Ngày nghỉ hôm đó, Từ Triết Phàm đã từ chối lời đề nghị đi làm thêm chung của Lưu Quyền. Sáng hôm sau anh dậy thật sớm, sau khi ăn xong thì đội cái nón rơm của mẹ hay đội lúc đi làm lên, trong nhà không còn ai bởi vì Lưu Tú và Từ Truyền đều ra ruộng làm cả rồi.
Anh đổ hết mấy thứ ở trong giỏ ra góc tường và bỏ cái cân vào trong rồi đeo lên lưng rồi sau đó lấy chìa khóa ra khóa cửa lại rồi đi bộ ra chợ.
Chợ cách thôn rất xa, phải đi bộ khoảng hai dặm(1) mới tới được, Từ Triết Phàm nhớ hồi chưa sống lại đã từng đi cùng mẹ tới chợ, đó là một khu chợ rất lớn và náo nhiệt, cái gì cũng được bán ở đó hết, phải bỏ ra cả buổi trời mới có thể đi hết khu chợ này.
(1)Dặm: là đơn vị đo chiều dài được dùng thời xưa, ở Trung Quốc, một dặm bằng 500 mét.
Từ Triết Phàm đi rất sớm nên khi tới chợ vẫn chưa có nhiều người dựng sạp, Từ Triết Phàm biết rất rõ mấy chỗ bán tốt đều đã bị mấy người thường hay bán ở đó chiếm rồi, nếu anh giành mấy chỗ đó thì chắc chắn sẽ bị họ đuổi đi cho nên anh đi tìm một góc khuất rồi sau đó bỏ cái giỏ xuống đất, ngó trái ngó phải coi có ai để ý tới mình không rồi mới lấy mấy trái táo trong không gian ra bỏ vô giỏ, mấy trái táo mọng nước nằm trong giỏ tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt.
Từ Triết Phàm lấy cái ghế đẩu anh đem ở nhà theo ra và ngồi lên, bây giờ vẫn chưa có nhiều người nên anh không cần lo cái gì hết, cúi đầu xuống lấy cuốn sách toán lớp chín của cấp hai trong túi ra rồi ngồi kế bên giỏ trái cây lật vài trang, ngoài cuốn sách này ra thì trong túi vẫn còn mười xu tiền lẻ anh đổi được ở căn tin.
Mấy trái táo ở trong giỏ tỏa ra hương thơm ngào ngạt làm chú bán rau ở bên cạnh nhìn chảy cả nước miếng, không thể nhịn được nữa phải hỏi: “Này cậu bé, người lớn nhà cháu đâu cả rồi? Sao họ không có ở đây vậy?”
Nghe thấy có người đang nói chuyện với mình, Từ Triết Phàm bỏ cuốn sách xuống nói: “Cha cháu bận nên không có tới.”
Chú ấy ngạc nhiên hỏi lại: “Cha không tới được có nghĩa là cháu sẽ là người bán mấy trái táo này hả?”
Từ Triết Phàm trả lời: “Ừm! Cháu sẽ bán.”
Chú ấy hỏi: “Cái cân này xài sao cháu có biết chưa? Có biết tính tiền không đấy?”
Từ Triết Phàm chớp mắt nói: “Cha cháu đã dạy cách xài cái cân này rồi, còn nữa, năm sau là cháu lên cấp hai rồi chú à.” Có nghĩa là ba cái thứ như tính tiền này đối với anh cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thôi.
Chú ấy lấy cái ghế đẩu ra sau đó xoay qua chỗ của Từ Triết Phàm rồi ngồi xuống nói: “Chú không ngờ à nha, cháu mới có bây lớn thôi vậy mà năm sao đã lên cấp hai rồi sao?”
“Cháu học sớm hơn mấy bạn khác.” Từ Triết Phàm quay đầu đi chỗ khác tiếp tục đọc sách và không nói gì nữa.
Hiện tại người bán hàng đã bày sạp khắp chợ. Ai cũng đang gánh hàng và tìm chỗ để dựng sạp, chú bán rau ở bên cạnh đã tới đây từ rất sớm nên mấy loại rau cải đã bày ra hết rồi. Thấy Từ Triết Phàm còn nhỏ mà đã rất tháo vác nên ông cố tình ngồi dịch lại gần Từ Triết Phàm, nghển cổ nhìn vào trong giỏ hỏi: “Này cậu bé, táo của cháu nhìn cũng được đó chứ, nguyên cái giỏ này chắc cũng phải hơn ba mươi cân(2) đúng chứ? Cháu cõng tất cả tới đây hả?”
(2)Cân: đơn vị đo khối lượng thời xưa, 1 cân bằng 1/2 kg.
Từ Triết Phàm nhún vai một cái, không nói đúng cũng chẳng nói sai.
Chú ấy cầm một trái táo lên, cân thử trong tay rồi ngạc nhiên nói: “Ồ trái táo này mọng nước thật, một trái nặng cũng tầm một cân ấy chứ.”
Từ Triết Phàm gật đầu thuận miệng nói: “Ừm, ăn ngọt lắm đó, chú ăn thử một trái đi.”
Chú ấy vội vàng cười nói: “Ấy ấy, chuyện này không phải hơi xấu hổ sao?” Nhưng tay vẫn cầm chặt quả táo không buông, Từ Triết Phàm nhìn thấy vậy liền nói: “Chú, chú cứ ăn đi không sao đâu, một lát nữa nếu cháu có đi vệ sinh hay gì đó thì chú trông sạp hộ cháu là được.”
Chú ấy nghe vậy thì bật cười, im lặng một chút rồi hỏi: “Vậy thì chú không khách sáo nữa đâu nhé, trái táo này bảo quản rất tốt, mùa này mà vẫn có thể nhìn thấy mấy loại trái mọng nước như thế này nói thiệt là chú cũng thèm lắm rồi.” Nói xong chùi trái táo lên vạt áo vài cái rồi đưa lên miệng cắn một miếng.
Vừa giòn lại vừa ngọt, ngon tới bất ngờ. Mặt mày ông ấy hớn ha hớn hở, vừa ăn vừa hỏi: “Này cậu bé, cháu bán một cân táo bao nhiêu tiền?”
Từ Triết Phàm không biết mấy vụ bán buôn như thế này giá cả ra làm sao hết dù gì thì vào mùa này có rất ít táo mà mấy trái táo trong không gian đều có vẻ ngoài rất đẹp lại còn có vị cũng rất ngon, trong hàng trăm quả mới có được một trái như vậy, người ta thường nói cái nào càng hiếm thì càng đắt, giá chắc chắn phải đắt hơn so với mùa thu. Hôm qua anh có hỏi Từ Truyền rồi, Từ Truyền nói rằng mấy trái táo được hái vào mùa thu, những trái ngon có thể bán tới năm hào(3) một cân.
(3)Hào: là đơn vị tiền tệ, 1 tệ = 10 hào = 100 xu.
Lúc Từ Triết Phàm nghe đến cụm ‘năm hào’ thì có cảm giác muốn hộc máu, hồi trước khi anh sống lại thì dù sao cũng có thể bán được cái giá năm tệ một cân rồi, năm hào... thật sự quá rẻ. Nhưng vào cái thời này thì mọi người không một ai muốn bỏ ra tận năm tệ chỉ để mua táo ăn, do đó anh không thể nào biết được nếu anh tăng từ năm hào lên bao nhiêu thì người dân có thể bỏ tiền ra mua táo nữa. Anh chỉ có thể quay qua hỏi chú bán rau.
Ăn đồ của người khác rồi thì lời nói cũng sẽ ngon ngọt hơn, chú bán rau cũng có kinh nghiệm bán buôn lâu năm nên lập tức nói cho Từ Triết Phàm một vài cách: “Cậu bé, táo của cháu đem tới đây vừa to lại vừa ngon, người khác thì bán năm hào nhưng cháu phải bán một tệ mới được nha.”
Từ Triết Phàm nghĩ nghĩ một chút rồi gật đầu cười nói: “Được ạ, cháu sẽ bán một tệ một cân, cháu cảm ơn chú nhiều.”
Chú bán rau cạp trái táo còn mỗi cái cùi, xoa bụng nói: “Không có gì.” Sau đó lại luyến tiếc nói: “Táo của cháu ngon thật ấy.”
Một lúc sau các sạp trong chợ đều đã có người bày hàng, càng lúc càng nhiều người, vì đang được nghỉ hè nên có rất nhiều học sinh tiểu học tới chợ chơi nên dẫn tới việc mấy món ăn vặt đều bán rất chạy.