Long Nhi Thánh Nữ

Chương 25: Đại giác hòa thượng

Bất giác cả hai giật mình. Thượng Quan Tố kỳ lạ:

- Nơi đây lúc này sao lại có ai ở đây?

Thuần Vu Thông nhẹ khoát tay ra hiệu:

- Hãy nhỏ tiếng, chúng ta hãy ngầm theo dõi xem là ai?

Rồi đó, hai người im lặng nghiêng tai lắng nghe chỉ nghe tiếng ngâm nga càng lúc càng gần, ngâm rằng:

"Quân bất kiến:

Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai.

Bôn lưu đóa hải bất phục hồi.

Quân bất kiến:

Cao đường minh kính bi bạch phát.

Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.

Nhân sinh đắc ý tu tận hoan.

Mặc sử kim tôn không đối nguyệt ..." (Chàng thấy chăng:

Nước Hoàng Hà từ trời đổ tiếp.

Đến biển rồi muôn kiếp không về.

Chàng thấy chăng:

Lầu cao gương sáng buồn tóc bạc.

Sớm như tơ rối đã trắng xác.

Kiếp người gặp dịp nên vui.

Đừng để chén vàng trơ với nguyệt ...).

Thanh điệu lăng loạn nghe ra đã say lắm rồi.

Thượng Quan Tố bật cười nho nhỏ:

- Đây có lẽ là một nho sĩ du sơn du thủy uống đã quá chén nên đi lạc vào đây!

Thuần Vu Thông đáp nhẹ:

- Ta không nghĩ như vậy, người này tuy thanh âm già lão say sưa, nhưng có vẻ như cố ý, có lẽ y cố tình đến đây ...

Thượng Quan Tố chuyển mắt:

- Bất kể y vì sao đến đây, ta hãy bắt y tra hỏi thử xem sao.

Thuần Vu Thông vội giữ tay nàng lại:

- Khoan đã Tố muội!

Thượng Quan Tố chau mày:

- Sao nữa ca ca?

Chàng nghiêm giọng:

- Ta chưa biết là thù hay bạn, ta cũng không nên lỗ mãng.

- Thông ca ca, sao ca ca lại tự nhiên đâm hiền hòa đến thế?

Chàng không đáp chỉ cười nhạt vì đã nhìn thấy một nhân ảnh cước bộ cực mau phi hành về phía vườn mộ. Thoáng nhìn qua hốt ảnh đã nhận ra đó là một hòa thượng đang đi về phía mộ của mẫu thân chàng. Thuần Vu Thông sử dụng Truyền Âm Nhập Mật nói vào tai Thượng Quan Tố.

- Tố muội, hòa thượng tới đây ắt có vấn đề, không ngờ chúng ta khéo gặp lão.

Nàng cũng Truyền Âm Nhập Mật đáp:

- Đơn giản nhất là ta cứ bắt y lại tra hỏi.

- Ta đã bảo hãy theo dõi y tốt hơn.

Thượng Quan Tố đành vâng lời khẽ gật đầu theo chàng ẩn thân vào một gốc đại thụ. Lão hòa thượng kia than một tiếng kinh ngạc:

- Ồ! Có người đến đây rồi ư ...?

Chàng cứ tưởng lão sẽ cuống cuồng bỏ chạy, nào ngờ lão hòa thượng chẳng hề cuống cuồng, lão khẽ đọc phật hiệu, thì thầm tự nói:

- Người lành sẽ được gặp lành, người ác sẽ tự gặp ác báo. Thuần Vu Sơn Trang đã hai lần được đến thắp hương tế lễ, tuy mối hận xưa chưa rửa được, nhưng dưới cửu tuyền chắc phu nhân cũng yên lòng nhắm mắt ...

Xem lão hòa thượng này là bạn chứ không phải là kẻ địch. Hốt nhiên chàng thấy hòa thượng quỳ hẳn xuống, tay lão vừa lần tràng hạt vừa lẩm bẩm cầu khấn.

Thượng Quan Tố lại Truyền Âm Nhập Mật:

- Thông ca ca, có lẽ hòa thượng là người tốt!

- Người tốt hay xấu, bây giờ chưa tiện kết luận.

Chàng liền kéo tay Thượng Quan Tố ra khỏi thân cây đi tới phía hòa thượng.

Chàng cố ý giẫm bước để kinh động lão hòa thượng, kỳ quái là hòa thượng vẫn chẳng nghe gì cả. Lão vẫn thản nhiên tụng niệm, thậm chí hai mắt không hề chuyển động. Chàng và Thượng Quan Tố đến gần, chàng cố ý ho khan mấy tiếng.

Hòa thượng nọ vẫn không hay biết. Không biết sao hơn, chàng và nàng đành im lặng đứng một bên, đại lão hòa thượng đọc xong bài kinh chú dài thậm thượt xong, lão mới mở mắt ra. Lão hòa thượng ấy niên kỷ tuy cao nhưng nét mặt vẫn còn hồng nhuận mục quang quét nhìn hai người, thản nhiên bình đạm nói:

- Nhị vị thí chủ đến đây làm chi?

Thuần Vu Thông đáp:

- Tại hạ ngẫu nhiên qua đây, nhân đối với hai lần trùng tu Thuần Vu Sơn Trang có phần hứng cảm nên cùng nghĩa đệ đây đến thăm.

Hòa thượng ấy kinh ngạc:

- Thuần Vu Sơn Trang không người trú ngụ, nếu nhị vị tới thăm sơn trang e chỉ thất vọng.

Thuần Vu Thông thở dài:

- Chẳng lẽ Thuần Vu Sơn Trang không có một ai sao?

Hòa thượng gật đầu:

- Chính thực không có một ai!

Chàng mỉm cười:

- Vậy đại sư đến làm chi?

Hòa thượng ngưng giọng:

- Lão nạp đến tụng kinh chủ ý cầu siêu thoát cho người bị nạn năm xưa!

- Chắc có lẽ lão thiền sư và Thuần Vu Sơn Trang có giao tình cực sâu sắc?

Hòa thượng lắc đầu:

- Hoàn toàn không ...

Chàng kinh ngạc:

- Thế là ý tứ gì?

- Thí chủ không nên lấy làm lạ, lão nạp nói không hề quen biết người ở Thuần Vu Sơn Trang nhưng vốn ngưỡng mộ Thuần Vu Tông thí chủ lúc sinh tiền là một người hiệp nghĩa.

- Như vậy càng quý hơn ...

Hốt nhiên Thượng Quan Tố tiếp lời:

- Lão thiền sư đến đây tụng kinh đã lâu chưa?

Hòa thượng cười đáp:

- Từ khi Thuần Vu Sơn Trang xây dựng lần thứ hai.

Thuần Vu Thông thở dài.

- Tại hạ tuy không phải là người của Thuần Vu Sơn Trang nhưng cũng hết sức tôn kính thiền sư, xin hỏi pháp hiệu thiền sư là gì?

- Đại Giác, đại là đại tiểu, giác là giác ngộ.

Chàng cười:

- Nói vậy nghĩa là lão thiền sư là người tiên tri tiên giác.

- Lão nạp không dám.

- Lão thiền sư trụ trì chùa nào?

- Cái ấy ...

- Là không tiện nói ra chăng?

- Không cần chứ không phải không tiện.

- Vì sao?

Đại Giác thiền sư đọc phật hiệu trả lời:

- Lão nạp quy y phật môn vì lòng thanh tịnh, nếu sau này nhị vị thí chủ tìm đến thăm lão nạp hàng ngày, làm sao lão nạp thanh tịnh cho được?

Lý do ấy quá là miễn cưỡng, chàng khẽ mỉm cười:

- Nếu như thế, chúng ta xin tạm biệt!

- Khoan đã.

- Lão thiền sư còn gì chỉ giáo?

- Muốn nghe tính danh nhị vị!

- Tại hạ Dư Thông Thuần, nghĩa đệ Quan Thư.

Hòa thượng đưa mắt nhìn hai người bật cười ha hả:

- Nếu vậy chúng ta nên ước hẹn ngày tái kiến.

Thuần Vu Thông nói:

- Xin mời thiền sư cho biết thời gian và địa điểm!

Hòa thượng tư lự:

- Hoàng hôn năm ngày sau tại Hoàng Lương Tự dưới chân ngọn Hoàng Lương Phong trong núi Thái Nhạc.

Chàng mỉm cười:

- Cuối cùng thiền sư đã cho biết tên chùa trụ trì rồi.

Đại Giác thiền sư lắc đầu:

- Thí chủ lầm đó, Hoàng Lương Tự chỉ là một ngôi chùa hoang giống hệt như nơi đây, chẳng có một bóng người.

Chàng ngạc nhiên:

- Chùa hoang cũng vậy, chùa mới cũng chẳng sao, năm ngày sau chúng ta sẽ gặp lại.

Chàng nắm tay Thượng Quan Tố chuyển thân bỏ đi. Nhưng hai người đi không xa liền ẩn thân vào trang viện quan sát hành vi của Đại Giác thiền sư. Họ phát giác Đại Giác thiền sư không ở lại khu vườn mộ nữa mà bỏ ra ngoài liền.

Thượng Quan Tố thì thầm:

- Lão đi rồi!

Chàng mỉm cười:

- Chúng ta ngầm đuổi theo, xem lão sự thực nhân vật nào?

Nàng kinh ngạc:

- Rõ ràng lão là một cao tăng tự động đến cầu kinh niệm phật, hà tất ca ca đa nghi đến thế, cần gì phải theo dõi giữa đêm hôm?

Chàng cười dịu dàng:

- Tố muội mệt ư?

- Không mệt!

- Buồn ngủ ư?

- Không buồn ngủ!

- Nếu không mệt, không buồn ngủ, ngại gì chúng ta không coi như một cuộc đi dạo, vì ta có hoài nghi lão hòa thượng này ít nhiều, không tra xét cho rõ chưa an tâm!

Nàng chau mày:

- Ca ca hoài nghi ra sao?

- Một, hòa thượng hình như có say rượu, sao thở ra không ra mùi rượu ...?

Thượng Quan Tố giật mình:

- Phải rồi! Muội muội cũng chẳng ngửi thấy mùi rượu.

- Hai, là do lão ước hẹn với ta.

- Ước hẹn ấy có gì đáng nghi?

- Ước hẹn tự nhiên là phải có việc cần gì đó, nếu không ước hẹn làm chi?

Thượng Quan Tố cau mày:

- Cái ấy muội muội hiểu, có lẽ lão còn có việc gì cần ca ca, hoặc giả muốn nói với ca ca.

- Ta hoài nghi tại sao lão không nói ngay bây giờ, vì sao lại phải ước hẹn và tại sao lại phải hẹn ở Hoàng Lương Tự là một ngôi chùa hoang ...

Bây giờ ở chỗ ẩn thân của hai người là ở trên một ngọn cây cao nhất vượt lên cao khỏi trang viện nên nhìn rất rõ cảnh tượng chung quanh, họ thấy Đại Giác thiền sư đã ra khỏi vườn mộ xuống tới con đường dưới núi. Thượng Quan Tố thì thầm:

- Muội muội vốn chẳng nghi ngờ gì lão hòa thượng ấy cả, nhưng ca ca nói, muội muội cũng bắt đầu nghi ngờ, lão hòa thượng ấy có vẻ thần bí lắm đó.

Thuần Vu Thông nghiêm giọng:

- Nếu nói thật nghiêm cách, một người đã là đệ tử chính trực của phật môn không nên hoa dạng như lão, bất luận gặp chuyện gì cũng nên nói thẳng, quyết chẳng cần phải bày vẽ ước hẹn ở chùa Hoàng Lương làm gì?

Thượng Quan Tố gấp nói:

- Lão sắp đi xa rồi, chúng ta đuổi theo mau!

Hai nhân ảnh như hai con én liệng vọt theo sau lưng Đại Giác thiền sư, thân pháp hai người nhẹ nhàng phiêu hốt. Không cần đến đang là đêm tối, dù giữa ban ngày e rằng cũng khó bị người phát giác. Đại Giác thiền sư vẫn khập khiễng đi không quay đầu lại, xuống thẳng chân núi. Hai người cứ âm thầm theo sau không nói một lời.

Khi đến gần một vùng khá rộng dưới chân núi, hốt nhiên Đại Giác thiền sư ngoặt rẽ sang một con đường nhỏ. Thuần Vu Thông thì thầm:

- Quả không ngoài dự liệu của ta, lão hòa thượng này có vấn đề gì đó.

Nguyên vì con đường nhỏ này sẽ dẫn tới một gian nhà cỏ. Cước bộ của Đại Giác thiền sư tăng mau tiến tới gian nhà cỏ. Chàng và nàng đến cách gian nhà cỏ độ năm trượng liền dừng cước bộ đưa mắt chú ý nhìn. Gian nhà cỏ có ba gian, chung quanh chẳng còn gì khác ngoài hàng giậu trúc bao bọc chung quanh, trong nhà không có một ánh đèn, nếu có người chắc cũng đã ngủ say rồi.

Đại Giác thiền sư dường như đã quá quen đường lối, lão thẳng vào cửa. Cửa gian nhà hình như mở sẵn, Đại Giác thiền sư lách người vào trong thuận tay đóng cửa lại. Thượng Quan Tố chau mày:

- Nếu lão hòa thượng thật là kẻ xấu, Thông ca ca sẽ đối phó ra sao?

Chàng mỉm cười:

- Hãy cứ xem lão xấu đến mức nào ...

Đại Giác thiền sư vừa vào nhà đã biến mất không còn thấy động tĩnh gì, hai người cố tâm đợi mãi mà chẳng có âm hao, có lẽ họ đợi đã qua một giờ. Thượng Quan Tố nhịn không nổi kêu lên:

- Đợi lâu quá, chúng ta hãy vào thẳng thử xem?

Thuần Vu Thông cúi đầu:

- Ờ, vì nếu lão tăng ở luôn trong đó chẳng lẽ ta phải đợi suốt đêm.

Chàng bước tới trước, tới sát cửa nhà họ nghiêng tai nghe ngóng, trong ấy tịch nhiên không một tiếng động, rõ ràng không có ai.

Thuần Vu Thông Truyền Âm Nhập Mật:

- Tố muội có nghe tiếng ai thở không?

Thượng Quan Tố lắc đầu:

- Không nghe gì cả!

Thuần Vu Thông đẩy một chưởng cho cánh cửa bật ra, một mùi mốc xông lên nồng nặc, hiển nhiên trong nhà từ lâu đã không có ai trú ngụ, hai người song song tiến vào, bất giác cùng đồng thời giật mình.

Thì ra trong nhà trừ ít nhiều rơm rạ bừa bãi không còn một cái gì khác, mạng nhện giăng mắc khắp nơi, đúng là gian nhà hoang phế đã lâu. Thuần Vu Thông nghiến răng:

- Lão hòa thượng thật giảo hoạt, chúng ta lầm mưu lão rồi!

Hiển nhiên Đại Giác thiền sư vừa vào nhà liền phi thân qua cửa sổ sau nhà đào thoát vì nhờ cỏ cây rậm rạp đằng sau nên không bị phát giác.

Thượng Quan Tố cũng nghiến răng:

- Đúng là biết người biết mặt không biết lòng dạ, không ngờ lão hòa thượng ấy xảo trá đến thế.