Thập Niên 70: Trọng Sinh Chi Bạch Nguyệt Quang Đoản Mệnh

Chương 4 - Công việc 1

Cho dù nhà họ Hàn có phản ứng hay nghĩ gì đi nữa, Trình Nịnh cũng đã hạ quyết tâm rồi, chuyện này cứ như thế mà quyết định.

Sau khi quyết định xong, Hàn Kỳ Sơn liền vội vàng nhờ người ta sắp xếp để Trình Nịnh có thể đến đại đội Thượng Hàn của công xã Thạch Kiều – nơi mà Hàn Đông Nguyên đang ở.

Đây cũng không phải là chuyện gì khó, bởi vì công xã Thạch Kiều là một vùng núi non rất xa xôi hẻo lánh, còn vô cùng nghèo khó nữa. Từ Bắc Thành đến đó phải đi tàu hỏa hơn mười tiếng, sau đó chuyển sang ngồi xe khách thêm mấy tiếng, cuối cùng còn phải ngồi xe bò năm sáu tiếng nữa. Đó là nơi mà những người phải xuống nông thôn khác đều e sợ mà tránh xa.

Nếu muốn đến đó, thì chỉ cần nhờ một tiếng là được phân đến đó luôn.

Năm ngày sau, tức là ngày mười sáu, sau Tết Nguyên tiêu một ngày, vừa lúc có một nhóm thanh niên trí thức phải xuống nông thôn. Trình Nịnh cũng không muốn kéo dài nữa, cô trực tiếp báo danh đi đợt này.

Sau khi sống lại, mặc dù cô cũng muốn dành nhiều thời gian hơn cho cô của mình và bà nội Hàn, nhưng chuyện kiếp trước giống như một thanh đao treo trong lòng cô. Cho dù còn mấy tháng nữa mới đến trận lũ kia, nhưng cô vẫn muốn đến đó càng sớm càng tốt. Sớm chuẩn bị một chút thì trong lòng mới có thể cảm thấy thoải mái được.

Trình Tố Nhã vẫn luôn ổn trọng, nhưng khi biết mấy ngày nữa cháu gái mình sẽ rời đi, bà không nhịn được mà đỏ hoe đôi mắt. Bà cũng không rảnh để nhiều lời mà phải bắt tay vào thu xếp đồ đạc cho cô ngay.

Trong một mùa đông khắc nghiệt như vậy, các loại chăn bông, nệm trải giường, áo khoác bông và áo len là chắc chắn không thể thiếu rồi. Chuẩn bị tới lui một hồi, Trình Tố Nhã không nhịn được mà rơi nước mắt.

Bà không có con, cũng không định sinh thêm, đứa cháu gái này chính là thịt đầu tim của bà.

Trình Nịnh nhìn mấy túi hành lý bự chảng mà cô mình đã chuẩn bị cho, cô nói: "Cô ơi, nhiều như vậy làm sao cháu mang hết được. Thôi để cháu tự chuẩn bị đi. Cháu chỉ mang theo cái chăn cũ và quần áo bông cũ thôi, số còn lại cô gửi xuống cho cháu sau cũng được.”

Cô biết đây đều là tấm lòng của cô mình nên cũng không từ chối.

Trình Tố Nhã thậm chí còn định đích thân đưa cô đến đó nữa. Không chỉ Trình Tố Nhã, mà bà nội Hàn cũng định như vậy.

Lập trường không giống nhau, bà nội Hàn cũng khác với mấy đứa cháu ruột của mình. Bà rất thích Trình Tố Nhã, một cô con dâu biết cách hành xử thỏa đán, tâm địa cũng rất tốt.

Cho dù Trình Tố Nhã không thể sinh con cũng chẳng sao, bà cụ cũng đã có hai đứa cháu trai và một cô cháu gái rồi, thậm chí còn có cả chắt, thế nên bà cụ cũng chẳng để bụng chuyện này.

Tương ứng, bà cụ cũng rất thích cô bé từ nhỏ đã theo Trình Tố Nhã đến nhà mình. Bà nhìn con bé ngày ngày lớn lên, vừa xinh đẹp lại ngoan ngoãn, cả người giống như được tạo nên từ ngọc, sao có thể không thích cho được đây?

Trình Nịnh sắp phải xuống nông thôn, bà cụ không chỉ lấy một xấp tiền và tem phiếu từ vốn riêng của mình đưa cho Trình Nịnh, mà còn nắm tay cô, kể cho cô nghe đủ thứ chuyện về quê hương của bà.

Mặc dù bà cụ rời khỏi thôn Thượng Hàn – tức công xã Thượng Hàn bây giờ, cũng đã được mấy chục năm, nhưng bà cụ vẫn có thể kế vanh vách về những người ở nơi quê cũ.

Nói đến nổi hứng, bà cụ liền trực tiếp đề nghị với con trai mình là Hàn Kỳ Sơn: “Kỳ Sơn, cũng hơn mười năm rồi nhà ta chưa về quê. Nếu không, chúng ta nhân cơ hội này trở về thăm một chút đi, nhân tiện tiễn con bé Ninh đến đó, gửi gắm nó cho mấy hương thân đáng tin cậy, cũng xem xem Nguyên Tử ở đó thế nào rồi.”

Hàn Kỳ Sơn:...

Dù có muốn về thăm quê thì cũng không thể lựa cái thời tiết lạnh giá này mà đi được, đúng không?

Hàn Kỳ Sơn nhìn Trình Nịnh, sau đó đề nghị: "Nịnh Nịnh, chú thấy hay là chuyện xuống nông thôn từ từ đã rồi tính? Chờ đến đầu xuân, tiết trời ấm áp hơn rồi hẵn đi. Lúc đó, để anh Cả đưa cháu đi, bà nội cháu cũng cùng về thăm quê luôn.”

Trình Nịnh lắc đầu, nói: "Cháu đã đăng ký rồi ạ. Lên núi về làng là để tiếp nhận sự cải tạo của giai cấp bần nông và trung nông. Một chuyện nghiêm túc như vậy, sao có thể nói muốn đổi ngày là đổi ngày được? Hơn nữa, mọi người đều sống trong một đại đội, sao cháu có thể nhận đặc quyền như vậy được? Như vậy sẽ rất bất lợi cho sự đoàn kết của cháu với các thanh niên trí thức khác ở chỗ đó.”

Hàn Kỳ Sơn quả thực nói không nên lời. Đương nhiên ông cũng không thể quá ưu ái cho cô được. Không thể khuyên nhủ được Trình Nịnh, vậy thì ông chỉ có thể thuyết phục mẹ già của mình thôi.