Giao Lộ Sinh Tử

Chương 4

Tôi thấy được hồn người đã chết. Và rồi, có Chúa chứng giám, tôi phải thực hiện việc gì đó liên quan đến chuyện ấy.

Chiến lược tiên phong này đáng thực hiện nhưng lại nguy hiểm. Có hôm nó dẫn đến kết quả số lượng quần áo cần giặt khác với ngày thường.

Sau khi thay quần jeans sạch và áo phông trắng tinh, tôi đi vòng đến cổng sau nhà bà Sanchez để xác nhận với bà rằng bà vẫn hiện hữu, một việc sáng nào tôi cũng làm. Qua cánh cửa lưới, tôi thấy bà đang ngồi tại bàn nhà bếp.

Tôi gõ cửa và bà lên tiếng, “Con có nghe giọng bà không?”

“Dạ có thưa bà,” tôi trả lời. “Con nghe giọng bà rõ lắm.”

“Con nghe giọng ai?”

“Bà Rosalia Sanchez.”

“Vậy vào đi, Odd Thomas,” bà nói.

Gian bếp của bà tỏa mùi thơm của ớt và hoa ngô đồng, trứng rán và phô mai Jack[4]. Tôi là đầu bếp chế biến thức ăn nhanh xuất sắc nhưng bà Rosalia Sanchez lại là một đầu bếp thiên bẩm.

Mọi thứ trong gian bếp của bà đều lâu đời và cũ kỹ nhưng cực kì sạch sẽ. Đồ cổ giá trị hơn khi thời gian và độ bền phủ lên chúng lớp bề mặt bóng loáng. Gian bếp của bà Sanchez đẹp như món đồ cổ tinh xảo nhất, lớp bề mặt bóng loáng vô giá có từ sự nghiệp cả đời người và từ công việc nấu ăn được thực hiện bằng niềm vui thích và lòng yêu thương.

Tôi ngồi xuống đối diện bà.

Bà bao tay quanh cốc cà phê thật chặt để khỏi run. “Sáng nay con đến muộn đấy Odd Thomas.”

Lúc nào bà cũng gọi cả tên họ của tôi. Thỉnh thoảng tôi ngờ rằng bà nghĩ Odd không phải một cái tên mà là tước hiệu hoàng tộc, như Hoàng tử hay Công tước chẳng hạn, và thường dân nhất định phải thực hiện nghi thức giao tiếp đó khi gọi tôi.

Chắc bà tưởng tôi là con trai của một vị vua hết thời, sa sút đến độ rơi vào tình trạng khố rách áo ôm nhưng dù sao vẫn đáng được tôn kính.

Tôi lên tiếng, “Dạ con đến muộn, xin lỗi bà. Thật là một buổi sáng kì lạ.”

Bà Sanchez không biết gì về mối quan hệ đặc biệt của tôi với người đã khuất. Không bận tâm tới những người chết du hành đến ga-ra thì bà cũng đã có đủ rắc rối rồi.

“Con có thấy được bà đang mặc gì không?” giọng bà đầy lo âu.

“Quần vàng nhạt, áo màu vàng đậm pha nâu.”

Bà đổi sang vẻ mặt tinh quái, “Con có thích chiếc nơ bướm trên tóc bà không, Odd Thomas?”

“Không có chiếc nơ nào hết. Bà đang buộc tóc bằng dây ruy băng màu vàng. Trông đẹp lắm.”

Lúc còn trẻ, ắt hẳn bà Rosalia Sanchez phải cực kì xinh đẹp. Ở độ tuổi sáu mươi ba, tăng thêm vài pao, có thêm vài vết sẹo và nếp nhăn từng trải, bà sở hữu vẻ đẹp sâu lắng của một người phúc hậu: tính khiêm tốn đáng mến và sự dịu dàng do thời gian truyền thụ, hào quang lung linh của lòng yêu thương và nghị lực, xuất hiện vào những năm cuối đời, chắc chắn đánh dấu gương mặt của những ai về sau sẽ được phong thánh.

“Khi con không đến vào giờ như thường lệ...” bà nói, “... bà tưởng con đã đến đây nhưng không thể nhìn thấy bà. Và bà tưởng bà cũng không thể nhìn thấy con được nữa, khi bà trở nên vô hình đối với con thì con cũng trở nên vô hình với bà.”

“Con chỉ đến muộn thôi,” tôi quả quyết để bà yên tâm.

“Trở nên vô hình thật là điều khủng khϊếp.”

“Dạ phải, nhưng con sẽ không cần cạo râu thường xuyên.”

Lúc bàn luận về chuyện vô hình, bà Sanchez không cho phép đùa cợt. Khuôn mặt thánh thiện của bà cau lại, lộ vẻ không bằng lòng.

“Khi lo âu về chuyện trở nên vô hình, bà luôn nghĩ mình có thể thấy mọi người, chỉ có điều mọi người không thể nhìn hay nghe thấy bà.”

“Trong mấy bộ phim cũ về Người vô hình,” tôi nói, “bà có thể nhìn thấy hơi thở của anh ta khi anh ta đi ra ngoài trong thời tiết lạnh như băng.”

“Nhưng nếu mọi người trở nên vô hình với bà khi bà đã vô hình với họ,” bà tiếp lời, “thì có khác gì bà là người cuối cùng trên thế giới đâu, cả thế giới trống không chỉ mỗi mình bà cô độc lang thang quanh quẩn.”

Bà Sanchez rùng mình. Bà siết chặt cốc cà phê làm nó va vào chiếc bàn.

Khi nói về chuyện vô hình, bà Sanchez như đang nói đến cái chết, song tôi không chắc bà có nhận ra điều đó không.

Nếu ngay năm đầu tiên của thiên nhiên kỷ mới, năm 2001, diễn ra không tốt đẹp đối với thế giới nói chung thì nó đã diễn ra thật ảm đạm đối với bà Rosalia Sanchez nói riêng, khởi đầu bằng việc mất đi người chồng, ông Herman, vào một đêm tháng Tư. Bà đi ngủ cạnh người đàn ông bà yêu thương hơn bốn mươi năm qua và thức dậy bên cạnh một cái xác. Đối với ông Herman, cái chết đến thật nhẹ nhàng như trước nay nó vẫn thế, đến trong giấc ngủ, nhưng đối với bà Rosalia, cú sốc khi tỉnh giấc bên xác chết đã trở thành cơn chấn động.

Sau năm đó, trong lúc vẫn đang chịu tang chồng, bà không tham gia chuyến đi nghỉ đến New England đã được hoạch định từ lâu cùng gia đình ba người em gái. Sáng ngày mười một tháng Chín, bà thức giấc nhận được hung tin chuyến bay khứ hồi rời Boston của họ đã bị không tặc cướp quyền kiểm soát, biến nó thành tên lửa điều khiển, dùng vào một trong những hành động đáng lên án nhất trong lịch sử.

Bà Rosalia mong mỏi có con cháu, nhưng Chúa không ban cho bà. Herman, các cô em gái, cháu trai, cháu gái của bà là trọng tâm đời bà. Bà mất tất cả những người ấy khi đang ngủ.

Khoảng thời gian giữa tháng Chín và Giáng sinh năm ấy, bà Rosalia phát điên lên vì đau đớn. Phát điên một cách lặng lẽ, bởi bà sống cả đời một cách lặng lẽ và không còn biết sống theo cách nào khác.

Trong cơn điên nhẹ ấy, bà không chịu công nhận người thân của bà đã chết. Họ chỉ trở nên vô hình đối với bà mà thôi. Bản chất của lối ngụy biện đã cầu viện đến một hiện tượng hiếm thấy như từ trường, nó có thể đảo lộn bất cứ lúc nào khiến tất cả những người thân yêu đã mất của bà hiện hình trở lại.

Các chi tiết về tất cả những vụ mất tích tàu thuyền, máy bay tại khu vực Tam giác quỷ Bermuda bà Rosalia Sanchez đều biết nằm lòng. Bà đọc không sót một quyển sách nào có thể tìm thấy về chủ đề này.

Bà nắm rõ câu chuyện kì lạ không thể giải thích về việc vào năm 610 sau Công nguyên, dường như qua một đêm, cả trăm ngàn người Maya ở các thành phố Copan, Piedrars Negras và Palenque đều tan biến.

Nếu bạn đồng ý để bà Rosalia huyên thuyên, bà sẽ nhồi nhét đầy tai bạn cuộc thảo luận nghiêm túc về các vụ biến mất trong lịch sử. Chẳng hạn như tôi biết, nhiều hơn mức muốn biết và rất nhiều hơn mức cần biết đối với một người về việc một sư đoàn gồm ba ngàn binh lính Trung Quốc đã “bốc hơi” gần Nam Kinh vào năm 1939.

“À,” tôi lên tiếng, “chí ít sáng nay bà vẫn hiện hữu. Cứ hân hoan mong đợi, trước mắt bà còn cả khối ngày để hiện hữu mà, đó quả là điều tốt đẹp.”

Nỗi sợ hãi lớn nhất của bà Rosalia là vào đúng ngày người thân của bà hiện hình trở lại, chính bà lại tan biến đi.

Mong mỏi họ quay về nhưng bà khϊếp sợ kết cục.

Bà làm dấu thánh, nhìn quanh gian bếp thân quen và cuối cùng nở nụ cười, “Bà có thể nướng một món gì đó.”

“Bà có thể nướng bất cứ món gì,” tôi nói.

“Con muốn bà nướng cho con gì nào, Odd Thomas?”

“Bà tạo bất ngờ cho con đi,” tôi xem đồng hồ, “Tốt hơn con nên đi làm.”

Bà tiễn tôi đến tận cửa và ôm siết tạm biệt tôi. “Con là cậu bé ngoan, Odd Thomas.”

“Bà làm con nhớ đến bà ngoại Sugars,” tôi nói, “trừ việc bà không chơi bài, không uống rượu và không lái xe vù vù.”

“Con nói nghe thật lọt tai. Con biết không, bà đã ngẫm nghĩ về cuộc đời và tất cả những chuyện của Pearl Sugars. Bà của con rất yểu điệu nhưng cũng…”

“Võ công đầy mình,” tôi gợi ý.

“Chính xác. Một năm nọ, tại lễ hội dâu của nhà thờ có một gã du côn gây rối, hắn nghiện ma túy hoặc rượu bia. Pearl hạ gục hắn chỉ bằng hai cú đấm.”

“Bà ngoại có cú đấm móc sang trái tuyệt cú mèo.”

“Đúng thế, đầu tiên bà con đá hắn ngay vào chỗ hiểm. Nhưng bà nghĩ chỉ cần mấy cú đấm, bà con cũng có thể hạ gục hắn rồi. Đôi khi bà ao ước có thể giống với bà con hơn.”

Từ nhà bà Sanchez, tôi đi qua sáu khu nhà mới đến Quán Vỉ nướng Pico Mundo, nó nằm ngay trung tâm khu thương mại Pico Mundo.

Cứ mỗi phút trôi qua kể từ lúc mặt trời mọc, không khí buổi sáng lại trở nên oi bức hơn. Những vị thần trong sa mạc Mojave không hề biết đến ý nghĩa của cụm từ “vừa phải”.

Bóng râm trải dài vào sáng sớm thu ngắn lại trước mắt tôi, rút lui khỏi những bãi cỏ đang ấm dần lên, những mặt đường nhựa nóng như thiêu đốt, những vỉa hè trải bê tông có thể dùng làm chảo chiên trứng hệt như cái lò nướng tôi sắp bước vào.

Không khí thiếu hẳn sinh khí để chuyển động. Cây cối gục đầu ủ rũ. Chim chóc trốn vào nhánh lá hoặc bay cao hơn so với lúc bình minh, để đến nơi không khí loãng hơn, sức nóng đỡ gay gắt hơn.

Trong không gian tĩnh mịch lừ đừ đó, trên đường từ nhà bà Sanchez đến Quán Vỉ nướng, tôi thấy ba cái bóng di chuyển. Cả ba đều không có khởi điểm vì chúng không phải những cái bóng bình thường.

Lúc còn bé tí, tôi gọi các thực thể này là “vong linh”. Song đó chỉ là một cụm từ khác để chỉ hồn ma, nhưng chúng không phải những hồn ma giống Penny Kallisto.

Tôi không tin có lúc chúng lại ghé qua thế giới này trong hình thù con người hoặc am hiểu cuộc sống này như chúng ta. Tôi ngờ rằng chúng không thuộc về nơi đây, lãnh địa hắc ám muôn thuở mới thật là ngôi nhà mơ ước của chúng.

Hình thù của chúng tựa hồ sương khói. Thân thể không khá hơn gì những cái bóng. Chuyển động êm ru không phát ra tiếng. Mục đích, tuy bí ẩn nhưng không hề tốt đẹp.

Thông thường chúng lượn lờ như mèo, dù bọn mèo này to hơn như người. Đôi khi chúng gần như thẳng đứng thân mình, giống hệt loài sinh vật kì ảo nửa người nửa chó.

Tôi không hay gặp chúng. Mỗi khi xuất hiện, sự có mặt của chúng bao giờ cũng báo hiệu sắp có chuyện chẳng lành dữ tợn hơn cường độ thường thấy và ghê gớm hơn mức độ hay gặp.

Giờ đây đối với tôi chúng không còn là vong linh. Tôi gọi chúng bằng cái tên “ông kẹ”.

Ông kẹ là cụm từ tôi nghe cậu bé du khách người Anh sáu tuổi đã sử dụng để mô tả các sinh vật này khi thoáng thấy một đám bọn chúng đang rong ruổi trong ánh chạng vạng của thị trấn Pico Mundo, lúc ấy tôi cũng có mặt. Ông kẹ là một quái thú nhỏ bé, kinh tởm và được cho là thần bí, sống ở Quần đảo Anh, nó sẽ trèo xuống ống khói để bắt những đứa trẻ hư mang đi.

Tôi không tin những linh hồn tôi nhìn thấy thật sự là ông kẹ. Tôi cũng không nghĩ cậu bé người Anh tin như thế. Cụm từ đó chợt nảy ra trong tâm trí cậu bé chỉ vì cậu không còn tên gọi nào phù hợp hơn cho chúng. Tôi cũng vậy.

Cậu bé là người duy nhất tôi từng quen biết có cùng khả năng quan sát đặc biệt như tôi. Giây lát sau khi thốt ra cụm từ ông kẹ trước mặt tôi, cậu bé bị đè chết, nằm giữa một chiếc xe tải lạc tay lái và một bức tường bê tông.

Ngay lúc tôi đến Quán Vỉ nướng, ba ông kẹ nhập bọn với nhau. Chúng chạy tít phía trước tôi, lờ mờ phát sáng quanh góc phố rồi biến mất như thể chỉ là làn hơi nóng tinh quái, một trò bịp bợm do không khí sa mạc và ánh mặt trời chói chang bày ra.

Điềm chẳng lành.

Có những ngày, tôi thấy thật khó tập trung vào nhiệm vụ đầu bếp chế biến thức ăn nhanh cừ khôi theo đúng khả năng. Sáng nay, tôi sẽ cần nhiều thứ hơn tinh thần kỷ luật thông thường để dồn tâm trí vào công việc và để bảo đảm món trứng tráng, khoai tây, món bánh mì kẹp thịt băm và thịt xông khói ra lò từ vỉ nướng của tôi tương xứng với danh tiếng