Vốn theo ý tứ của Du Hoàng hậu thì A Âm không nằm trong phạm vi. Dù sao thì đứa bé này tuổi còn quá nhỏ, tính tình chưa định hình. Mặc dù phương trượng đại sư nói bát tự A Âm và Ký Hành Châm rất hợp nhưng Du Hoàng hậu không kiên quyết như lão phu nhân.
Theo Du Hoàng hậu, Du Hàm với Ký Hành Châm "cũng thích hợp" là đủ rồi. Chỉ cần không phải là bát tự tương khắc là được.
Nhưng hôm nay Ký Hành Châm đã chính miệng nói Du Hàm không hợp ý, ngược lại rất thích A Âm... Nên Du Hoàng hậu không thể không suy nghĩ lại.
"Con để mẫu hậu suy nghĩ." Du Hoàng hậu nhẹ vuốt mi tâm: "Chuyện này ta phải suy nghĩ thật kỹ càng."
Ký Hành Châm nhẹ thở phào một hơi.
Người chịu suy nghĩ là tốt rồi. Chỉ cần mẫu hậu không khăng khăng nghiêng về phía Du Hàm như lúc trước thì chuyện này còn có chuyển biến.
Du lão phu nhân về phủ yên tĩnh đợi mấy ngày đều không nhận được tin tức của Du Hoàng hậu, hiểu là do Hoàng hậu còn đang do dự chưa quyết định được, vì vậy lão phu nhân bình tĩnh tiếp tục đợi.
Qua một vài ngày nữa, trong cung đã cử người đến nói là hôm lễ hàn thực Hoàng hậu nương nương muốn ở trong cung thiết đãi thực yến, mời các vị thiếu gia cùng các vị cô nương vào cung dự tiệc.
Lễ hàn thực không còn mấy ngày nữa sẽ đến. Sau khi nghe tin tức này, mấy vị mẫu thân đã bắt đầu chuẩn bị cho các nữ nhi của mình trang phục, lại phân phó ngự trù chuẩn bị vài món ăn để đến lúc đó có thể mang vào cung dâng cho Hoàng hậu nương nương.
Du lão phu nhân cũng bị tin tức này khiến cho trở tay không kịp. Lão phu nhân không ngờ tới Hoàng hậu lại còn muốn cho các cô nương vào cung một chuyến nữa tiếp tục quan sát. Ngẫm nghĩ thì đều vì tấm lòng phụ mẫu luôn tính toán cho con mình một con đường tốt nhất, Du Hoàng hậu cũng vậy. Một chút không vừa lòng của Du lão phu nhân, nghĩ đến đây cũng tan thành mây khói.
Thời điểm lễ hàn thực trong nhà không được nổi lửa nấu ăn, cho nên chỉ có thể ăn thức ăn đã chuẩn bị trước đó. Đồ ăn được chuẩn bị trong những ngày này, thứ nhất là lâu hư chứ không đợi đến ngày ăn đem ra đã mốc meo không ăn được nữa. Thứ hai phải ăn được trực tiếp, nếu không ngày hôm đó không thể nổi lửa thì không thể hâm nóng.
Nói thật A Âm rất thích lễ hàn thực, vì nàng thích ăn bánh thừng, bánh lá gai, bánh hạnh nhân thơm thơm giòn giòn. Vào dịp này nàng có thể ăn thỏa thích, trong nhà có rất nhiều, ăn thế nào cũng không hết.
Lúc này trong ngực nàng đang ôm một cái túi lớn, trong đó đựng đầy điểm tâm, vừa ăn vừa đi phòng bếp. Trên đường đi đúng lúc gặp được Du Lâm Thụy.
Du Lâm Thụy đi bộ tư thế có hơi khập khiễng, thân thể hơi nghiêng sang bên phải. Vậy chứng tỏ vết thương bị gia pháp sau lưng vẫn chưa khỏi hẳn, vẫn còn đau.
Du Lâm Thụy cúi đầu trầm mặc đi về phía trước, A Âm ở cách đó không xa nhìn hắn một lát, sau đó hai chân ngắn mới chậm chạp chạy tới vừa chạy vừa gọi đại ca.
Du Lâm Thụy nghe thấy tiếng gọi của nàng ở đằng sau nên chậm rãi xoay người lại, thấy A Âm không khỏi cười hỏi: "Ngũ muội muội sao lại ở chỗ này?"
Thấy nàng đang ăn điểm tâm, còn có một túi to đang ôm trong ngực, Du Lâm Thụy liền hiểu rõ: "Ít ngày trước có nghe ngũ đệ nói đến chuyện tài nghệ thêu thùa của ngũ muội rất dọa người. Hôm nay huynh cũng được chiêm ngưỡng rồi."
Ngũ đệ trong miệng Du Lâm Thụy chính là ca ca ruột Du Lâm An của A Âm.
A Âm cười híp mắt khoe cái túi to bản thân đang ôm với Du Lâm Thụy nói: "Đại ca có muốn ăn không? Mùi vị rất ngon." Lại chỉ cái túi giải thích với Du Lâm Thụy: "Cái này cũng còn nhỏ lắm lần sau muội sẽ kêu người làm cái to hơn."
Trong túi đựng bánh lá gai với đủ các loại điểm tâm, còn giòn tan nữa, nếu như dùng túi nhỏ như bình thường thì không chứa được mấy loại điểm tâm đã đầy rồi. A Âm rút kinh nghiệm mấy năm trước nên năm nay cố ý kêu người làm cho nàng làm một cái túi riêng, kích cỡ đặc biệt lớn.
Thấy Du Lâm Thụy không ăn, A Âm liền chọn một cái bánh vừng và bánh lá gai, nhón chân lên nhét thẳng vào miệng của Du Lâm Thụy, ánh mắt trong suốt sáng rực tràn đầy mong đợi nhìn Du Lâm Thụy hỏi: "Đại ca, ăn ngon không?"
Du Lâm Thụy cười nói: "Ăn ngon!"
"Vậy thì tốt!" A Âm gật đầu một cái, thấy Du Lâm Thụy muốn đi, lập tức gọi lại.
Du Lâm Thụy quay đầu lại nhìn A Âm.
"Đại ca muội thấy ngày đó huynh làm rất giỏi!" A Âm nói tiếp: "Cũng cảm thấy huynh thật sự rất lợi hại. Thật đó!"
Du Lâm Thụy ngớ ngẩn, giờ mới hiểu được lý do A Âm cố ý chạy tới đây tìm hắn không phải là vì cho hắn ăn mà là muốn nói mấy câu nói đó với hắn.
Khi đó Trịnh thiếu gia nói năng lỗ mãng, có lời lẽ không hay với Du Hoàng hậu, hắn liền nổi nóng đánh tên Trịnh thiếu gia kia. Kết quả sau khi về đến phủ thì bị nghiêm trị gia pháp.
A Âm nói với hắn "ngày đó" hiển nhiên là chỉ cái lần hắn đánh tên Trịnh thiếu gia kia.
Ánh mắt Du Lâm Thụy trở nên nhu hòa đáp: "Huynh biết rồi." Hắn mỉm cười nói tiếp: "Huynh cũng cảm thấy mình rất lợi hại."
A Âm liều mạng gật đầu xong lại nói thêm: "Nhưng mà lần sau chúng ta cũng phải chú ý hơn. Lúc đánh người đừng để người bị đánh thấy được chúng ta. Như vậy bất kể huynh đánh hắn nặng bao nhiêu cũng không ai biết mà phạt."
Trong lòng Du Lâm Thụy đang tràn đầy cảm động, nghe thấy mấy câu sau của A Âm lại dở khóc dở cười, lắc đầu thở dài nói: "Nói hay lắm! Lần sau huynh sẽ không khích động như vậy nữa."
Du Lâm Thụy đột nhiên nhớ tới một chuyện, tìm kiếm trên người mình sau đó khéo léo móc ra một món đồ, nói: "Đây nha đầu, cái này tặng muội."
A Âm vội vàng kêu nha hoàn đưa cho nàng cái khăn tay, cẩn thận lau tay thật sạch mới đưa tay nhận lấy.
Đây là một viên đá điêu khắc kiểu mặt dây chuyền Hà Nam (*), làm thành hình dáng viên xíu mại, cực kỳ tinh xảo, đáng yêu. Bất luận là lớp vỏ bánh, nếp gấp bánh hay là nhân thịt ở bên trong tất cả đều rất sống động.
A Âm vui mừng không dứt hỏi lại: "Cho muội sao?"
"Đúng vậy." Du Lâm Thụy nhìn A Âm cười đến vui vẻ thì cũng vui vẻ theo nói tiếp: "Cái này là trước kia huynh nhặt được, chỉ là ta đeo thì không thích hợp. Còn tiểu cô nương như muội thì rất hợp."
Lúc này A Âm lập tức lấy ngọc bội đang đeo bên hông xuống đổi thành cái này, còn xoay vòng cho Du Lâm Thụy nhìn rồi hỏi "Huynh thấy thế nào?"
Du Lâm Thụy khen không dứt miệng.
"Đa tạ đại ca." A Âm thấy Du Lâm Thụy muốn đi liền cười vẫy tay với Du Lâm Thụy nói: "Đại ca huynh mau chóng hồi phục nha. Nếu không thì đến tiết thanh minh đi đạp thanh (*) cũng không đi với nhau được."
(*) Hội đạp thanh: Trước đây, nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân nên mới có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay ở Việt Nam lễ hội này có lẽ không còn nhưng ở Trung Quốc thì một vài nơi vẫn còn được duy trì.
"Được." Du Lâm Thụy cất giọng đáp.
A Âm quả thật rất thích viên đá hình xíu mại này. Từ ngày được tặng đến về sau vẫn luôn đeo ở bên hông, mỗi ngày thay y phục đều đổi trang sức nhưng viên đá xíu mại thì không. Tận đến ngày vào cung cũng vẫn đeo trên người.
Nhìn A Âm như vậy mọi người trong phủ đều cảm thấy rất bất đắc dĩ, ngay cả tính tình trầm ổn như Du Hàm cũng không nhịn được cười A Âm nói về chuyện này: "A Âm sao muội luôn đeo cái này bên người vậy? Cùng lắm chỉ là một tảng đá mà thôi, phối hợp với xiêm áo và đồ trang sức muội đang mang thì không ổn chút nào."
"Muội cảm thấy rất đẹp mà." A Âm cười cầm túi lưới kia quơ quơ, viên đá xíu mại lay động theo động tác của nàng: "Nhìn rất đáng yêu đúng không?"
Nhìn A Âm như thế, Du Hàm cũng chỉ có thể cười cho qua.
Giờ phút này bọn nhỏ Du gia đang cùng nhau đi vào cung. Các nữ tử cùng ngồi trên một chiếc xe ngựa lớn còn các nam tử thì cưỡi ngựa đi đầu.
Xe ngựa này mặc dù lớn nhưng năm người ngồi vào vẫn hơi chật. Du Thiên Tuyết tính ý kiến là ngồi hai xe như đợt trước ai ngờ lần này Du lão phu nhân hết sức kiên trì, nói là cùng ngồi trên một xe ngựa lớn là được. Nhìn thấy chiếc xe ngựa lớn tổ mẫu đã chuẩn bị sẵn cho các nàng thì Du Thiên Tuyết cũng không dám nói thêm gì nữa.
Lúc này thấy Du Hàm cùng A Âm ở bên kia đùa nhau, Du Thiên Tuyết nhẹ xuy một tiếng nói với Du Hàm: "Muội ấy thích đeo thì cứ đeo chỉ là một tiểu nha đầu trang sức như thế nào cũng không có ai rảnh để ý tới đâu. Chỉ cần không làm mất thể diện của Du gia là được rồi."
Du Hàm thấy Du Thiên Tuyết nói chuyện luôn ẩn dao, trong lòng không vui nói: "Đều là tỷ muội với nhau muội cần gì nói như vậy? Nếu muội không muốn đi vào cung, cảm thấy lần trước mình ở trong cung làm mất thể diện, vậy thì muội có thể nói một tiếng với tổ phụ và tổ mẫu là mình không đi. Không cần phải đổ lên đầu người khác đâu."
Xưa nay Du Hàm tính tình ôn hoà, rất ít khi nghiêm khắc như vậy, trực tiếp nói thẳng ngươi không đúng. Cũng bởi vì từ ngày hôm đó vào cung trở về thì tính tình Du Thiên Tuyết vẫn luôn như vậy, nói ra cái gì cũng móc méo trong đó. Nếu không thì lúc này Du Hàm cũng sẽ không bất mãn với Du Thiên Tuyết như vậy.
Du Thiên Tuyết hừ lạnh một tiếng cúi đầu nhìn chằm chằm vào mũi chân không để ý đến Du Hàm.
Vừa rồi Du Thiên Lan đang cùng Du Ly bàn đến chuyện hôm nay mình mang theo món ăn gì thì nghe thấy Du Hàm với Du Thiên Tuyết tranh chấp, Du Thiên Lan ngừng nói lắng tai nghe. Sau nhìn thấy Du Thiên Tuyết tức giận, Du Thiên Lan liền nói đỡ cho tỷ tỷ của mình, nói với Du Hàm: "Tỷ tỷ của muội gần đây rất tốt, đại tỷ không cần phải lo lắng."
Du Hàm không nói gì ngồi sát vào A Âm, không quan tâm tới nữa.
Qua hồi lâu xe ngựa mới dừng lại.
Lúc này vẫn là Đoàn ma ma tới đón các nàng nhưng mà khác với lần trước, lúc này có mang kiệu tới. Tổng cộng có năm chiếc kiệu mỗi cô nương ngồi riêng một cái còn các nam tử thì đi bộ vào.
Du Lâm Thụy hôm nay cũng đi theo. Thương thế của Du Lâm Thụy mặc dù chưa khỏi hẳn nhưng cũng không đáng lo ngại. Bởi vì hoàng hậu nương nương thiết yến nên Du Lâm Thụy mới cậy mạnh đến tham gia.
Các cô nương theo thứ tự bước vào kiệu, nam tử Du gia hỗ trợ các nàng. Chờ sau khi các tỷ muội đã ngồi ổn định thì mới cùng đi đến cung của Du Hoàng hậu.
Lúc này Đoàn ma ma nhỏ giọng nói với Du Lâm Thụy: "Hôm nay người Trịnh gia cũng đến."
Sắc mặt Du Lâm Thụy có chút khó coi, tiến không được, lui cũng không xong.
Du Hàm vội hỏi: "Sao bọn họ cũng tới?"
"Là Hiền phi nương nương cầu chỉ ý của Hoàng thượng." Đoàn ma ma kể sơ lược cho bọn họ nghe.
Thì ra là Trịnh Hiền phi nghe nói Hoàng hậu nương nương muốn thiết yến, liền cầu ý chỉ hoàng thượng nói cũng muốn con cháu nhà mình vào cung chơi.
Lúc đầu Hoàng thượng không đáp ứng, sau đó không biết Trịnh Hiền phi dùng biện pháp gì, mà đến cuối cùng Hoàng thượng lại đồng ý. Nhưng hoàng thượng ở trước mặt mọi người nói bên Hoàng hậu nương nương muốn thiết đãi mấy bàn tiệc Hoàng thượng sẽ không can thiệp nhưng bên Trịnh Hiền phi chỉ cho đãi một bàn.
Chỉ có một bàn nên một là chọn nam nhi trong nhà, hai là chọn nữ nhi chỉ có thể chọn một trong hai.
A Âm hỏi: "Vậy hôm nay bên Trịnh gia là nam nhi hay là nữ nhi đến?"
"Là các vị tiểu thư." Đoàn ma ma nói lại: "Hình như là do Trịnh thiếu gia thương thế chưa lành không thể hoạt động nhiều cho nên không thể đi."
Du Lâm Thụy cùng Du Hàm thầm thở phào nhẹ nhõm, thần sắc thả lỏng hơn nhiều.
Du Thiên Lan cười tinh ranh.
Du Ly hỏi Du Thiên Lan cười cái gì.
Du Thiên Lan nói: "Trịnh gia chỉ được mời một bàn vậy thì mời các nữ tử tới sẽ lời hơn. Vì các nữ tử thì còn được nhiều người chứ nếu như là nam tử thì cũng chỉ có một người mà thôi."
Trịnh gia ba đời đều con một, Trịnh thiếu gia là thế hệ nam tử duy nhất.
Nghe lời nói kia của Du Thiên Lan, tất cả mọi người đều thấy mắc cười. Ngay cả Du Hàm cũng chỉ nhắc nhở, "Chớ nói lung tung" rồi cười theo.
A Âm mang theo nụ cười lên kiệu suốt đường đi tâm tình vẫn luôn vui như vậy cho đến khi kiệu ngừng
A Âm là người nhỏ nhất trong nhà nên đi ở kiệu cuối cùng.
A Âm nhìn các tỷ tỷ đi vào trong điện cũng cất bước nhanh chuẩn bị theo sau. Ai ngờ đúng lúc đó nàng nghe thấy sau lưng truyền đến một tiếng cười khẽ quen thuộc.
"Hôm nay nàng trình diễn cái gì vậy? Chẳng lẽ không muốn làm bánh bao nữa mà muốn làm xíu mại à?"
Ký Hành Châm vừa nói vừa chậm rãi đi về phía A Âm, ánh mắt dừng ở thắt lưng nàng, cuối cùng mỉm cười nhìn về phía nàng.
"... Ta vẫn cảm thấy bánh bao thích hợp với nàng nhất."
(*) Mặt dây chuyền Hà Nam: Mặt dây chuyền Hà Nam có nguồn gốc từ Hà Nam. Đây là một hình thức nghệ thuật dân gian Hán được hình thành bởi sự kết hợp của Đạo giáo, Yingge Liu và Sanxianshu, phổ biến ở Hà Nam và Weibei. Nó có lịch sử hơn 100 năm và không chỉ phổ biến ở tỉnh Hà Nam, mà còn ở Sơn Đông. 26 tỉnh và thành phố như Thiên Tân, Bắc Kinh, Giang Tô và Thiểm Tây được quần chúng vô cùng yêu mến. Vào ngày 20 tháng 5 năm 2006, Mặt dây chuyền Hà Nam đã được Hội đồng Nhà nước chấp thuận để đưa vào lô di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên.