Tình Yêu Là Chặng Đường Trở Về

Chương 8

Trong phòng thẩm vấn mờ tối, dưới ánh đèn duy nhất chiếu sáng chiếc bàn có hai người đàn ông, Nguyễn Văn Thái cuối cùng cũng phải khai nhận toàn bộ quá trình hắn lên kế hoạch và sát hại nạn nhân.

Hắn nói một cách rất rành rọt:

“Tối ngày 28/02 tôi quay lại nhà trọ, dùng dây cước buộc vào đồng hồ để căn thời gian mở cửa vào sáng ngày mai, sau đó đặt gối lên ghế và bật máy tính giả vờ như đang chơi game rồi mới ra ngoài. Hôm ấy trong khu trọ có một phòng liên hoan, người ra người vào liên tục, để tránh camera phát hiện, tôi lấy trộm một chiếc áo chống nắng và mũ của một bạn nữ để trên xe rồi đi ra ngoài, đến quán net chơi game đến sáng. Ngày hôm sau tôi đi bộ đến nhà của Quỳnh, lúc qua gian hàng quảng cáo game kia thì như anh nói đấy, tôi thích game đó nên mới dừng lại bốc thăm lấy mô hình”.

“Tiếp tục đi”. Nhân Đức thấy hắn dừng lại mới lên tiếng: “Cậu là sinh viên, được ăn học đàng hoàng, hẳn phải biết rõ thành khẩn mới được khoan hồng”.

“Anh công an, tội của tôi phải tử hình đúng không?”. Nguyễn Văn Thái hỏi một cách dè dặt.

“Tôi không phải là thẩm phán, tôi không quyết định được khung hình phạt của cậu. Nhưng mọi tình tiết trong quá trình thẩm vấn sẽ được ghi chép và trở thành tài liệu để thẩm phán nghiên cứu, từ đó ấn định thành tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ”.

“Tôi muốn sống, muốn được giảm nhẹ hình phạt, tôi muốn có ngày được ra tù làm lại cuộc đời”. Giọng hắn đã bắt đầu khàn đi: “Tôi biết tôi sai rồi”.

Ngón tay Nhân Đức gõ gõ xuống trang giấy dưới bàn, nói một cách nhẹ tênh: “Thế thì tiếp tục đi”.

“Tôi với Quỳnh yêu nhau nên tôi có chìa khoá nhà của cô ấy, mấy hôm đó Quỳnh nói với tôi, cô ấy và bà ngoại về quê mấy ngày, mà đúng dịp đó tôi nghe nói trạm phát điện của chung cư chỗ cô ấy ở đang bị hỏng, phải cắt điện trong buổi sáng ngày 01/3, nên tôi mới gọi Hiên đến trong thời gian ấy để tránh camera”.

“Cậu có người yêu mới rồi mà gọi cô ấy vẫn đến?”

“Hiên vẫn yêu tôi đấy”. Khi nhắc đến hai người phụ nữ, ánh mắt của Nguyễn Văn Thái không nén nổi tự hào: “Cô ấy bảo không quan tâm đến việc tôi có người yêu mới, chỉ cần tôi vẫn còn tình cảm với cô ấy là đủ”.

Như Ý đứng bên ngoài nghe mấy câu này, trong lòng không nhịn được, rủa thầm hai chữ “cặn bã”. Một lúc có quan hệ với hai người phụ nữ, còn nhẫn tâm ra tay s.á.t hại một cô gái thật lòng thật dạ thương mình, hắn đúng là một tên khốn k.iế.p.

Nhân Đức ở bên trong dường như không mấy bận tâm đến chi tiết này, ngữ điệu của anh vô cùng hờ hững: “Cậu đã quan hệ với cô ấy ngay tại phòng ngủ của Quỳnh rồi mới ra tay s.á.t hại?”.

“Thật ra lúc đầu tôi không có ý định g.iế.t Hiên đâu, nhưng cô ấy nói vẫn còn tình cảm với tôi mà vẫn qua lại với thằng khác, ngủ với tôi xong còn nghe điện thoại của thằng đó, tôi ghen, lúc đó giận quá nên mới lấy dao đ.â.m Hiên”.

Sắc mặt Nhân Đức vẫn không một chút biểu cảm: “Vậy tại sao cậu lại lấy tài sản của nạn nhân mang đi cầm?”.

“Tôi… tôi sợ phải đi tù. Tôi sợ người ta tìm thấy tài sản của cô ấy ở chung cư thì sẽ nghi ngờ tôi”.

“Cho nên mới phân x.ác nạn nhân để che giấu?”.

“Vâng, lúc ấy tôi chỉ nghĩ phải làm mọi cách để không ai biết được cô ấy là ai. Tôi nghĩ không có mặt hay vân tay thì không nhận diện được, tôi sẽ không bị phát hiện, thế nên tôi mới lấy dao rồi c.hặ.t những phần đó ra. Chỗ còn lại tôi lên tầng 13 để giấu”.

Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng khi nghe hắn nói những lời này, Như Ý và những người đứng bên ngoài đều có cảm giác căm phẫn đến mức sống lưng run lên bần bật.

Đăng Dương mặt đỏ phừng phừng, giơ tay cởi cúc áo quân phục trên người ra định xông vào, không cần nói cũng biết muốn cho tên khốn đó một trận. Như Ý sợ xảy ra chuyện, phải vội vã giữ lấy tay anh ta: “Anh bình tĩnh”.

“Khốn k.iế.p”. Đăng Dương chửi thề một tiếng: “Thằng c.hó này không phải là con người nữa. Mẹ nó chứ, thằng c.h.ó”.

Anh ta nói to đến mức giám sát viên đứng bên cạnh cũng phải quay sang quắc mắt cảnh cáo: “Nếu còn làm ồn thì cậu tự giác ra ngoài”.

Đăng Dương bực đến nỗi hai tay siết chặt thành nắm đấm, không cam tâm nhìn chằm chằm vào bên trong, Như Ý thấy cả người anh ta căng cứng, đành phải nhỏ giọng nói: “Đợi hắn ra khỏi phòng thẩm vấn…”.

Đăng Dương quay sang nhìn cô, hiểu được ý của Như Ý, cuối cùng đành phải nuốt cơn giận xuống.

Ở bên trong căn phòng kia, giọng Nhân Đức vẫn đều đều hỏi Nguyễn Văn Thái:

“Vậy những phần còn lại của cô ấy ở đâu?”

Nguyễn Văn Thái thấy Nhân Đức không phát hiện ra mấy nói dối vừa rồi của mình, hắn cho rằng đã qua mắt được anh, khai ra nơi vứt những phần thi thể kia cũng chẳng sao cả: “Tôi bỏ vào ba lô, mang về quê, lúc đến sông Cấm thì vứt xuống”.

“Vứt thế nào?”. Giọng nói của anh vẫn đều đều, nhưng ánh mắt lại không bỏ sót bất kỳ biểu cảm nào trên gương mặt của Nguyễn Văn Thái: “Từ trên cầu ném xuống hay ra bờ sông thả xuống?”

Hắn không cảm nhận được nguy hiểm từ anh, thành thật đáp: “Tôi đứng ở giữa cầu, sau đó cầm ba lô quăng xuống”.

“Tất cả đều ở trong ba lô à? Còn giấu ở nơi nào nữa không?”.

“Hết rồi, tôi gom lại rồi vứt xuống sông thôi, không còn chỗ nào nữa”.

Nhân Đức nghe xong liền quay đầu nhìn ra ô cửa kính, đây là kính một chiều, người bên ngoài có thể nhìn vào bên trong nhưng ở bên trong lại không thể thấy được bên ngoài. Tuy nhiên, ánh mắt thẳng tắp của anh giống như có thể xuyên qua ô kính đó, chạm vào khuôn mặt của Như Ý.

Nhân Đức nhấn mạnh từng chữ: “Quá trình thẩm vấn của tổ tư vấn tâm lý kết thúc. Xác định xong vị trí những phần còn lại của thi thể nạn nhân, đề nghị đội 1 lập tức triển khai tìm kiếm”.

Giám sát viên ấn một nút trên loa, nói vào bên trong: “Xác nhận quá trình thẩm vấn của tổ tư vấn tội phạm kết thúc”.

Sau khi giám sát viên xác nhận, Nhân Đức vốn phải đứng dậy ra bên ngoài, nhường lại phòng thẩm vấn cho Đăng Dương hoặc những người khác, để họ tiếp tục khai thác thêm lời khai của hung thủ.

Tuy nhiên, lúc giám sát viên đã tắt hết thiết bị ghi âm và ghi hình rồi mà Nhân Đức vẫn chưa có ý định đi ra, anh vẫn yên tĩnh ngồi yên một chỗ, ánh mắt chằm chằm nhìn Nguyễn Văn Thái.

Đăng Dương đang hùng hổ muốn đi vào, thấy vậy liền cau mày:

“Cậu ấy muốn làm gì vậy?”

“Em không rõ”. Như Ý nhìn nửa gương mặt nghiêng nghiêng của anh, phát hiện ra thái độ của Nhân Đức lúc này khác hẳn vừa rồi. Không còn vẻ thờ ơ lạnh nhạt nữa mà sắc bén tựa như dao, sống lưng thẳng tắp.

Cô chợt hiểu ra, vội vã ngăn giám sát viên lại: “Khoan đã, anh ấy đang dùng đòn tâm lý đối với hắn”.

“Đòn tâm lý?”. Giám sát viên nghi hoặc nhìn cô: “Không phải là thẩm vấn xong rồi à?”.

Như Ý chưa kịp mở miệng, ở bên trong, giọng của Nhân Đức vang lên:

“Ban nãy chỉ là thẩm vấn về quá trình gây án đối với nạn nhân Hiên, bây giờ hỏi cậu thêm một việc”.

“Vâng”.

“Sau khi gây án xong, cậu quay lại hiện trường làm gì?”

“Tôi kiểm tra xem mình có bị nghi ngờ không. Lúc đó tôi nghe báo chí đưa tin, tôi biết xác cô ấy bị phát hiện rồi nên đến”.

Ở bên ngoài, tất cả mọi người đều nghĩ Nhân Đức sẽ hỏi tại sao hắn lại bắt cóc Như Ý, tuy nhiên, anh không hề hỏi tiếp, chỉ nói:

‘Tôi sẽ giải thích cho cậu nghe một số việc”.

Nguyễn Văn Thái nghe vậy, cứ nghĩ sau khi mình thành khẩn khai báo thì đã được ghi vào tình tiết giảm nhẹ, hai mắt liền sáng lên. Hắn gật đầu lia lịa: “Vâng, vâng. Em đã thành khẩn khai báo rồi, có gì em đã khai hết rồi, anh công an giúp em với. Em là con trai một, còn bố mẹ em ở quê nữa, em biết em làm sai phải chịu tội, nhưng em vẫn muốn có cơ hội làm lại cuộc đời”.

“Tôi hỏi cậu, lúc cậu s.á.t hại cô gái ấy, cậu có nghĩ cô ấy vẫn còn bố mẹ, còn cả một cuộc đời để sống không?”.

Hắn lập tức khựng lại, sững sờ nhìn Nhân Đức, vài giây sau lại dường như hiểu ra gì đó, tiếp tục van xin: “Lúc đó em không nghĩ nhiều như thế, em biết em sai rồi, em sẽ nhờ bố mẹ đến nhà cô ấy thắp hương, sẽ đền bù cho gia đình cô ấy”.

“Mạng sống là thứ không có gì có thể đền bù được, thế nên tôi mới nói, tôi ở đây để giải thích cho cậu nghe một số việc”. Anh nhìn hắn: “Cậu hỏi tôi tội của cậu có phải tử hình không phải không? Tôi không phải là thẩm phán, nhưng trước khi vào phòng thẩm vấn, tôi đã thử đọc qua một số điều luật về tội g.iế.t người cướp tài sản, nghe thử video của vài phiên toà cũ về tội tương tự, cũng đã thử đến thăm một vài phạm nhân có tội giống như cậu. Cậu biết kết quả là gì không?”.

Nguyễn Văn Thái cảm thấy có chút hy vọng, vội vàng nói: “Thế nào hả anh? Họ thành khẩn khai báo, được giảm nhẹ tội phải không ạ?”.

“Kể cả có bị tuyên tử hình thì vẫn có thể viết đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước”.

Gương mặt u ám của Nguyễn Văn Thái phút chốc bừng sáng, hắn nhoài người về phía Nhân Đức: “Thật hả anh? Có thể xin ân xá nữa hả anh?”

“Ừ. Tất nhiên rồi”. Anh gật đầu, sau đó thanh âm đột ngột trở nên vô cùng đanh thép: “Nhưng tội của cậu, tôi nghĩ có viết đơn một trăm lần, Chủ tịch nước cũng sẽ từ chối một trăm lần”.

Nhân Đức ngước nhìn Nguyễn Văn Thái, ngữ điệu rất từ tốn, nhưng từng câu từng chữ lại như từng nhát dao vô hình đâm vào tinh thần hắn: “Còn ở trên toà, viện kiểm sát chắc chắn sẽ kết luận hành vi của cậu đã không còn tính người, phạm tội với tính chất man rợ, đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt tử hình. Nhưng sau khi đến thăm một số tử tù, cả 4/5 người tôi gặp đều nói với tôi một câu: Bọn họ muốn được c.hế.t ngay, không cần chờ thi hành án nữa”.

Nguyễn Văn Thái há hốc miệng, mồ hôi lạnh khắp người túa ra: “Người còn lại thì sao?”.

“Bị điên rồi”. Anh đáp nhẹ tênh: “Khi g.iế.t người, đâm một nhát là xong, nhưng khi bị toà tuyên tử hình, không được biết ngày thi hành án, ngày nào cũng nằm trong phòng giam tử tù lắng nghe xem có tiếng bước chân người đến gần phòng mình không, sợ bị đưa ra pháp trường hoặc đưa lên ghế chờ tiêm thuốc độc”.

Nói đến đây, Nhân Đức cố ý ngừng lại vài giây, trong phòng thẩm vấn tĩnh lặng đến mức có thể nghe được cả tiếng kim rơi, giữa bốn bề tối đen như mực, tâm lý của Nguyễn Văn Thái dường như vì sự ngừng lại này của anh mà căng lên đến cực điểm.

Vẻ mặt hắn tái đến mức không còn một giọt máu, bàn tay đặt trên bàn rung lên bần bật, muốn mở miệng hỏi nhưng cơ hàm cứng ngắc, không nói được câu nào.

Nhân Đức đợi đến khi tâm lý hắn đã đến bên bờ vực sụp đổ mới chậm rãi nói: “Nhưng thường sau khi tuyên án, tử tù sẽ không bị thi hành án ngay, có người phải chờ đến ba năm, năm năm. Cậu thử nghĩ xem, ba năm không dám nhắm mắt ngủ, hễ cứ thϊếp đi là sẽ mơ thấy nạn nhân tới đòi mạng, hoặc mơ thấy mình phải đứng dựa cột, trước mặt là mười mấy nòng súng đã được lên đạn. Hơn nữa, tử tù phải ở phòng riêng, bị còng chân, không có người nói chuyện, cả ngày co ro trong phòng giam vừa nhỏ vừa tối tăm. Người có tố chất tâm lý tốt sẽ bị điên, người có tâm lý yếu hơn thì chỉ mong sớm được c.hế.t. Nhưng g.iế.t người thì dễ, đền tội mới khó, c.hế.t dễ thì nhẹ nhàng cho tử tù quá, cứ sống như vậy vài nghìn ngày, gặm nhấm cảm giác sống không bằng c.hế.t. Đó mới là trả giá đích thực”.

“…”

“Trong khi đó, ở bên ngoài người đời sẽ không ngừng chửi rủa những kẻ g.iết người, cha mẹ của kẻ đó cũng sẽ không thể ngẩng đầu lên được. Quan trọng nhất, khi cha mẹ về già, hắn cũng không thể phụng dưỡng, lúc cha mẹ c.hế.t đi, hắn càng không thể chịu tang. Bất hiếu nhất là làm đau lòng cha mẹ, bất hiếu thứ hai là không thể báo đáp được công ơn sinh thành. Ở trong phòng giam tử tù chờ c.hế.t, cơ thể và tinh thần hắn sẽ từ từ bị ăn mòn, lúc ấy, cái ch.ế.t không còn đáng sợ nữa, mà là một sự cứu rỗi cho linh hồn hắn”.

Nguyễn Văn Thái không thể tiếp tục chịu đựng thêm, tâm lý của hắn lúc này đã hoàn toàn sụp đổ, hắn nghe xong câu cuối cùng liền gào lên, gương mặt vặn vẹo như ác quỷ:

“Cứu với, cứu với, cứu tôi với. Gi.ế.t người. G.iế.t người. Gi.ế.t người. Cứu tôi với. Cứu tôi với. Gi.ế.t người”.

Hắn gào xong liền đứng dậy chạy đi, đến trước bức tường màu đen trong phòng liên tục dùng tay đấm rồi đập đầu vào đó. Nhân Đức không buồn can ngăn hắn, anh chỉ đứng dậy đi thẳng ra ngoài, lúc tới cửa thì mấy người công an cũng vội vã lao vào bên trong, kéo Nguyễn Văn Thái mình đầy máu me ra khỏi phòng thẩm vấn.

Tuy nhiên, hắn vẫn điên cuồng gào thét: “Cứu tôi, cứu tôi. Tôi không muốn bị tử hình. Cứu tôi… cứu tôi”.

Tiếng gào thét của hắn vang vọng khắp khu thẩm vấn, sau đó từ từ nhỏ lại rồi biến mất trong khu tạm giam. Hai giám sát viên bên ngoài bị náo động một trận, khi thấy Nhân Đức bước ra liền nhíu mày:

“Cậu làm gì vậy?”.

Anh bình thản đáp: “Sử dụng phương thức công kích tâm lý”. Giọng của anh không một chút lo sợ: “Tôi dùng phương thức này vừa đủ, hắn chỉ hoảng loạn tối đa 1 ngày, hắn chưa sợ đến mức muốn tự s.á.t”.

Nói xong, anh đi thẳng ra ngoài, lúc ngang qua chỗ Đăng Dương, anh ta không nhịn được, khẽ nói một tiếng:

“Bác sĩ Đức, giỏi lắm”. Không cần động một ngón tay cũng đủ làm Nguyễn Văn Thái phải máu me đầy mình, hơn nữa còn khiến hắn sợ đến mức suýt tè cả ra quần. Đăng Dương tất nhiên rất hài lòng về việc này, cảm thấy cơn giận đã nguôi đi không ít.

Nhân Đức không hề bận tâm đến mấy lời khen này, anh dừng bước, quay sang nhìn bọn họ, ánh mắt như có như không dừng trên người Như Ý: “Cảm ơn”.

Sau khi câu chuyện về cuộc thẩm vấn giữa Nhân Đức và Nguyễn Văn Thái được truyền ra ngoài, khắp cả cục cảnh sát hễ gặp mặt thành viên trong đội 1 đều cười tươi như hoa: “Đội 1 có tiến sĩ Đức đúng không? Tôi nghe mọi người kể rồi nhé, tiến sĩ Đức đỉnh thật đấy”.

Văn Chung ban đầu thấy không quen, nhưng nghe nhiều cũng cảm thấy phổng mũi: “Đúng thế, anh ấy ở đội của tôi đấy. Cả bác sĩ Như Ý nữa”.

“Toàn nhân tài như thế, đội 1 sướиɠ nhé”.

Văn Chung cười tít mắt: “Các anh quá khen rồi”.

Làm việc ở cục cảnh sát, tiếp xúc rất nhiều với tội phạm, tận mắt nhìn thấy những tội ác vô cùng man rợ của bọn chúng, dù không nói ra, nhưng trong lòng tất cả những người ở đây đều cảm thấy vô cùng căm phẫn. Giống như đội phó Minh đã từng nói, nếu tìm được kẻ đã gi.ết cô gái tên Hiên kia, anh ta sẵn sàng cởi quân phục để cho hắn một trận.

Nhưng là cảnh sát hình sự, là một trong những người thực thi pháp luật, bọn họ không được phép làm thế. Cho nên lần này Nhân Đức đã dùng tâm lý để khiến Nguyễn Văn Thái sống không bằng c.hế.t như vậy, toàn cục cảnh sát từ trên xuống dưới đều cảm thấy vô cùng hả dạ.

Chỉ duy nhất có một điều mà mãi không ai có thể yên lòng được đối với chuyên án AD20012 này, đó là không thể tìm được những phần thi thể còn lại của nạn nhân. Dù đã thuê lực lượng tìm kiếm rồi nhưng ròng rã mấy ngày trời vẫn không có kết quả gì cả.

Như Ý là bác sĩ pháp y nên sau khi thẩm vấn Nguyễn Văn Thái xong, cô thậm chí không có nổi thời gian để nói mấy lời khen ngợi Nhân Đức mà phải theo đoàn đi xuống Quảng Ninh ngay hôm đó.

Như Ý muốn sau khi tìm được phần thi thể kia, chính mình sẽ khám nghiệm ngay lập tức rồi mới đưa về Hà Nội, nhưng cô cứ liên tiếp hy vọng rồi lại thất vọng.

Đến ngày thứ 3, đội phó Minh gọi điện thoại cho cô:

“Như Ý, hay là chờ khi nào có kết quả rồi khám nghiệm cũng được. Em cứ về Hà Nội đi”.

“Không sao mà. Dù sao mấy hôm nay cũng chưa có thêm án gì”. Cô cười cười: “Em ở dưới này phụ giúp mọi người cũng được”.

“Ngày nào cũng ra sông tìm kiếm thế, đàn ông thì không sao, phụ nữ chạy ngược xuôi thế mệt lắm. Nghe anh, về Hà Nội đi”.

Mặc đội phó Minh nói ra sao, cô vẫn kiên quyết ở lại Quảng Ninh để tìm cùng với mọi người dưới này. Như Ý ngày ngày phơi nắng trên thuyền cùng mọi người đến mức da thịt của cô bắt đầu đen nhẻm, môi khô khốc, ăn uống thất thường nên mới mấy ngày người đã gầy rạc đi.

Buổi tối, trở về nhà sau một ngày mệt mỏi, Như Ý mở điện thoại lên, đột nhiên nhớ đến Nhân Đức nên nhắn tin cho anh: “Bác sĩ Đức, anh không nhớ em à?”.

Một lát sau, cô mới thấy tin nhắn trả lời từ anh: “Tình hình dưới đó thế nào?”

“Vẫn thế, người ta nói có thể đã trôi ra đến cửa biển rồi”. Cô thở dài ngao ngán, gửi xong tin nhắn đó, lại nhắn thêm: “Nhưng em vẫn có cảm giác cô ấy vẫn chưa ‘đi’ xa thế đâu”.

“Cũng có thể là như vậy”.

Như Ý ngay lập tức toét miệng cười: “Anh không nói bác sĩ pháp y phải tin vào chủ nghĩa duy vật biện chứng nữa à? Anh bắt đầu tin vào chủ nghĩa duy tâm rồi đúng không? Bác sĩ Đức, anh có tin vào duyên số không? Như việc chúng ta gặp nhau ấy”.

“Tôi tin cảm giác vừa rồi của em”. Tức là anh tin thi thể cô gái kia vẫn chưa ra đến cửa biển.

Như Ý không hề phật lòng, còn cảm thấy rất vui vì anh cũng đồng tình với ‘cảm giác’ không một chút căn cứ của cô. Như Ý gửi cho anh một câu cảm thán: “Em bắt đầu nhớ anh rồi đấy. Haizz… mới xa có mấy ngày đã nhớ cồn cào hết cả ruột gan rồi đây này. Bác sĩ Đức, đợi khi nào em thành công trở về, mình hẹn hò nhé”.

Nhân Đức không trả lời nữa, anh đặt điện thoại xuống bàn rồi tiếp tục làm việc, đầu óc tập trung phân tích một vụ án mới của đội 3, tuy nhiên, khi nghe tiếng bước chân ngoài hành lang, anh vẫn vô thức ngẩng lên như một thói quen.

Phát hiện ra tiếng bước chân ấy rất đều đặn, không phải là tiếng bước chân tuỳ hứng của Như Ý, anh mới chợt nhớ ra cô bây giờ đang ở tận Quảng Ninh.

Nhân Đức lắc đầu, đành hạ bút xuống rồi đứng dậy kéo lại rèm cửa. Anh khẽ thở dài: Như Ý không ở đây 5 ngày rồi!

Trôi thêm hai ngày nữa, đội hình sự thông báo tạm dừng công tác tìm kiếm. Như Ý vẫn không cam lòng với kết quả như vậy, ngày cuối cùng cô còn trực tiếp nhảy xuống một bãi cỏ ở ven cửa sông, lấy tay lần mò dưới bùn để tìm chiếc ba lô mà Thái đã vứt xuống sông Cấm.

Mấy người trong đội thấy Như Ý như vậy mới xua cô: “Như Ý, ở đó nhiều gai với mảnh sành lắm, em lên đi, để bọn anh mò cho”.

“Em mò được, không sao đâu. Biết đâu tay em hên, em mò lại trúng”

“Trời nắng to lắm, ngâm nước phơi nắng bị cảm đấy”.

“Các anh yên tâm, em nhìn thế thôi nhưng hơi bị khoẻ đấy, em mò được mà”.

Cứ như vậy đến khi ánh mặt trời sắp tắt, Như Ý vẫn kiên trì tìm kiếm, mọi người giục lên bờ trước khi trời tối, cô vẫn cứng đầu nói: “Chỉ một chút nữa thôi, chỉ một chút nữa thôi mà”.

Có một người đàn ông đứng trên cầu nhìn cô, gió từ dưới sông thổi tới làm tung bay mái tóc ngắn của anh, áo sơ mi màu xám bay phần phật trong chiều tà lộng gió. Tịch liêu và tĩnh lặng, như một bức tranh…

Bảy giờ tối, Như Ý cuối cùng cũng bị mấy anh cảnh sát kéo lên bờ, chân tay cô lấm lem bùn đất, có đứng ở bờ sông rửa thế nào cũng chẳng thể nào sạch được.

Như Ý lững thững đi chân trần men theo con đường mòn lên trên cầu, nhưng đi được một đoạn, cô lại nhìn thấy một người đàn ông quen thuộc đang đứng ở phía trước. Nhân Đức đút hai tay vào túi quần, ánh mắt bình thản tựa như nước nhìn cô.

Như Ý cố nặn ra một nụ cười vặn vẹo: “Anh mang quyết định ngừng tìm kiếm xuống đây à?”.

“Ừ”.

“Em biết rồi”.

“Muộn rồi, đi về thôi”.

“Vâng”.

Như Ý nặng nề lê bước đi lại gần anh, Nhân Đức cũng xoay người, nhưng không đi trước mà cố ý chờ cô. Các anh cảnh sát và đội tìm kiếm đi trước, con đường nhỏ mờ tối dưới chân cầu chỉ có hai người sánh bước đi bên nhau, không ai nói gì, chỉ có một ánh trăng khi mờ khi tỏ soi xuống, đổ thành hai chiếc bóng một cao một thấp dưới đất.

Một lúc sau đó, Nhân Đức đột nhiên nói với cô: “Có bị thương chỗ nào không?”.

Mấy giọt nước mắt trên khoé mi Như Ý chảy xuống, không một tiếng động, cô cúi đầu: “Không có”.

Anh lại im lặng, gió xào xạc thổi đám cỏ cao hơn đầu người ở ven bãi sông. Như Ý cuối cùng cũng hết chịu nổi, mếu máo nói với anh: “Nhưng em chưa tìm thấy ‘cô ấy’, ngày mai không được đi tìm nữa rồi, nhỡ cô ấy vẫn ở đây, chưa trôi ra cửa biển thì sao?”.

Nhân Đức ngoái đầu nhìn cô: “Như Ý, không sao đâu”.

“Hôm mọi người bắt đầu xuống đây, bố cô ấy vừa đến chân cầu đã khuỵu xuống. Mọi người thắp hương, khấn xin tìm được phần còn lại của cô ấy, hương ở đúng hướng gió, tạt vào mắt làm mắt ai cũng đỏ hoe. Nhưng không phải do hương làm chảy nước mắt đúng không? Là bố cô ấy không tin con gái phải c.hế.t một cách đau đớn như thế, thân một nơi, đầu một nơi, muốn con gái được hoàn chỉnh phải đi mò thế này”. Cô nức nở: “Nhưng bây giờ mò cũng không được, không tìm thấy thì an táng cô ấy làm sao đây? Bố cô ấy nói với em, nếu không tìm thấy thì ngày nào ông ấy cũng xuống đây đi mò, tìm cho đến khi ông ấy sức cùng lực kiệt, tìm cho đến một ngày ông ấy c.hế.t mới thôi”.

Nhân Đức hiểu, không phải Như Ý khóc vì không tìm được phần thi thể của cô gái xấu số đó, mà là cô đau lòng bởi vì không thể giúp được người cha kia.

Như Ý của anh vẫn mãi là cô gái như vậy, cứng cỏi kiên gan, có thể làm một bác sĩ pháp y tiếp xúc với thi thể cũng không sợ hãi, nhưng lại cũng có thể rơi nước mắt chỉ vì cuộc đời đau thương của một người khác.

Nhân Đức đưa một chiếc khăn cho cô: “Như Ý, có nhiều chuyện không phải cứ cố gắng sẽ thành công. Nhưng dù kết quả có thế nào thì em cũng không cần tự trách bản thân, bởi vì em đã làm hết sức rồi”. Anh nhìn cô, ánh mắt đầy kiên định: “Em đã làm rất tốt. Toàn đội 1 rất tự hào về em”.

***

Lời tác giả: Phần truyện này lấy ý tưởng từ một vụ án có thật và đã thêm tình tiết. Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa (2010).