Năng Lực Của Đồng Tiền

Chương 4

10.

Tôi đi theo anh trai Bách Hạc đến bệnh viện.

Tại phòng chăm sóc đặc biệt.

Chàng trai phải cắm rất nhiều ống thông trên người, khác hẳn người con trai tung tăng vui vẻ bên tôi ngày thường.

- Bị bỏng.

Bách Lạp nhìn em trai mình qua ô cửa kính: "Bách Hạc là lính cứu hoả, nửa năm trước lúc đang làm nhiệm vụ thì bị đập vào người, khi được khiêng ra ngoài, não bị thiếu oxy quá lâu dẫn đến hôn mê."

- Nó là một đứa trẻ thông minh, nhưng đến khi cứu người lại ngốc vô cùng, lúc nào cũng xông lên trước.

Nghe đến đây, tôi chợt nhớ đến lời thì thầm của anh trong lúc say giấc nồng.

Anh nói: "Nhanh nhanh nhanh, vẫn còn cơ hội."

Hoá ra đó là cơ hội cứu người.

Cảm xúc trong tôi rối bời, Bách Lạp nghiêng đầu nhìn tôi: "À, em vẫn chưa kể vì sao em quen biết Bách Hạc."

Tôi bỗng sực ra, cớ sao anh ở trong điện thoại lâu như vậy mà mãi vẫn không nói câu gì?

Tôi vội lấy máy ra, nhưng màn hình đã tối thui. Ấn mở mấy lần cũng không được. Tôi luống cuống, níu lấy tay Bách Lạp: "Di động của em, hình như máy em hỏng rồi."

Tôi đi tìm người thợ lúc trước đã sửa máy cho mình, người ta lắc đầu trả lại tôi: "Vô ích thôi, giờ tôi có sửa thì máy cũng không về như cũ được."

Kể từ hôm ấy, Bách Hạc đã biến mất khỏi thế giới của tôi.

Bách Lạp cho tôi xem rất nhiều ảnh hồi xưa của Bách Hạc.

Chàng trai mặc bộ đồ cứu hoả màu cam, mỉm cười tươi rói với ống kính.

Tôi cảm thấy có gì đó thật thân quen nhưng không thể truy nguyên được mình đã nhìn thấy tấm ảnh này từ đâu.

- Bình thường, lính cứu hoả toàn quốc trông rất giống nhau vì đều mặc bộ đồ cứu hoả và đội chiếc mũ này.

Nói rồi anh lại thở dài: "Nhất là trong đám cháy, khói bay mịt mù, e rằng các nạn nhân được A Hạc cứu còn không biết người đã bạt mạng cứu mình trông như thế nào."

Lời anh nói khiến tôi nhớ đến trận hoả hoạn trong kí túc xá của tôi.

Có rất nhiều lính cứu hoả đã đến. Bách Hạc cũng nằm trong số đó ư?

Mấy hôm sau, tôi nhận được cuộc gọi của Vương Lâm Lâm. Cậu ta bảo muốn gặp tôi.

Câu đầu tiên là: "Cuối cùng tôi và Hứa Diệu cũng chia tay rồi, giờ cậu đắc chí lắm chứ gì?"

Tôi chẳng hiểu cậu ta nói gì.

Vương Lâm Lâm chồm dậy gào thét: "Vì cậu nên Hứa Diệu mới chia tay với tôi, rõ ràng cậu đã có bạn trai tốt như thế, tại sao vẫn không chịu buông tha cho Hứa Diệu?"

- Tôi không biết cậu đang nói gì, đến giờ tôi cũng không liên lạc với Hứa Diệu lần nào.

Vương Lâm Lâm còn muốn nói gì đó nhưng Hứa Diệu đột nhiên bước vào: "Đủ rồi, Vương Lâm Lâm cô định làm ầm lên đến bao giờ nữa? Tất cả là lỗi của tôi, do tôi trốn tránh trách nhiệm, ngay từ khi đồng ý hẹn hò với cô đã là một sai lầm."

Thì ra, kí túc xá nữ bị cháy là do Hứa Diệu.

- Anh muốn tỏ tình với em nên đã nhờ Vương Lâm Lâm giúp anh lén đốt nến trong kí túc xá nữ.

Gương mặt Hứa Diệu đong đầy vẻ hối lỗi: "Anh không ngờ nó sẽ gây ra vụ cháy lớn như vậy, suýt nữa đã làm bọn em bị thương."

Anh sợ phải chịu trách nhiệm nên đã không dám nói thật. Vương Lâm Lâm nắm thóp chuyện này để bắt anh yêu mình.

Thảo nào lúc ấy Hứa Diệu lại chạy đến hiện trường nhanh như thế, hoá ra anh đã ở đấy sẵn rồi.

Vậy nên cái điện thoại đó là món quà anh tặng tôi để thay lời xin lỗi.

- Thế điện thoại thì sao, em xin anh hãy nói thật đi, rốt cuộc cái máy từ đâu ra?

Hứa Diệu mím môi không trả lời.

Nhưng Vương Lâm Lâm lại cười khẩy: "Ăn cắp của lính cứu hoả."

Hứa Diệu hít sâu một hơi: "Sao cô biết?"

Ngay sau đó, anh nhận ra mình đã lỡ lời nên lại mím môi: "Không phải ăn cắp mà là nhặt được."

Lính cứu hoả tới dập lửa, Hứa Diệu phát hiện ra chiếc điện thoại bị rơi dưới đất nhưng không trả lại mà còn giấu đi, đem ra chợ đồ cũ để sửa lại rồi tặng cho tôi như một sự bù đắp.

Mà người lính cứu hoả xui xẻo ấy lại là Bách Hạc.

Tay tôi run run, vậy ra điện thoại tôi dùng vốn dĩ là của Bách Hạc.

Chẳng trách sau khi xảy ra chuyện, anh lại bị phong ấn trong máy. Hèn chi lần nào mua đồ cũng được thanh toán hết. Bởi vì anh đã dùng thẻ của chính mình.

Chỉ là tôi đã biết quá muộn.

Tôi không muốn ở chung một không gian với loại người đê hèn như vậy nên đã đứng dậy đi ra khỏi quán cà phê.

Song bên tai lại vang lên tiếng "Bùm".

Một thứ gì đó vừa phát nổ.

Tôi nghe thấy có người hét to: "Chạy nhanh lên, có vụ nổ nitơ lỏng trong nhà máy!"

Nhưng vẫn chậm một bước, tiếng nổ đùng đoàng lại ập đến rồi.

Tôi trơ mắt nhìn luồng hơi nóng ùn ùn kéo đến từ khoảng cách hơn một trăm mét.

Chân tôi như bị đóng đinh xuống nền đất, quên cả việc né tránh.

Đương khắc ngàn cân treo sợi tóc, điện thoại trong túi tôi bỗng rung lên. Ngay sau ấy, một bóng người đã xông đến ôm chặt lấy tôi.

Hơi nóng lan tràn, tôi nghe thấy tiếng kêu rên của mọi người.

- Bách Hạc!

Anh bịt tai tôi lại: "Còn cơ hội sống, đừng nghĩ đến cái chết."

11.

Sau cơn choáng váng, tôi nhìn thấy rất nhiều lính cứu hoả xuất hiện.

Bọn họ đến rất nhanh.

Một người trong số đó đã bế tôi lên khỏi mặt đất và chạy tới khu vực an toàn.

- Còn một người nữa, còn một người nữa.

Giọng tôi nghèn nghẹn vì khói, chỉ biết hét lên trong tuyệt vọng.

- Hết rồi.

Lính cứu hoả đặt tôi xuống đất, nghiêng đầu nhìn lại: "Không còn ai nữa, cô ngồi đây nghỉ ngơi đi."

Nói xong, anh lại lao vào trong ánh lửa. Ngọn lửa thiêu đốt nửa khung trời. Đội cứu hoả mặc áo cam chạy hết tốc lực, tất cả đều đeo mặt nạ nên tôi không thấy rõ mặt.

Vòi phun nước chữa cháy bắn thẳng lên trời, có thể thấy được cầu vồng nhạt màu.

Dường như tôi đã nhìn thấy Bách Hạc đang lẩn khuất trong đội cứu hoả.

Anh nói với tôi rằng: "Nhanh nhanh nhanh, vẫn còn cơ hội."

Còn chiếc điện thoại trong tay tôi, không biết nó xuất hiện vết nứt dài từ bao giờ.

Ấy là vết tích của người anh hùng đã phá kén bước ra.

Mãi đến khi đám cháy được dập tắt, không có lính cứu hoả nào bị thương thì tôi mới rời khỏi đấy.

Trên đường về, tôi mở máy mới của mình lên. Nhìn thấy một loạt cuộc gọi nhỡ của Bách Lạp. Tôi nghĩ đến cái màn hình đã vỡ nát, đừng bảo Bách Hạc xảy ra chuyện gì nhé.

Người tôi run rẩy, mãi mới bấm được đúng số, điện thoại được kết nối, giọng nói trầm trầm của Bách Lạp vang lên ở đầu dây bên kia.

- Noãn Noãn, A Hạc tỉnh rồi.

Khi tôi chạy đến, Bách Hạc đã được đẩy ra khỏi phòng cấp cứu. Tôi mặc đồ vô khuẩn rồi đi theo Bách Lạp vào thăm anh.

Chàng trai của tôi nằm trên giường bệnh, lộ ra cánh tay nhăn nheo ngập những vết bỏng.

Tôi che miệng, cố gắng để mình không khóc.

Bách Hạc đã tỉnh lại.

Tôi sợ anh không nhận ra tôi nên cứ đứng ở cuối, không dám bước lên. Nhưng ánh mắt anh lại nhìn về phía tôi, cất giọng trầm trầm: "Noãn Noãn."

Nước mắt không thể kìm lại được nữa.

Anh hỏi tôi: "Em có bị thương ở đâu không?"

Tôi lắc đầu nguầy nguậy, không nói được tiếng nào.

Bác sĩ nói bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi nên bọn tôi phải ra ngoài.

Tôi đứng ngoài cửa khóc mãi không ngừng.

Bách Lạp đứng trước mặt tôi, nói với tôi rằng: "Mặc dù A Hạc tỉnh lại rồi nhưng phải mất rất lâu nữa mới hồi phục được như bình thường. Hơn nữa em cũng thấy rồi đấy, vết bỏng trên da thằng bé rất to, sau này có phẫu thuật ghép da cũng không thể như trước được nữa. Nếu em muốn rời đi, chúng tôi cũng hiểu cho em."

- Em sẽ không đi.

Tôi gạt đi nước mắt: "Em thấy anh ấy bây giờ rất tốt, rất tốt."

Một năm sau, tôi và Bách Hạc đăng kí kết hôn.

Bách Hạc than thở trước bộ ảnh cưới vừa mới "ra lò".

- Đáng lẽ phải quen em sớm hơn thì đã có ảnh đẹp trai hơn rồi.

- Giờ đã đẹp lắm rồi.

- Nhưng em chưa được nhìn thấy anh hồi trước.

- Ai bảo thế? Em được nhìn thấy lúc anh đẹp trai nhất rồi.

- Ý em là lúc anh bị phong ấn trong điện thoại à?

- Không phải đâu.

Tôi ôm mặt anh: "Là lúc anh chạy đến bên em trong ánh lửa."

Yết hầu Bách Hạc lăn lên lăn xuống.

Tôi nhìn thấy trong đôi mắt anh ánh lên vô vàn những vì sao lấp lánh.

Hết.