Kiếm Lai

Chương 2: Mở cổng

Trời vừa tảng sáng, gà còn chưa gáy thì Trần Bình An đã rời giường. Chăn đệm mỏng manh thật sự không giữ được hơi ấm, hơn nữa lúc Trần Bình An làm học đồ nung gốm đã tập thành thói quen dậy sớm ngủ muộn.

Trần Bình An mở cửa nhà, đi vào khoảng sân nhỏ đất đai mềm xốp, hít thở sâu một hơi, sau đó vươn eo đi ra khỏi viện.

Lúc hắn quay đầu thì nhìn thấy một bóng dáng nhỏ bé và yếu ớt đang khom người, hai tay xách một thùng nước, dùng vai đẩy cửa viện của mình ra.

Đó là tỳ nữ của Tống Tập Tân, chắc hẳn nàng vừa múc nước từ giếng Thiết Tỏa bên ngõ Hạnh Hoa trở về.

Trần Bình An thu hồi ánh mắt, băng đường qua ngõ, chạy chầm chậm về phía đông trấn nhỏ.

Ngõ Nê Bình nằm ở phía tây trấn nhỏ, cổng thành lại nằm ở ngoài cùng phía đông, có người phụ trách trông coi thương khách ra vào trấn nhỏ và tuần tra ban đêm, bình thường cũng thu nhận và chuyển giao một số thư từ bên ngoài gởi về.

Chuyện kế tiếp mà Trần Bình An cần làm là đưa những lá thư kia cho dân chúng trấn nhỏ, thù lao là một phong thư một đồng tiền, đây là phương pháp kiếm tiền mà hắn vất vả lắm mới xin được.

Trần Bình An đã hẹn trước với bên kia, sau mồng hai tháng hai rồng ngẩng đầu thì sẽ bắt đầu tiếp nhận công việc này.

Theo như lời của Tống Tập Tân thì số mệnh trời sinh đã nghèo khổ, cho dù có phúc khí vào nhà thì Trần Bình An hắn cũng không giữ được.

Tống Tập Tân thường nói một số câu kỳ quặc, có lẽ là đọc được trong quyển sách nào đó, Trần Bình An luôn nghe không hiểu lắm.

Chẳng hạn hai ngày trước nhắc tới chuyện đầu xuân se lạnh thiếu niên chết cóng gì đó, Trần Bình An hoàn toàn không hiểu.

Còn như hàng năm chịu đựng qua mùa đông, sau khi vào xuân sẽ có một khoảng thời gian còn lạnh hơn, thiếu niên đã tự mình trải nghiệm.

Tống Tập Tân nói đó là rét mùa xuân, lợi hại giống như hồi mã thương trên sa trường vậy, cho nên rất nhiều người sẽ chết trước những cửa âm phủ này.

Trấn nhỏ cũng không có tường thành vây quanh, dù sao đừng nói là giặc cỏ cường đạo, ngay cả trộm cắp mọt nước cũng hiếm thấy.

Cho nên trên danh nghĩa là cổng thành, thực ra chỉ là một hàng rào cũ kỹ xiêu vẹo, tùy tiện chừa một khoảng trống cho người đi đường và xe cộ thông qua, xem như là thể diện của trấn nhỏ này rồi.

Lúc Trần Bình An chạy chầm chậm qua ngõ Hạnh Hoa, trông thấy không ít phụ nữ và trẻ con đang tụ tập bên giếng Thiết Tỏa, guồng quay của giếng nước vẫn kêu cót két.

Lại vòng qua một con đường, Trần Bình An nghe được cách đó không xa vang lên tiếng đọc sách quen thuộc. Nơi đó có một ngôi trường làng do vài gia đình giàu có trong trấn nhỏ góp tiền thành lập, thầy giáo dạy học là người xứ khác.

Lúc Trần Bình An còn nhỏ thường chạy đến nấp bên ngoài cửa sổ, len lén ngồi xuống vểnh tai nghe ngóng.

Vị thầy giáo kia mặc dù lúc dạy học cực kỳ nghiêm khắc, nhưng cũng không trách mắng ngăn cản những đứa trẻ “đọc lén học lỏm” như Trần Bình An.

Sau đó Trần Bình An đến một lò gốm bên ngoài trấn nhỏ làm học đồ, cũng không tới trường học nữa.

Lại đi về phía trước, Trần Bình An đi qua một ngôi miếu thờ bằng đá. Do miếu thờ được xây dựng trên mười hai cột đá nên người bản xứ thích gọi nó là miếu thờ Con Cua.

Về tên thật của miếu thờ này, ý kiến của Tống Tập Tân và Lưu Tiện Dương rất khác nhau.

Tống Tập Tân thề thốt rằng trong một quyển sách cũ tên là Địa Phương Huyện Chí, nơi này được gọi là miếu Đại Học Sĩ, là miếu thờ do hoàng đế lão gia ban tặng, nhằm để tưởng niệm một vị quan lớn trong lịch sử có đóng góp về cả chính trị lẫn quân sự.

Lưu Tiện Dương cũng quê mùa như Trần Bình An thì nói đây là miếu Con Cua, chúng ta đã gọi mấy trăm năm rồi, không có lý nào gọi nó là miếu Đại Học Sĩ vớ vẩn gì đó.

Lưu Tiện Dương còn hỏi Tống Tập Tân một vấn đề, “mũ quan của đại học sĩ rốt cuộc lớn đến đâu, có phải còn lớn hơn miệng giếng Thiết Tỏa hay không”, khiến cho Tống Tập Tân mặt đỏ bừng.

Lúc này Trần Bình An chạy một vòng quanh mười hai chân miếu thờ, mỗi mặt đều có bốn chữ to, kiểu chữ kỳ quái không hề giống nhau, phân biệt là “Đương Nhân Bất Nhượng”, “Hi Ngôn Tự Nhiên”, “Mạc Hướng Ngoại Cầu” và “Khí Trùng Đấu Ngưu”.(1)

Nghe Tống Tập Tân nói ngoại trừ bốn chữ nào đó được giữ nguyên, ba tấm biển khắc đá còn lại đều từng bị bôi xóa sửa đổi.

Trần Bình An mù mờ về những chuyện này, chưa từng suy nghĩ xa hơn.

Đương nhiên cho dù thiếu niên muốn truy xét ngọn nguồn cũng chỉ phí công, hắn còn không biết quyền Địa Phương Huyện Chí mà Tống Tập Tân thường nói rốt cuộc là sách gì.

Đi qua miếu thờ không xa rất nhanh nhìn thấy một cây cây hòe già cành lá tươi tốt, phía dưới có một khúc cây không biết do ai chuyển đến đây, sau khi đẽo gọt một chút thì lót hai phiến đá xanh bên dưới hai đầu, thế là khúc cây lớn này đã trở thành băng ghế dài đơn giản.

Hàng năm đến hè dân chúng trấn nhỏ đều thích tới đây hóng mát, trưởng bối của những gia đình giáu có còn vớt một giỏ trái cây ướp lạnh từ trong giếng nước ra, bọn trẻ ăn uống no say rồi lập nhóm chơi đùa dưới bóng cây.

Trần Bình An đã quen lên núi xuống nước, chạy đến gần cổng rào thì dừng lại trước cửa một căn nhà bằng đất vàng trơ trọi, tim không đập nhanh cũng không thở dốc.

Người bên ngoài lui tới trấn nhỏ không nhiều, theo lý hôm nay cây tiền lò gốm triều đình này đã ngã xuống thì càng sẽ không có những gương mặt mới.

Lúc Diêu lão đầu còn tại thế từng có lần uống say, nói với những đồ đệ như Trần Bình An và Lưu Tiện Dương, lò gốm của chúng ta là độc nhất trên đời, là nơi sản xuất đồ dùng cho hoàng đế bệ hạ và hoàng hậu nương nương, dân chúng khác cho dù có tiền, cho dù làm quan lớn đến đâu, nếu cả gan đυ.ng vào đều sẽ bị chém đầu.

Ngày đó tinh thần của Diêu lão đầu hoàn toàn khác biệt.

Hôm nay Trần Bình An nhìn ra ngoài hàng rào lại phát hiện có rất nhiều người đang chờ mở cổng thành, phải đến bảy tám người, nam nữ già trẻ đều có.

Hơn nữa bọn họ đều là người xa lạ.

Dân chúng bản địa ở trấn nhỏ ra ra vào vào, dù là đi nung gốm hay trồng trọt đều rất ít khi đi cửa đông. Lý do rất đơn giản, con đường từ cửa đông trấn nhỏ dẫn ra ngoài không có lò gốm và ruộng đồng nào.

Lúc này Trần Bình An và những người xứ khác kia cách nhau một hàng rào gỗ, hai bên nhìn nhau.

Tại giây phút đó, thiếu niên mang giày cỏ tự bện chỉ thấy hâm mộ áo quần dày cộm của những người kia, chắc hẳn là rất ấm áp, có thể chịu lạnh được.

Những người ngoài cổng kia rõ ràng chia làm mấy tốp, cũng không phải cùng một nhóm, nhưng đều nhìn về phía thiếu niên gầy gò trong cổng.

Phần lớn bọn họ sắc mặt hờ hững, ngẫu nhiên có một hai người ánh mắt đã sớm vượt qua bóng dáng của thiếu niên, nhìn về nơi xa hơn trong trấn nhỏ.

Trần Bình An cảm thấy kỳ quái, chẳng lẽ những người này còn không biết triều đình đã đóng cửa tất cả lò gốm? Hay chính vì bọn họ đã biết chân tướng, cho nên cảm thấy có cơ hội kiếm chác?

Có một người trẻ tuổi đầu đội mũ cao kỳ lạ, vóc dáng cao gầy, bên hông đeo một miếng ngọc bội xanh lá. Hắn dường như không kiên nhẫn chờ đợi được nữa, một mình đi ra khỏi đám người, muốn đẩy cửa lớn hàng rào vốn không có khóa.

Nhưng khi ngón tay sắp chạm đến cửa gỗ thì hắn đột nhiên dừng lại, chậm rãi thu tay, hai tay chắp ở sau người, cười híp mắt nhìn về phía thiếu niên giày cỏ trong cửa, chỉ cười chứ không nói gì.

Khóe mắt Trần Bình An vô tình phát giác những người đứng sau lưng người trẻ tuổi kia, dường như có người thất vọng, có người nghiền ngẫm, có người cau mày, có người chế giễu, tâm tình nhỏ bé của mỗi người đều không giống nhau.

Ngay lúc này một người đàn ông trung niên đầu tóc rối bời đột nhiên mở cửa, nói kháy với Trần Bình An: "Thằng ranh con này, có phải bị tiền làm mờ mắt rồi không? Sớm như vậy đã tới gọi hồn đòi mạng, ngươi vội đi đầu thai gặp cha mẹ đã chết của ngươi à?"

Trần Bình An trợn trắng mắt, cũng không để ý tới những lời lẽ chua ngoa này.

Thứ nhất là sống ở nơi nông thôn không có được mấy quyển sách này, nếu bị người khác mắng mấy câu đã nổi nóng, vậy nên dứt khoát tìm một cái giếng nhảy xuống cho đỡ rườm rà.

Thứ hai tên trung niên độc thân giữ cửa này vốn là đối tượng thường bị dân chúng trấn nhỏ giễu cợt trêu đùa, nhất là đám phụ nữ gan lớn chua ngoa kia, đừng nói mắng suông mà còn có không ít người ra tay đánh hắn.

Cộng thêm tên này rất thích khoác lác với đám trẻ còn mặc quần yếm, chẳn hạn như năm xưa ông đây chém gϊếŧ một trận ở cổng thành, đánh cho năm sáu gã đàn ông răng rơi đầy đất, máu chảy khắp nơi, cả con đường rộng hai trượng trước cổng thành đều lầy lội giống như trời mưa vậy!

Hắn bực bội nói với Trần Bình An: "Cái chuyện cỏn con của ngươi đợi lát nữa hãy nói."

Trong trấn nhỏ không ai quan tâm đến tên này.

Nhưng người xứ khác có thể vào trấn nhỏ hay không lại do người đàn ông này quyết định.

Hắn vừa đi về phía cổng hàng rào gỗ vừa đưa tay móc đũng quần.

Sau khi tên đàn ông quay lưng về phía Trần Bình An này mở cửa, thường thu của người khác một cái túi thêu nhỏ bỏ vào ống tay áo của mình, sau đó lần lượt cho qua.

Trần Bình An đã sớm nhường ra một con đường. Tám người đại khái chia làm năm tốp đi về hướng trấn nhỏ, ngoại trừ người trẻ tuổi đầu đội mũ cao, hông đeo ngọc bội xanh lá kia, còn có hai đứa trẻ bảy tám tuổi lần lượt đi qua.

Bé trai mặc một bộ áo choàng màu đỏ tươi tắn, bé gái thì da dẻ trắng nõn như đồ sứ thượng hạng vậy.

Bé trai thấp hơn Trần Bình An nửa cái đầu, lúc đứa bé đi sát qua người hắn còn há miệng, mặc dù không phát ra âm thanh nhưng có khẩu hình rõ ràng, chắc là đã nói hai chữ, vẻ mặt đầy kɧıêυ ҡɧí©ɧ.

Vị phu nhân trung niên dắt theo bé trai khẽ hắng giọng, lúc này đứa bé mới thu liễm một chút.

Bé gái đi phía sau vị phu nhân và bé trai, cô được một ông lão cường tráng đầu tóc bạc trắng dắt theo.

Cô bé quay đầu nói một tràng với Trần Bình An, không quên chỉ chỉ trỏ trỏ vào đứa bé trai cùng lứa đi phía trước.

Trần Bình An không hiểu cô bé đang nói gì, nhưng có thể đoán ra là cô đang tố cáo.

Ông lão cường tráng liếc nhìn thiếu niên giày cỏ một cái.

Chỉ là bị người khác cố tình hay vô ý nhìn một cái, Trần Bình An đơn thuần theo bản năng lui về sau một bước.

Giông như chuột nhìn thấy mèo.

Sau khi thấy cảnh này, cô bé vốn líu ríu như một con chim sẻ nhỏ cũng không có hứng thú châm dầu vào lửa nữa, quay đầu đi không nhìn Trần Bình An thêm cái nào, giống như nhìn thêm sẽ làm bẩn mắt của mình vậy.

Thiếu niên Trần Bình An quả thật chưa thấy việc đời, nhưng không có nghĩa là không biết nhìn sắc mặt.

Đợi đến khi đám người này đi xa, tên đàn ông giữ cửa cười hỏi: "Có muốn biết bọn họ nói gì không?"

Trần Bình An gật đầu đáp: "Muốn."

Trung niên độc thân kia vui vẻ, cười hì hì nói: "Khen ngươi vẻ ngoài đẹp trai, đều là lời khen cả."

Khóe miệng Trần Bình An giật giật, nghĩ thầm ông xem tôi là thằng ngốc à?

Người đàn ông kia nhìn thấu tâm tư của thiếu niên, càng cười vui vẻ hơn: "Nếu như ngươi không ngốc, ông đây có thể để ngươi đưa thư sao?"

Trần Bình An không dám phản bác, chỉ lo chọc giận tên này thì đồng tiền sắp đến tay lại bay đi mất.

Người đàn ông quay đầu sang nhìn về phía những người kia, đưa tay vuốt cằm râu ria xồm xoàm, thấp giọng tấm tắc nói: "Cặp chân của bà cô vừa rồi có thể kẹp chết người đấy."

Trần Bình An do dự một lúc, hiếu kỳ hỏi: "Vị phu nhân kia từng luyện võ sao?"

Người đàn ông ngạc nhiên, cúi đầu nhìn thiếu niên, nghiêm túc nói: "Thằng nhóc ngươi đúng là ngốc thật sự."

Thiếu niên không hiểu gì cả.

Hắn bảo Trần Bình An chờ, bước nhanh vào nhà, sau khi trở ra thì trong tay có thêm một xấp thư, không dày không mỏng khoảng chừng mười phong. Sau khi hắn đưa cho Trần Bình An thì hỏi: "Kẻ ngốc có phúc ngốc, người tốt có báo tốt. Ngươi có tin không?"

Một tay Trần Bình An cầm thư, bàn tay còn lại mở ra, chớp chớp mắt: "Đã thỏa thuận trước là một phong thư một đồng tiền."

Người đàn ông kia thẹn quá hóa giận, cầm năm đồng tiền đã chuẩn bị trước đập mạnh vào lòng bàn tay thiếu niên, sau đó vung tay lên khí thế hào hùng nói: "Còn lại năm đồng cho thiếu đi!"

...

Chú thích:

(1) Đương nhân bất nhượng: việc nhân đức không nhường người khác.

Hi ngôn tự nhiên: đạo chân chính luôn vận hành tự nhiên chứ không cần nhiều lời, khuyên giới cầm quyền nên ít ra sắc lệnh cưỡng chế quấy nhiễu dân.

Mạc hướng ngoại cầu: không nên cầu đạo bên ngoài, khuyên mọi người phán đoán đúng sai nên dựa vào lương tri chứ không phải sự vật bên ngoài.

Khí trùng đấu ngưu: khí thế ngút trời.