Vào lúc trời nhỏ cơn mưa cuối cùng trong những ngày đếm ngược của năm cũ, Quỳnh quyết định chọn đó chính là ngày mình ra đi.
Nàng giấu được lọ thuốc trừ sâu từ đám người thuê làm ruộng của Mợ Hai mang đến hôm qua. Trước đêm giao thừa hai ngày, Quỳnh bó gối ngồi dưới sàn nhà, nhìn chằm chằm lọ thuốc kia hồi lâu, không biết suy ngẫm điều gì.
Kể từ khoảnh khắc bước vào căn nhà này, sống vui vẻ đã là điều quá xa vời với nàng, chỉ riêng một chữ "sống" thôi, đã phải đánh đổi bằng hàng chục đêm đấu tranh dằn vặt với lý trí mới giành lấy được, vậy thì hai chữ vui vẻ, làm sao có thể tìm thấy giữa cuộc sống không khác gì địa ngục? Hơn một lần nàng nghĩ đến chuyện chết đi, ấy thế mà, khi đã sở hữu không gian và thời gian, có cả chất xúc tác, tất cả mọi điều kiện hài hòa nhất trên đời, Quỳnh lại chần chừ không xuống tay được.
Cứ mỗi lần Quỳnh nghĩ đến chuyện mình sẽ vĩnh viễn nhắm mắt lại, nụ cười dịu dàng trong đêm trăng hôm ấy, cả hình ảnh cuối cùng khi nhìn thấy người kia đứng trước thềm cửa nhà, đám mây chứa đựng ký ức ùn ùn kéo tới, tầm mắt nàng sẽ trở nên tối sầm lại như ai vừa đổ mực lên. Tới tận hôm nay, ngồi trước lọ thuốc trừ sâu đã mở nắp sẵn, Quỳnh vẫn bị cơn choáng váng chiếm lấy hết can đảm để hành động.
Quỳnh không nỡ, bởi nàng đã đặt ra hàng chục ngàn chữ "nếu".. nếu như có một ngày nàng đi rồi, những bí mật cùng khối hình ảnh khổng lồ nàng lưu giữ chỉ dành riêng cho một mình chàng, ai sẽ là người từng chút một nâng niu bảo vệ nó, coi nó quý giá hơn sinh mạng trong đời? Cái chết thật sự là khi không còn ai nhớ tới mình đã từng là ai, đã từng xuất hiện trên thế giới này, huống chi Quỳnh vẫn đang sống trong sự nhung nhớ từng ngày đối với người thương, còn có thứ để bảo vệ, vì vậy ít ra, nàng tự thấy trên đời sống này mình vẫn còn chút giá trị tồn tại chứ nhỉ?
Dạo này, mỗi ngày của Mợ cả khi thấy Quỳnh, câu đầu tiên sẽ là: "Con này có sức sống ghê gớm thật đấy nhỉ."
Bà không biết, sở dĩ vì sao đêm đó, hay thậm chí là bao nhiêu đêm trước, nàng không mạnh tay kết thúc cuộc đời mình, là còn có lý do khác. Bản thân Quỳnh có bao nhiêu hơi tàn, mạng sống thối nát, thậm chí từ khi sinh ra đã mang tai tiếng "con vợ lẽ" xấu xa trên lưng, lớn lên thì khôi hài thay tiếp tục cái danh đó; bây giờ cả người lại ngâm trong đầm lầy bẩn thỉu nhơ nhuốc, những điều này Quỳnh đều rõ ràng cả.
Tất cả đều rửa không sạch được, cho tới bây giờ Quỳnh đã thôi nghĩ tới việc rửa sạch nó.
Chỉ có trong trái tim bị vấy bản của nàng còn che chở một góc nhỏ không nhiễm một hạt bụi, vô cùng tinh khôi, nơi đó đặt một Trần Trang của nàng.
Đó mới chính là thứ níu lấy hơi tàn cuối cùng của Quỳnh để tiếp tục tồn tại trên đời.
* * *
Tết nguyên tiêu lại đến.
Giống với năm trước, trời đầu năm mang cảm giác se lạnh quen thuộc. Khác với cái tết năm ngoái ở trong căn nhà nhỏ chập hẹp tận hưởng sự ấm áp từ bếp lò với chính bản thân mình, năm nay trong căn nhà ba gian rộng mở, người nhiều vô số kể, nhưng Quỳnh lại không cảm nhận được thứ ấm áp tận trong tim phổi giống như khi còn ở một mình nữa.
Trời lạnh, lạnh cả trong tim. Vẫn cái váy đυ.p và áo ngoài mỏng tang, may ra bộ đồ trong có chút đỡ rách nát hơn bộ áo váy cũ ở nhà của Quỳnh. Nàng ngồi phía sân sau bếp, ngẩng đầu nhìn trời chiều ngả màu cam vàng, cảm thấy được nhiều sự đời biến đổi đến lạ trong suy nghĩ.
Dạo này Quỳnh hay nghĩ nhiều triết lý lắm, nàng nghĩ chắc do bị đánh nhiều quá mà ra thôi.
Chưa ngồi yên ổn được một lúc, từ trong nhà truyền ra tiếng Mợ cả gọi. Có thể nói là Quỳnh đã khá quen với phong cách của mấy người trong nhà, ngoan ngoãn cúi đầu bước vào nghe bà phân phó.
Người phụ nữ hằn những nếp nhăn theo thời gian, vẫn cố gắng cùng cuộc đời tranh giành thứ không thuộc về mình, đắp lên trên mặt hàng tấn lớp phấn, bờ môi cũng thoa son đỏ chót, y phục vòng tay các loại trông khác hẳn bộ dạng thô sơ bần hèn của Quỳnh. Cộng thêm vẻ mặt nhìn người ta bằng nửa con mắt, hoàn toàn biến Quỳnh thành một người hầu không hơn không kém, nào còn vẻ kiệu hoa sang trọng khi lần đầu bước vào cửa nữa.
Bà nói Quỳnh hãy đi chợ mua đồ chuẩn bị cho việc cúng kiếng tối nay.
Hết rồi, bà không bảo mua gì hay ai đi cùng Quỳnh, chính là một kiểu cố tình làm khó dễ của Mợ cả trong nhà.
Ai cũng biết, Quỳnh cũng biết, quen rồi.
Lúc đi ra ngoài, bé Mai người ở lén kéo cô sang một bên, thì thầm to nhỏ những thứ cần mua, cùng một lúc nói ra nhiều thông tin như vậy, Quỳnh phải căng não ra mới nhớ được hết không sót thứ nào. Sau khi cảm ơn em, nàng đi ra ngoài, theo sau là một tên hầu khác đi theo để giám sát Quỳnh.
Đường phố trên thị xã lớn hơn hẳn so với chốn thôn làng nhỏ nhắn của Quỳnh. Người đi đường lượt là quần áo, phấn son trang sức cũng cầu kì và trở thành thứ không thể thiếu. Đâu đâu cũng là thứ mới lạ, nếu là Quỳnh của ngày trước, chắc chắn sẽ chạy nhảy hai bước một thích thú, nhìn ngó mọi thứ để không bỏ sót bất cứ điều gì.
Quỳnh của bây giờ, khi được chân chính nhìn ngắm sự tự do, lại bắt đầu sợ hãi trước nó. Thậm chí nàng còn có chút muốn quay về chui rúc trong căn phòng nhỏ xếp chung với kho đựng đồ ở nhà chồng.
Đó mới là nơi duy nhất mà Quỳnh cảm thấy nó thật sự chấp chứa nổi thân phận như mình