Doanh Môn Phục Quý

Chương 3: Thay đổi

(**) Cổng nguyệt lượng: loại cổng hình tròn, thường trông như một lỗ tròn được khoét giữa bức tường ngăn hai khoảng sân với nhau.

Trần lão thái thái Đổng thị đang ngồi dựa người trên giường la hán* trò chuyện với Tam cô nãi nãi** bên nhánh cả.

(*) Giường la hán là loại giường bằng gỗ (giống giường phản gỗ của Việt Nam) có miếng gác ở ba cạnh.

(**) Từ gốc là Tam cô nãi nãi, con gái lão thái thái nhánh cả đứng thứ ba trong họ nên được gọi là Tam cô nãi nãi.

Tam cô nãi nãi cầm chén trà khắc hoa mai hồng nhạt lên, nhấp một ngụm. Búp trà Bích Loa Xuân thượng hạng cuộn tròn trong bát sứ, tỏa ra mùi thơm ngát, trà ngon như vậy cũng chỉ có ở chỗ của lão thái thái nhánh thứ hai mà thôi… Lần này bà đến nhánh thứ hai không phải để uống trà mà là vì nhà Tam lão gia vừa trở về từ Phúc Ninh.

(*) Bích Loa Xuân là một trong mười loại trà nổi tiếng Trung Quốc được trồng tại núi Động Đình, huyện Thái Hồ, tỉnh Giang Tô. Búp trà thường kết chặt, cuộn như con ốc, màu trắng xen xanh, mùi thơm ngát, vị ngọt lạnh, khiến cho người uống cảm thấy thư thái, thoải mái, từ triều Đường, Tống đã liệt vào cống phẩm.

Tam cô nãi nãi vừa cùng lão thái thái cười đùa vừa chú ý động tĩnh trong phòng. Kể từ khi đến Phúc Ninh nhậm chức, đây là lần đầu tiên Tam lão gia dẫn gia đình về Kinh, lão thái thái nhánh thứ hai ngoài mặt vui vẻ nhưng bên trong chưa chắc đã thế. Dẫu sao cũng chẳng phải con ruột, lão thái thái nhánh thứ hai vẫn luôn đề phòng Tam lão gia.

Nguyên nhân của chuyện này… Tam cô nãi nãi nhấp một ngụm trà nữa, con cháu trực hệ của Trần thị đều biết, lão thái thái nhánh thứ hai một mực không chịu thừa nhận mình là thϊếp được nâng lên thành vợ kế. Lão thái gia nhánh thứ hai lúc ở Thiểm Xuyên nhậm chức đã tự chủ trương cưới lão thái thái Đổng thị. Dù lúc còn ở Thiểm Xuyên vẫn luôn coi Đổng thị như chính thất, thế nhưng cũng không thoái thác được việc trưởng bối ở nhà đã hỏi cưới Triệu thị cho mình. Tuy lúc ấy Triệu thị vẫn chưa viên phòng với lão thái gia, nhưng do được hỏi cưới đàng hoàng, có sính lễ đầy đủ, vì vậy Triệu thị là vợ cả danh chính ngôn thuận.

Triều Đại Chu chưa từng có chuyện nhập nhằng giữa vợ và thϊếp, Triệu thị dĩ nhiên là vợ còn Đổng thị là thϊếp. Phụ thân Đổng thị là quan thủ thành tam phẩm, tất nhiên không chịu để con gái mình làm thϊếp, lão thái gia nhánh thứ hai liền muốn bỏ Triệu thị. Nhưng Triệu thị xuất thân dòng dõi thư hương, lễ nghĩa đức hạnh đầy đủ, từ khi gả vào Trần gia chưa từng có sai sót gì. Trưởng bối trong tộc ngại với thể diện của họ Trần, hiển nhiên không đồng ý cho lão thái gia nhánh thứ hai bỏ vợ. Thế là lão thái gia nhánh thứ hai liền ở lì tại Thiểm Xuyên với Đổng thị không chịu về Kinh. Triệu thị và Đổng thị chưa từng gặp mặt, cũng chưa hề phân lớn phân nhỏ rạch ròi.

Vốn dĩ cứ để như vậy mãi thì sẽ lợi cho Đổng thị, bởi dù gì Đổng thị cũng đã sinh con cho Trần gia, Triệu thị tuy có công phụng dưỡng trưởng bối, nhưng một mụn con cũng không có…

Ấy vậy mà người tính không bằng trời tính, nam giới vốn là mèo thích ăn vụng, trong một lần có việc phải trở về Kinh, lão thái gia nhánh thứ hai đã bị sự dịu dàng của Triệu thị làm cho rung động, thật sự trở thành vợ chồng với bà suốt một năm. Bụng Triệu thị cũng không chịu thua kém, vừa sinh là được ngay người con trai, thoáng cái liền áp đảo Đổng thị.

Mà Đổng thị cũng đủ khôn khéo, cùng con cái kiên trì ở lại vùng đất lạnh khủng khϊếp kia, chờ đến khi Triệu thị qua đời mới theo lão thái gia nhánh thứ hai vào Kinh, sau đó nhanh chóng nắm giữ cả nhánh thứ hai.

Lão thái thái Đổng thị của nhánh thứ hai Trần gia tuy muốn gió có gió muốn mưa có mưa, nhưng đến nay vẫn không hề từ bỏ chuyện tranh giành vị trí chính chê. Phải biết rằng Triệu thị là vợ cả do chính tay trưởng bối Trần gia lựa chọn, tên tuổi đã sớm được ghi vào gia phả nhà họ Trần. Tam lão gia do Triệu thị sinh ra cũng đã thành con vợ cả. Cho nên hễ là chuyện liên quan đến vị trí con vợ cả, Đổng thị liền đau đầu không thôi.

Tam cô nãi nãi đặt chén trà xuống bàn, đang định ướm lời muốn gặp Lục tiểu thư của Tam lão gia thì bên ngoài chợt vang lên tiếng quát của ma ma bên cạnh Đổng thị, “Sao lại bất cẩn như vậy.”

Không biết tiểu nha hoàn áo xanh nói cái gì đó, thoáng cái đã thấy vành mắt sưng đỏ.

Tam cô nãi nãi làm như không để ý thấy, nhìn sang chỗ khác, nhưng vẫn dỏng tai lắng nghe giọng nói đứt quãng từ bên ngoài vọng vào.

“Món Phúc Kiến làm không đúng vị nên Lục tiểu thư…”

Món Phúc Kiến… hẳn là nhà Tam lão gia mới từ Phúc Ninh trở lại nên không quen đồ ăn ở Kinh thành, so với Phúc Ninh thì khẩu vị ở Kinh thành hơi mặn hơn.

Tam cô nãi nãi liếc nhìn Hân ma ma bên cạnh mình, Hân ma ma lập tức cười nói: “Để nô tỳ đi lấy lễ vật mà nãi nãi chuẩn bị cho Nhị lão thái thái.”

Tam cô nãi nãi mỉm cười gật đầu, đã có động tĩnh thì ra ngoài hỏi thăm chút cũng tốt. Lúc trước mẹ bà có quan hệ không tệ với Triệu thị – mẹ của Tam lão gia, thế nên đến giờ mẹ bà vẫn hay nhắc tới gia đình của Tam lão gia. Lần này Tam lão gia dẫn hai đứa con trở lại, mẹ bà cũng có ý muốn gặp. Có thể nghe ngóng chút tin tức thì trở về bà cũng có thứ mà báo lại.

Một lát sau Đổng ma ma từ bên ngoài đi vào.

Dù sao cũng là người bên cạnh lão thái thái, bất kể gặp chuyện gì cũng luôn bình tĩnh, “Lão thái thái, thức ăn đã được chuẩn bị xong rồi ạ.”

Tam cô nãi nãi đứng dậy, đi tới đỡ Trần lão thái thái.

Ngoài cửa chợt vọng vào tiếng của tiểu nha hoàn: “Tứ tiểu thư đến.”

Tam cô nãi nãi quay đầu nhìn ra cửa, tấm rèm xanh nhạt nhẹ nhàng được vén sang một bên, Trần Tứ tiểu thư Lâm Phương bước vào phòng, áo gấm màu hồng cánh sen, bên ngoài khoác áo sa mỏng màu tím nhạt có thêu kim tuyến, cổ đeo khóa như ý chạm trổ hình mẫu đơn tinh xảo, tóc búi kiểu lăng yến cài chuỗi ngọc tết tơ vàng, đeo trang sức bằng san hô.

Tam cô nãi nãi lập tức nở nụ cười.

Trần lão thái thái nói: “Biết nãi nãi thích Lâm Phương nên cố ý gọi con bé tới chơi với nãi nãi đấy.”

Tứ tiểu thư Lâm Phương là con gái của Trần nhị lão gia, vừa xinh đẹp vừa dịu dàng, trang nhã, rất được trưởng bối trong tộc yêu thích. Trần lão thái thái còn mời nữ tiên sinh tới dạy học cho Lâm Phương từ rất sớm, hai năm qua trong Kinh ai cũng biết Trần gia có một vị Tứ tiểu thư tài mạo song toàn.

Lâm Phương tiến lên đỡ cánh tay còn lại của Trần lão thái thái.

Tam cô nãi nãi thân thiết nói: “Vốn dĩ định đón cháu tới chỗ ta chơi một lát mà chỉ sợ lão thái thái không chịu.”

Trần lão thái thái phì cười, “Mau dẫn con bé đi đi, có bị phiền cũng chẳng phải là ta.”

Lâm Phương nhìn Tam cô nãi nãi mỉm cười rồi quay sang nhận lấy một cây quạt trong tay nha hoàn cạnh mình, “Cháu vừa thêu xong hình hoa sen cho cây quạt này, đang định cho người đưa tới chỗ cô mẫu đây.”

Quạt thêu bằng chỉ tơ thế này, có thể nói là phải tốn không ít công sức. Lúc trước thấy lão thái thái nhánh thứ hai có một cây, bà chỉ thuận miệng khen một câu, không ngờ con bé Lâm Phương này lại nhớ trong lòng.

Nụ cười trên mặt Tam cô nãi nãi càng tươi hơn, “Con bé này, không sợ hỏng mắt à.”

Lâm Phương nhoẻn môi cười, thân thiết nói: “Cô mẫu thích là được rồi.”

Không những xinh đẹp mà tính tính cũng tốt, Tam cô nãi nãi càng nhìn càng thích. Nhánh cả ít con cháu, mẹ bà vốn là người lạnh nhạt nên cũng không hay qua lại với thân quyến, chỉ có Lâm Phương là thường qua trò chuyện với mẹ bà. Đã chừng ấy năm mà con bé này vẫn không thay đổi.

Mấy người đang nói chuyện thì chợt nghe nha hoàn bên ngoài hô: “Lục tiểu thư tới.”

Tất cả mọi người thoáng kinh ngạc.

Hai mắt Tam cô nãi nãi hơi sáng lên, chẳng phải Lục tiểu thư đang bệnh phải nằm giường sao? Sao có thể đứng dậy rồi?

Trần lão thái thái đặt chén trà trong tay xuống, “Con bé này, người không khỏe sao còn tới đây.”

Lâm Di đứng ở bậc cửa, cách tấm rèm lưu ly, vừa vấn an Trần lão thái thái vừa cúi người chào người phụ nữ lạ mặt cạnh đó.

Trần lão thái thái cười hiền từ, “Mau vào đi.”

Được cho phép Lâm Di mới vén rèm tiến vào.

Tam cô nãi nãi quan sát đứa cháu gái thứ sáu chưa từng gặp này từ trên xuống dưới một lượt. Lục tiểu thư Lâm Di mặc áo màu hồng phấn thêu hoa, eo thắt dây lụa xanh, tóc búi kiểu song loa thường thấy ở các bé gái, hoàn toàn là cung cách khi ở nhà, so ra thì không chỉn chu bằng Lâm Phương, nhưng cũng vô cùng xinh đẹp, thùy mị.

Trần lão thái thái giới thiệu với Lâm Di: “Đây là Tam cô mẫu của cháu, nhiều năm không gặp còn hơi xa lạ, sau này qua lại nhiều hơn là được.”

Lâm Di lễ phép quỳ xuống hành lễ với Tam cô nãi nãi.

Tam cô nãi nãi tươi cười bước tới đỡ Lâm Di dậy, “Đường nét gương mặt của con bé này rất giống Tam đệ.”

Trần lão thái thái vẫn cười rất hiền, nhưng nét mặt Đổng ma ma đã hơi sượng cứng.

Tim sen có đắng hay không chỉ người ăn mới biết, nụ cười trên mặt Tam cô nãi nãi càng thêm tươi tắn, Tam đệ trưởng thành giống Triệu thị, bà cố ý nhắc tới Triệu thị là muốn cho lão thái thái nhánh thứ hai biết, cuộc sống giàu sang phú quý không dễ hưởng thụ như vậy đâu.

Trong phòng trở nên yên tĩnh hẳn, ngay cả huân hương tỏa ra từ lư hương cũng nhẹ nhàng mà bay lên.

Lâm Di quay người nhận lấy hộp thức ăn trong tay Quất Hồng, không có việc không lên điện Tam Bảo, vợ Trần Nhị cho nha hoàn đưa tới nhiều món Phúc Kiến cầu kỳ như vậy, e rằng chẳng phải vì sợ nàng trách tội, “Mấy ngày nay đều nhờ được tổ mẫu quan tâm chăm sóc nên bệnh của cháu mới nhanh khỏi như vậy.”

Nhìn món ăn Phúc Kiến trên bàn, Trần lão thái thái nở nụ cười, “Con bé này, sao lại khách khí với tổ mẫu như thế.”

Lâm Di cười nói: “Nhà bếp sợ cháu không quen khẩu vị trong Kinh nên cố ý làm riêng cho cháu ăn, cho nên cháu cũng chỉ là mượn hoa hiến Phật* mà thôi.”

(*) Mượn hoa hiến Phật: thành ngữ chỉ chuyện dùng của người này để lấy lòng người khác, giống như lấy xôi làng đãi ăn mày.

Như thể hiếm khi có được con cháu có lòng hiếu thảo như vậy, Trần lão thái thái kéo Lâm Di tới ngồi cạnh mình, “Cháu không biết ta đau lòng thay các cháu thế nào đâu. Ta đã bảo cha cháu đưa huynh muội cháu vào Kinh từ sớm để ta chăm sóc, cho cha cháu tập trung vào con đường làm quan của mình. Nhưng cha cháu lại không nỡ, một mực giữ con cái kè kè bên người, cho nên các cháu mới phải theo nó hối hả ngược xuôi, chịu biết bao cực khổ như thế.”

Trần lão thái thái trông hệt như một người bà hiền hậu, giọng điệu nhẹ nhàng khiến ai nghe cũng cảm động đến suýt rơi nước mắt. Bà ta đưa tay ôm Lâm Di vào lòng, vừa nói vừa cảm thán giống như đang vô cùng hối hận.

Lâm Phương cũng bước tới ngồi xuống, thân thiết nắm tay Lâm Di, “Lục muội muội trở lại, chắc hẳn tổ mẫu cũng nhẹ nhõm hơn.”

Trần lão thái thái cười nói: “Bây giờ ấy à, chỉ toàn là việc vui thôi.” Nói xong lại hỏi Lâm Di: “Cháu thấy trong người thế nào? Có cần mời lang trung đến khám lần nữa không?”

Lâm Di rời khỏi lòng Trần lão thái thái, trải qua một màn vừa rồi, nàng cũng bớt khách sáo đi, “Cháu gái đã khỏe hơn nhiều rồi ạ, trước giờ cháu rất ít khi ngã bệnh, lần này có lẽ là do đường sá xa xôi nên mới sinh bệnh.”

Tam cô nãi nãi bên cạnh nghe vậy thì cười nói: “Ta đi xa nhất cũng chỉ mới tới bồi đô*, khổ cho Lâm Di, khi không phải theo Tam đệ đi một quãng đường xa như vậy.”

(*) Bồi đô: Thủ đô thứ hai, chỉ thành phố lớn thứ hai của một đất nước, với quy mô kinh tế, chính trị, văn hóa,… tương đương với thủ đô.

Khi không đi một quãng đường xa như vậy…

Ý của Tam cô nãi nãi là nàng không nên theo phụ thân vào Kinh hay là nhà bọn họ không nên dọn đến nơi xa xôi như Phúc Ninh?

Bất kể là ai cũng có thể nghe được ẩn ý trong câu này.