Đối Tác Cùng Nhà

Chương 14: Khoá Tu Mùa Hè

Sau khi hay tin mình sẽ chết nhưng mà là chết già ở một ngày nào đó xa xa trong tương lai, tôi quyết định đến công ty và xin đi làm lại. Điều tôi không ngờ được là việc tôi xin đi làm không thuận lợi như tôi tưởng. Câu trả lời mà tôi nhận được từ giám đốc nhân sự là:

"Chuyện này tổng giám đốc đã có lời với tôi, nói là việc cô xin nghỉ lâu như vậy là không tôn trọng công ty, dù mấy ngày đó đều là nghỉ phép quy định của cô... nhưng tổng giám đốc không chấp nhận việc cô dồn ngày nghỉ như vậy. Thêm nữa là sau khi cô nghỉ được một tuần, tổng giám đốc đã có người thay thế vào vị trí kế toán trưởng rồi, xin lỗi Chi nhé."

Tôi không kìm nổi bất ngờ: "Tìm người thay thế và không hề báo trước cho tôi rằng sẽ không còn vị trí kế toán trưởng khi tôi trở về á? Đó là ai?"

Tôi cứ nghĩ người thay thế tôi sẽ là một trong số những người cùng bộ phận với tôi được thăng tiến lên. Nhưng khi được giám đốc nhân sự chỉ cho tôi xem cô gái trẻ đẹp mặc bộ đồ công sở bó sát đang khoác tay tổng giám đốc đi ngang qua hành lang, đột nhiên tôi hiểu ra vấn đề. Trước khi làm thủ tục chấm dứt hợp đồng và thu dọn đồ đạc, vài chị em trong phòng nhỏ giọng thủ thỉ với tôi:

"Từ vài tháng gần đây tình hình kinh doanh của công ty không tốt lắm, chị làm kế toán trưởng chắc cũng biết. Tháng trước chị nghỉ còn tồi tệ hơn, công ty đã cắt giảm rất nhiều nhân sự. Mọi người đoán là lão tổng giám đốc lên kế hoạch cắt giảm hết những người có mức lương sau thăng tiến cao trong công ty, tuyển một loạt người mới vào đào tạo lại và đưa ra lương khởi điểm thấp để cắt bớt chi phí đó. Vì vậy chị đừng buồn nha."

"Ừ, chị hiểu rồi. Cảm ơn em."

Tôi đặt cho mỗi người trong phòng một cốc trà sữa, thêm vài món ăn nhẹ, sau đó thoải mái mà rời đi. Dù sao với số kinh nghiệm này của tôi không lo không tìm được công ty khác, chẳng qua thấy hơi bất mãn với cách làm ngu xuẩn này của lão tổng giám đốc mà thôi.

Về đến nhà tôi không tìm việc ngay, thay vào đó tôi tìm kiếm thêm những việc bản thân chưa từng thử để giải tỏa cơn bực dọc này. Do đầu óc tôi dạo này cứ tối tối, lúc nào cũng nhớ đến hình ảnh cởi trần bỏng mắt của anh Ngủ Yên đến nỗi bị nóng trong người mọc cả mụn lên mặt, Google hiểu ý khách hàng nên đề xuất cho tôi mấy khoá tu mùa hè, thay vì các sản phẩm trị mụn. Google thật hiểu lòng người quá, còn ra được cả nguyên nhân sâu xa để trị tận gốc chứ không phải nguyên nhân bề nổi cơ...

Tôi bấm thử vào link, phát hiện có một khoá tu bảy ngày với thời gian địa điểm khá vừa ý tôi.

[KHÓA TU PHẬT THẤT Khóa 97: Ngày 17-04-2022 đến 24-04-2022 (nhằm 17-03 đến 24-03 Nhâm Dần) – Thời gian học: 7 ngày đêm – Đối tượng tham dự: Quý thiện nam, tín nữ Phật tử cùng có thể tham dự. (Yêu cầu phải có đủ sức khỏe, không bị bệnh truyền nhiễm, huyết áp cao, tai biến mạch máu não, bệnh đau thắt ngực) – Thể lệ đăng ký: Đăng ký trước hai ngày của khóa tu. Ghi rõ pháp danh, tuổi, địa chỉ. – Yêu cầu bắt buộc: Phải mang theo giấy CMND photo (không cần công chứng) để đăng ký tạm trú. Phải có số điện thoại của người thân; có áo choàng lam và quần áo lam.]

Thời gian vào hai ngày sau, địa điểm cũng không quá xa, chưa ra khỏi nội thành. Tôi nghĩ đây là cơ hội để mình tĩnh tâm bước về phía trước nên tôi đã đi đăng ký ngay. Tôi nhanh chóng gửi hồ sơ online qua Google Form cho nhà chùa, thông tin đơn giản điền một tí là xong, số điện thoại người thân thì tôi điền số máy phụ. Chỉ đến đoạn pháp danh thì tôi hơi bị chững lại. Thông tin này yêu cầu bắt buộc phải điền, tôi ngồi nghĩ mất một lúc mới biết pháp danh là cái gì, sau đó nhớ mang máng các vị sư thầy thường có pháp danh là "Thích..." gì đấy. Tôi cử động ngón tay, ghi vào phần pháp danh: Thích Ngủ Yên. Nghe hơi lố, đổi lại thành Thích Ngu Yên. Ngu nghĩa là hoà bình yên vui, yên là yên bình yên ả, một cái tên với ý nghĩa vô cùng tích cực. Tôi tuyệt đối sẽ không bao giờ tiết lộ rằng cái tên này có liên quan đến anh Ngủ Yên.

*** Trước ngày đi chùa, tôi dọn dẹp nhà cửa, rút phích cắm tủ lạnh, cuộn chăn chiếu gọn gàng sạch sẽ rồi mới đi. Ra khỏi cổng, tôi hơi ngoái đầu nhìn lại căn nhà, thoáng nhớ về hình ảnh anh Ngủ Yên đang đu xà. Ba bốn ngày không có liên lạc, chắc là anh ta chẳng quay về nữa đâu.

Lúc tôi mặc đồ lam nộp tiền làm thủ tục xong xuôi để bắt đầu khoá tu đã là buổi trưa, người cùng tham gia khoá tu ngoài tôi thì có thêm năm người nữa, tất cả đều là nữ. Mọi người được dẫn tới một bàn dài đã được bày sẵn đồ ăn, đang có khoảng hai mươi người ngồi. Khi để ý kĩ lại thì các vị ngồi trên bàn cùng là nữ nốt, tôi thầm hiểu đây là am ni cô.

Khi đăng ký khoá tu tôi cứ nghĩ đây sẽ là nơi chật kín người như các khoá tu hè của học sinh sinh viên vậy, nhưng sự thật thì nơi này khá vắng vẻ và thanh tịnh, mọi người cùng ăn cơm có cảm giác như gia đình. Vừa ngồi vào bàn là đến chuẩn 11 giờ để ăn cơm luôn, trụ trì ngồi ở đầu bàn, bắt đầu đọc kinh trước bữa ăn. Trụ trì đọc gì tôi đọc theo nấy, lúc thấy mọi người ngừng đọc gắp cơm bỏ vào miệng tôi tưởng được ăn rồi nên cũng làm theo, lại còn ăn liền lúc hai ba miếng cơm, ai dè đó chỉ là miếng ăn hình thức trong bài tụng, sau đó cả nhà lại đọc kinh tiếp... "... Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa ngài soi thấy năm uẩn giai không, đều qua hết thảy khổ ách. Này Xá Lợi Phất, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng lại như thế. Này Xá Lợi Phất, tướng không của các pháp, không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, cho nên trong Không không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; Không có Nhãn giới, cho đến không có ý thức giới; Không có Vô minh, cũng không có cái hết Vô minh..."

Tôi và những người mới đều không biết bài kinh này nên chỉ nhép miệng đọc theo, tay cầm bát cơm để trước mặt, mắt nhắm lại thành tâm đọc kinh. Đồ ăn chay trong chùa rất mới lạ và ngon miệng đến bất ngờ, dù ăn vài miếng đầu chưa quen nhưng đến miếng thứ hai đã bắt đầu thấy nghiện. Tôi chưa từng ăn thế này, có thể là do các quá đồ chay ở nội thành trong mắt tôi đều được xếp vào danh sách quán ăn đắt đỏ. Còn ở nhà khi không ăn thịt cá cũng gọi là ăn chay đấy, nhưng chỉ chấm nước mắm thôi cũng hết gọi là chay rồi. Ở chùa người ta chỉ chấm xì dầu thôi.

Cơm nước xong thì tôi và những người mới xung phong phụ rửa bát và đi ngủ trưa. Phòng của tôi có sáu giường, đủ cho sáu người mới. Khi tôi tháo chiếc mũ trên đầu ra, ánh mắt mọi người đều đổ dồn về mái tóc hồng nổi bật. Thường thì những ni cô cạo tóc mới hay đội mũ, nhưng tôi đội là để che đi bộ tóc sáng mù mắt này. Những người mới tham gia khoá tu có ba người tuổi trung niên và hai em còn là học sinh lớp 10, hết hè này là lên lớp 11.

Tôi cảm giác mình chưa hoà nhập được với các cô lớn tuổi, nhưng hai em học sinh thì rất nhanh chóng đã tới bắt chuyện với tôi. Một đứa tên Trang và một đứa tên Ánh. Nhưng cũng chỉ nói chuyện một lúc sau đó mọi người trở về giường đi ngủ. Tôi thấy dù đi tu nhưng mọi người vẫn cầm theo điện thoại smartphone để giải trí, trừ hai đứa Trang, Ánh bị phụ huynh rủ nhau đưa lên chùa dạy dỗ, thu hết điện thoại, còn tôi thì không sờ đến điện thoại vì tôi không muốn dùng.

Tôi không có thói quen ngủ trưa vì muốn tận dụng tối đa thời gian làm thêm kiếm tiền nên dù giờ trưa ở công ty mọi người đều tìm góc phù hợp để trải thảm nằm ngủ hoặc nằm gục luôn trên bàn, nhưng tôi thì vẫn ngồi ở bàn làm việc, lặng lẽ gõ bàn phím.

Cảm giác nằm cùng phòng với nhiều người gợi lại trong tôi những kí ức khi còn ở trại trẻ mồ côi hoặc là thời sinh viên ở kí túc xá. Tuy vậy người khiến tôi chân chính nhớ lại lúc này chỉ có anh Ngủ Yên.

Điều này khiến tôi tuyệt vọng lắm. Rõ ràng anh Ngủ Yên chỉ mới xuất hiện trong cuộc sống của tôi không lâu, nhưng chẳng hiểu sao lại bước vào tâm trí của tôi dễ dàng đến thế. Anh ta chẳng cho tôi cái gì, chỉ tổ khiến tôi tốn bao nhiêu là tiền, sau cùng lại còn biệt tăm biệt tích khiến tôi rước thêm bực bội vào người.

Tôi quay mặt vào tường, thầm nhớ lại lần đầu nằm cùng anh Ngủ Yên, tôi cũng quay mặt vào tường như thế này, nhưng chỉ được một ngày. Ngay hôm sau đó tôi đã nằm quay người lại, mặt đối mặt. Anh Ngủ Yên cũng quay người về phía tôi, cả hai đều không hẹn mà cùng nhau không nói chuyện, cứ vậy nhắm mắt nằm ngủ. Tôi trở mình nằm quay ngược lại, thấy em Ánh vẫn chưa ngủ, mắt thao láo nhìn tôi. Vừa rồi chắc đang ngắm bộ tóc màu hồng của tôi đây.

Tôi hơi sợ ánh mắt của nó nên lại quay về nhìn tường. Sau một ngày sinh hoạt trong chùa tôi mới biết, đầu tiên là pháp danh trong phần đăng ký của tôi chỉ cần điền tên là được, người mới tu ngoài như tôi không cần thiết phải đặt pháp danh cao xa gì đó, chỉ cần gọi tên là được rồi. Vậy mà không nói rõ, hại tôi ghi ra cái pháp danh xấu hổ chết. Và hai là ở đây người ta không ăn cơm tối. Tôi thì chưa quen với điều này nên đến 8 giờ là bụng kêu ầm ĩ. Em Trang thấy vậy liền bẻ cho tôi một gói mì tôm sống, thêm cả em Ánh ba đứa ngồi ngoài sân nhai mì tôm rồm rộp. Hai em kể với tôi chuyện bố mẹ ở nhà tuy giàu có dư dả nhưng lúc nào cũng rất khắt khe, mẹ em Ánh vì nghi ngờ em có người yêu nên rủ thêm cả phụ huynh nhà hàng xóm đưa hai đứa đi tu thân dưỡng tính, đồng thời thu hết điện thoại để ngăn các em không sa đà vào những thứ cám dỗ trên mạng mặc dù các bậc phụ huynh cả ngày cầm điện thoại xem phim lướt Facebook.

Do năm trước hai em đã đi khoá tu một lần rồi nên biết khá rõ hoạt động ở đây, mua sẵn mì tôm chống đói. Chỉ có Phật tử trong chùa mới cần nghiêm chỉnh thực hiện việc không ăn tối, còn người tham gia khoá tu như chúng tôi không bị gò bó.

"Sao chị lại đi khoá tu này? Hầu như em không thấy ai tầm tuổi chị đi cả." Trang hỏi tôi.

"Chị à... Chị muốn tĩnh tâm. Thanh lọc tâm hồn."

"Cái gì làm tâm chị không tĩnh?" Trang hỏi, tôi chưa kịp trả lời thì em Ánh nói:

"Chị thất tình chứ gì? Xinh như chị kiểu gì cũng có người yêu. Mà yêu thì sẽ thất tình." Tôi lặng lẽ gặm mì tôm, tự hỏi tại sao con nhóc lớp 10 này lại có suy nghĩ như thế. Tôi hỏi ngược lại:

"Bố mẹ nghi ngờ em có người yêu nên mới đưa lên chùa là có thật không?"

Ánh trả lời: "Là thật. Chị đừng đánh trống lảng, chị thất tình đúng không?"

"Có thể coi như vậy." Tôi đáp.

"Anh ấy là người thế nào?"

"Đẹp trai, khoẻ mạnh, dịu dàng..." Tôi thầm nhớ về những khoảnh khắc khi chúng tôi đi du lịch Đà Nẵng, điển hình là khi đi Bà Nà Hills thi thoảng sẽ có những lúc anh Ngủ Yên dùng cánh tay khoẻ khoắn của anh ta dìu đỡ, nhấc bổng tôi vượt qua những địa hình mà tự tôi đi qua sẽ gặp khó khăn. Nhưng chợt nhớ ra tôi đến đây là để quên anh ta nên bổ sung:

"Ăn nhiều, tham ăn, ăn hết phần cơm người khác, đến lúc bảo đi rửa bát thì mặt xị ra. Ngoài ra còn ăn bám, không bao giờ chi tiền, đi xe máy thì lúc nào cũng ngồi sau ôm eo phụ nữ, không cầm lái, cả ngày hết ăn thì ngủ. Người thì nóng như ma, mùa hè đứng gần nóng như cục than..." Trang hoảng sợ:

"Vậy mà chị cũng thích được? Ở chùa không có điều hoà nóng muốn xỉu, nếu phải ở cạnh cục than chắc em sẽ ngoẻo luôn."

"Ai biết được, lúc đó có điều hoà." Tôi trả lời.

"Chị thất bại thật đấy. Xinh thế này kiếm người giàu hơn tốt hơn mà yêu. Cứ thích đẹp mã là không ổn đâu." Ánh nhận xét.

Nghe Ánh nói chuyện như bà cụ non, tôi ngầm đồng ý với mẹ nó về việc đưa nó lên chùa. 1 Giờ giới nghiêm đến rất sớm, con người hiện đại quen làm việc buổi tối như tôi nhất thời không quen. Mới chín giờ tối mà xung quanh đã tắt hết điện, mười giờ mọi người lên giường nằm.

Cả ngày không sờ vào điện thoại, suy nghĩ về anh Ngủ Yên cứ lảng vảng trong đầu. Không nhớ đến thì chẳng sao, vừa rồi nhắc đến anh Ngủ Yên lại khiến tôi bứt rứt. Điện thoại thì tôi đã mang đi gửi và khoá lại trong tủ đồ riêng của nhà chùa, muốn lấy lại lúc nào cũng được nhưng tôi không làm vậy. Một đêm khó ngủ.

Bốn giờ sáng hôm sau mọi người đã lục tục thức dậy, tôi dùng đôi mắt lờ đờ gia nhập đội quét chùa, sau đó đi tụng kinh và ăn sáng lúc 6 giờ. Ở đây mọi người coi bữa sáng như bữa chính, cơm canh đủ cả trông y hệt bữa trưa, ngoài ra có thêm vài món linh tinh như bánh mì bánh đa kê nữa. Vì hôm qua bị đói nên bữa sáng tôi ăn liền một lúc ba bát cơm. Trước kia có lẽ tôi thậm chí còn không ăn sáng, từ hồi nuôi anh Ngủ Yên mới có thói quen này.

Nhớ hôm đầu ăn sáng bụng tôi còn quặn thắt do không quen bữa, vậy mà hôm nay tôi ăn được hẳn ba bát cơm cùng một miếng đa kê. Giật mình nhận ra mình lại vừa nhớ đến anh Ngủ Yên, tôi tự tát vào mặt một cái nhẹ.

Ngoài hai buổi sáng chiều đọc kinh ra thì trưa chiều mọi người sinh hoạt tự do, có thể cùng mọi người đi chăm sóc vườn rau tự nuôi trồng của chùa, hỗ trợ chuẩn bị cơm nước, đọc kinh phật trong thư viện, tới buổi tối còn có giờ thiền tuỳ tâm, cái này tới ngày thứ hai ở đây tôi mới biết để tham gia.

Tôi ngồi khoanh chân trên bồ đoàn toạ cụ, lưng thẳng, tay đặt trong lòng, hai mắt nhắm lại. Trước mắt là một mảng tối đen, mặt anh Ngủ Yên vừa xuất hiện tôi liền sợ hãi mở mắt ra, nhìn quanh thấy mọi người đều nhắm mắt thiền rất nghiêm chỉnh, chỉ có em Ánh là ngồi không thẳng lắm, lưng còng xuống như gù. Tôi nhắm mắt lại thử vào trạng thái một lần nữa, lần này anh Ngủ Yên còn không mặc áo. "!???" Thì ra ngồi thiền nhìn qua đơn giản mà khó đến vậy ha!? Cuối cùng thì tôi ngồi thiền được khoảng 30 phút, trong đó chỉ có khoảng vài phút tôi đạt được trạng thái "vô", nghĩa là trong tâm trí không chứa đựng bất cứ thứ gì. Còn lại thì bộ não toàn đưa tôi đến những kí ức linh tinh vớ vẩn.

Đáng ra tôi định ngồi lâu hơn nhưng do em Ánh không chịu được nữa nên mới gọi tôi và em Trang về phòng. Hôm sau trời đổ cơn mưa lớn suốt từ sáng cho đến chiều nên số hoạt động bên ngoài của tôi cũng giảm hẳn. Em Trang thì được dịp lôi cuốn sách trong ba lô ra đọc, tôi nhìn qua thấy tựa đề cuốn sách là "101 Cách Viết Thư Tình Tán Lớp Trưởng", tác giả Đại Bông.

"Em đọc cái thứ này à?" Bình thường tôi không bao giờ để ý chuyện của người khác, nhưng vì tôi không có máy tính điện thoại cũng không có việc để làm nên tôi mới kiếm chuyện để nói như vậy.

"Cái thứ này ý chị là sao? Em còn là học sinh em đọc quyển này là đúng độ tuổi mà, chẳng lẽ chị muốn em đọc Rừng Nauy?"

Tôi còn chẳng biết Rừng Nauy trong ví dụ mà em Trang đề cập đến là sách gì, nhưng vì tôi đùa không vui, em Trang đã căng nên tôi phải xuống nước hỏi thăm:

"À ừ cũng đúng nhỉ. Truyện hay không?"

"Hay lắm chị, em đọc lại hai lần rồi. Chị đọc không?"

"Không, chị hết tuổi đọc rồi." Tôi không nghĩ mình sẽ đọc mấy thứ truyện tuổi học đường nhăng nhít này. Vả lại kí ức về thời cấp ba của tôi không vui vẻ cho lắm. Bọn trẻ con trong trại mồ côi thường sẽ cùng nhau học hết cấp 1, cấp 2, sau đó sẽ có quyền lựa chọn theo học cấp 3 hoặc là học nghề luôn.

Tôi vì được nhận tài trợ từ tài sản bố mẹ để lại, còn được gia đình nhà bác cả bù thêm để tránh nghĩa vụ nuôi dạy nên so với những đứa khác trong trại thì tôi là đứa được ăn học khá tử tế. Chỉ khác ở chỗ là chúng nó dần cũng có ngày được nhận nuôi, còn tôi thì không. Nơi tôi ở khá xa trường cấp 3 , đi lại lúc nào cũng vất vả, đám bạn biết chuyện tôi không có gia đình nhà cửa giống chúng nó, lại thêm không biết đứa nào ác ý tuyên truyền việc tôi mang vận đen đủi tới cho người xung quanh nên cũng hơi có tâm lí xa cách. Tôi thấy vậy cũng chẳng thèm chơi với ai, chỉ biết cố gắng tập trung học hành lo cho tương lai.

Còn nhớ ngày đó đóng tiền học năm nhất đại học đã khiến toàn bộ số tiền viện trợ cũng như tiền tôi tích cóp được bay sạch, tôi phải vừa cố gắng học để lấy học bổng, vừa phải làm thêm để trả tiền ăn ở cực khổ muốn chết nên mới sinh ra một tôi tiêu cực như hiện tại. Có điều nhờ sự nhầm lẫn kia trái lại tôi lại bớt tiêu cực đi đôi chút, cảm thấy cuộc đời còn đẹp chán.

Trời cứ mưa suốt, em Trang đọc xong truyện cũng để một chỗ, tôi thấy bìa truyện trông cũng đẹp nên tò mò lật thử mấy trang cuối, ai dè thấy trong đó viết: "Đăng ***** Diệp, sau đó ****** Diệp, kế tiếp *****..." Tôi liếc nhìn Trang, thầm cảm thấy bố mẹ nó đưa nó lên chùa là đúng lắm.

Với lại, ù mé bà tác giả nào viết truyện học đường mà lại cho mấy cảnh này vào vậy???

Sau cơn mưa lớn kèm cả bão tố sấm chớp kéo dài ba ngày, trời trong và mát mẻ hơn rất nhiều, không khí nóng lui bớt, cảm giác tinh thần cũng dễ chịu hơn. Có điều sau khi trời mưa thì khu rừng sau chùa có nhiều cây cối nghiêng ngả gãy đổ, lá thì rụng đầy đất trông rất lộn xộn. Vậy nên đám người tham gia khoá tu như chúng tôi vô tình được vào hàng ngũ thu dọn.

Tôi là người trẻ tuổi sức dài vai rộng, rất nhanh chóng được tham gia vào đội vận chuyển thân cây gỗ. Quên không nói, nhà chùa vẫn còn đang dùng bếp than để đun nấu, vẫn thường dùng củi để mồi lửa nên tận dụng đống gỗ này rất tốt. Tôi nhiệt tình giúp chuyển thân cây đi một đoạn khá dài, cứ chuyển xong lại vào rừng chuyển thêm cây khác.

Chiều hôm đó tôi còn ngã một lần, lăn mấy vòng dưới đất khiến cả người xước xát, gương mặt trắng trẻo xinh xắn của tôi cũng bị cành cây cọ vào tạo thành một vệt dài trên mặt. Nhưng chỉ là vết xước nhẹ nổi lên vệt máu li ti, có lẽ chỉ rách chút da chứ cũng không để lại sẹo được. Em Trang giúp tôi bôi thuốc, bôi xong mặt bắt đầu chuyển sang vết thương trên người. Lúc tôi kéo áo lộ ra phần tay và vai, tôi nhìn thấy mấy vết hôn đêm hôm đó vẫn còn mờ mờ, giật mình che lại sợ Trang nhìn thấy. Ai dè em Trang chỉ hồn nhiên hỏi tôi:

"Chị bị muỗi đốt nhiều thế? Em thấy ở đây làm gì có muỗi đâu nhỉ?"

Ừ, muỗi đốt. Bình thường tôi cũng không để ý, nhưng nhìn vị trí vết hôn còn lưu lại rõ nhất trên phần vai gần xương quai xanh, tôi mang máng thầm hồi tưởng, hình như trong giấc mơ của tôi, anh Ngủ Yên cũng hay gặm chỗ này.

"Mai là ngày cuối cùng ở đây rồi." Trang đột nhiên nói.

"Ừ." Tôi đáp.

"Năm nay gặp chị ở đây, em với Ánh vui lắm." Ánh không nói gì, Trang quay ra mớm lời:

"Ánh nhỉ?" Ánh là kiều học sinh nổi loạn, có vẻ không hợp môi trường trong chùa lắm nên nó thực sự trông có vẻ không vui thích gì cho cam, nhưng cuối cùng vẫn nói với tôi:

"Em thích màu tóc của chị"

À, ra vậy. Ngày thứ bảy của khoá tu, mọi người trong phòng cùng thu dọn đồ đạc sau bữa trưa. Tôi có xe máy nên chủ động rời đi trước. Nhìn Trang và Ánh đang đứng trước cửa sau của chùa nhìn tôi, mặt Trang hơi mếu, Ánh thì hơi cau mày không rõ đang nghĩ gì. Tôi không có nhiều mối quan hệ thân thiết với bạn bè cùng tuổi hay đồng nghiệp, nhưng sau anh Ngủ Yên tôi lại mở lòng thêm với cả hai con nhóc kém tôi rất nhiều tuổi.

Có lẽ tuổi tác cũng là một phần lí do khiến tôi không quá sợ việc sẽ trở nên thân thiết với chúng, chẳng ngờ lúc chia xa cũng có chút bùi ngùi. Nhưng đoạn kết là một phần của hành trình, có những người ta rất thân thiết vào một thời điểm trong cuộc đời nhưng cuối cùng vẫn sẽ phải chia xa.

Người sẽ cùng mình đi tới cuối đời chỉ có một, nhưng bản thân tôi thì... chẳng biết có ai không nữa.