Chương 17
Tại phiên tòa quốc tế xét xử tội phạm, cô Mạnh Thư Quyên của tôi cho rằng cô đã gặp người đàn bà khuôn mặt hoàn toàn khác nhưng vóc dáng không hề thay đổi, người đó đúng là Triệu Ngọc Mặc. Khi đó Mạnh Thư Quyên viết một bức thư cho Fabbi Atonado, báo tin rằng Triệu Ngọc Mặc còn sống. Bà ngoại của Fabbi ở Mỹ chết tháng 10 năm 1945, để lại cho Fabbi mồ côi chút gia sản. Fabbi đi Mỹ để bán đi. Trong thư gửi Fabbi, cô tôi kể lại Triệu Ngọc Mặc đã phủ nhận mình là Triệu Ngọc Mặc như thế nào. Thư trả lời của Fabbi đến sau một tháng, anh nói có thể Triệu Ngọc Mặc phải biến thành người khác mới có thể sống sót được.Cùng với sự kiện quân Nhật hủy diệt cướp bóc hãʍ Ꮒϊếp tại Nam Kinh bị tố giác mỗi ngày một nhiều, qui mô của nó hiện ra càng ngày càng rõ, cuộc bám đuổi Triệu Ngọc Mặc của cô tôi cũng ngày càng ráo riết. Cô cho rằng bảy ngày của tháng 12 năm 1937 đã biến đổi cuộc đời cô. Cô kể với tôi, sau khi rời nhà thờ, cô và các bạn phát hiện mình thường buột miệng nói những từ của gái làng chơi hoặc buột miệng hát những câu hát của họ, những câu hát đầy sức sống nhưng bẩn thỉu được các nữ sinh bắt chước hoàn toàn vô thức. Nếu có cãi nhau thì các cô không còn là những cô gái ngoan nết nữa mà cũng thô bạo, chẳng ai nhường ai, người này văng tục người kia văng tục hơn. Một khi phá bỏ điều cấm kị, các cô bỗng cảm thấy chẳng có gì ghê gớm cả, con trai con gái cũng thế, ai chẳng nói mỗi chuyện đó? Khi cần trút giận thì chẳng ngôn từ nào trút giận hiệu quả bằng ngôn từ của gái làng chơi. Sau đó mấy tháng Fabbi Atonado bỏ ra bao nhiêu công sức cũng không thể biến các cô trở lại như các cô bé hát đồng ca ngày xưa.
Nói đến đây, cô tôi cười: “Fabbi làm sao biết được đó là sự giải phóng lớn lao của chúng tôi, chúng tôi học được ở những người đàn bà bị bán làm con nô tỳ thấp hèn cách giải phóng bản thân.”
Năm tôi hăm chín tuổi, cô Mạnh Thư Quyên của tôi hoàn thành việc điều tra về tung tích của mười ba cô gái sông Tần Hoài.
Triệu Ngọc Mặc là người duy nhất sống sót, cũng chính cô là người làm chứng lần đó các sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật Bản đã chia sẻ với nhau thân xác của cô và mười hai “nữ sinh” khác. Trong đó có hai cô định dùng dao ăn (lấy ở phòng ăn của nhà thờ Wilson) chống lại, bị gϊếŧ tại chỗ. Còn lại mười một cô sau khi bọn sĩ quan sử dụng, bị ném vào Sở phục vụ mới thành lập. Trong hai ba năm, các cô liên tiếp theo nhau lìa đời, có cô bị bắn chết vì định bỏ trốn, có cô chết vì nhiễm bệnh, cá biệt có cô chết vì tự sát. Sự sống sót của Triệu Ngọc Mặc có thể là do diện mạo và dáng điệu khác thường của cô, những kẻ hành hạ thân xác cô là sĩ quan hạng trung và hạng dưới, cho nên sự canh gác dần dần nới lỏng, cuối cùng cô trốn thoát được. Có thể cô trốn sau khi ở Sở phục vụ bốn năm. Còn tại sao cô thay đổi diện mạo, cô tôi không tìm được câu trả lời và tôi cũng không tìm được câu trả lời.
HẾT