Quyển 3 - Chương 48: Gió Nam thổi rớt lệ ba xuân
Tháng Tư năm Nguyên Thú thứ hai, quân Hán rời khỏi thành Trường An không lâu thì bệnh tình của Vương thái hậu lại bắt đầu rục rịch tái phát, nhưng lần này thì không chỉ cung nữ, nội thị của cung Trường Nhạc mà ngay cả bản thân Vương thái hậu cũng không mấy để ý, chỉ bảo cứ tiếp tục uống thuốc theo đơn Tiêu tiên sinh đã kê trước đây. Qua mấy ngày, tuy dần bớt đau đầu nhưng sức khỏe của Thái vẫn không thể hồi phục hoàn toàn. Trần A Kiều nghe được tin này lúc đang sai dỡ bỏ tất cả những địa long sưởi ấm trong điện Bát Nhã, nhíu mày hỏi, “Khi phát bệnh thì Thái hậu đau đầu kịch liệt hay chỉ âm ỷ thôi?”Lục Y cũng thận trọng, “Nghe người trong cung Trường Nhạc nói rằng lần này phát bệnh không kịch liệt như trước kia, hiện tượng mắt không nhìn thấy cũng không xảy ra nên mọi người rất lạc quan, nói ít ngày nữa sẽ khỏi.”
Sắc mặt Trần A Kiều trầm xuống, “Bọn họ thì biết cái gì?” Nàng lắc đầu, “Thường nói bệnh không sợ nặng mà chỉ sợ không phát. Tình trạng như thế thì bệnh của Thái hậu đã hiểm nghèo lắm rồi.”
Nàng lập tức ra lệnh, “Chuẩn bị sẵn sàng rồi đi theo ta tới cung Trường Nhạc.”
Xe ngựa của Trần A Kiều còn chưa tới cung Trường Nhạc thì bệnh của Vương thái hậu đã lại tái phát. Bệnh tình lần này cực kỳ hung hiểm, bị hôn mê không thể tỉnh dậy làm kinh động đến Lưu Triệt khiến y bỏ hết tất cả chính sự trong điện Tuyên Thất, hầu hạ bên giường bệnh Vương thái hậu. Các thái y hội chuẩn xong đều lắc đầu, không dám bẩm báo. Lưu Triệt giận dữ quát mắng, “Một đám phế vật vô dụng, trẫm nuôi đám thái y các người làm cái gì?” Đám thái y hoảng sợ quỳ rạp dưới thềm, cuống quýt dập đầu, “Thần không có năng lực, thần không có năng lực.” Cũng may Lưu Triệt vốn không trông cậy quá nhiều vào bọn họ, buồn bực nói, “Lui cả xuống đi.” Y ra lệnh cho Dương Đắc Ý, “Mau mời Tiêu tiên sinh tiến cung.”
Vệ Tử Phu bước lên, lựa lời khuyên nhủ, “Tiêu tiên sinh y thuật cao minh, Thái hậu lại là người hiền khắc có trời giúp, chắc sẽ không có việc gì.”
Lưu Triệt nhắm mắt, áp chế nỗi sợ hãi luẩn quẩn trong lòng, “Có lẽ thế.”
Tây Bắc báo về tin chiến sự, Lưu Triệt bất đắc dĩ đứng dậy dặn dò, “Chờ Tiêu tiên sinh tới trị liệu cho mẫu hậu xong thì Tử Phu hỏi tình trạng của mẫu hậu cho trẫm.”
Vệ Tử Phu khép tay áo lại đáp, “Dạ, thưa Hoàng thượng.”
Chỉ lát sau thì Minh Đạt dẫn Tiêu Phương vào. Tiêu Phương hành lễ với Vệ Tử Phu rồi ngồi xuống bên giường, bắt mạch cho Thái hậu hồi lâu rồi sau đó viết một phương thuốc và dặn với vẻ nghiêm trọng, “Theo phương thuốc này, cách hai canh giờ uống một lần.” Hắn lấy kim ra châm vào các huyệt Tình Minh, Nhân Trung trên mặt Vương thái hậu, chỉ thấy bà rên một tiếng rồi dần tỉnh lại.
Vệ Tử Phu thở phào nhẹ nhõm, đi theo Tiêu Phương ra ngoài, hỏi, “Thái hậu đã tỉnh lại, có còn đáng ngại gì nữa không?”
Tiêu Phương lặng lẽ nhìn người phụ nữ xinh đẹp dịu dàng trước mặt, nghĩ đến đêm Nguyên Tiêu biến hóa quỷ quyệt hồi năm trước, “Hoàng hậu nương nương”, hắn không để lộ chút biểu cảm nào, chỉ từ tốn đáp, “Thần phải bẩm báo sự thật là Thái hậu nương nương đã như đèn cạn dầu, không còn biện pháp khả thi.”
Mấy từ thê thảm đó buông ra khiến ngay cả Vệ Tử Phu cũng không chịu nổi, nàng lui về phía sau một bước, ngỡ ngàng khó tin, “Những điều tiên sinh nói là thật sao?”
“Thần cả đời làm nghề y, dù không dám xưng là cao thủ nhưng nếu còn có biện pháp thì đâu dám đem tính mạng của Thái hậu nương nương ra đùa giỡn.”
Vệ Tử Phu bỗng quay đầu lại, cao giọng ra lệnh, “Người đâu, tới điện Tuyên Thất mời Hoàng thượng đến đây.”
Thải Thanh đứng ở đằng xa trông thấy sắc mặt hai người không hề thay đổi thì hiểu rằng tình hình vô cùng nguy hiểm liền khom người vâng dạ rồi nhanh chóng đi ngay. Lưu Triệt trên đường vội vã chạy về trong lòng đã thoáng dự cảm thấy điều chẳng lành. Nhìn sắc mặt Tiêu Phương, y lập tức biết giờ đã là vô vọng nhưng vẫn gặng hỏi, “Thật sự là không thể dùng thuốc được nữa sao?”
“Thái hậu cả đời hao tâm tổn trí, sức khỏe sớm đã suy kiệt. Thần gắng sức điều dưỡng bấy lâu nay nhưng đến bước này cũng đành bó tay.” Tiêu Phương suy nghĩ một chút rồi nói, “Dùng kim châm cứu vào huyệt đạo có thể kéo dài nhưng cuối cùng chỉ có thể dùng nhân sâm duy trì tính mạng mà thôi.”
Lưu Triệt xưa nay vẫn hiểu về y thuật và tính cách của Tiêu Phương nên không ép, mệt mỏi nói, “Làm phiền Tiêu tiên sinh rồi.”
Người người nườm nượp đưa thuốc đến cung Trường Nhạc khiến Vương thái hậu láng máng hiểu ra sự tình. Hơn nữa bản thân bà cũng tự hiểu bệnh tình của mình ngày càng trầm trọng. Một hôm nhân lúc Tiêu Phương châm cứu xong, bà khẽ hỏi, “Tiêu tiên sinh đừng ngại, cứ nói thật xem ai gia còn có thể sống được bao lâu?” Nội thị Minh Đạt đứng sau lưng khóc không thành tiếng.
Tiêu Phương khẽ cân nhắc rồi nói, “Thần tận lực thì có thể bảo đảm nương nương không việc gì trong hơn nửa tháng, những ngày tiếp theo chỉ có thể dựa vào thuốc bổ mà thôi.”
Vương thái hậu gật đầu, tính mạng của bà đã dần đến điểm kết thúc nhưng trong lòng bà lại không có một chút buồn bã ai oán, ngược lại càng thấy thanh thản. Năm xưa bà rời nhà xuất giá về Kim gia, vợ chồng hòa thuận, sinh con gái đầu lòng, đã từng cho rằng cuộc đời mình cứ thế êm đềm trôi đi. Nhưng không ngờ mẫu thân xem một quẻ tượng rồi giành lại bà từ nhà chồng và đưa vào phủ Thái tử. Đôi khi ngẫm lại, bà thấy mặc dù cả đời Triệt Nhi không được gặp mặt bà ngoại nhưng lại giống hệt về tính quả quyết. Sau đó quả nhiên số mệnh của bà cực quý, từng bước đi lên vị trí hoàng hậu, cuối cùng làm chủ cung Trường Nhạc. Nhưng lúc lâm chung, bà hồi tưởng lại cuộc đời mình thì thấy những điều ấy đều thật khiên cưỡng. Đến thời khắc này, bà chỉ thấy thương nhớ con cái của mình. Bà có bốn đứa con gái và một đứa con trai, trừ Đàm Nhi thì những đứa còn lại bề ngoài có vẻ rất hạnh phúc, nhưng là người mẹ, bà lại thấy đau lòng. Vì mấy đứa con bà đều cô độc trong vỏ bọc hạnh phúc của chính mình.
Tu Thành sớm góa bụa, một nách hai đứa con một trai một gái, khó nhọc sinh tồn trong hoàng tộc. Bình Dương cũng trở thành quả phụ, ham hố quyền lực nên e rằng sớm muộn cũng sẽ chạm vào vảy ngược[1] của Triệt Nhi. Đến khi bà không còn trên đời nữa thì Bình Dương sẽ ra sao? Long Lự thời trẻ phóng đãng, đến bây giờ có thấy hối hận hay không?
[1] Trong tác phẩm Thuyết Nan của Hàn Phi Tử có đoạn viết: Rồng là một con vật có thể đùa bỡn, thậm chí có thể cưỡi. Nhưng ở dưới cổ của nó có cái vảy ngược dài một thước. Ai động đến sẽ bị nó gϊếŧ ngay. Các vị vua chúa cũng có cái vảy ngược, kẻ du thuyết không sờ phải cái vảy ngược của vua chúa thì mới là người giỏi.
Còn Đàm Nhi? Người bà có lỗi nhất trong cuộc đời này chính là Đàm Nhi. Vì tiền đồ của mình và Triệt Nhi, bà đã đẩy con gái vào con đường nguy hiểm, dùng hôn nhân để đổi lấy hòa hiếu. Trong số tất cả mấy người con trai con gái của mình, người bà đau lòng nhất chính là Đàm Nhi, còn người bà thương yêu nhất là Triệt Nhi.
Bao nhiêu năm qua, bà theo dõi con trai đi ngày một xa trên con đường của một đế vương, dù vui mừng nhưng cũng lo lắng. Lo nó quên mất bản tâm ban đầu, ngày càng tàn ác lạnh lùng có thể làm tổn hại người thương yêu nhất mà không biết hối hận. Cuối cùng, nó sẽ đứng trên đỉnh cao nhất của thế giới và cũng trở thành người cô đơn nhất, ngoảnh đầu lại cả mẫu thân cũng không còn, biết nương tựa vào ai?
Thời gian như nước trôi qua cầu. Đế vương cũng không thể níu kéo được tính mạng của mẫu thân. Y đành phải triệu hồi tất cả tỷ tỷ của mình về túc trực bên cạnh Thái hậu. Nửa tháng sau, bệnh tình của Vương thái hậu lại một lần nữa nguy kịch. Liễu Duệ từ hữu Bắc Bình báo tin chiến trận nhưng Lưu Triệt không còn lòng dạ nào để xem, y trực bên mẫu hậu nửa ngày, sau đó trở về điện Tuyên Thất, đọc tin báo liền vô cùng kinh ngạc.
“Mẫu hậu”, Lưu Triệt hớt hải quay lại báo tin, ánh mắt ẩn chứa nỗi bi thương sâu thẳm, “Tiền phương báo Trường Tín hầu Liễu Duệ luồn sâu tập kích vương đình Hung Nô, giải cứu được hoàng tỷ Nam Cung. Hoàng tỷ đang trên đường trở về rồi.”
Vương thái hậu nằm trên giường bệnh, ánh mắt chợt sáng lên rồi lại ảm đạm. “Triệt Nhi!”, bà thều thào nói, “Con không cần gạt mẫu hậu.”
“Mẫu hậu, là thật đó.” Lưu Tịnh cũng ở trước giường bệnh, rung rưng, “Tịnh Nhi cũng đã xem tin báo, mẫu hậu hãy vì Đàm muội mà gắng thêm một chút.”
Lưu Triệt phái thị tòng đi đón Lưu Đàm, tới thành Sóc Phương thì gặp đại quân của Liễu Duệ, sau đó Lưu Đàm cùng với thị tòng phi ngựa gấp về kinh thành.
“Trưởng công chúa”, thị tòng không đành lòng nhìn miệng vết thương đã nứt toác trên mình Lưu Đàm, “chúng ta nghỉ một chút rồi hãy đi tiếp.”
Lưu Đàm đang giục ngựa đằng trước quay đầu lại, lạnh lùng quát hỏi, “Ngươi có biết cái gọi là chuyện có nặng có nhẹ?” Mẫu thân nằm trên giường bệnh đau khổ chờ nàng về, lúc này sao nàng có thể nghỉ ngơi?
Sáng ngày mùng sáu tháng Năm năm Nguyên Thú thứ hai, khuôn mặt Vương thái hậu chợt trở nên hồng hào, tinh thần cũng biến chuyển tốt hơn. Lưu Triệt thấy vậy thì trong lòng sầu thảm, biết thời khắc cuối cùng của mẫu thân đã đến.
“Triệt Nhi”, Vương thái hậu hiền hòa nhìn đứa con trai độc nhất, thấp giọng, “Mẫu hậu cầu xin con mấy việc có được không?”
Trong lòng Lưu Triệt đau nhói nhưng y gắng gượng cười lớn, “Mẫu hậu muốn trẫm làm chuyện gì, phàm là chuyện mà trẫm có thể làm được thì lập tức đáp ứng.”
Vương thái hậu chầm chậm nhìn một vòng Tu Thành quân, Bình Dương trưởng công chúa, Long Lự trưởng công chúa đang rưng rưng đứng trước mặt rồi nói, “Nếu mẫu hậu không còn nữa thì con phải hứa với mẫu hậu là sẽ đối xử tử tế với A Thanh, Tử Trọng và Nga Nhi.”
Lưu Triệt gật đầu, “Trẫm tất sẽ làm được.”
“Ngay cả khi Bình Dương và Long Lự có điều gì không đúng thì cũng phải xét trên tình cảm chị em ruột mà đối xử cho tốt.”
“Dạ được!”
Bình Dương, Long Lự và Tu Thành cùng khóc òa lên. Lưu Triệt tự mình cho Vương thái hậu uống nước sâm. Vương thái hậu thở một hơi thật dài, “Triệt Nhi, gọi A Kiều tới giúp mẫu hậu được không?”
Lưu Triệt đặt chén nước sâm xuống, đáp, “Mẫu hậu chờ một chút.”
Trần A Kiều tới cung Trường Nhạc, chờ ở trước cửa điện rồi khoác tay Lưu Triệt cùng tiến vào. Nhìn thấy dung nhan tiều tụy quen thuộc của Vương thái hậu trên giường bệnh, trong lòng nàng dâng lên nỗi bi thương, bái chào: “Thái hậu mạnh khỏe!”
Vương thái hậu liền khẽ cười đáp, “Chắc chẳng cách nào khỏe lên được nữa rồi.”
“A Kiều”, bà nắm lấy tay nàng, âu yếm, “Con biết không? Có một thời gian ta rất ao ước được như con.”
“Trong cung Vị Ương, dù ai gia hay con trai con gái của ai gia cũng không ai có thể sống ngay thẳng được như con. Đáng tiếc, sau này chính Triệt Nhi đã phá hủy mất phần tính cách đơn giản của con, thật có lỗi.”
A Kiều cúi mặt, thời gian chớp mắt một cái, chuyện đã thành lãng quên. Lúc ấy rõ ràng Thái hậu có thể ngăn cản, nhưng lại không làm. Hôm nay lại nói lời xin lỗi còn có ích gì? Có điều đến lúc này thì nàng cũng không muốn trái ý người sắp ra đi.
“Sau khi con hồi cung, ai gia quan sát thấy Triệt Nhi càng quan tâm đến con. Thật ra là mẹ, có lúc ai gia còn hiểu Triệt Nhi hơn chính bản thân nó. Nó vẫn luôn rất yêu con, trước kia đã yêu, hiện giờ càng yêu. Chẳng qua tình yêu trước kia bị lu mờ trước quyền thế. Nó tàn nhẫn với con, con có thể hận, có thể oán nhưng đừng nên oán hận quá lâu. Bởi vì ai gia là mẹ nên không nỡ nhìn con trai mình không hạnh phúc. Nếu như con không thể bỏ qua, vậy ai gia thay nó nói lời xin lỗi.”
A Kiều cảm giác nước mắt đang dần ứa ra, “Người không cần nói như vậy.” Nàng sợ bà không chịu nổi, “Con không thể đáp ứng người được.”
Vương thái hậu lặng đi, “A Kiều, từ khi con trở lại hoàng cung vẫn chưa từng gọi ta một tiếng mẫu hậu.” Nàng không muốn thừa nhận quan hệ với Lưu Triệt nên dĩ nhiên không chịu gọi mẫu thân của y là mẫu hậu. Nàng ngoảnh mặt đi, im lặng không nói gì.
Vương thái hậu thở dài, nhẹ giọng nói, “Con gọi Triệt Nhi vào đây cho ai gia.”
A Kiều gật đầu, định đứng dậy nhưng Vương thái hậu vẫn nắm chặt tay. Nàng không đành lòng giằng ra, bèn cất giọng gọi, “Hoàng thượng!”
Lúc Lưu Triệt vào điện thì nhìn thấy đôi mắt hiền từ của mẫu hậu, vẫn là đôi mắt đã dõi theo y từ lúc bé đến lúc trưởng thành, rồi từng bước trở thành đế vương.
“Triệt Nhi!” Vương thái hậu cầm tay y đặt lên tay A Kiều, “Ai gia hy vọng hai con ngày sau tình cảm tốt đẹp, đừng phụ bạc nhau lần nữa.”
Lưu Triệt cảm thấy bàn tay A Kiều ở bên dưới khẽ run lên nhưng nàng không cố giãy ra, trong lòng y bi thương, “Mẫu hậu, Triệt Nhi nhất định sẽ không để cho người thất vọng.”
Vương thái hậu nhắm mắt, thở dài, “Đáng tiếc là vẫn không thể đợi được Đàm Nhi.”
Trần A Kiều rơi lệ, “Đàm tỷ nhất định sẽ về rất nhanh thôi. Nếu Thái hậu nương nương không đợi được thì tỷ ấy sẽ rất đau khổ.”
Vượt qua ngàn dặm nhưng không kịp nhìn mặt thân nhân lần cuối, nỗi khổ đó sao Lưu Đàm có thể chịu được?
“Hoàng thượng, Thái hậu”, Dương Đắc Ý chạy ào trong hành lang, mừng rỡ, “Công chúa trưởng Nam Cung đã về rồi.”
Lưu Đàm phi ngựa cả chặng đường không nghỉ, về đến Trường An vào giữa trưa. Cửa cung Vị Ương mở rộng để nàng cứ thế phi thẳng vào mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Vừa vào đến nơi, Lưu Đàm cảm giác như rơi vào hầm băng, hét lên một tiếng, “Mẫu thân!” Nước mắt nàng chảy ròng ròng, nhỏ xuống mặt Vương thái hậu nóng hổi, Vương thái hậu gắng hết sức tỉnh lại, nhìn thoáng qua rồi nở nụ cười.
“Hoàng thượng, Công chúa, Trần nương nương”, Minh Đạt nhẹ nhàng tiến lên, rơi lệ nói, “Thái hậu nương nương đi rồi!” Lưu Đàm liền rũ ra không còn chút sức lực, gục xuống người Vương thái hậu lả đi.
Lưu Triệt khẽ bảo, “Để cho Công chúa trưởng Nam Cung nghỉ thêm một lát rồi hãy vời thái y chăm sóc.” Y quay đầu nhìn A Kiều bằng ánh mắt xa vắng, chậm rãi quay người bước ra khỏi điện.
Vệ Tử Phu khẽ bảo cung nữ lui xuống, băng bó vết thương đã toác miệng cho Lưu Đàm xong, ra ngoài điện không thấy Lưu Triệt liền hỏi, “Hoàng thượng đâu rồi?”
Viên nội thị canh giữ ngoài cửa điện quỳ lạy, trả lời, “Hình như Hoàng thượng đến cung Vị Ương.”
Vệ Tử Phu gật đầu, quay lại nhìn vào bên trong cung Trường Nhạc. Bình Dương, Long Lự vẫn đang khóc, Trần A Kiều quỳ gối trước sập, tay trái còn đang bị Vương thái hậu nắm lấy. Nàng ta kinh ngạc nhìn món đồ trang sức có hoa văn tựa như những giọt máu đang nhỏ xuống ở trên giường, bản thân mình lại đang đứng ngoài điện như một người xa lạ. Nàng ta là hoàng hậu chốn cung đình này, thế nhưng Vương thái hậu trước khi chết lại không gọi, thật là mỉa mai biết nhường nào. Vệ Tử Phu buông một tiếng cười rời rạc: “Trở về thôi!” Trong nét cười lộ rõ nỗi đau khổ mà ngay bản thân nàng ta cũng không muốn che giấu thêm. Trở lại cung Vị Ương nàng ta mới biết, khi Lưu Triệt quay về không hề đi đâu mà bước thẳng tới điện Linh Tâm, nơi Vương thái hậu đã từng sống.
Vì liên quan đến mẫu thân nên Lưu Triệt không phân cho phi tần đến sống ở điện Linh Tâm. Mặc dù Vương thái hậu đã rời đến cung Trường Nhạc sau khi Lưu Triệt đăng cơ nhưng điện Linh Tâm vẫn thường xuyến được quét dọn. Có lẽ, đối với Lưu Triệt, nơi đó có ký ức về thời thơ ấu và dấu ấn của mẫu thân. Mặc dù bình thường Lưu Triệt chưa từng thể hiện mình để tâm đến những thứ này, nhưng vào khoảnh khắc mẫu thân vừa mất thì ngay cả một bậc đế vương sắt đá như y cũng có những nỗi đau đớn không nói nên lời.
Vệ Tử Phu đứng ở đình nghỉ chân bên ngoài điện Linh Tâm nhìn vọng về đoàn Kỳ Môn quân đao thương sáng lòa đang tiến qua cửa điện ở đằng xa, lòng dâng lên một nỗi thê lương. Nàng ta cúi đầu, hiểu rõ người mà Lưu Triệt muốn gặp lúc này tuyệt đối không phải là mình. Không biết qua bao lâu, nàng ta bỗng nghe thấy Thải Thanh ở bên cạnh khẽ bẩm, “Nương nương, Trần nương nương cũng tới.”
Vệ Tử Phu lặng người, ngẩng đầu lên nhìn thấy có một người con gái mặc cung trang màu trắng đang đi trên hành lang cung Vị Ương phía trước điện Linh Tâm, trông giống hệt Trần A Kiều từ cách búi tóc cho tới y phục thường ngày. Đến gần thì mới nhận ra đó là Doãn tiệp dư ở điện Cao Môn.
“Ồ, là Doãn tiệp dư!” Thải Thanh kinh ngạc kêu lên, “Cô ta tới đó làm gì vậy?”
Sau khi từ Thượng Lâm Uyển trở về hồi năm Nguyên Thú đầu tiên, Doãn Giai La được chuẩn đoán là đã có mang. Đến tháng Mười thì cô sinh con gái. Lưu Triệt ban tên Hàm, phong tên chữ là Di An nhưng thôi không đến điện Cao Môn với Doãn tiệp dư. Chuyện cá chép hóa rồng cho tới nửa tháng độc chiếm ân sủng năm xưa đã trôi qua như giấc mộng Nam Kha[2].
[2] Giấc mộng Nam Kha: Dùng để hình dung cõi mộng hoặc một ước vọng không tưởng của một người nào đó. Thành ngữ này có nguồn gốc từ cuốn tiểu thuyết Tiểu sử Nam Kha Thái Thú của tác giả Lý Công Tá đời Đường, Trung Quốc thế kỷ IX sau Công Nguyên.
Vệ Tử Phu chỉ nhếch miệng cười nhạt. Cung Vị Ương hoa lệ này từ trước tới giờ vẫn luôn là chốn so mưu đấu trí với nhau, có người được sủng ái, có người thất sủng, có người ngu ngốc, có kẻ xấu chơi. Thật ra thì chơi xấu cũng không phải là không thể, nhưng nếu thủ đoạn không cao thì rất có thể sẽ chết không có chỗ chôn. Doãn Giai La hiển nhiên vì này lựa chọn cách thức được ăn cả ngã về không, không thành công cũng thành nhân.
Cũng chỉ đến mức vậy thôi, một Doãn Giai La đi đường tắt vào hậu cung trong thời gian ngắn thì làm sao có thể so sánh được với nàng ta là hoàng hậu đã cả đời lăn lộn trong cung Vị Ương? Vệ Tử Phu ngồi trên đình nghỉ chân lạnh lùng nhìn Doãn Giai La lao vào một cuộc chiến mà chắc chắn sẽ bị thua ngay từ lúc khởi đầu.
Doãn Giai La đi tới trước điện Linh Tâm liền bị thị vệ canh giữ ở trước cửa điện ngăn lại, lễ phép nói, “Doãn tiệp dư, Hoàng thượng đang ở bên trong, không được tự ý đi vào.”
Giai La hít một hơi thật sâu, bấm ngón tay giữa vào lòng bàn tay rồi thản nhiên hỏi, “Các ngươi chưa từng vào hỏi thì làm sao biết Hoàng thượng không muốn gặp ta?”
Trong điện truyền ra giọng Lưu Triệt trầm trầm, “Ai đấy?”
Các thị vệ đưa mắt nhìn nhau, cao giọng bẩm báo, “Là Doãn tiệp dư cầu kiến.” Lưu Triệt thần người một lúc mới nhớ được Doãn tiệp dư là ai, nhắm mắt không nói gì nữa, thị vệ thì liền thu đao kích lại để cho Doãn Giai La đi vào.
Giai La vào trong điện, đập vào mắt cô là hình ảnh vị đế vương đang nhắm mắt khoanh tay ngồi ở chính giữa, gương mặt khuất trong bóng tối không hiểu ý tứ thế nào. Cô vội vàng hất đầu cho mái tóc đen xõa ra, nghiêng người quỳ xuống trước mặt Hoàng đế, khẽ bái chào, “Giai La tham kiến Hoàng thượng.”
Có mười bốn ngày cực kỳ quan trọng trong cuộc đời cô. Hồi đó, Hoàng thượng từng nhiều lần vuốt ve mái tóc đen dày của cô với vẻ mặt bâng khuâng. Cô gửi gắm tất cả hy vọng cuộc đời mình vào bào thai trong bụng, nhưng cuối cùng cô lại sinh hạ được một bé gái. Cô oán, cô hận, cô cho người bế nó ra thật xa, có gặp cũng làm như không thấy để nguôi ngoai đi nhưng vẫn không chịu được khi nghe tiếng Hàm Nhi khóc để rồi lại giàn giụa nước mắt bế con trở về. Mặt mũi, hàng mi của Hàm Nhi đều giống hệt cô. Săm soi từng chút một, trong lòng cô không khỏi u oán, tại sao nó lại không có lấy một nét giống như vị đế vương oai hùng nhưng xa vời trong mộng kia? Cũng may là môi Hàm Nhi rất mỏng, hoàn toàn giống như y. Cô cúi người xuống đưa tay lướt theo vành môi con gái kia, bỗng chợt trông thấy khuôn mặt nhìn nghiêng của mình trong gương, khuôn mặt thật quen thuộc, thật giống như người con gái kia, người mà cô từng ngưỡng mộ kính nể nhưng giờ đã thành oán hận. Nói cho cùng, nguyên nhân gây ra tất cả những cơ duyên và nỗi tịch mịch của cuộc đời cô chính là vì người đó.