Lần đầu tiên Trịnh Bảo Châu gặp dì út Tô Minh Mỹ là ngày Tết năm cô sáu tuổi.
Lúc đó, Tô Minh Mỹ mặc sườn xám màu sáng ôm sát người, để mái tóc xoăn thịnh hành nhất thời bấy giờ. Bà tùy ý vén lọn tóc đen ra sau tai để lộ chiếc hoa tai trân châu óng ánh. Một lọn tóc khác xõa trước ngực, che một nửa sợi dây chuyền trân châu. Bà ngồi trước tấm áp phích, tay cầm thuốc lá cho phụ nữ, khói thuốc lá lượn lờ bay lên từ ngón tay bà.
Bà không hợp với sự náo nhiệt của ngày Tết, nhưng lại đẹp đến mức khiến người ta không thể rời mắt.
Trịnh Bảo Châu ngơ ngác đứng trước cửa nhìn bà, hoàn toàn quên mất bà ngoại bảo cô đi gọi dì út đến ăn cơm.
Lúc phát hiện ánh mắt của Trịnh Bảo Châu, Tô Minh Mỹ quay đầu sang nhìn bóng dáng bé nhỏ ở trước cửa, khẽ nhoẻn miệng cười.
Nụ cười kia rất giống với tấm áp phích sau lưng bà.
Đó là áp phích của Tô Minh Mỹ, năm gần sáu tuổi, Trịnh Bảo Châu từng nghe rất nhiều người lớn nói dì út Tô Minh Mỹ của cô là ngôi sao nữ nổi tiếng nhất.
Khắp nơi trên đường phố đều có thể thấy được áp phích của bà, trên TV liên tục phát quảng cáo trang sức của bà, người hâm mộ cuồng nhiệt của bà có thể xếp thành hai vòng quanh trái đất.
Song, năm hai mươi lăm tuổi, Tô Minh Mỹ tự sát.
Trịnh Bảo Châu không ngờ lần đầu tiên cô gặp Tô Minh Mỹ cũng là ngày cô và bà xa nhau.
Năm đó, mùa xuân rất đẹp, bộ phim “Ngày xuân không còn” do Tô Mỹ Linh đóng vai chính cũng được chiếu vào mùa xuân. Phim kể về câu chuyện của một họa sĩ thất bại, sau khi trải qua một loạt khó khăn, trắc trở và bất hòa trong tình yêu, cuối cùng dùng thuốc màu cực độc là “Paris Xanh” để tự sát. Sau khi bà qua đời, giá trị các tác phẩm của bà tăng giá vùn vụt, nhất là sáng tác cuối cùng trước khi chết là “Ngày xuân không còn” được bán ra với giá trên trời.
Người họa sĩ đó chết vào mùa xuân, Tô Minh Mỹ cũng chết vào mùa xuân. Có người nói bà không thoát khỏi vai diễn, có người nói đường tình cảm của bà trắc trở. Song, cho dù người ngoài nói thế nào, từ đó ba chữ Tô Minh Mỹ trở thành cấm kỵ của nhà họ Tô và nhà họ Trịnh.
Ba chữ liên quan đến “Ngôi sao nữ” cũng trở thành mối kiêng kị lớn nhất.
Nhưng trong tình cảnh đó, Trịnh Bảo Châu lại làm một điều trái ngược, cô đã viết ba chữ “Ngôi sao nữ” trong vở bài tập.
“Bảo Châu, Khúc Trực, sao hôm nay lại ra muộn mười phút thế?” Mẹ Trịnh Bảo Châu là Tô Minh Hỷ đến đón Trịnh Bảo Châu tan học, sẵn tiện đón bạn ngồi cùng bàn với Trịnh Bảo Châu là Khúc Trực về nhà. Khúc Trực và Trịnh Bảo Châu ở cùng một khu dân cư, bố mẹ của cậu làm nghiên cứu khoa học, đôi lúc bận rộn không chăm sóc cậu được sẽ nhờ người hàng xóm nhiệt tình là bà Tô Minh Hỷ giúp trông Khúc Trực.
Mặc dù Khúc Trực là bé trai nhưng rất xinh đẹp, lại còn thông minh nên Tô Minh Hỷ vô cùng thích cậu.
Khúc Trực ngẩng đầu lên trả lời câu hỏi của Tô Minh Hỷ: “Hôm nay tiết cuối là tiết văn, thầy Trương bảo chúng cháu viết văn, viết xong mới được tan học.”
“À, thế à.” Tay trái Tô Minh Hỷ nắm tay Trịnh Bảo Châu, tay phải nắm tay Khúc Trực đi đến nơi đỗ xe của mình: “Viết văn về đề tài gì?”
Khúc Trực nói: “Ước mơ của em.”
Tô Minh Hỷ tò mò hỏi: “Khúc Trực viết gì?”
“Nhà khoa học.” Lúc Khúc Trực nói lời này với cái lưng thẳng tắp, trông như dòng chữ ngay ngắn trên vở bài tập của cậu: “Cháu muốn trở thành nhà khoa học như bố mẹ, cống hiến để phát triển tổ quốc.”
Trịnh Bảo Châu ở bên kia thầm liếc mắt, trong lòng: “Hứ ~” một tiếng.
Khúc Trực đúng là biết nói lời hay, không hề ngây thơ, đáng yêu giống các bạn khác, mà đặc biệt là cô.
Tô Minh Hỷ vô cùng vui vẻ, sau khi khen Khúc Trực một lượt lại quay đầu hỏi Trịnh Bảo Châu: “Bảo Châu viết gì thế?”
“Con…”
“Trịnh Bảo Châu viết là ngôi sao nữ.” Trịnh Bảo Châu vừa mở miệng, Khúc Trực đã cướp lời: “Cháu nhìn thấy thế.”
Trịnh Bảo Châu cảm giác được bàn tay Tô Minh Hỷ đang nắm tay mình bỗng nhiên xiết chặt.
Tay Trịnh Bảo Châu đau nhói, còn chưa kịp chảy nước mắt để giành lấy sự thông cảm, Tô Minh Hỷ đã trừng mắt nhìn cô: “Trịnh Bảo Châu! Con lại muốn làm ngôi sao nữ nữa sao?”
Trịnh Bảo Châu giật nảy mình, rút tay ra theo phản xạ rồi co cẳng chạy đi. Tô Minh Hỷ đuổi theo, vừa chạy vừa mắng: “Muốn làm ngôi sao nữ phải không? Để xem hôm nay mẹ có đánh chết con không!”
“Con không có, Khúc Trực nói lung tung đấy!” Ở cổng trường, Trịnh Bảo Châu chạy trối chết, những phụ huynh đi ngang qua không ai nói giúp cô, trái lại cười hì hì đứng bên cạnh xem trò vui. Khúc Trực cũng ở bên cạnh nhìn, dường như làm sứ giả chính nghĩa: “Cháu không nói lung tung, dì Tô hỏi thầy Trương sẽ biết thôi.”
“Hay lắm, còn học cả nói dối nữa!” Tô Minh Hỷ bắt được Trịnh Bảo Châu, mắng cô một trận: “Lá gan của con càng lúc càng lớn rồi đấy nhỉ? Nuông chiều con quá nên sinh hư rồi! Còn muốn làm ngôi sao nữ? Con có dám nói với ông bà ngoại của con không?”