Nguyện Ý Vì Em

Chương 25

ĐOẠN 25

Từ ngày Nam về quản lý công ty, ông Trần chưa lần nào đến TK, nhưng hôm nay thấy ba đến đột xuất không báo trước, lại trong tình cảnh không mấy hay ho. Mà lúc này Duyên đang đứng chắn trước mặt ông Trần hiên ngang ngẩng cao đầu đối diện trực tiếp với ông, Nam sợ ba sẽ có cái nhìn không tốt về Duyên bèn tiến lại vừa kéo Duyên đứng sang một bên, vừa lên tiếng hỏi ba:

- Ba, sao ba lại đến đây vậy? Ba vào trong ngồi đi ạ.

Thùy cũng ấp a ấp úng cúi chào:

- Bác… bác trai…

Ông Trần chuyển tầm mắt từ Duyên sang nhìn con trai mình, sau đó lại nhìn Thùy đang khúm lúm đứng im lặng một góc, ông nói:

- Công ty dạo này có vẻ náo nhiệt nhỉ? Không biết có còn là nơi làm việc nữa không hay là nơi hẹn hò, đấm đá nhau?

- Không có chuyện gì đâu ba, con giải quyết hết rồi.

- Với một số người không phận sự lần sau tốt nhất là không nên cho vào công ty, dù là vợ hay người yêu của bất kì ai cũng đều không có ngoại lệ. Con hiểu chưa?

- Dạ…

Tuy là đang nói chuyện với Nam nhưng lời lẽ của ông Trần lại nhằm vào Thùy, ông không chỉ đính danh cảnh cáo cô ta nhưng ý tứ trong câu nói thì đã quá rõ ràng. Mặc dù cũng chẳng ưa gì ông Trần nhưng vì là ba của Nam nên cô ta mới nhẫn nhịn, chứ nếu là người khác chắc đã bị cô ta bật lại tanh tách rồi.

Nam rất giống ba của mình nhưng nếu so giữa hai người với nhau thì ánh mắt của ông Trần sắc bén hơn anh rất nhiều lần, một người thì toát ra phong thái oai phong, nghiêm khắc, còn một người cho dù ở trước bất cứ ai có tỏ ra nghiêm nghị đến đâu thì khi ở trước Duyên lại có chút ngông nghênh, kiêu ngạo của tuổi thanh niên mới lớn, nhưng thế nào thì cả hai đều có khí thế của người tài giỏi.

Thấy mình ở lại cũng không có chuyện gì nên Duyên xin phép ra ngoài nhưng cô còn chưa kịp đi thì ông Trần đã ngăn lại:

- Cô đi theo tôi, tôi có chuyện cần nói với cô.

Duyên bất ngờ hỏi:

- Dạ? Chủ tịch muốn nói chuyện với tôi sao?

- Ừ.

Biết ba mình trước giờ là người khó tính, lại không thích con gái không biết điều còn hay gây chuyện nên Nam sợ ba sẽ khiển trách Duyên, cũng sợ ông nóng giận mà đuổi việc cô, anh không đành lòng liền vội nói:

- Ba, mấy chuyện lặt vặt của nhân viên cứ để con xử lý là được rồi, ba không cần…

Ba anh cắt ngang:

- Mấy chuyện của nhân viên cũng không cần đến Tổng giám đốc như con quá để tâm đến đâu, muốn xử lý thì nói với phòng nhân sự một tiếng được.

- Ba… chuyện này… cô ấy…

Chỉ cần nhìn lướt qua biểu hiện và ánh mắt của con trai với cô gái này ông Trần liền đã đoán được Nam đang lo lắng và có một thứ cảm xúc không bình thường với Duyên. Nhưng ông muốn nói chuyện với Duyên không phải là làm khó dễ gì cô mà chỉ muốn nói rõ một số chuyện. Thế nên bỏ qua sự không đành lòng của Nam, ông nói với Duyên:

- Đi theo tôi.

- Vâng.

Duyên theo ông Trần đến phòng làm việc của Chủ tịch, ông chỉ tay về phía ghế ý bảo Duyên hãy cứ ngồi xuống trước, cô cũng không làm trái ý mà ngoan ngoãn nghe theo. Sau đó chủ động hỏi ông Trần:

- Chủ tịch có gì muốn nói vậy ạ?

Ông Trần trầm lặng hồi lâu quan sát Duyên, ánh mắt đánh giá cô từ trên xuống dưới một lượt lúc sau mới nói:

- Biết tại sao sau bao nhiêu chuyện cô gây ra mà tôi vẫn cho cô tiếp tục ở lại công ty không?

- Có chuyện gì mời Chủ tịch cứ nói thẳng, không cần phải vòng vo với tôi đâu.

Nhớ khoảng ba tháng trước, có một lần ông Trần gặp Loan ở tiệm chụp ảnh, lúc đó cô ấy đi rửa ảnh của mình và Đặng Phúc Hưng. Ông Trần thấy Loan có mối quan hệ thân thiết với Hưng liền bắt chuyện làm quen, hỏi dò cô ấy thì biết được Loan và Hưng đang yêu nhau. Khi đó Loan không biết ông Trần là chủ tịch của TK, cũng không chút che đạy mà kể cho ông nghe về chuyện tình đầy mộng mơ Đặng Phúc Hưng đã vẽ ra trước mắt cô ấy.

Ông Trần nhớ rất rõ ánh mắt của Loan ngày hôm đó rất trong sáng, thuần khiết chứ không giống như bây giờ, ánh mắt của cô gái này lại rất sắc sảo, lanh lợi vô cùng. Tính cách hay biểu cảm của một người có thể dễ dàng thay đổi hay ngụy tạo nhưng ánh mắt thì rất khó, bởi vậy người ta mới có câu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mỗi người. Mà với một người đi qua hết thảy những lừa lọc dối trá trên thường trường, gặp và tiếp xúc với đủ loại người thì đối với việc nhìn thấu một con người là không khó. Ông có cảm giác, cô gái này và cô gái trước đây mình gặp khác nhau phải đến 70 – 80%, có điều đấy mới chỉ là suy đoán không có căn cứ của ông, nếu muốn biết suy nghĩ của mình là đúng hay sai ông cần phải cho người đi điều tra xác thực. Nhưng việc trước mắt là cần nói rõ với cô gái này một số việc, ông bảo:

- Thật tình mà nói trong chuyện của cô và Hưng tôi thấy cô không phải người sai. Hưng là em vợ của tôi, tôi biết tính chú ấy thế nào nên nhiều khi cũng không thể chấp nhận nổi. Sau những chuyện xảy ra với cô, tôi biết cô đã thiệt thòi nhiều nên mới không đuổi việc cô mặc dù khi cô quay lại đã gây ra không ít chuyện. Tôi làm như vậy không những là vì áy náy với cô khi đã không dạy dỗ được em rể mà còn là muốn công bằng cho cô.

- Nghe người trong công ty nói, clip tôi bị đánh ghen là nhờ có Chủ tịch đứng ra giúp tôi gỡ bỏ và ngăn cấm phát tán?

- Ừ.

- Tôi nghĩ những chuyện Chủ tịch làm không phải là muốn công bằng với tôi mà là không muốn ảnh hưởng đến công ty, không muốn làm mất mặt người nhà mình thì đúng hơn. Một nhân viên quèn như tôi không có vinh dự nhận sự quan tâm, áy náy của cấp trên đâu, vậy nên Chủ tịch đừng dùng hai từ “áy náy” với tôi, tôi không nhận nổi đâu.

Với Duyên, dù là bất kỳ lời giải thích nào phát ra từ chính miệng Đặng Phúc Hưng hay người nhà của anh ta thì cô đều xem đó chỉ là lời nói dối lừa gạt, bao biện cho tội ác của anh ta mà thôi. Những lời của ông Trần lúc này cũng giống như vậy, cô không cần biết thật tâm ông Trần cảm thấy thế nào, nhưng việc ông ấy cũng đang điều tra người đứng sau tung đoạn clip thì cô không chối bỏ. Chỉ có điều, vì chuyện đó chẳng quá quan trọng với người nhà họ Trần nên bọn họ chỉ hời hợt làm cho có, hăng say tìm kiếm lúc đầu, còn về sau thì cũng không quan tâm đến nữa.

Ông Trần nói:

- Cô nghĩ tốt hay xấu cho tôi cũng không sao, nhưng tôi cần phải nhắc cô, tôi để cô ở lại TK không đồng nghĩ với việc cô muốn làm gì thì làm, phá phách gây chuyện với người khác đâu nhé. Người nào sai thì người đấy chịu, đừng kéo những người vô tội vào kế hoạch của cô. Tôi biết lần này cô quay lại đây không đơn giản chỉ mỗi làm việc, đúng không?

Trước sự nghi hoặc của ông Trần, Duyên không thừa nhận mà chối:

- Chủ tịch hình như đã suy nghĩ nhiều quá rồi, tôi quay lại TK là muốn làm việc.

- Cô không nhận cũng chẳng sao, tôi cũng không muốn can thiệp vào chuyện riêng của cô làm gì. Nhưng nhớ kĩ cho tôi, nếu mọi việc cô làm mà tổn thất cho công ty, ảnh hưởng xấu đến con trai tôi thì tôi không thể dung túng cho cô ở lại TK nữa đâu.

Duyên có chút không hiểu những gì ông Trần đang làm, ông ấy dù đã nắm chắc mười mươi cô đến TK là có mục đích nhưng không những không đuổi cô đi mà còn mặc cho cô được làm theo ý mình, miễn sao là không hại đến TK và Trần Khánh Nam. Trên đời này lại có người cao thượng đến mức trơ mắt đứng nhìn người khác làm hại người nhà mình sao, kể cho người đó có phạm sai lầm thì cũng là người thân của mình, tại sao ông Trần lại có thể xem như không có chuyện gì vậy chứ?

Trong lúc Duyên đang suy nghĩ thì điện thoại trong túi cô không ngừng đổ chuông. Thấy màn hình hiển thị số điện thoại của mẹ, cô nhìn ông Trần bảo:

- Xin phép Chủ tịch, tôi cần nghe điện thoại một lát ạ.

- Ừ, cô cứ nghe đi.

Duyên đứng dậy đi ra khỏi phòng, cô vừa ấn máy kết nối thì đầu dây bên kia tiếng mẹ cô run run gấp rút nói:

- Duyên… Duyên ơi… ba con…

Nghe giọng của mẹ lạc đi còn sụt sùi khóc, tuy bà không nói được hết ý muốn truyền đạt nhưng Duyên cũng đoán ra được ở nhà đã có chuyện gì. Cô vội hỏi mẹ:

- Có chuyện gì vậy mẹ? Sao mẹ lại khóc? Ba làm sao ạ?

- Ba con… ông ấy bị người ta đánh đến chảy máu đầu phải vào bệnh viện con à.

- Mẹ nói gì cơ, ba bị đánh đấy ạ? Ba bây giờ sao rồi mẹ?

- Ông ấy phải khâu mất sáu mũi… bây giờ con về nhà được không?

Biết mẹ đang sợ hãi mà Duyên nghe tin ba bị đánh đến phải vào viện cô cũng lo lắng không yên, nhưng vẫn phải trấn an mẹ:

- Mẹ bình tĩnh đừng khóc nữa, con sẽ về ngay. Mẹ đừng lo nữa nhé, con về với ba mẹ giờ đây.

Dứt lời, Duyên cúp điện thoại rồi chạy một mạch vào thang máy ấn nút xuống hầm gửi xe lái oto phóng như bay về ngoại thành, mà quên mất đi cả việc nói với ông Trần một tiếng trước khi rời đi.

Trên đường về nhà, trong đầu Duyên chỉ xuất hiện duy nhất câu hỏi, rốt cuộc là ai đã đánh ba cô và tại sao lại đánh ông? Nếu để cô biết kẻ đó là ai thì đừng hòng nghĩ đến chuyện sống yên, cô sẽ không bỏ qua cho kẻ đó.

Duyên vào bệnh viện chạy đến phòng bệnh mà mẹ nói trước đó, thấy ba và mẹ trên người đều có vết thương nhưng bà Đỗ thì chỉ bị trầy xước nhẹ ngoài da, còn ông Đỗ thì bị nặng hơn, không những khâu mất sáu mũi trên đầu mà mặt mày còn bị đánh đến thâm tím. Duyên nhìn mà thấy xót xa vô cùng. Cả hai ba mẹ cô đều đã có tuổi vậy mà kẻ khốn kiếp nào lại dám ra tay tàn nhẫn với họ như vậy?

Mặc dù bà Đỗ có hay càu nhàu khó tính với con gái nhưng ba mẹ cô trước giờ là người hiền lành không gây thù hay xích mích với ai nên sẽ không có chuyện ai đó ghét ba mẹ cô mà đánh họ ra như thế này. Duyên liền nghĩ người làm ra những chuyện độc ác này chắc chắn là Trịnh Tuyết Hương, cô ta vì hận cô, không làm gì được cô nên mới động đến gia đình cô xem như cảnh cáo. Nếu thật sự là vậy, Trịnh Tuyết Hương chuẩn bị mà nhận cơn thịnh nộ của cô đi.

Không muốn đổ thừa cho kẻ khác, Duyên hỏi lại mẹ để xác minh:

- Mẹ biết ai gây ra những chuyện này không?

- Mẹ không biết nhưng chúng nó hung hăng lắm con. Không những đánh ba mẹ còn phá vườn hoa nhà chúng ta. Mẹ nhớ lúc chúng đánh ba con xong còn nói một câu.

- Câu gì ạ?

- Chúng nó bảo ba mẹ chuyển lời đến con là: sống cho đàng hoàng tử tế, mọi chuyện vẫn chưa kết thúc đâu, người tiếp theo sẽ là con.

Nghe đến đây thì bàn tay Duyên vô thức siết chặt nắm đấm. Cô khẳng định người hại ba mẹ mình là Trịnh Tuyết Hương, người phụ nữ độc ác như cô ta, cô nhất định sẽ không nhún nhường bỏ qua. Nếu muốn đối đầu đến cùng vậy thì xem ai mạnh hơn ai, ai sợ ai…

Bà Đỗ thấy sắc mặt con gái trở lên tức giận rất đáng sợ, bà cũng ngờ ngợ hiểu ra người đánh vợ chồng mình là kẻ thù của Duyên và có lẽ cũng chính là đám người hại chết con gái út của bà. Bà Đỗ lo lắng Duyên sẽ gặp nguy hiểm nên khuyên cô:

- Duyên, con phải cẩn thận đấy… Hay là, con đừng trả thù bọn họ nữa, mặc kệ đi con.

- Không, con sẽ không bỏ qua dễ dàng như vậy. Mẹ cũng không cần lo cho con đâu, con tự biết bảo vệ mình.

- Nhưng mà… mẹ còn mỗi một mình con, mẹ…

- Mọi chuyện con tự có tính toán, ba mẹ chỉ cần nghỉ ngơi cho nhanh khỏi vết thương là được. Sắp tới con sẽ thuê người bảo vệ ba mẹ, sẽ không để ai động đến một cộng tóc của ba mẹ nữa.