lại sắp bởi vì chuyện trâu cày mà bị người trong thôn chỉ trích.

Bà cụ Tô lập tức giận Triệu Thúy Nga. Dù sao cũng là Triệu Thúy Nga tát Trương Liên Hương một cái mới dẫn ra những chuyện sau đó.

“Bình thường im ỉm, hôm nay lại bày đặt ra oai!”

Triệu Thúy Nga cúi đầu lau nước mắt, ấm ức nhưng lại không dám nói.

Tô Hòa phì cười: “Bà nội, bà còn nói mẹ con à, vừa nãy nếu không phải Trương Liên Hương chạy nhanh, cây củi đó của bà đã đánh gãy chân bà ta rồi!”

Bà cụ Tô nghẹn lời: “Tao chỉ là hù dọa nó một chút thôi, ai ngu ngốc vồ lên giống như mẹ mày.

Đúng rồi, mày không nói tao lại quên mất, cái con ôn dịch đó cũng không có nói chuyện gạo cứu tế gì, mày lôi chuyện đó ra làm gì?”

Tô Hòa thở dài: “Bà nội, nếu con không nói như vậy, những người hóng chuyện đó có thể nói đỡ cho chúng ta sao? Nếu không hù dọa bà ta một chút, bà ta thật sự dẫn người của thôn họ Trương tới báo thù chúng ta thì phải làm sao?”

Bà cụ Tô không còn gì để nói.

Ông cụ Tô đặt tẩu thuốc xuống: “Được rồi, ăn tiếp đi, nếu thực sự không được, tôi tìm người trung gian làm hòa, haiz…”

Bữa cơm này cũng trở nên mất vị, đoán chừng chỉ có một mình Tô Tiểu Mãn ăn no.

Về tới phòng phía tây, Triệu Thúy Nga lau nước mắt suốt.

Tô Vĩnh Quốc an ủi: “Chuyện này không trách bà, nếu nó không phải là đàn bà, tôi đã sớm đấm nó rồi, ăn nói láo nháo!

Chẳng phải cha nói rồi sao, ông ấy tìm người trung gian giảng hòa, tuy Trương Chiếm Phát uy vọng cao, nhưng thôn họ Trương còn có đội trưởng!

Cho dù thật sự không mượn được trâu cũng không có gì, chúng ta làm nhiều hơn một chút, người trong thôn thích nói gì thì nói, qua một thời gian sẽ không còn ai nhớ chuyện này nữa.”

Tuy ngoài miệng Tô Vĩnh Quốc nói như vậy nhưng trên mặt lại lộ rõ ủ dột.

Ngay cả Tô Tiểu Mãn trước giờ không tim không phổi thế mà cũng than ngắn thở dài theo.

Nguyên nhân rất đơn giản, cô bé sợ bạn bè bài xích mình.

Trẻ con trong thôn chính là như vậy, nếu người lớn bài xích ai, chúng sẽ bắt chước thậm chí là làm quá hơn.

Tô Hòa thuộc kiểu người bao che người nhà, tuy thời gian chung sống với người nhà họ Tô không dài, nhưng đã quy họ vào phạm trù người của mình.

Cô quyết tâm: “Mẹ, mẹ đừng lo, chẳng phải chỉ là vấn đề cày ruộng sao? Con nghĩ cách mượn một cái máy kéo, chuyện được giải quyết ngay.”

Triệu Thúy Nga ngẩn người: “Con nói trâu sắt?”

Người nông thôn bình thường đều gọi máy kéo là trâu sắt, cũng rất hình tượng.

Tô Hòa gật đầu: “Đúng, chính là trâu sắt.”

Không đợi Triệu Thúy Nga nói gì, Tô Tiểu Mãn liền bĩu môi nói: “Chị bớt chém gió đi! Trâu sắt là hàng hiếm, nghe nói công xã chúng ta cũng chả có!”

Triệu Thúy Nga và Tô Vĩnh Quốc cũng cảm thấy Tô Hòa nói lố, máy kéo là đồ hiếm cỡ nào, nghe nói lãnh đạo trong công xã xin cục nông cơ trên huyện mấy năm trời cũng chưa được.

Một cô gái như Tô Hòa có thể làm được?

Quả thực trong lòng Tô Hòa cũng không chắc, cô không định mua ở sở giao dịch.

Món đồ nhỏ thì thôi, thứ đồ lớn giống như máy kéo phải có nguồn gốc hợp lý, nếu không sẽ bị người khác chú ý.

Ở niên đại này, máy kéo do cục nông cơ thống nhất điều phối, lãnh đạo của công xã xin cũng không được, nếu cô đi theo con đường thông thường chắc chắn không được, phải nghĩ cách khác mới được.