Ngàn Năm Luân Hồi

Chương 1

(Truyện chỉ dành cho những ai kiên nhẫn)

Ngọc Hoàng đại đế là đấng tối cao ở cõi Trời, đứng đầu các vị thần tứ phương. Người ở nhân giới không chịu yên ổn sống qua ngày, hệt như sợ các chư thần chư thiên sống quá buồn chán, thế nên không có ngày nào Ngọc Hoàng không mở họp.

Thật ra thì Ngọc Hoàng cũng có những nỗi khổ riêng, chuyện nhân gian lo không hết, chuyện trên cõi Trời cũng là người phải đứng ra giải quyết. Chợp mắt một tí là phải ngóc đầu dậy, bởi cứ hễ một chốc lại nghe dân gọi.

Thất tình cũng kêu “trời ơi”, mất tiền cũng than “trời ơi”, uống rượu sảng khoái quá cũng vỗ đùi kêu “trời ơi”. Chưa hết, có kẻ còn nửa đêm không chịu ngủ với vợ, than rằng: “Ôi trời ơi, ông trời đừng bắt con làm kiếp chồng mụ ấy nữa, một ngày năm lần thì có gì mà tốt? Thiên hạ toàn là bịp bợm, ông cứ thử xuống đây làm chồng mụ này xem!”

Ngọc Hoàng: “...”

Cũng phải có phúc đức lớn cỡ nào mới có thể yên vị ngồi ở vị trí này đây.

Mở triều họp cũng phần lớn là nghe các chư thần bẩm báo về tình hình ở nhân giới. Mỗi người cai trị một phương. Thủy thần có chức trách về nguồn nước, sông suối biển cả, vị này tốt nhất không nên chọc giận. Nhân giới cũng phải kiêng dè, hễ mà làm trò thất đức quá nhiều, thể nào cũng bị cho xuống làm bạn với cá.

Lôi thần phụ trách tạo sấm tạo chớp, kiêm cả phạt người, kẻ nào phỉ báng thánh thần, tội nghiệt quá lớn sẽ được vị lôi thần này quan tâm chăm sóc đặc biệt. Phong thần tạo gió, buồn buồn thấy vùng nào cây cối gần bị chặt hết là tạo vài cơn bão chơi. Ngoài ra cũng còn những vị thần có tên khác nhau, nhiều không kể xiết.

Trong những cuộc họp như vậy, ngoài chuyện về dân chúng cũng có những vị thần đạo hạnh không cao lắm, thường ngày hay quan tâm những chuyện vặt vãnh, cũng vì vậy nên càng làm Ngọc Hoàng đau đầu.

Cứ cách một hôm là lại có chuyện.

“Bẩm Ngọc Hoàng, Vũ Nương hôm nay lại đi hái trộm táo tiên của Phong Thần, bị bắt gặp, đã cảnh cáo nhưng cô ta không chịu yên phận, buổi chiều lại đi hái trộm tiếp.”

Ngọc Hoàng thấy không phải chuyện lớn, táo tiên thì cũng chỉ là thực vật, tuy rằng cũng quý, nhưng làm sao cấm không cho người khác ăn được. Bèn phất tay nói: “Phong Thần bị trộm táo cũng là do hắn không chịu đóng cửa nẻo cho tốt, lần sau chia cho Vũ Nương một ít là được, để khỏi phải bị trộm.”

Hôm sau lại có một vị thần nhỏ tuổi hớt hải chạy đến, Ngọc Hoàng nhớ hắn là Văn Lâm, tướng tá đẹp đẽ tuấn tú, ấy mà hôm nay có vẻ thích phong cách khác lạ, để tóc bị trụi một nửa: “Bẩm Ngọc Hoàng, hôm nay ở lớp học vẽ pháp trận, Vũ Nương bị gọi lên thị phạm, nào ngờ cô ta cố tình phun lửa, làm cháy tóc của thần. Ngọc Hoàng, lâu nay Vũ Nương không biết kiềm chế công lực, rõ ràng là không thể làm Long Thần được. Xin Ngọc Hoàng minh xét.”

Có kẻ cũng phụ họa theo: “Ngọc Hoàng, Vũ Nương là hắc long, rõ ràng không phải là Long Thần thuần túy, Long Thần có ánh sáng vàng chói, cô ta lại có màu đen, đây... đây là trái ngược lại giòng tộc. Cô ta làm cháy... làm Văn Lâm tổn thương mà không hề ăn năn hối lỗi, tính tình chắc chắn rất bạo ngược.”

Ngọc Hoàng khuyên bảo: “Vũ Nương còn trẻ tuổi, lại là một nữ nhi, công lực chưa biết kiềm chế, âu cũng là một khuyết điểm, thế nhưng lâu ngày học hỏi, chắc chắn Vũ Nương sẽ thành tài. Còn Văn Lâm, ngươi... ừm, ngươi đừng để một nửa tóc nữa, ta thấy ngươi không để tóc cũng rất hợp.”

Một thời gian sau lại có người bẩm báo, cũng chính là về Vũ Nương này, chẳng biết có phải đám thần quan nhỏ tuổi ấy sợ Ngọc Hoàng quá rảnh rỗi hay không, không tìm ra lí do thích hợp hơn, giống như là bịa đại vậy: “Bẩm Ngọc Hoàng, Vũ Nương là người cuối cùng ra khỏi lớp nhưng không đóng cửa.”

Ngọc Hoàng thở dài nhìn lên cao, dân chúng gặp bế tắc đều gọi ngài, ngài bế tắc biết gọi ai đây. Cuối cùng, ngài cho gọi Vũ Nương đến, người này rất ít khi có mặt tại các lần Ngọc Hoàng mở triều.

Vũ Nương là một cô gái có gương mặt lạnh lùng, hơi đơ, có cảm giác như miệng nàng cũng ít khi động đậy, Ngọc Hoàng còn nghĩ thầm không biết đứa trẻ ấy sau này có bị liệt mặt hay không. Nàng là con gái của hai người đứng đầu Long Thần, một trăm năm trước, khi nàng còn ở trong bụng mẹ đã bị một đại ma đầu xông lên cõi Trời làm loạn, hạ cấm chú lên bào thai. Thành ra mẹ nàng thì bình an vô sự, còn nàng thì từ rồng vàng thành rồng đen, chẳng biết phúc hay họa. Cũng vì sự khác biệt này mà dễ bị chú ý.

“Ngọc Hoàng cho gọi thần là có chuyện gì vậy ạ?” Vũ Nương chắp tay, kính cẩn cúi người nói.

Ngài ngắm nhìn Vũ Nương, buông tiếng thở dài: “Dạo này ngươi học hành thế nào?”

Vũ Nương nghiêm trang đáp: “Thần vẫn duy trì việc học bình thường như lời Ngọc Hoàng dặn dò, không hề trễ nãi. Chỉ là tư chất kém cỏi, học mãi không vào, khiến Ngọc Hoàng thất vọng.”

“Không sao.” Ngọc Hoàng vội phất tay, từ ái đáp, “Cứ từ từ học, ngươi đừng lo nghĩ nhiều, ta không ép ngươi.”

“Cảm tạ Ngọc Hoàng.” Lưng Vũ Nương thẳng tắp, nàng mặc y phục màu đen, tóc cột qua loa, không vấn lên như nữ nhi bình thường, nếu không phải vì thân hình nàng mảnh mai, đi ngang qua có thể bị nhầm thành nam tử.

Gương mặt nàng không hề góc cạnh, tuy nhiên ánh mắt lại sắc bén, môi mím thành đường thẳng, không hề có một chút sóng tình của nữ nhi. Ngọc Hoàng thầm nghĩ: “Đứa trẻ này cũng thật là tội nghiệp.”

Ngài không nhắc nhở gì nhiều, mắt nhắm mắt mở cho qua mấy lần nàng bị tố tội, bởi vậy nên càng có nhiều người không hài lòng. Ngọc Hoàng không nỡ trách phạt, mấy chuyện vặt vãnh ở cõi Trời không ít, nhưng cứ hễ có Vũ Nương là trở thành cơn sóng dị nghị. Phụ mẫu của nàng cũng do bị ám ảnh bởi cấm chú năm xưa, ngày sinh ra nàng, mẹ nàng đã mất gần nửa cái mạng, thế nên quan hệ của nàng với giòng tộc không được tốt cho lắm.

Ngọc Hoàng như nhớ ra chuyện gì đó, bèn sai người hái táo tiên đưa cho nàng, Vũ Nương cũng hiểu ra, bèn giải thích: “Bẩm Ngọc Hoàng, Phong Thần có cây táo mà không ăn, ta thấy phí, bèn đem hái cho mấy đứa trẻ, chúng rất thích ăn, thế nên...”

“À, không sao, ta hiểu, ngươi cứ mang về đi. Ừm... lần sau muốn thêm cứ đến chỗ ta mà lấy.” Ngọc Hoàng nói.

“Vâng, Vũ Nương biết rồi ạ.”

“Ngươi lui đi.” Ngọc Hoàng phất tay.

Vũ Nương ra về, trên tay cầm một túi táo. Nàng không có bằng hữu, thỉnh thoảng đi đây đi đó, gặp được mấy đứa trẻ nghèo khổ ở nhân gian, lâu lâu sẽ mang đến chút quà cho chúng. Vũ Nương cũng không thể thường xuyên đến được, nàng cho rằng nếu cho quá nhiều, cho dù là trẻ con cũng sẽ dễ bị ỷ lại, tính tình sẽ hư hỏng.

Chuyện Phong Thần bị trộm táo cũng không phải là chính Phong Thần bẩm báo, mà là do các chúng tiên khác rảnh rỗi thích đi theo Vũ Nương, lén lén tìm ra sơ hở, chọc nàng chơi. Thế nhưng Vũ Nương không hề có phản ứng, hệt như đã quen vậy, ngày còn bé thì giãy đành đạch đi mách người lớn, nhưng chẳng biết lí do gì mà sau này nàng cũng bỏ dần thói quen phản kháng, tốt nhất là nhắm mắt làm ngơ.

Hơn khoảng mấy chục năm sau, Vũ Nương gây ra đại họa, đánh nhau với con trai Thủy Thần là Nguyên Hòa, chẳng biết có phải Vũ Nương tức nước vỡ hay không. Các quan thần thì thầm to nhỏ rất nhiều nguyên nhân:

“Hôm trước ta thấy Vũ Nương cãi nhau với phụ mẫu nàng ta, một kẻ không biết hiếu kính như vậy không xứng làm Long Thần. Ngọc Hoàng mà còn nhân nhượng, chúng ta đành phải hợp lực dâng sớ mới được.”

“Còn có chuyện như vậy sao? Phụ mẫu nàng ta quanh năm không đến thăm Vũ Nương, tự nhiên lại xảy ra xung đột?”

“Ta thấy chắc chắn là vì nàng ta không biết hiếu kính, tính cách âm trầm, đến phụ mẫu cũng phải sợ, thế nên mới không thường xuyên qua lại đấy. Nếu không phải vậy thì vì sao cả tộc Long Thần đều ở điện phía Nam, mỗi Vũ Nương may mắn được Ngọc Hoàng ưu ái để cô ta một mình ở điện phía Bắc. Chắc chắn là do cô ta không nên thân.”

“Lần này khiến con trai Thủy Thần bị cụt đuôi, phải minh xử thật kỹ càng. Ta cũng không thể trơ mắt làm ngơ được. Cô ta không có tư cách làm người cõi Trời.”

Ngọc Hoàng sứt đầu mẻ trán cũng vì chuyện này, các thần quan liên tục dị nghị ngày đêm, Ngọc Hoàng gọi Vũ Nương đến tra xét tình hình, nhưng phát hiện ra nàng bị giam lỏng tại điện của Thủy Thần. Ngài tức giận cho gọi cả Thủy Thần mang Vũ Nương tới, tra hỏi rõ ràng.

Vũ Nương nói: “Thần không có gì để nói, thấy Nguyên Hòa không hợp phép tắc, thần không thể nhẫn nại được.”

Tại trước mặt các thần quan khác, Thủy Thần trợn mắt hỏi: “Con trai ta đã làm gì?”

“Hắn trêu ghẹo các tiên tử.”

Vũ Nương không nói thì thôi, lời vừa thốt ra lại làm cho các thần quan xì xào bàn tán. Thủy Thần bị bẽ mặt, thế nhưng vẫn trang nghiêm bẩm: “Bẩm Ngọc Hoàng, con trai thần còn nhỏ tuổi, chưa hiểu đạo, thế nhưng cho dù là phạm phải trọng tội đi chăng nữa cũng là do thần tự tay dạy dỗ, không đến lượt Vũ Nương xen vào. Hơn nữa, nếu không phải thần đến kịp thời, chẳng phải Vũ Nương sẽ phạm phải tội sát sinh sao? Còn là gϊếŧ thần quan, tội phải trị thế nào mới phải đây?”

Lúc này lại có một vài thần quan khác lên nói: “Thủy Thần là vị thần có tiếng, làm sao có thể bị bẽ mặt như vậy. Muôn tâu Ngọc Hoàng, Vũ Nương từ trước tới nay có tính tình bạo ngược, rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi ma chú năm xưa. Thật sự không hề có tư cách làm Thần Quan.”

“Ngọc Hoàng, xin ngài minh xét.”

“Đúng vậy, chuyện này Vũ Nương đã đánh mất cơ hội làm Long Thần, hằng năm phụ mẫu cô ta bôn ba giúp bách tính cai quản tứ phương, công đức vô lượng, ấy vậy mà nàng ta ở nhân giới không hề có một ai biết đến. Không hề có một người dân nào lập miếu thờ, vậy nên... mong Ngọc Hoàng minh xét.”

Bấy giờ Ngọc Hoàng mới giơ tay ra hiệu mọi người dừng lại. Ngài chỉ nói: “Giam Vũ Nương cho ta, ta đích thân xét xử.”

Vũ Nương không nói gì, nàng chẳng phản kháng, để mặc cho đám lính lôi đi.

Hôm sau, đám thần quan lại được một phen xì xà xì xồ, tin tức lan truyền khắp cõi Trời. Nói rằng Ngọc Hoàng đã tự tay đẩy Vũ Nương từ cõi Trời xuống, mãi mãi ở nhân gian, không được về Trời nữa.

Khi tỉnh dậy, Vũ Nương cảm thấy mình mẩy đau nhức khủng khϊếp, nàng tựa lên một tảng đá lớn.

Nàng quan sát xung quanh, bỗng nhiên nhớ lại lời dặn của Ngọc Hoàng: “Ma chú chỉ bị giải khi ngươi tìm thấy được ma đầu năm xưa. Ngươi đừng ở cõi Trời nữa. Đợt trước ta có quen một cố nhân, hắn suýt phi thăng thành Thần Quan, thế nhưng lại từ chối không muốn làm, ta đành phải bí mật sắp xếp cho hắn ở một nơi không thua kém gì cõi Trời. Bây giờ hắn gặp đại nạn, không ở nhà, ngươi đến đó trông coi giúp hắn đi.”

Nói xong, ngài đẩy Vũ Nương xuống, vốn dĩ nàng bị Thủy Thần đả thương, nội lực chưa hồi phục, đành phải chịu thêm vài vết thương nữa.

Nơi mà Ngọc Hoàng nói đến là một ngọn núi tách biệt với thế gian, sinh khí dồi dào. Thoạt nhìn không khác lắm với những ngọn núi khác, nhưng nếu nhạy bén sẽ nhận ra khí hậu ở đây vừa mát mẻ, lại không có nhiều tà khí. Vũ Nương đả tọa chốc lát cũng đã thấy đỡ rất nhiều.

Trời còn sáng, Vũ Nương không vội đi, đang đả tọa bỗng nhiên nghe thấy tiếng động lạ cách đó không xa. Nàng ngó đầu ra xem, thì ra là một con thỏ trắng, một con chó sói màu xám và một cô gái mặc áo tấc màu xanh đang đứng xếp thành hàng ngang, đứng từ thấp đến cao, từ trái sang phải, bọn họ đều quay lưng về phía nàng.

Cả ba kẻ này đứng dạng hai chân, đưa tay lên cao rồi từ từ hạ xuống, sau đó nhẹ nhàng đưa từ phải sang trái, động tác mềm mại chậm rãi, con thỏ kia còn vừa làm vừa hô:

“Hít vào - Thở ra – Đầu óc minh mẫn – Nguyện cho nhân gian thái bình.”

Con sói nói thêm: “Nguyện cho thế giới bớt si mê.”

Cô gái kia cũng nói: “Cầu cho ta tìm được Diệp Lý.”

Vũ Nương cứ tưởng lời nguyện của cô gái đó sẽ vì nhân gian mà cầu, nàng và hai súc sinh kia cùng giật mình, thỏ con quay đầu hỏi, động tác đơ lại: “Ơ kìa chủ nhân, Diệp Lý chết thẳng cẳng rồi.”

Con sói cũng nói: “Âm dương cách biệt trùng phùng, chủ nhân, buông xuống thôi.”

Thì ra là sinh ly tử biệt, Vũ Nương thầm nghĩ: “Ái biệt ly khổ, đau khổ cũng đúng, nhưng cầu như vậy thì có ích gì đâu, đây là cố chấp.”

Cô gái kia nói: “Có chết cũng phải câu được hồn phách về.”

Giọng nói cô gái này có chút lãnh đạm, nhẹ như mây. Vũ Nương không thấy được mặt nàng, chỉ thấy bóng lưng mảnh mai, suối tóc dài đến gót chân. Nàng thầm cảm thấy người ở nhân giới không chỉ cố chấp mà còn không thấu đạo Trời, thật đáng thương xót.

Bỗng nhiên nàng lại nghe thấy cô ta nói tiếp: “Lão Diệp Lý ấy không chịu để lại chút của cải gì cho ta, chết là xong à?”

Vũ Nương: “...”

Cả ba kẻ, ngoại trừ cô gái kia đều có chung một suy nghĩ: “Đúng là lòng người vô cùng bạc bẽo.”

Làm mấy động tác ấy lặp đi lặp lại vài lần rồi dừng lại. Vũ Nương chưa bao giờ thấy người cõi Trời học loại công phu này, hóa ra ở nhân gian cũng có nhiều loại công phu riêng biệt. Bao nhiêu năm qua nàng phát hiện thấy người ở nhân giới tìm thầy học đạo, tu luyện cần mẫn, không thua kém gì người cõi Trời.

Luồng chân khí của ba kẻ này không cao siêu, thế nhưng lại thuần túy vô cùng. Vũ Nương cảm thán: “Công phu như nước chảy mây trôi, chó và thỏ cũng có thể luyện được, trên cõi Trời lại không có loại công phu đặc biệt này. Thật lợi hại.”

Bỗng nhiên con thỏ kia thở ra một hơi dài, ngồi oạch xuống đất: “Ối dồi ôi, cuối cùng cũng nhẹ bụng hơn, mấy hôm nay ăn phải nấm độc, bụng chướng lên khó chịu quá.”

Vũ Nương: “...”

Thì ra còn có loại công phu trị táo bón à?

Con sói nằm phè ra đất, suýt nữa xuất hồn ra khỏi miệng, rên hừ hừ: “Chủ nhân à... hay là người đừng nấu ăn nữa.”

Cô gái kia lại ung dung đến lạ, chỉ ho một tiếng rồi nói: “Cũng đúng, vậy từ mai Kha Hoàng phụ trách nấu nướng.”

Con chó kia thấy nàng chỉ định mình, cả con thỏ và nó cùng vội ngóc đầu dậy la lên: “Chủ nhân, tính mạng là trên hết.”

Cả hai con vật nhìn nhau, thỏ con tranh nói trước: “Không được đâu, ta thà bị đau bụng còn hơn chịu cảnh hồn phi phách tán.”

Kha Hoàng phản bác: “Ngươi đúng là ăn cháo đá bát. Khốn nạn.”

Cô gái kia giơ tay, Kha Hoàng và thỏ con cùng im lặng. Vũ Nương cảm thấy cô gái này cũng có chút khí chất, đi đứng trang nghiêm, rất thú vị. Cô ta chắp tay sau lưng, bước mấy bước rồi dừng lại, nàng ngẩng đầu nhìn trời, nghiêm túc nói: “Thật ra Diệp Lý ra đi, ta cũng có chút tiếc nuối.”

Thỏ con thở dài: “Chủ nhân đừng buồn, còn có em ở đây mà.”

Kha Hoàng cũng thấy ruột gan cồn cào, bèn nói: “Diệp Lý sư tổ tuy rằng là bậc Thần, được nhiều người sùng bái, thế nhưng trước khi quy tiên cũng làm tròn trách nhiệm. Lớp kết giới quanh đỉnh Phương Vân này cũng đã mấy trăm năm, bảo vệ chúng ta khỏi móng vuốt của yêu ma quỷ quái đó.”

Con thỏ kia gật đầu, chạy lại níu chân nàng, thấy nàng vẫn ngẩng đầu nhìn những vòm mây xa xăm, cảm thấy xót xa: “Diệp Lý là sư phụ của chủ nhân, đã dạy biết bao nhiêu thứ, để lại cho ngài một ngọn núi có linh khí dồi dào cũng là vẹn toàn rồi. Ngài đừng quá đau buồn...”

Vũ Nương nhớ đến vị cố nhân mà Ngọc Hoàng nhắc đến, có lẽ chính là người người tên Diệp Lý này đây.

Lúc này cô gái kia quay đầu nói: “Ừm, lão làm Thần, vậy thì nấu ăn không tệ, hay là tìm cách gọi hồn lão về, để lão phụ trách bếp núc đi.”

Kha Hoàng: “...”

Vũ Nương: “...”

Không biết Diệp Lý ăn ở thất đức ra sao mà có đệ tử khi sư diệt tổ thế này!