Miêu Phủ: Tiền Kiếp Sáu Trăm Năm

Chương 41: Miếu thần rừng

Nhờ đó thuyền của Trần Long đưa tù nhân đến nơi an toàn. Công việc áp giải đã xong, hắn phải trở về nhưng vẫn luyến tiếc, cố khuyên Khao Miêu quay về. Hắn không hiểu nổi tại sao cô lại lựa chọn bỏ kinh thành tấp nập để về nơi rừng núi hoang sơ này.

Những người nhà họ Văn tưởng chừng đã thoát được nạn trùng tang, họ không biết khi nãy chỉ là uy phong của tướng sĩ làm thần trùng sợ lúc đó thôi. Mười mấy người nhà họ Văn bị đày đi khổ sai khai khẩn đất hoang sát vùng biên giới, người bị thú rừng ăn thịt, người bị núi lở vùi xác, người bị lạc mất xác trong rừng thiêng nước độc,… trong vòng một tháng không còn ai sống sót…

Miếu của A Phủ được xây lên, dân bản vùng đó truyền tai nhau gọi là miếu thần rừng.

Năm xưa A Phủ là công thần cứu giá vua, được thưởng cho mấy chục mẫu đất.

Xây xong miếu cho cậu vẫn còn dư ra bạt ngàn đất, Khao Miêu bỗng chốc lên chức vợ của địa chủ. Trước khi rời khỏi Hà phủ, cô đã theo chỉ dẫn của mẹ A Phủ, đào đủ mười mảnh thân thể bị phân chia chôn khắp nơi của bà lên, đưa về đây chôn cất cẩn thận.

Trần Long trở về đến kinh thành, nghe tin Hà phủ gặp chuyện. Vụ tham ô đã tra đến tên Hà lão gia rồi. Hà phủ bị tịch thu hết tài sản, kết cục cũng giống như Văn phủ ngày trước. Hà lão gia bị xử trảm, những người còn lại bị đày đi khổ sai khai khẩn đất hoang vùng biên giới.

“Cậu hai với cậu út đều ch.ết rồi?”

Khao Miêu gặp lại mợ hai với cô ba, cả hai đều người ngợm bẩn thỉu, mặt mũi xơ xác. Hỏi ra mới biết Hà phủ bị cháy lớn, cậu hai với cậu út không chạy được nên đã chôn thây trong biển lửa.

Cô ba bị bên nhà chồng viết thư bỏ vợ, sau vụ cháy lớn đó cái thai trong bụng cô ta cũng không giữ được.

“Cháy lớn, nguyên do từ đâu?”

“Chị dâu, có kẻ phóng hoả đốt cả nhà chúng ta đó! Chính mắt con hầu của em nhìn thấy, đáng tiếc nó ch.ết cháy rồi, không còn ai làm chứng nữa…”

Mợ hai khóc nức nở nói, mợ ta ra sức lấy lòng Khao Miêu mong được nương nhờ chỗ cô. Còn cô ba thì mặt mày ủ rũ, thà chịu khổ sở cũng nhất quyết không lấy lòng cô. Khao Miêu đã nhìn thấu lòng dạ của cả hai người này nên cũng mặc kệ. Tù nhân bị đày khổ sai, tự có quân lính cai quản, không đến lượt cô can thiệp.

Nhưng mà, nhìn điệu bộ của mợ hai không giống kẻ nói dối. Hà phủ gây thù chuốc oán với ai mà lại bị phóng hoả đốt sạch cả nhà chứ? Kẻ phóng hoả đó có thể là ai?

Nơi đây rừng núi hoang sơ, có nhiều thú dữ, dân bản thường đến miếu của A Phủ để cầu bình an. Ngay cả những người lính làm công việc cai quản tù nhân cũng thường xuyên ghé qua, ai cũng kính trọng vợ chồng A Phủ.

Cứ một tháng những người lính lại đổi phiên cho tốp lính khác đến thay, nhờ đó Khao Miêu nghe được một tin chấn động từ kinh thành: Trần Long sắp cưới vợ.

“Thế à?”

Cô bảo con Đậu dẫn thằng Bờm đi chỗ khác chơi, tránh cho nó nghe được cha ruột cưới vợ mà đau lòng. Cô đâu biết thật ra trong lòng nó chẳng có gì buồn cả. Vì vốn dĩ trước giờ Trần Long cũng không quá quan tâm nó, đối với nó người cha này rất mờ nhạt.

Còn chẳng bằng dượng A Phủ, tuy hay trêu với doạ nó sợ, nhưng lại tìm thầy dạy văn võ đầy đủ cho nó.

“Trần Long cưới ai? Chắc là thân phận quyền quý lắm nhỉ?” - Khao Miêu nói chuyện với mấy người lính.

Trần Long bây giờ lập công trạng chẳng khác A Phủ năm xưa là bao. Với địa vị bây giờ của hắn, có khi cưới công chúa con vua còn được ấy chứ.

“Là cô cả nhà nhà họ Vũ - Vũ Nguyệt đấy ạ.”

“Ra vậy…”

Là nhà họ Vũ mà lần đó suýt bị tóm trong vụ án canh thai nhi. Trần Long lấy vợ cũng tốt, có cô vợ quản lại, đỡ cho hắn cứ suốt ngày tìm cô đòi nối lại tình xưa. Cô càng lúc càng không nhìn thấu nổi con người của Trần Long, ngày trước cứ một mực chèo kéo cô, ngoắt một cái đã đi cưới người con gái khác được.

Đêm nay, Khao Miêu đang nằm ngủ bỗng bị đánh thức bởi tiếng tù và inh ỏi. Những người trai bản thổi tù và đánh thức toàn bộ dân bản dậy, cô nghe tiếng bước chân chạy rầm rầm bên ngoài, và cả tiếng người la hét.

Theo trí nhớ của cô, vùng biên giới phía tây của Đại Việt giáp với nước Lan Xang (Lào). Quan hệ giữa hai nước vốn không mấy hoà hảo. Bên đó thường cho quân sang đánh phá biên giới Đại Việt. Sau này xảy ra chiến tranh Đại Việt - Lan Xang, tuy Đại Việt chiến thắng nhưng cũng tổn thất không ít mạng người.

Dân bản kéo nhau chạy đến miếu A Phủ, quân lính hai bên đánh nhau nguyên một đêm. Trong tình cảnh lộn xộn, Khao Miêu bỗng cảm nhận có một ánh mắt sắc lạnh nhìn thẳng vào mình, lẫn trong đám người dân bản đang chạy nháo nhác.

Gần sáng quân địch rút lui, quân ta cấp tốc báo tin về kinh thành. Vua cho tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới, ròng rã một tháng quân địch luôn đem quân đánh phá nhưng đều bị quân ta đánh lui.