Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

Chương 77: Muốn kể cho cậu

Anh Hùng không về trước cùng mọi người mà khoanh tay đứng thẳng tắp đợi tôi hết lễ khai giảng, có anh khối trên mời ngồi ghế nhưng anh ấy lắc đầu, cảm ơn, từ chối.

Xong lễ, tôi chạy ra cổng, nói: "Anh về đi làm đi. Em còn phải nhận lớp nữa."

Anh ấy chỉ sang bên đường, "Nay anh nghỉ. Học xong sang đường gọi anh, anh đưa đi ăn rồi về."

Lúc tôi tới giữa sân trường thì bị ai đó tới gần khoác vai, tôi nhanh chóng cúi xuống tránh đi rồi nói: "Đừng có chạm vào An."

Hiếu cười cười, muốn sờ tóc tôi nhưng vẫn bị tôi nghiêng sang một bên tránh né.

"Con trai với nhau cả mà, có gì đâu."

Tôi đút tay vào túi quần rồi bỏ đi trước, "Trai gái đều như nhau, An không thích người khác đυ.ng chạm vào mình."

Hiếu đi song song bên cạnh, "Được rồi, lần sau không đυ.ng nữa. An để tóc kiểu này nhìn lạ quá, mãi tớ mới nhận ra. An học lớp T1/2 à?"

Tôi gật đầu.

"An xin sang lớp khác được không? Qua lớp T4 học chung với Hiếu cho vui. Hiếu có nói bố lên xin sang lớp 1/2 rồi nhưng trường nói lớp đó lớp chọn thực lực, không chuyển sang được."

"Tớ không chuyển đâu. Thôi, lên lớp đây." Tôi không muốn nhiều lời mà lo chạy vào lớp.

Hôm xem danh sách, tôi không thấy tên Hiếu trong lớp mình theo học thì thầm thở phào một hơi rồi. Tuấn Anh không thích tôi giao tiếp thân thiết với Hiếu nên tôi sẽ cố gắng giữ khoảng cách.

Tôi ngồi xuống bàn cuối cùng y như năm đó Tuấn Anh từng ngồi, cũng từ chối chức lớp trưởng y hệt như cậu ấy năm nào. Tôi đã không còn là bé con lén lút nhìn sắc mặt người khác nữa rồi. Hiện tại, tôi chẳng quan tâm đến thái độ của ai hết, thậm chí còn mạnh dạn đề cử chức lớp trưởng cho lớp trưởng của chúng tôi.

Lớp trưởng đang cố gắng ngồi im re như một pho tượng ở góc lớp: "..."

Đã thế, tôi còn nhiệt tình quảng cáo bạn ấy từng có kinh nghiệm thâm niên, chín năm dày dặn trong ngành lớp trưởng. Tôi nói cũng không sai, đầu năm lớp 6, bạn ấy cũng là do mấy bạn nữ học chung tiểu học kể lại rằng từng làm lớp trưởng liên tục năm năm.

Lúc ra khỏi cửa, lớp trưởng đứng đợi tôi ở hành lang mà chất vấn: "Tự nhiên An bầu tớ làm lớp trưởng làm gì? Tớ sợ lắm rồi, trốn còn không kịp."

Tôi ngẩn ra, "Tớ tưởng cậu thích làm lớp trưởng. Sao vừa nãy không từ chối?"

"Rõ ràng có nói không làm rồi nhưng cô có nghe đâu."

'Thôi~ Em không làm đâu~' mà là từ chối à? Thôi được rồi, nội dung thì đúng là mang nghĩa chối từ nhưng giọng điệu nghe vào tai cứ như đưa đẩy, thích còn làm bộ ấy.

Tôi đổi câu hỏi: "Lớp trưởng sợ chuyện gì?"

Bạn ấy gãi đầu, "Ngại thôi. Dù sao tớ cũng học dốt nhất lớp này, điểm số... ở tít cuối danh sách. An làm lớp trưởng mới đúng, An giỏi nhất lớp này mà."

Tôi không đồng ý, "Ai nói lớp trưởng phải là người học giỏi nhất? Lớp trưởng nên là người có tố chất lãnh đạo và quản lý lớp tốt nhất mới đúng. Tớ thấy cậu làm được điều đó. Với lại, An đâu có giỏi nhất lớp này. Lớp mình bây giờ toàn bạn mới, đã vào chung lớp chọn thì ai cũng có lực học ổn định như nhau cả. Điểm thi không kết luận được ai học giỏi nhất lớp hay dốt nhất lớp đâu. An cũng chỉ là một trong số mấy người đạt điểm tuyệt đối, cũng không phải người giỏi nhất, tên tớ đứng đầu danh sách là do máy xếp theo thứ tự Alpha B quyết định nữa chứ không phải do mỗi năng lực."

Lớp trưởng mỉm cười, "An nói chuyện giống thằng Tuấn Anh."

Không giống sao được? Suốt mấy tháng nay, tôi ăn cắp cả câu từ lẫn giọng điệu của cậu ấy mà.

Lớp trưởng nói: "Thực ra tớ cũng thích làm lớp trưởng. Oai ra phết! Nhưng đó là thời còn nhỏ ở trong quê, bây giờ ra thành thị rồi cứ là lạ thế nào ấy. Nhất là không còn tụi trong nhóm học chung nữa chứ, sợ quậy không được."

Tôi phì cười, "Làm lớp trưởng là lo cho lớp chứ ai đời lại sợ quậy không được? Lên cấp ba đừng quậy nữa, cũng không phải sợ, dù gì cũng còn có tớ là bạn cũ."

Lớp trưởng cười cười, "An khác nhiều thật! Tuấn Anh mà nhìn thấy chắc chắn sẽ yên tâm."

Đây là lần thứ hai bạn ấy nhắc đến Tuấn Anh của tôi rồi, tôi nhịn không được mà hỏi: "Lâu nay... lớp trưởng có gọi điện cho Tuấn Anh không?"

Bạn ấy lắc đầu, "Không, tớ gọi điện cho nó làm gì?"

Lời này y hệt hồi sáng anh Hùng từng nói.

Lúc xuống cầu thang, bạn ấy hỏi: "Tại sao An lại để kiểu tóc này? Nhìn lạ quá!"

Tôi sờ lên quả đầu đinh gai góc của mình, nói dối: "Hè tớ đi học võ, nóng quá nên cắt cho đỡ ra mồ hôi."

Tôi từng nghĩ bản thân sẽ trốn tránh bạn cùng lớp, thế mà hiện tại lại cùng một đám trong băng đảng của Tuấn Anh đứng đợi Diệu Hiền. Trong nhóm Tuấn Anh thì chỉ có tôi, lớp trưởng, Cường và Vỹ là học buổi sáng, còn lại đều học buổi chiều giống Hiền. Chúng tôi ngồi nói xàm vang một vùng trời. Mọi người bảo nhìn tôi hồi sáng bước vào trường cứ như băng đảng xã hội đen đưa con trai cưng đi học vậy, thay dàn xe máy bằng ô tô con màu đen thì y hệt trong phim TVB. Tôi cũng chẳng xấu hổ mà vênh mặt hùa vào đùa cùng mấy bạn ấy. Nhưng trong cuộc đối thoại của mọi người, không một ai nhắc về Tuấn Anh cả, chỉ có mình tôi ôm ấp hoài mong nhớ về cậu ấy.

Diệu Hiền đi ra thông báo được làm lớp trưởng thì ai cũng cười lăn cười bò, hỏi xem không biết ai ấm đầu lại đi bầu bạn ấy, Hiền cười nắc nẻ nói "tự tao xung phong." Trước khi tôi vội vã rời khỏi, Hiền dặn dò hôm nào học thể dục buổi chiều nhớ đến kiếm bạn ấy chơi cùng.

Tôi gặp anh Hùng đang ngồi chồm hỗm trên ghế, vừa hút thuốc vừa chơi game ở tiệm net đối diện trường. Anh ấy gửi xe đạp ở đó rồi nói tôi lên xe máy ngồi, tôi không chịu vì sợ mất xe của Tuấn Anh.

"Không sao. Tiệm net này anh quen, cứ để người ta trông xe một lát, mất thì anh bắt đền cho."

"..."

Tại sao không phải anh đền mà lại đi bắt đền? Là anh tự ý để tài sản của bạn trai của em ở nhà người ta mà?

Tôi cũng không tiện lằng nhằng với người lớn nên dự định ăn nhanh rồi về.

Anh ấy đưa tôi đi ăn cháo lòng mẹt. Thúc giục tôi ăn rất nhiều.

Tôi có thắc mắc, "Sao anh không đến một mình thôi? Còn lôi kéo nhiều anh khác như vậy? Lỡ sếp mắng thì sao?"

Anh Hùng cười cười, "Sếp nào mắng?"

"Thì ông chủ của các anh đó." Cũng phải có người đứng đầu chứ nhỉ? Hay phải gọi là giám đốc?

Anh ấy phì cười, "Anh chính là ông chủ."

"..."

"Bộ mặt này là sao?" Anh Hùng nhếch khoé miệng, "Nhìn dáng dấp anh trông giống thằng làm cu li hơn à?"

Tôi đặt muỗng xuống, xua tay lịa lịa, "Không phải. Tại em nghĩ tụi anh làm chuyện... trẻ con thế này thì phải trốn sếp chứ. Bây giờ biết anh là cấp trên thì em lại càng không hiểu. Sao anh... thế này mà lại hùa theo Tuấn Anh làm chuyện..."

"Thế này là thế nào?" Anh ấy cắt lời tôi, "Anh già đầu rồi đó hả?"

"..."

"Ha ha ha..." Anh ấy cười hào sảng, "Đưa em đi học mà là chuyện trẻ con sao? Anh mà có con cháu thì anh cũng muốn đưa đón nó đi học mỗi ngày."

Anh ấy đẩy cho tôi một tấm giấy cứng hình chữ nhật, trên đó ghi địa chỉ Công ty TNHH SX & KDTM gỗ Thiên Hùng Phát cùng với số điện thoại bàn và di động.

"Tuấn Anh đi rồi thì anh lo cho em thay nó. Xưởng tụi anh ngay sau lưng trường cấp ba, sau này có chuyện gì thì cứ tìm anh, không phải ngại."

Anh ấy nhấn mạnh, "Đừng nghĩ là anh vì Tuấn Anh nhờ vả. Anh vì nó ngày hôm nay cho em chỗ đứng vững chãi yên tâm học hành thôi, còn sau này là chuyện riêng của anh em mình với nhau. Anh cũng chẳng liên lạc với nó nên em đừng nghĩ nhiều."

Lúc này tôi có nghĩ được gì đâu... thậm chí còn hơi hơi oán trách tại sao thân thiết nhau mà không chịu liên lạc với cậu ấy chứ...

Anh ấy bật cười, nói đùa: "Hôm nay anh thành bố của em rồi đấy. Sau này có khó khăn gì thì cứ đến tìm ba nha con trai."

Tôi cũng không nhịn được cười.

May mà ăn xong, xe vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng tôi không về ngay mà đứng nhìn chăm chú vào tiệm net, chỗ này Tuấn Anh chưa từng tới nhưng cứ gặp quán điện tử nào là tôi lại nhớ đến bóng dáng cậu ấy vừa chửi thề vừa gõ bàn phím đùng đùng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi vào tiệm net một mình, trả tiền một giờ nhưng ngồi đờ đẫn nhìn màn hình chờ màu xanh hoài mà không làm gì cả.

Khoảng nửa tiếng sau, anh chủ tiệm ngồi phịch xuống ghế bên cạnh, hỏi: "Có muốn chơi game không? Anh bày cho!"

Đáng lẽ tôi nên từ chối, nhưng... không biết ma xui quỷ khiến thế nào...

Buổi sáng hôm ấy, tôi đã biết cảm giác ngồi co một chân lên ghế nói tục nó sảng khoái như thế nào rồi.

Tôi mang cả đồng phục đi học võ luôn nên không về nhà, cũng không đạp đi xa mà lần nữa đứng nhìn chằm chằm vào quán bida gần kế bên. Vẫn như mọi lần, tôi nhìn thấy Tuấn Anh của tôi đang vừa cười sáng láng vừa phóng khoáng thọc cơ ở trong đó.

Mọi khi tôi đứng bên kia đường nên không ai chú ý, bây giờ thì có một anh đi từ bên trong bước ra nhìn lại tôi. Tôi nhận ra người này, anh ấy là chủ quán, từng nói chuyện với Tuấn Anh, còn nhờ cậu ấy trông tiệm để đi chơi net nữa.

Bốn mắt nhìn nhau trân trối.

Trời chuyển lạnh rồi mà anh ấy vẫn mặc áo ba lỗ, trên người không xăm hình hầm hố bít kín như anh Hùng nhưng cũng xăm đủ thứ hình linh ta linh tinh, còn có cả hình xăm hoạt hình màu mè sặc sỡ, trông khá... ngộ ngĩnh.

Anh ấy không đi ra đây ngay mà đứng dựa vào cửa sắt rít vội điếu thuốc. Còn phân nửa thì ném xuống dưới sàn, di mũi giày hai lượt xong mới hùng hổ tiến về phía này.

Chính xác là hùng hổ vì anh ấy ào ào như vũ bão lao đến rất nhanh.

Ngoài mặt tôi không biến sắc nhưng hai bàn tay thì bấu chặt lấy ghi đông để ngăn chặn run rẩy.

Trong lòng tôi vẫn vô thức sợ hãi, thậm chí còn lén lút nuốt nước bọt một cái.

"Mày đứng đây làm gì?"

"..."

Mày?

Tôi sợ muốn tè ra quần rồi.

Không thể nói là em nhớ bạn trai nên đứng nhìn để ôn lại kí ức được. Rồi nãy giờ tôi cố ý đối mắt với người ta rất lâu, như vậy có phải một dạng kɧıêυ ҡɧí©ɧ trong giới giang hồ không? Kiểu như "á à mày vừa liếc tao phải không?" Sau đó tôi bị 'bụp bụp bụp bộp bộp bộp bẹp bẹp bẹp' cho lên bờ xuống ruộng?

Anh ấy cầm giữa tay lái xe của tôi, kéo 'Xoạch' một cái khiến tôi xiểng niểng, quát lên: "Đi vào trong này ngồi không nắng!"

Tôi lặng lẽ nuốt thêm ngụm nước miếng nữa rồi vội vàng đi theo cái xe đạp vừa bị người ta trấn lột phía trước. Muốn lẽo đẽo theo cũng không được vì anh ấy đi như ăn cướp. Mà hình như đang cướp xe của Tuấn Anh thật?

Chẳng lẽ hôm nay tôi phải đổ máu tại đây?

Dân anh chị đánh nhau mà cũng phải chọn chỗ mát mẻ nữa à?

Bàn tay tôi trong ống áo khoác nắm chặt thành đấm, vừa run rẩy vừa đề phòng chiến đấu bất cứ lúc nào.

Anh ấy dựng chống xe rồi đi vào trong xách hai cái ghế có nệm êm bằng một tay ra, đá cho tôi một cái, "Ngồi đi!"

Tôi rất tự nhiên mà kê mông vào.

Chắc anh ấy phải đợi giờ hoàng đạo mới xuống tay?

"Ăn gì chưa?"

"..."

Đối thoại hơi... hơi hơi kì lạ, tôi vẫn đáp: "Dạ... em ăn rồi."

Đây là vì Tuấn Anh từng nói chuyện vui vẻ với người này nên tôi mới trả lời, còn nếu không có cậu ấy hậu thuẫn thì tôi vẫn phải trả lời vì sợ cái ghế này không phải đơn thuần mời mình ngồi mà là lấy ra trước để tí nữa thuận tiện phang lủng đầu mình mất thôi.

Tôi có võ trong người nhưng là võ con mèo con cào, mới học vỏn vẹn mấy tháng thì sao mà đùng một cái mạnh lên ngay được. Bây giờ anh Hùng đã về xưởng, tôi không thể vì người ta hào phóng thân thiện mà ngay ngày đầu gặp gỡ đã nhờ đến đây đánh nhau giùm. Bạn bè cũng đã về hết, chẳng lẽ lại chạy sang tiệm net kế bên nhờ anh chủ vừa mới chửi thề chung một hai câu qua đây chiến cùng?

Tôi không sợ bị ăn đòn đau mà lo ngay buổi đầu khai giảng đã què quặt thì về nhà mẹ sẽ đau lòng. Sau đó mỗi ngày thấy tôi đạp xe đi học xa nhà sẽ bất an, lo lắng không làm việc được.

Anh xăm trổ đưa tới trước mặt tôi lon coca ướp lạnh và một ly đá.

Trời chuẩn bị lập Đông rồi mà? Anh ấy đây là muốn tôi bị cóng chết đỡ phải dùng nhiều công lực à?

Tôi vẫn rón rén nhận lấy nhưng không dám uống.

Sợ bị hạ độc.

Tuy là lon nước chưa khui nhưng lỡ anh ấy thoa độc lên ống hút, bôi lên miệng ly, tẩm trong cục đá thì sao? Trong phim kiếm hiệp đều dùng thủ đoạn tinh vi như vậy.

Tuấn Anh dặn dò con trai mới lớn phải nên đề phòng.

"Ăn gì?"

?

"... Dạ, em ăn cháo."

"Lúc mấy giờ?"

"..."

Hỏi chi tiết quá vậy? Hay là anh ấy tính đấm vào bụng nên hỏi để căn xem thức ăn đã tiêu hoá hết chưa? Sợ ọc ra bẩn hết sân nhà? Dân giang hồ thế hệ mới thông minh chịu khó để ý tiểu tiết quá!

Nhưng tôi đây cũng thông mình mà. Tôi âm thầm ghi nhớ lại cách Tuấn Anh dạy khi đối phương muốn đánh lén xuống bụng thì mình nên tránh né và phản đòn làm sao để không ảnh hưởng nội tạng.

"Khoảng 9 giờ."

Anh ấy nhìn vào trong tiệm, chắc là xem đồng hồ, sau đó hỏi thẳng: "Mày đứng trước tiệm rồi nhìn chằm chằm vào trong này làm gì?"

Đến rồi. Đến rồi. Trong phim đều là tra khảo xong sẽ tra tấn.

"Em..." Tôi mím môi ngập ngừng một lát, "Em muốn xin việc làm."

"Mới lớp 10, không lo học hành đi mà làm cái gì?"

Hình như không chuẩn bị khai chiến đâu nhỉ?

Tôi ngẩng lên quan sát anh ấy một chút, thấy người này không có vẻ gì là muốn đánh mình, nên hỏi: "Sao anh biết em học lớp 10?"

"Nhìn tướng mày như con tép, chẳng lẽ còn học lớp 6?"

"..."

Giọng điệu người này rõ ràng là khó ưa, thế mà tôi còn kiên trì ngồi đây tiếp chuyện được. Chắc tại coca mát quá, làm tôi nhớ về Tuấn Anh cũng hay cho tôi lon nước của hãng này.

Anh xăm trổ nhét vào tay tôi một cuốn sổ ghi chép giờ vào của từng bàn, "Bảy mươi ngàn một giờ, nước ngọt mười ngàn, nước lọc ba ngàn, khăn lạnh hai ngàn, bàn nào ra thì mày thu tiền cho anh." Dứt lời thì bước lên xe máy.

Cứ tưởng người này sẽ xưng "tao" chứ? Nếu là xưng "anh"thì cách nói chuyện cũng giống y hệt anh họ.

Tôi đứng bật dậy, chạy theo ra sân, hỏi: "Anh đi đâu vậy?"

Tại sao chưa quen biết gì mà lại để người lạ trông quán? Hồi xưa Tuấn Anh đến anh ấy cũng bỏ bê y như thế để đi chơi. Sao khờ quá à! Lỡ người ta ôm tiền chạy mất thì sao?

"Mẹ mày! Ngồi đấy đi! Anh đi mua đồ ăn!"

"..."

Tại sao lại chửi tôi?

Thế mà tôi cũng ngồi ngoan ngoãn, còn thu tiền cho một bàn giùm anh ấy.

Trước đó dự định của tôi sau khi lên học cấp ba là sẽ đi làm thêm phụ mẹ ít tiền, hôm qua nghe thằng Kiên nói xong thì càng nung nấu ý định này. Nhưng tôi nghĩ mình xin vào bán ở tiệm vải, quần áo hoặc bưng bê phở đêm thôi... Ai mà ngờ...

Chắc là duyên số đưa đẩy đi.

Lúc ngồi ăn chung với anh ấy, tôi hỏi: "Em được nhận vào làm rồi ạ?"

"Không. Ăn xong thì về nhà học bài đi!"

"..."

Sao không nói sớm? Tôi tưởng mình đã là nhân viên nên mới được hưởng ưu đã ăn một bữa ngon thế này chứ? Lại còn có cả sữa trong bữa cơm nữa, đúng món tôi thích luôn, nhưng có một hộp nên tôi chỉ nhìn sơ qua chứ không chạm tới. Thì ra lâu nay Tuấn Anh đều cho tôi ăn uống theo kiểu nhà giàu.

Tôi đặt đũa xuống, còn chưa kịp lấy hơi thì anh xăm trổ lên tiếng: "Mày lo ăn đi! Ăn xong rồi anh mày nói chuyện sau!"

Anh ấy khui lon bia chứ không động vào hộp sữa kia, thậm chí còn đẩy qua phía tôi, tôi lắc đầu từ chối thì anh ấy hung hăng trợn mắt lên như muốn lật bàn sau đó hằm hằm lột ống hút cắm vào uy hϊếp tôi uống. Tôi hỏi tại sao không uống mà mua làm gì, anh ấy nói "người ta không có tiền lẻ thối lại nên đưa vậy đó, mày ý kiến nữa xem anh có bắt mày hốc cả thùng sữa ngay tại đây không?" Tôi hít ngược một hơi, ngoan ngoãn lo ăn uống phần của mình.

Lúc xong bữa, tôi cũng không cần dọn dẹp mà có dì giúp việc đem chén đũa đi rửa. Sang đầu giờ chiều, có bảy anh thanh niên cũng xăm trổ nhưng toàn hình ngầu lòi đen sì vừa nói cười vừa đi thẳng vào tiệm, lúc này tôi mới biết, ra là ở đây có nhiều nhân viên rồi, họ cần thêm mình làm gì?

Anh chủ tiệm quát mấy người kia, "Mẹ tụi mày vào trong, yên lặng cho bố mày nói chuyện coi nào!"

Chúng tôi ngồi đối diện nhau cách một cái bàn nhưng anh ấy nói tôi bê ghế xích vào tường mà ngồi, anh ấy ăn xong cần hút thuốc.

Cảm thấy vị trí đủ xa rồi mới nói: "Bây giờ mày là người xin việc làm, anh tuyển nhân viên, nên anh có quyền hỏi. Anh hỏi gì, mày đáp nấy! Có lấn cấn gì không?"

"Dạ không. Anh cứ hỏi đi." Trong phim gọi là phỏng vấn nhỉ? Sao anh ấy mới nói sẽ không tuyển tôi mà?

Anh ấy không ngẩng đầu lên mà nhìn vào điện thoại di động. Thật là bận bịu. Ăn xong phải làm việc là đúng rồi. Tôi hơi áy náy vì mình phiền người ta, nhưng nghĩ lại, nếu phỏng vấn thành công, được nhận vào làm thì tôi nhất định sẽ cố gắng làm việc thật chăm chỉ để bù lại.

"Hôm nay khai giảng có vui không? Có làm quen được bạn mới chưa? Có học chung với bạn cũ nào không?"

"Dạ?"

Tôi không tin vào tai mình. Mấy câu này cũng nằm trong phạm vi phỏng vấn xin việc à? Tôi chưa va chạm bao giờ nên không rõ, chỉ biết là hơi kì lạ thôi. Nhưng người trước mắt này có điểm nào trông giống người bình thường đâu.

"Dạ cái gì? Trả lời!"

"Dạ, có vui. Chưa quen được bạn mới. Có học chung với một bạn cũ."

"Tên gì?" Anh ấy bấm bàn phím lách cách.

"Dạ em tên An."

Anh ấy trừng mắt nhìn tôi, "Tao hỏi bạn cũ tên gì?"

"..."

Kì vậy? Phải hỏi tên của tôi mới đúng chứ?

"Dạ... bạn cũ tên... lớp trưởng." Trong lúc rối rắm tôi đã quên tiệt mất tên lớp trưởng, trong bốn năm trời tôi chỉ gọi bạn ấy là lớp trưởng mà thôi nên nhất thời chưa nhớ ra được.

Thế mà anh xăm trổ cũng gật gù, chắc là không liên quan đến công việc nên trả lời đại khái sao cũng được.

"Lâu nay mày đã đi xin việc ở đâu chưa?"

"Dạ chưa. Tiệm anh là nơi đầu tiên."

"Tại sao nghĩ ra chỗ này mà tới?"

Tôi không thể nói là do nhớ bạn trai được nên uyển chuyển mé mé: "Em không nghĩ, khai giảng xong em qua đường thì thấy quán đông khách nên mới nảy ra ý định."

"Nhà mày hiện tại có gặp khó khăn lớn về tài chính à?"

Khó khăn lớn? Tôi lắc đầu, "Dạ không ạ. Do cấp ba học có một buổi nên em muốn làm thêm, mục đích chính để va vấp cho có kinh nghiệm."

Anh xăm trổ cắm đầu lọc vào gạt tàn, khói trắng lượn lờ nghi ngút trong phút chốc rồi tắt hẳn.

"Mày ngồi đây đợi anh!"

Tôi nhìn theo thấy anh ấy bấm điện thoại rồi áp lên tai. Đúng là người kinh doanh có khác, lúc nào cũng bận rộn, phải tận mười lăm phút sau mới trở ra ngoài.

"Được rồi. Anh nhận mày, nhưng không cố định thời gian, việc học ưu tiên hàng đầu, rảnh thì đến không rảnh thì thôi, làm đến 5 giờ chiều, bao ăn, chủ nhật nghỉ, tháng bốn triệu." Dứt lời thì dùng cây cơ đẩy cọc tiền toàn tờ một trăm nghìn sang phía tôi.

"..."

Rảnh thì đến không rảnh thì thôi?

Dễ dàng quá!

Nghe đến đâu người tôi run lên đến đấy, nhất là câu cuối với nhìn cọc tiền được trả trước dày cộm thì tay chân đã bủn rủn hết cả. Không ngờ kinh doanh quán bida lời nhiều như thế, trả tiền cho nhân viên ất ơ còn là học sinh chưa có kinh nghiệm gì hết mà lương cũng cao ngất ngưởng như vậy?

Tôi hoảng sợ, đứng bật dậy, đẩy trả cọc tiền về, "Em em không nhận lương cao như vậy đâu, dù sao em cũng chỉ chỉ làm bán thời gian được thôi mà. Anh không yêu cầu thời gian cố định là em mừng lắm rồi."

Anh ấy nhíu mày, ném sang, "Cầm lấy mà mua đồ dùng học tập."

Tôi lại lập tức đẩy về, thấy anh ấy có vẻ dễ tính nên lần này chạy sang bên đó rồi rón rén hỏi thử, "Em có một người bạn gần nhà... cũng bằng tuổi em nhưng bố mẹ bắt bạn ấy nghỉ học đi làm công nhân sớm. Không biết anh có thể nhận bạn ấy được không ạ?" Tôi vội vàng bổ sung: "Hai chúng em chỉ lấy tổng cộng một tháng hai triệu thôi... à à không... một tháng triệu rưỡi thôi cũng được. Tính bạn ấy thật thà, dáng người cao ráo, khoẻ mạnh lại nhanh nhẹn, tháo vát, rất được việc..."

"DỪNG!"

Anh xăm trổ quát một tiếng mà tôi giật cả mình.

Anh ấy ngoáy ngoáy lỗ tai, cười nhếch mép, liếc tôi một cái, "Sao mà khen nhiều thế nhỉ?"

"..."

Không hiểu? Thì phải cật lực khen để anh ấy còn nhận thằng Kiên vào làm chứ. Nếu nó làm ở đây thì thời gian đầu tôi sẽ đưa cho nó hết cả tiền lương để đỡ đần bố mẹ trả nợ phần nào.

"Rốt cuộc có bao nhiêu thằng?"

"Dạ?"

"Mày cần xin việc cho bao nhiêu người?"

"Chỉ có hai tụi em thôi ạ. Đảm bảo không còn ai nữa. Nhưng... nhưng nếu anh cần tuyển một người thì cứ tuyển mình bạn em vào thôi cũng được. Dù sao em cũng cần phải đi học."

Anh ấy thở dài, ném xuống bàn một cuốn sổ.

"Anh mày không nhớ được đâu. Mày viết vào đây!"

"Dạ?"

"Viết chi tiết vào đây thằng kia tên gì, bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu, tại sao nghỉ học, lý do đi làm là gì, mối quan hệ với mày là như thế nào... Nói chung có cái gì thì mày ghi hết vào đây cho anh. Ghi cụ thể cặn kẽ vào!"

À... Giống đơn xin việc ấy hả?

Tôi nghiêm túc ghi chép. Anh ấy giới thiệu tên là Thịnh, sau này làm thì cứ gọi là Bi. Dặn tôi đi về, hôm sau mới trả lời được.

Tôi hỏi: "Ngày mai mấy giờ thì em đến được ạ?"

"Khi nào mày rảnh thì đến."

"..."

"Đực mặt ra làm gì? Thế anh nói đến đây vào giờ mày đang học thì mày có sang được không?"

Có lý!

Trên đường đạp đi học võ mà lòng tôi vui vẻ nở hoa tưng bừng, cảm thấy lời Tuấn Anh nói từng bước trở thành hiện thực rồi. Hình như cuộc sống của tôi ngày càng may mắn hơn rất nhiều. Nhờ có cậu ấy mà những điều tốt đẹp dần đến với tôi, gặp được người tốt bụng, cũng có duyên với công việc thuận lợi.

Tất cả là nhờ Tuấn Anh hết!

Do tôi cắt tóc giống cậu ấy, anh Thịnh mới thấy tôi nhìn láo toét giống anh ấy, đồng bệnh tương liên, hợp rơ ngoại hình du côn với nhau nên mới dễ dàng nhận tôi vào làm.

Cảm ơn Tuấn Anh nhé!

Khi nãy anh Thịnh cứ ép nhận tiền nhưng tôi chạy lên xe co giò đạp biến đi mất. Cứ để ngày mai có câu trả lời rồi tính sau. Đúng là không nên nhìn mặt mà bắt hình dong.

Muốn kể cho Tuấn Anh biết quá đi!

Tôi đạp lố xuống bưu điện huyện nhưng lại không có can đảm bước vào.

Cuối cùng chần chờ rồi quay đầu xe vòng về nhà văn hoá học võ.

Buổi tối, tôi với mẹ tranh chấp nảy lửa. Mẹ liên tục cao giọng, còn tôi xuống nước năn nỉ.

"Mẹ không đồng ý! Lên cấp ba thì lo mà học hành cho đàng hoàng! Nhà mình bây giờ có thiếu thốn gì không? Hả? Mẹ không mượn con phải phụ mẹ!"

"Con cần tiền làm gì? Nếu cần gì thì nói ra miệng, mẹ sẵn sàng mua cho con. Tại sao phải đi làm?"

"Có biết ba năm cuối cấp là thời gian quan trọng không? Con muốn mẹ tức chết hả?"

Tôi ôm lấy bàn tay mẹ, "Con xin mẹ đấy! Mẹ để cho con đi làm đi! Không phải vì tiền mà con muốn mình va chạm với xã hội."

Mẹ thở hắt ra, "Va chạm là va làm sao? Con còn nhỏ, còn có mẹ che chở, tại sao phải ra ngoài bươn chải hả? Người ta nói chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn, dù người làm mẹ này có phải ra đường ăn xin thì cũng không muốn con phải vất vả."

"Mẹ..." Hốc mắt tôi nóng lên, gục xuống đầu gối của mẹ.

Mẹ vuốt tóc tôi, "Con nhớ ngày năm lớp 5, nhà mình khổ sở như thế nào, con đòi nghỉ học mà mẹ còn nhất định không cho. Lúc con học lớp 1, có buổi sáng kẹt tiền khó khăn chỉ ăn cơm với muối hoà nước, cháo trộn đường, mẹ cũng muốn con đi học lớp chọn cho bằng được. Mẹ đã cố đến tận giờ này, chưa giàu bằng ai nhưng có đồng ra đồng vào rồi, chẳng lẽ lại để con phải ra ngoài lăn lộn? Dẹp ngay ý định đấy đi!"

Tôi ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mắt mẹ, "Con không muốn nối dối mẹ. Mẹ ơi, mẹ muốn con lên cấp ba đăng ký học thêm nhưng con tự biết lực học của mình đến đâu. Con tự tin bảo đảm với mẹ, rằng có học thêm bây giờ cũng chỉ phí tiền phí của, hiện tại con không cần phải học thêm gì hết. Ngày xưa mẹ hay so sánh con với các anh chị nhà nghèo vượt khó trên tivi, mẹ còn nhớ không? Các anh chị ấy cũng có đi học thêm đâu mà vẫn học giỏi?"

Nói rồi lại gục đầu xuống dụi trán vào lòng bàn tay ấm áp của mẹ, "Nếu mẹ cho con tiền đi học thêm, con vẫn sẽ nghỉ học đi làm, lúc đó vừa tốn kém mà con vừa thành thằng ngỗ nghịch nói dối mẹ. Con muốn xin phép mẹ trước, nên mẹ đồng ý con đi~"

"Không được."

"Đi mà~ Con năn nỉ đó~"

Bên trên thở dài thườn thượt, "An à, sao con cố chấp với chuyện đi làm quá vậy? Kiếm được đồng tiền là đổ mồ hôi, sôi nước mắt lắm chứ dễ dàng gì đâu! Đang tuổi ăn tuổi học thì lo mà hưởng thụ đi chứ!"

Tôi vội vàng ngẩng lên nhìn mẹ, nói: "Con biết mà, con biết hết chứ, chính vì con hiểu việc kiếm ra tiền vất vả nên mới muốn đi làm để học cách trân trọng đồng tiền. Phụ mẹ chỉ là một phần, phần còn lại là con thực sự muốn ra đời va chạm. Mẹ ơi, con lớn rồi, con đã lên cấp ba rồi, chẳng mấy mà tròn mười tám tuổi. Nếu mẹ cứ bảo bọc mãi thì mai mốt con lên thành phố học Đại học phải làm sao? Nhìn gì cũng nhát, thấy gì cũng sợ thì còn làm được trò trống gì? Mẹ cho phép con đi mà, sau này con đi ra ngoài xã hội cũng đỡ bỡ ngỡ."

Mãi mới thuyết phục được mẹ nhưng nghe đến việc tôi làm ở quán bida thì mẹ kinh hoàng bật người đứng dậy.

"Không được đâu! Chỗ đó không đàng hoàng! Toàn là xì ke hút chích! Không được! Nhất định không được!"

"..."

Tôi biết là các bậc phụ huynh luôn có thành kiến với tiệm internet, quán thục bida. Nhưng hiểu lầm sâu sắc đến mức này thì cũng... hơi quá!

Trước đây, tôi cũng tưởng trong quán bida sẽ toàn dân đàn anh đàn chị, nhưng nhờ Tuấn Anh giảng giải một hồi thì mới nhìn nhận tích cực. Tôi đem hết lời của cậu ấy, ngồi giải thích cặn kẽ cả buổi cho mẹ.

Tuấn Anh thật là giỏi, mẹ tôi chẳng mấy mà bị thuyết phục, nghe xong mà còn chậc lưỡi nói mấy người chê bai bộ môn thể thao Quốc tế bi-lớt là cổ hủ.

Tôi cười tủm tỉm. Mẹ không biết đọc tiếng Pháp nên lặp lại nghe vào tai cứ thấy đáng yêu.

Mẹ cũng cười, vỗ nhẹ vai tôi, "Có thằng Kiên làm cùng thì mẹ cũng yên tâm. Nhưng không được chểnh mảng việc học chính thức đâu đấy. Còn giờ học võ thế nào?"

"Con chuyển sang học buổi tối, môn con đăng kí hồi đầu hè mà chưa học ấy, mẹ nhớ không?" Đợi mẹ gật đầu rồi, tôi mới nói tiếp: "Thầy sắp khai giảng rồi, có cả khoá tối mà."

Cuối cùng tôi cũng được mẹ cho phép, nhưng với điều kiện lực học không được xuống dốc. Chỉ cần một bài kiểm tra dưới điểm khá thì lập tức nghỉ, không thương lượng gì hết.

Đến khi hai mẹ con vui vẻ ra khỏi phòng thì tôi mới biết nãy giờ An Bình lục cà lục cục ở ngoài này làm cái gì.

Bây giờ giữa phòng khách nhà tôi đang được treo tấm gỗ màu nâu đỏ thật lớn thật dài, trên đó trạm trổ mây hoa chim hạc bay lượn vô cùng cầu kì. Chính giữa hình chữ nhật to đùng đùng ấy được khắc nổi bảy chữ "Bé Bình An Đệ Nhất Thiên Hạ". Nổi bật vô cùng!

"..."

Nhìn mà ê răng hết muốn ăn cơm.

Mặt tôi nóng rần rần. Xấu hổ không có chỗ chui.

Mẹ đứng chống nạnh, ánh mắt mơ màng, tấm tắc khen: "Đẹp quá! Treo giữa phòng khách thế này nhìn mà mát hết cả lòng dạ! Ai vào nhà mình chắc phải ghen tỵ chết thôi!"

Tôi đen mặt, kêu An Bình gỡ xuống nhưng mẹ không đồng ý.

Lúc sáng anh Hùng nói tôi đem về nhưng tôi quên khuấy đi mất, anh ấy cũng không nhắc. Đến chiều về thì đã thấy nó nằm chình ình giữa nhà rồi.

Bây giờ tôi mới có tâm trí mà hỏi: "Ai đem cái này xuống vậy mẹ?"

"Thầy con chứ ai."

"..."

Cái kiểu nói dóc này... thật giống...

"Thầy bên Đoàn gì đó mẹ quên mất tiêu rồi. Nhưng nói đây là phần thưởng cho học sinh ưu tú thi điểm cao nhất trường mới có đó~"

Mẹ còn ngân dài giọng, tôi nghe mà quê không thể tả.

Làm gì có trường nào tặng sang tới như vậy? Lại còn khắc dòng chữ kì lạ cứ như trong phim kiếm hiệp ấy! Đây là thời đại nào rồi, dùng câu từ kì cục như thế mà mẹ cũng tin?

Tuấn Anh ơi là Tuấn Anh! Tại Tuấn Anh hết đó!